Với sự chủ động, quan tâm của chính quyền địa phương, tuyến huyện, tỉnh trong cả nước đã, đang phát triển mạnh mẽ, từng bước khẳng định vị trí trong cả nước.
Hệ thống cơ sở khám, chữa bệnh (KCB) ở nước ta ngày càng được củng cố, hoàn thiện và phát triển. Các dịch vụ ngày càng đa dạng, nhiều công nghệ mới được nghiên cứu và ứng dụng trong chẩn đoán, điều trị bệnh. Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy công tác KCB, nhất là các cơ sở tuyến dưới đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do thiếu nhân lực có trình độ; khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, thiếu bác sĩ có chuyên môn tay nghề cao thuộc các chuyên khoa như: sản, nhi, tâm thần, lao...
Ngoài ra, có sự phân bố nhân lực không đều giữa các vùng, miền, giữa nông thôn và thành thị. Sự chênh lệch về thu nhập ở các tuyến tạo xu hướng dịch chuyển cán bộ có tay nghề cao, chuyên môn giỏi từ tuyến dưới lên tuyến trên, từ công lập ra dân lập dẫn đến năng lực cung cấp dịch vụ KCB còn nhiều hạn chế.
Được đầu tư trang thiết bị hiện đại BVĐK Đồng Tháp Mười giúp nhân dân trong khu vực không phải di chuyển xa để khám bệnh.
Có dịp đến thăm BVĐK huyện Phúc Thọ (Hà Nội), 6 năm trước, sẽ bắt gặp cảnh thiếu bác sĩ trầm trọng, cơ sở vật chất xuống cấp nghiêm trọng. Thời điểm đó, đây là BV hạng 3, có 15 khoa phòng, nhưng chỉ có 24 bác sĩ làm việc. Chất lượng “đầu vào” không cao, nhiều bác sĩ phải đi học thêm các chuyên khoa khác, cho nên có thời điểm chỉ có 14 bác sĩ làm việc. Thậm chí BV không có Khoa Sản, cho nên người dân trên địa bàn phải đến “đẻ nhờ” ở BV huyện khác. Nếu như trước tháng 7/2014, BV không tiến hành phẫu thuật được do thiếu bác sĩ gây mê, thì nay đã có thể phẫu thuật nội soi cho các trường hợp chửa ngoài tử cung, thủng dạ dày, viêm ruột thừa, thoát vị bẹn...
Từ khi thành lập Khoa Sản, đến nay mỗi tháng BVĐK huyện Phúc Thọ đón từ 180 - 200 trẻ ra đời, đáp ứng khoảng 70% nhu cầu sinh đẻ của toàn huyện và một số xã của các huyện lân cận.
Theo Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền, song song với đầu tư nguồn nhân lực, các BV tuyến huyện của thành phố đã được đầu tư mạnh về cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh và phát triển các kỹ thuật cao. Nhờ vậy, đến nay 100% các BV tuyến huyện đã triển khai phẫu thuật nội soi cắt túi mật, cắt u nang buồng trứng, viêm ruột thừa, u xơ tiền liệt tuyến... Các BV huyện: Ba Vì, Quốc Oai, Đan Phượng đã triển khai kỹ thuật chạy thận nhân tạo, nhiều BV huyện khác đã phát triển được các kỹ thuật của các BV hạng 1 trong lĩnh vực ngoại khoa, sản khoa, tim mạch... “Sự phát triển về chất lượng chuyên môn của các BV tuyến huyện đã thu hút người dân đến khám, góp phần giảm tải cho các BV tuyến trên” - ông Hiền nhấn mạnh.
Tại BVĐKKV Đồng Tháp Mười, thị xã Kiến Tường, tỉnh Long An có 4 phòng chức năng, 9 khoa lâm sàng, 6 khoa cận lâm sàng với 174 viên chức, lao động (trong đó có 20 BS, 14 BS chuyên khoa I, 1 BS chuyên khoa II và 1 thạc sĩ). Cùng với việc nâng cao trình độ chuyên môn cho các y, bác sĩ, BV được đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại: máy phá rung tim, monitor theo dõi bệnh nhân 5 thông số, máy đo SpO2 cầm tay, máy siêu âm màu 4D có 3 đầu dò, hệ thống phẫu thuật nội soi ổ bụng,... chất lượng dịch vụ y tế được nâng lên rõ rệt, giảm tỷ lệ bệnh nhân chuyển tuyến.
Ngoài ra, BV hiện còn có ngân hàng máu, hệ thống nội soi, phẫu thuật nội soi; máy chụp CT Scanner; máy Xquang kỹ thuật số; máy siêu âm 3D - 4D; hệ thống xét nghiệm Elisa tự động, bán tự động và 5 máy chạy thận nhân tạo,... BV triển khai một số kỹ thuật chuyên môn cao: phẫu thuật đục thủy tinh thể mắt bằng phương pháp Phaco; các phẫu thuật cấp cứu: thủng dạ dày, ruột thừa, thai ngoài tử cung bị vỡ, u nang buồng trứng, sỏi túi mật; phẫu thuật bắt con, thoát vị bẹn bằng phương pháp đặt lưới. Ngoài ra còn có các phẫu thuật chỉnh hình: nội soi ổ khớp (được BV Chợ Rẫy chuyển giao); nối thần kinh ngoại biên; tạo hình vạt da, ghép da,... nhờ vậy, BN được tiếp cận các dịch vụ y tế hiện đại.
Bà Nguyễn Thị Tiếu (ở khu phố 3, phường 1, thị xã Kiến Tường) nói: “Trình độ chuyên môn của y, bác sĩ lẫn máy móc tại BV đã rất tốt, thái độ của thầy Thu*c niềm nở, gia đình tôi yên tâm điều trị tại đây. Con gái tôi từng phẫu thuật sỏi túi mật và con rể phẫu thuật ruột thừa tại BVĐKKV Đồng Tháp Mười...”.
Giám đốc BVĐKKV Đồng Tháp Mười - BS. Chung Văn Kiều cho biết: “Nhờ có sự chuyển giao các kỹ thuật mới của BV Chợ Rẫy và BV Trưng Vương, trình độ và năng lực chuyên môn của y, bác sĩ được nâng lên. Qua đó, cải thiện khả năng cấp cứu và điều trị, thu hút ngày càng nhiều bệnh nhân đến khám và điều trị. Bình quân mỗi ngày, BV tiếp nhận từ 160-170 bệnh nhân nội trú, 600-700 bệnh nhân ngoại trú, không chỉ người dân trong và ngoài thị xã mà còn có người dân Campuchia khu vực giáp ranh biên giới. Đặc biệt, có 16 bệnh nhân chạy thận xuyên suốt tại BV”.
Trước kia, người bệnh mắc sỏi niệu quản ở Quảng Yên, Quảng Ninh phải chuyển về BV tuyến tỉnh, nhưng hiện Trung tâm y tế thị xã Quảng Yên đã điều trị tại chỗ được căn bệnh này qua phương pháp nội soi tán sỏi niệu quản ngược dòng bằng laser. Bệnh nhân Lê Sĩ Mai (phường Nam Hòa, thị xã Quảng Yên) nhập viện do bị sỏi niệu quản. Ông Mai chia sẻ: Khi tới thăm khám, được bác sĩ tư vấn, tôi quyết định không lên tuyến trên chữa trị. Bên cạnh việc tin tưởng chuyên môn, tôi rất hài lòng bởi sự nhiệt tình, chu đáo, luôn có mặt kịp thời để theo dõi tình hình sức khỏe bệnh nhân của các y, bác sĩ tại trung tâm.
Không chỉ làm tốt phân tuyến chuyên môn kỹ thuật, những năm gần đây, các đơn vị y tế tuyến huyện của tỉnh Quảng Ninh đã thực hiện được nhiều kỹ thuật cao, khó của tuyến tỉnh. 100% đơn vị y tế đã thực hiện được kỹ thuật phẫu thuật nội soi. Đồng thời làm chủ nhiều kỹ thuật mới như: xử lý vết thương trong chấn thương, vết thương tim trong chấn thương, phẫu thuật sọ não, thận nhân tạo, mổ phaco thay thủy tinh thể, chụp cắt lớp vi tính và nhiều kỹ thuật khó khác... Hiện nay, các TTYT tuyến huyện đã cung cấp khoảng 50% kỹ thuật tương đương tuyến tỉnh.
Trong năm 2018, các TTYT tuyến huyện của Quảng Ninh đã khám bệnh cho trên 990.000 lượt người bệnh, trong đó có trên 140.000 người điều trị nội trú, nhờ đó giảm tỷ lệ chuyển tuyến tỉnh.
Chất lượng KCB tại tuyến huyện ngày càng tăng, nhiều đơn vị đã thực hiện được các kỹ thuật của tuyến trên, góp phần tăng khả năng tiếp cận dịch vụ của người dân lên đến gần 50% số thẻ đăng ký KCB ban đầu tại bệnh viện/trung tâm y tế huyện...
Tuy nhiên, y tế cơ sở cả tuyến huyện và tuyến xã còn nhiều hạn chế về chất lượng chuyên môn, chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân, khiến người bệnh thiếu tin tưởng và thường vượt lên tuyến trên, gây nên tình trạng quá tải tại BV tuyến tỉnh, Trung ương.... Điều này do tổ chức hệ thống y tế chưa ổn định, lúc nhập vào, lúc tách ra, chất lượng nguồn nhân lực còn yếu. Về nền tảng và tiềm năng, nhìn chung chất lượng chưa cao và thiếu đồng bộ. Đầu tư cho y tế cơ sở còn thấp. Chính sách đãi ngộ cho nhân viên y tế cơ sở chưa thỏa đáng; nhận thức, quan điểm chỉ đạo của cấp chính quyền và cơ quan y tế chưa quan tâm đến y tế cơ sở... Nguồn nhân lực tại y tế cơ sở còn thiếu về số lượng, yếu về chất lượng, có xu hướng bác sĩ không muốn làm việc tại cơ sở mà muốn làm việc ở tuyến trên hoặc khu vực tư nhân.
Để y tế cơ sở cần phải được củng cố và đầu tư một cách thỏa đáng để có thể đảm nhiệm vai trò là “người gác cổng” trong hệ thống y tế, thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu. UBND các tỉnh, thành phố cần phải bố trí ngân sách địa phương cho việc thực hiện Đề án xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở trong tình hình mới theo Quyết định 2348/QĐ-TTg ngày 5/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ, ưu tiên bố trí vốn ngân sách Trung ương thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới để đầu tư các trạm y tế xã chưa đạt chuẩn Quốc gia.