Pháp luật hôm nay

Nhà mạng “nuốt” tiền của khách hàng?!

Những chiêu trò móc tiền khách hàng của các nhà mạng qua dịch vụ 3G cộng với thực trạng tin nhắn rác hoành hành đang khiến dư luận rất bức xúc trong thời gian gần đây.
Những chiêu trò móc tiền khách hàng của các nhà mạng qua dịch vụ 3G cộng với thực trạng tin nhắn rác hoành hành đang khiến dư luận rất bức xúc trong thời gian gần đây. Đặc biệt là cách tính cước 3G mập mờ như hiện nay, nhiều khách hàng bị trừ dung lượng một cách chóng mặt, có dung lượng miễn phí không được sử dụng, thậm chí dù không đăng ký sử dụng dịch vụ 3G nhưng hằng tháng vẫn bị tính tiền.

“Thượng đế” chịu nhiều thiệt thòi

Một khách hàng sử dụng dịch vụ 3G của MobiFone cho biết: “Trong thời gian qua, tôi dùng gói cước Max 70.000 đồng của MobiFone. Bình thường chưa khi nào hết dung lượng tốc độ cao, nhưng 2 tháng gần đây, dung lượng tốc độ cao rất nhanh hết. Khi đăng ký mua thêm gói 100.000 đồng nhưng cũng chỉ vài ngày lại hết sạch dung lượng. Tôi không biết nhà mạng trừ dung lượng theo cách nào và khách hàng không có cách gì để kiểm tra được”. Không những trừ dung lượng chóng mặt, khách hàng còn bức xúc vì có dung lượng miễn phí mà không được sử dụng. Anh Vũ Đình Tùng - một thuê bao của Viettel phản ánh, tôi đăng ký gói Mimax 70.000 đồng/tháng. Sau đó, có đăng ký gói gọi 750 phút và 750MB dung lượng truy cập miễn phí. Khi gói Mimax hết dung lượng truy cập internet tốc độ cao, tôi nhận được tin nhắn mời mua thêm dung lượng. Thắc mắc vì mình còn dung lượng miễn phí chưa sử dụng nên tôi đã gọi điện hỏi tổng đài. Sau đó, một nhân viên của nhà mạng cho biết, do 2 gói cước khác nhau nên khách hàng không thể sử dụng số dung lượng miễn phí đó. Khi được hỏi tại sao không giải thích rõ ràng với khách hàng ngay từ đầu thì nhà mạng trả lời do thiếu sót mà cũng không có giải pháp đền bù thỏa đáng nào.

Một điều đáng nói nữa, đó là hiện nay xuất hiện thực trạng nhiều khách hàng dù không đăng ký sử dụng dịch vụ 3G nhưng hằng tháng vẫn bị tính tiền.

Khi có khiếu nại với nhà mạng thì được giải thích do khi khách hàng mở wifi nhưng sóng yếu, máy sẽ tự động chuyển sang chế độ tự kết nối GPRS. Vì vậy, khách hàng cần phải nhắn tin hủy theo cú pháp của nhà mạng. Từ việc này, nhiều khách hàng mới vỡ lẽ thêm là điện thoại của mình đã được cài sẵn một số dịch vụ khác như chuyển cuộc gọi, giữ chờ cuộc gọi, nhận SMS khuyến mãi... và nếu không muốn sử dụng phải nhắn tin xin hủy(?). Theo tìm hiểu của phóng viên, hiện nay, theo công bố của các nhà mạng, đơn vị lưu lượng tính cước tối thiểu là 50KB, phần lẻ nhỏ hơn 50KB cũng được tính tròn thành 50KB. Nếu không đăng ký gói cước 3G nào thì mức phí mặc định là 75đồng/50KB. Nếu đăng ký các gói cước thông thường, khi hết dung lượng miễn phí tốc độ cao sẽ tính phát sinh cước ngoài gói là 75đồng/50KB. Dung lượng sử dụng được tính trên tổng dung lượng upload và download dữ liệu. Ngoài ra, có thêm một điều khoản bất lợi khác là dung lượng miễn phí của các gói cước đăng ký chỉ tính trong vòng 30 ngày sau khi đăng ký. Như vậy, nếu tháng trước khách hàng không sử dụng hết dung lượng trong gói đăng ký cũng không được chuyển sang cho tháng sau, nhưng khi vượt dung lượng cung cấp thì phải chịu tính thêm tiền.

Quyền lợi người tiêu dùng đang bị xâm hại?

Liên quan đến thực trạng này, ông Vương Ngọc Tuấn - Phó Tổng Thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas) cho biết, nhà mạng lẽ ra phải minh bạch thông tin để người tiêu dùng lựa chọn dịch vụ chứ không phải nghiễm nhiên cài đặt ứng dụng, người dùng cứ dùng, trừ tiền cứ trừ tiền. Theo ông, đây chính là biểu hiện xâm hại, vi phạm quyền lợi của người dùng khi họ không có quyền được lựa chọn, không được thông tin minh bạch từ dịch vụ. Cộng thêm việc ép phải nhận thông tin không mong muốn hay thông tin cá nhân của chủ thuê bao không được bảo mật, có thể nói nhà mạng đang xâm hại người tiêu dùng cả về vật chất lẫn tinh thần.

Trước đó, Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông đã phát hiện các nhà mạng đã sử dụng một hình thức phát tán tin nhắn rác dạng flash. Tin nhắn rác này có đặc tính tự động xuất hiện trên điện thoại người dùng, buộc người dùng phải mở tin nhắn và tin nhắn tự động biến mất, không nằm trên điện thoại người nhận. Khi người dùng mở tin nhắn thì sẽ kích hoạt ứng dụng trên sim có sẵn, như là Liveinfo của nhà mạng VinaPhone hay V-Live của MobiFone để gửi tin nhắn tới các đầu số và thu cước người dùng. Đáng chú ý, tình trạng tích hợp ứng dụng trên sim của các nhà mạng cho phép tải thông tin và tính phí nhưng không niêm yết rõ ràng, chính xác giá cước, không có thông tin cảnh báo về giá cước, không cho phép người sử dụng xác nhận đồng ý, không đồng ý tải dịch vụ với mức phí được đưa ra tồn tại ở cả ba nhà mạng chiếm thị phần chi phối.

Thực tế cho thấy, không dễ để người dùng bình thường có thể nắm rõ cũng như hiểu cách tính cước 3G của các nhà mạng, trong khi nhà mạng lại không có sự tư vấn rõ ràng khi cung cấp dịch vụ. Do vậy, người dùng cần có biện pháp kiểm soát các ứng dụng trong điện thoại cũng như tỉnh táo khi nhận được tin nhắn nhằm tránh bị rơi vào các trường hợp mất tiền oan.

Tuấn Kiệt

Mạng Y Tế
Nguồn: Nguồn Internet (news-nha-mang-nuot-tien-cua-khach-hang-9631.html)

Chủ đề liên quan:

khách hàng nhà mạng

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY