Bệnh theo mùa hôm nay

Những căn bệnh dễ mắc phải khi trời trở lạnh vào thu

Một số căn bệnh rất dễ mắc phải trong giai đoạn chuyển mùa, chẳng hạn như sốt, cảm lạnh, viêm đường hô hấp, viêm phế quản hay đau nhức xương khớp.

Ảnh minh họa

Sốt hay gặp trong thời điểm giao mùa là sốt do virut, biểu hiện dưới các dạng như sốt phát ban, cúm... nền nhiệt độ từ 38,5oC trở lên. Đối tượng bệnh là người già và trẻ em do sức đề kháng yếu.

Triệu chứng thường gặp và dễ nhận biết khi mắc sốt do virut là sốt, hắt hơi liên tục, chảy nước mắt nước mũi, đỏ mắt, đau nhức cơ, khớp, đau đầu... Nếu ở thể nhẹ, người bệnh có thể sốt từ 3-5 ngày, sau đó tự khỏi. Ở thể nặng hơn người bệnh sốt li bì 5-7 ngày và dễ gặp các biến chứng viêm long đườnghô hấpcấp trên, viêm phổi...

Sốt virut lây truyền nhanh qua đường hô hấp (ho, hắt hơi) nhất là trong môi trường tập thể: trường học, công sở, nơi công cộng. Để phòng tránh sốt virut, cần giữ vệ sinh cá nhân tốt, thường xuyên vệ sinh răng miệng bằng nước muối hoặc nước súc miệng fluor.

Do thời tiết nóng lạnh thất thường, độ ẩm không khí cao nên phải giữ ấm cơ thể, nhất là vùng cổ và ngực. Đặc biệt là vào lúc sáng sớm và buổi tối hay khi ngủ.

Lưu ý là sốt do cúm thường lạnh từ bên trong cơ thể ra, do đó không nên mặc quần áo quá dày, không đắp nhiều chăn. Cho người bệnh uống nhiều nước, ăn nhiều hoa quả. Tăng cường chế độ dinh dưỡng, cung cấp cho cơ thể đủ lượng calo cần thiết để tăng sức đề kháng, nên ăn thức ăn khi còn ấm.

Năng tập luyện nâng cao sức khỏe phòng chống bệnh tật. Giữ trong, ngoài nhà sạch sẽ, thoáng mát, thông khí tốt. Khi ốm sốt vẫn cần lau rửa, tắm giặt, vệ sinh mũi họng, cơ thể hàng ngày sạch sẽ.

Cảm lạnh là vào mùa thu khi đi ngoài trời bị mưa ướt, nằm ngủ bật quạt thốc thẳng vào đầu và người hoặc khi thời tiết thay đổi. Dấu hiệu bị cảm lạnh là nhức đầu, nóng sốt, ớn lạnh, đau ê ẩm khắp toàn thân, đau họng, ho...

Viêm đường hô hấp trên (viêm họng, VA, amidan) cấp tính và mạn tính: Khi viêm hô hấp cấp tính gây sốt cao kèm ho, hắt hơi, chảy nước mũi, nghẹt mũi, thay đổi giọng, niêm mạc họng đỏ (trẻ em nôn nhiều, quấy khóc). Nếu không kịp thời chữa trị dứt điểm sẽ diễn tiến thành viêm phế quản, viêm phổi và chuyển thành mạn tính.

Viêm phế quản là bệnh rất nhạy cảm, khó thích ứng với biến đổi thất thường của khí hậu, trẻ em càng dễ mắc. Bệnh gây khó thở, khò khè, ho nhiều về đêm và sáng, có đờm,… Nên sớm đến bác sĩ để được dùng Thu*c thích hợp vì bệnh khó khỏi hẳn, dễ tái phát.

Viêm thanh quản, khí quản, tiểu phế quản, phổi ít gặp hơn nhưng khi mắc thường hay bị nặng. Mùa này 3 loại virut cúm A, B, C gây bệnh viêm đường hô hấp cấp bùng phát mạnh, trong đó cúm A dễ tạo thành dịch, biến chứng có thể gây viêm xoang cấp, viêm tai giữa.

Các chứng bệnh viêm phổi, viêm tắc thanh quản và khí quản gây ho nhiều và dữ dội về ban đêm, thở khò khè, thậm chí ớn lạnh, sốt, đau đầu, buồn nôn và nôn... Các triệu chứng này biểu hiện bệnh đã nặng, cần đi khám chữa ngay, không nên tự chữa ở nhà, nhất là đối với trẻ nhỏ.

Đau nhức xương khớp là bệnh điển hình vào mùa thu, nó không chỉ xảy ra đối với người cao tuổi, hiện nay, phụ nữ sau tuổi 35 đều có thể bị bệnh khớp.

Để hạn chế đau nhức xương khớp trong mùa thu, người cao tuổi nên chú ý ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, tăng cường sức đề kháng của cơ thể. Giữ ấm cơ thể khi trời lạnh thất thường. Điều chỉnh mức độ tập luyện phù hợp thể trạng từng người.

Theo Xuân Trang - Kiến thức Gia đình số 38

Mạng Y Tế
Nguồn: Alo bác sĩ (http://alobacsi.com/nhung-can-benh-de-mac-phai-khi-troi-tro-lanh-vao-thu-n291543.html)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY