Các bác sĩ ngày 1/7 cho biết ba em bé là con sản phụ tại huyện Cẩm Khê. Mẹ bé mang thai nhờ kỹ thuật bơm tinh trùng vào buồng tử cung (IUI). Trong quá trình mang thai, chị không khám thai đầy đủ, chỉ siêu âm thai tại phòng khám tư nhân.
Đến tuần thai thứ 26, sản phụ đau bụng, có dấu hiệu chuyển dạ. Chị sinh thường ba em bé, cân nặng 600 gam mỗi bé. Sau sinh, các bé đều suy hô hấp nặng, ngừng tuần hoàn, được các bác sĩ cấp cứu ngay tại phòng sinh và chuyển đến Đơn nguyên Hồi sức tích cực sơ sinh, Khoa Sơ sinh, điều trị.
Bác sĩ Nguyễn Đức Hậu, Trưởng khoa Sơ sinh, cho biết đối với trẻ sinh cực non và cân nặng thấp như vậy, cuộc chiến giành lại sự sống cho các bé khó khăn với tiên lượng dè dặt. Đặc biệt, trong quá trình điều trị, việc chăm sóc cần thật tỉ mỉ, cẩn thận. Các bác sĩ phải cân nhắc từng loại Thu*c cho bé, không thừa hay thiếu từng mililit dịch nuôi dưỡng, đảm bảo nhiệt độ và độ ẩm để tránh tình trạng hạ thân nhiệt, mất nước, luôn sát sao về vấn đề kiểm soát nhiễm khuẩn.
Bệnh nhi được bơm Thu*c surfactant ngay thời điểm chuyển vào nằm lồng ấp, thở máy chỉ số cao, đặt các đường truyền duy trì dịch nuôi dưỡng và Thu*c vận mạch, đặt catheter động mạch theo dõi huyết áp. Trong quá trình điều trị, bệnh nhi được truyền máu, dùng kháng sinh, Thu*c đóng ống động mạch...
Các bác sĩ nỗ lực chăm sóc và điều trị, tuy nhiên, em bé thứ nhất, thứ hai lần lượt qua đời. Gia đình nhiều lần xin cho em bé còn lại ra viện, từ chối tiếp tục điều trị. Tuy nhiên, các bác sĩ động viên gia đình tiếp tục điều trị bé. Sau 10 ngày thở máy xâm nhập, bé được rút ống nội khí quản, thở máy không xâm nhập. Sau một tháng điều trị trong phòng Hồi sức tích cực sơ sinh, bé tiến triển tốt, các chỉ số xét nghiệm trong giới hạn bình thường, cân nặng đã đạt 1.000 gam.
Thời gian tới, các bác sĩ duy trì chăm sóc, tập cho bé bú bình, cai máy thở, giúp cháu đủ điều kiện về với mẹ.
Bác sĩ Hậu khuyến cáo thai phụ cần có chế độ ăn uống nghỉ ngơi hợp lý, khám thai định kỳ, để có thể phát hiện và xử trí kịp thời các vấn đề bất thường.
Bé tiến triển tốt, cân nặng tăng lên 1.000 gam sau 38 ngày điều trị. Ảnh: Bệnh viện cung cấp