Sức khỏe và đời sống hôm nay

Sức khỏe và đời sống

Rà soát quy trình mua máy xét nghiệm Covid-19

Sau vụ việc xảy ra tại CDC Hà Nội liên quan đến hành vi nâng giá máy xét nghiệm Covid-19 để trục lợi, cùng với đó, những ngày qua nhiều thông tin về sự “nhập nhằng” của các địa phương khác về tình trạng số tiền mua máy xét nghiệm PCR, Bộ Y tế đã liên tiếp ban hành 2 công văn, yêu cầu các địa phương báo cáo về việc mua sắm máy Realtime PCR tự động phục vụ xét nghiệm Covid- 19.

Rà soát quy trình mua máy xét nghiệm Covid-19

Cụ thể, tại Công văn số 2154/BYT-KH-TC, Bộ Y tế đề nghị các đơn vị báo cáo kết quả mua sắm hệ thống máy Real-time PCR tự động và toàn bộ các bộ phận cấu thành của hệ thống đã mua từ ngày 1/1/2019 đến nay bằng tất cả các nguồn tiền của đơn vị để phục vụ công tác xét nghiệm nói chung và xét nghiệm chẩn đoán SARS-CoV-2 nói riêng tại các đơn vị. Các đơn vị gửi khẩn báo cáo về Vụ Kế hoạch -Tài chính thuộc Bộ để tổng hợp, báo cáo lãnh đạo Bộ.

Tiếp đó, tại Công văn số 2288/BYT-KH-TC ban hành ngày 24/4/2020 gửi các đơn vị trực thuộc Bộ (các Viện, Bệnh viện, Trường ĐH và các Bệnh viện thuộc trường) và Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Y tế các Bộ, ngành và một số Bệnh viện tư nhân đề nghị báo cáo kết quả mua sắm hệ thống máy Real-time PCR tự động phục vụ công tác xét nghiệm.

Bộ Y tế đề nghị các địa phương, đơn vị tiếp tục thu thập bổ sung số liệu và tổng hợp báo cáo về kết quả mua sắm hệ thống máy Real-time PCR tự động của Hãng Quiagen (Đức) và toàn bộ các bộ phận cấu thành của hệ thống trên địa bàn về Bộ Y tế. Thời gian báo cáo bổ sung thêm gồm tất cả các hợp đồng đã được ký kết từ ngày 1/3/2018 đến ngày 29/2/2020 (2 năm)…

Liên quan đến vụ việc nói trên, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh đã có chỉ đạo rà soát toàn bộ hồ sơ, thủ tục liên quan việc mua sắm máy Realtime PCR tự động để xét nghiệm Covid-19 và các thiết bị y tế được đầu tư trong dịp này. Bên cạnh đó là thanh tra toàn diện công tác quản lý, sử dụng nguồn ngân sách phục vụ phòng chống dịch Covid-19. Tại Hải Phòng, thông tin từ UBND TP cho biết, để đáp ứng kịp thời nhu cầu sử dụng thiết bị, Sở Y tế Hải Phòng đã có văn bản đề nghị Công ty TNHH Y tế Phương Đông hỗ trợ cho mượn 1 hệ thống thiết bị Realtime RT PCR trong thời gian chưa hoàn tất thủ tục mua sắm thiết bị. Hiện nay, Sở Y tế đang triển khai các thủ tục để thực hiện việc mua sắm hệ thống máy xét nghiệm tự động nói trên.

Đại diện Sở Y tế Bắc Giang cũng cho biết, Sở đã đề xuất mua thiết bị do Bắc Giang thiếu máy tách chiết mẫu. Nhưng việc mua sắm vẫn đang trong quá trình xem xét. BV Phổi trung ương cho hay BV đang có dự án nghiên cứu, nên mượn được một hệ thống thiết bị Realtime PCR. Theo đó, thiết bị xét nghiệm mà BV này hiện có là đang đi mượn. Còn tại Ninh Bình, một trong số địa phương đã lắp thiết bị xét nghiệm Realtime PCR sớm tại BV Đa khoa tỉnh, lãnh đạo bệnh viện cho biết đơn vị này đấu thầu qua mạng là hình thức đấu thầu được phép, không phải chỉ định thầu…

Đức Trân

Mạng Y Tế
Nguồn: Đại đoàn kết (http://daidoanket.vn/cac-benh-dich/ra-soat-quy-trinh-mua-may-xet-nghiem-covid-19-tintuc465129)

Tin cùng nội dung

  • Ebola là gì? Các triệu chứng thường gặp? Các đối tượng có nguy cơ mắc bệnh Ebola? Hướng dẫn xét nghiệm và chẩn đoán nhiễm virus Ebola.
  • Xét nghiệm dung nạp đường huyết, được sử dụng để chẩn đoán bệnh đái tháo đường týp 2, hoặc tình trạng rối loạn dung nạp đường huyết, tình trạng có thể dẫn đến bệnh đái tháo đường.
  • Đo chức năng thận bằng xét nghiệm máu thường quy là một trong những xét nghiệm thường được thực hiện.
  • Các xét nghiệm đông máu được sử dụng để chẩn đoán và đánh giá các vấn đề về chảy máu, và để theo dõi trên những người sử dụng warfarin hay các Thu*c chống đông máu khác.
  • Xét nghiệm máu là một loại xét nghiệm phổ biến, giúp chẩn đoán, theo dõi mức độ nghiêm trọng của một số bệnh, và kiểm tra nhóm máu của bạn, trước khi được truyền máu.
  • Xét nghiệm kháng nguyên và kháng thể giúp xác định một số loại bệnh nhiễm trùng nhất định và một số rối loạn khác.
  • Tốc độ lắng máu hay tốc độ lắng hồng cầu (erythrocyte sedimentation rate - ESR), protein C phản ứng (C-reactive protein - CRP) và độ nhớt huyết tương (plasma viscosity - PV) là các xét nghiệm máu thường được sử dụng để phát hiện sự gia tăng protein, và là dấu hiệu của viêm.
  • Xét nghiệm chức năng tuyến giáp là xét nghiệm máu giúp kiểm tra chức năng tuyến giáp. Các xét nghiệm này chủ yếu được sử dụng để phát hiện suy giáp (thiểu năng tuyến giáp hay còn gọi là nhược giáp) và cường giáp (tuyến giáp hoạt động quá mức).
  • Xét nghiệm đánh giá độ lọc cầu thận (eGFR) được sử dụng không phải để trực tiếp chẩn đoán các bệnh về thận mà nhằm đánh giá hoạt động chức năng của thận có tốt hay không.
  • Những điều cần biết khi thực hiện xét nghiệm di truyền.
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY