Nếu ai đó nói rằng, tôi không cần tình yêu mà vẫn sống tốt thì có lẽ đó là dối lòng, sự giả dối với chính mình. Dù sống ở bất kỳ quốc gia nào, sở hữu bất kỳ màu da nào, dân tộc nào đi chăng nữa thì tình yêu vẫn là thứ mà con người luôn muốn chinh phục và mong có được.
Nếu ai đã cảm nhận, đã thấu hiểu và đã từng có được tình yêu thì sẽ nhận thấy rõ rằng tình yêu biến những điều vô nghĩa của cuộc đời thành những gì có ý nghĩa, làm cho những bất hạnh trở thành hạnh phúc.
Bởi vậy, chân lý cuối cùng trên cõi đời vẫn chỉ là tình yêu: Yêu là sống và còn sống là còn yêu. Vậy mới thấy rất nhiều người từng tuyên bố hùng hồn rằng “sẽ yêu đến hơi thở cuối cùng”; “Tim còn đập là còn yêu”, “Máu ngừng chảy mới hết yêu”…
|
Ảnh minh họa: KT |
Tình yêu không phân biệt tôn giáo, màu da, không phân biệt tuổi tác, bởi thế không ai cấm bạn yêu cả và càng không cấm chúng ta nói ra những lời yêu thương, những câu nói tưởng chừng như cũ rích nhưng đem lại cho đối phương sự rung cảm đến nghẹn ngào. Đặc biệt trong cuộc sống, phái nữ luôn là người thích được nói những câu yêu thương mà cụ thể luôn miệng hỏi người yêu hay chồng câu hỏi ngàn năm vẫn thế “Anh có yêu em không”.
Vậy tại sao phụ nữ lại thích nói câu đó mặc dù biết trước được câu trả lời của người kia. Cùng một câu nói đó những trong lòng mỗi người phụ nữ lại có những nỗi niềm khác nhau.
Một chị bạn chia sẻ với tôi rằng, mặc dù biết rất rõ chồng mình phản ứng như nào hay nói những lời gì nếu nghe vợ hỏi câu đó nhưng chị vẫn hỏi. Mặc dù tình cảm vợ chồng hơn 10 năm qua vẫn đều đều như vậy, cũng có những lúc “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt”, cũng có lúc “cháy bỏng như thuở đôi mươi”, nhưng thói quen hỏi câu đó với chồng thì lúc nào cũng thế.
Cũng chẳng biết cuộc đời sẽ ra sao nhưng với phụ nữ thì luôn thấy cô đơn và bất ổn trong lòng. Chình vì thế mà chị bạn tôi muốn được chồng yêu và luôn nói lời yêu thương, chia sẻ. Phụ nữ là hay đa nghi nên lúc nào cũng sợ người đàn ông đó không còn yêu mình nhiều hay là không còn yêu nữa nên thành ra mới hay hỏi câu “Anh có yêu em không?” là như vậy.
Cũng một chị bạn khác tên Vân thì lại nhí nhảnh nói với tôi rằng, “ngày nào Vân cũng hỏi chồng câu đó. Nhiều khi ông chồng nói với vợ rằng, ‘em có bị điên không đấy. Già rồi còn yêu đương gì nữa’. Thật ra đơn giản Vân chỉ muốn có thêm một chút lãng mạn trong cuộc sống. Chứ không suốt ngày cơm áo gạo tiền, con cái làm cho cuộc sống quá đỗi căng thẳng, ngột ngạt. Hay như đôi khi quá thấy nhàm bởi cuộc sống cứ đều đều ngày nào cũng như ngày nào. Vậy nên hỏi ‘Anh có yêu em không?’ cũng là để hâm nóng những cặp vợ chồng hết lãng mạn như Vân”.
Còn với chị Hà, một tuýp phụ nữ thành đạt trong cuộc sống cũng không ngoại lệ. Rất đơn giản, với chị câu hỏi “Anh có yêu em không?” khi hỏi chồng là thước đo xem trong lòng họ, mình có còn giữ vị trí quan trọng như thời mới yêu hay không? Mặc dù biết rõ rằng, quãng thời gian 15 năm ở bên nhau mọi thứ cũng mòn đi nhưng chí ít thì tình cảm vẫn một cần sợi dây níu nhau lại. Nhưng muốn dây níu chặt thì đòi hỏi đôi bên luôn biết hâm nóng tình cảm để cả hai luôn nhìn thấy nhau mới mẻ, hấp dẫn. Câu hỏi "Anh có yêu em không?", nghĩ là cũ nhưng cũng rất có ma lực.
Tuy nhiên đàn bà đúng là đa nghi nhất là trong tình cảm. Vì thế dù đang ở trong một mối quan hệ nồng thắm nhất thì họ cũng luôn thấy bất ổn, thiếu tự tin, trái tim luôn quặn lại với những suy nghĩ lo âu. Phụ nữ hỏi là muốn được nhẹ lòng, muốn được nghe câu trả lời thân thương ngập tràn hương vị tình yêu từ đối phương. Giây phút chờ đợi câu trả lời, hồi hộp khó diễn tả lắm. Mặc dù câu hỏi đó được lặp lại hết từ ngày này qua ngày khác, năm này qua năm khác, mà cảm giác hồi hộp đó không hề thay đổi.
Đa nghi là vậy nhưng mà phụ nữ cũng rất trẻ con. Khi đón nhận câu trả lời từ người đàn ông của mình, dù thật lòng hay không chăng nữa, thì họ vẫn đón nhận với sự kiêu hãnh của đàn bà.
Vậy nên, nếu một ngày nào đó, người yêu hay vợ mình thủ thỉ bên tai với câu hỏi tưởng như nhàm chán “Anh có yêu em không?”, thì hãy đón nhận một cách trân trọng và nâng niu họ như cánh hồng mong manh. Chỉ một câu trả lời ngọt ngào cũng đủ để phụ nữ vượt qua bão giông để bảo vệ tổ ấm, bảo vệ người đàn ông của mình./.