Theo báo cáo của Trung tâm Y tế huyện Con Cuông (Nghệ An), ngày 27/8 trên địa bàn huyện bắt đầu xuất hiện bệnh nhân mắc SXH đầu tiên, đến ngày 22/9, đã có 20 bệnh nhân mắc SXH, các ca bệnh tập trung ở khối 2, khối 3, khối 6 thị trấn Con Cuông.
Trong đó có 4 ca được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Khu vực Tây Nam (ĐKKVTN), Nghệ An; 02 ca có diễn biến nặng phải chuyển xuống Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa tỉnh Nghệ An để điều trị. 16 ca đã được điều trị khỏi bệnh .
Bác sĩ Lô Anh Tuấn, Phó Giám đốc TTYT huyện Con Cuông cho biết: “Ngay sau khi có bệnh nhân mắc SXH, TTYT đã phối hợp với UBND thị trấn đẩy mạnh công tác truyền thông về phòng bệnh SXH; khuyến cáo, vận động người dân thực hiện vệ sinh môi trường, thu gom các vật dụng có thể chứa nước, không để muỗi sinh sản… đồng thời TTYT triển khai giám sát ca bệnh, thực hiện phun hóa chất diệt muỗi những nơi trọng điểm, khu vực có bệnh nhân mắc SXH”.
Trước diễn biến phức tạp của bệnh SXH, đoàn công tác của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Nghệ An (CDC Nghệ An) do TS Nguyễn Văn Định, Giám đốc làm trưởng đoàn đã đi kiểm tra thực tế công tác Phòng, chống SXH tại khối 2, khối 3, khối 6; công tác thu dung điều trị bệnh nhân tại Bệnh viện ĐKKVTN. Trong quá trình kiểm tra, giám sát cho thấy các chỉ số véc tơ vượt mức cảnh báo dịch.
Ts nguyễn văn định, giám đốc cdc nghệ an cho hay: “từ trước đến nay, trên địa bàn huyện con cuông chưa từng xuất hiện dịch bệnh sxh, nên chưa có kinh nghiệm trong công tác phòng, chống dịch bệnh này, vì vậy nguy cơ bùng phát dịch là rất lớn. chúng tôi đã yêu cầu ttyt huyện nhanh chóng triển khai các biện pháp khoanh vùng, dập dịch; tiến hành phun Thu*c diệt muỗi, hoá chất khử khuẩn môi trường tại các ổ dịch, sẵn sàng các phương án ứng phó.
Đồng thời, đề nghị chính quyền địa phương phải vào cuộc một cách quyết liệt, nâng cao hơn nữa tinh thần chống dịch, thường xuyên giám sát, đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền nâng cao ý thức nhận thức về phòng, chống bệnh SXH cho người dân bằng việc tổ chức các chiến dịch tổng dọn vệ sinh môi trường các khu vực dân cư, loại bỏ các dụng cụ, thiết bị tích trữ nước lâu ngày không có nắp, vì đây là nơi sinh sản của muỗi, thực hiện tốt khẩu hiệu “Không có bọ gậy, loăng quăng, không có SXH”.
Có thể nói, sau khi bão lũ đi qua, đây là thời điểm dễ bùng phát các loại dịch bệnh, nhất là dịch SXH. Đặc biệt tại những địa phương chưa từng xẩy ra dịch bệnh này.
Để kịp thời khống chế dịch bệnh, không để dịch lan rộng ra cộng đồng, ngoài những nỗ lực của ngành y tế, rất cần sự vào cuộc quyết liệt, của của cấp ủy, chính quyền địa phương về cả nhân lực, vật lực và sự hợp tác tích cực của người dân trong công tác phòng, chống dịch.