Môi trường hôm nay

Ô nhiễm môi trường

Sở Văn hóa,Thể thao và Du lịchYên Bái: Từng bước khẳng định thương hiệu Yên Bái trên bản đồ du lịch Việt Nam

(NBCL) Là tỉnh miền núi, nằm ở phía Tây Bắc của Tổ quốc, Yên Bái được thiên nhiên ưu ái ban tặng cho nguồn tài nguyên du lịch dồi dào và phong phú.

Nhận thức thế mạnh ấy, Yên Bái đã, đang tập trung nguồn lực đầu tư, đánh thức tiềm năng, xây dựng hệ thống sản phẩm du lịch đặc trưng, khác biệt, xây dựng và khẳng định thương hiệu du lịch Yên Bái trên bản đồ du lịch Việt Nam.

Miền đất của danh lam thắng cảnh

Yên Bái là một trong những địa phương được thiên nhiên ưu ái ban tặng phong cảnh thiên nhiên đa dạng, môi trường sinh thái trong lành với nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng như hồ Thác Bà - được ví như “Hạ Long trên núi”; cánh đồng Mường Lò - cánh đồng lớn thứ hai vùng Tây Bắc; Suối Giàng, Phình Hồ - nơi có chè Shan tuyết cổ thụ hàng trăm năm tuổi; Ruộng bậc thang Mù Cang Chải - Di tích Danh thắng quốc gia; đèo Khau Phạ; đỉnh Tà Chì Nhù; Khu bảo tồn thiên nhiên Nà Hẩu; đầm Vân Hội; Khu bảo tồn loài và sinh cảnh xã Chế Tạo, huyện Mù Cang Chải...

Là vùng đất lịch sử lâu đời, là mảnh đất quần tụ sinh sống của 30 dân tộc anh em, Yên Bái hiện có tới 86 di tích lịch sử  văn hóa đã được xếp hạng, trong đó có 13 di tích được xếp hạng cấp quốc gia, 746 di sản phi vật thể và gần 574 di sản vật thể... Nhiều lễ hội truỵền thống mang đậm bản sắc văn hóa các dân tộc trong tỉnh như: Hội Hạn Khuống của người Thái, lễ hội Lồng Tồng của người Tày, lễ hội Gầu Tào của người Mông...; đặc biệt là múa xòe Thái - Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia… cùng nền văn hóa ẩm thực độc đáo.

Đánh thức những tiềm năng

Vị trí địa lý ấy, nguồn tài nguyên thiên nhiên đa dạng, các giá trị văn hóa đặc sắc ấy đã tạo cho Yên Bái rất nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch sinh thái - nghỉ dưỡng, du lịch cộng đồng gắn với trải nghiệm các giá trị văn hóa truyền thống và du lịch tâm linh.

Để phát triển tương xứng với tiềm năng, thế mạnh sẵn có, trong thời gian qua tỉnh Yên Bái đã ban hành một số chủ trương, chính sách phát triển du lịch như: Nghị quyết 35-NQ/TU về đẩy mạnh phát triển du lịch tỉnh Yên Bái giai đoạn 2016 - 2020 định hướng đến 2025, Nghị quyết số 14/2018/NQ-HĐND với 7 chính sách hỗ trợ phát triển du lịch; Nghị quyết số 14/2017/NQ-HĐND về chính sách khuyến khích đầu tư vào tỉnh Yên Bái giai đoạn 2017 - 2020. Bên cạnh đó, tỉnh Yên Bái đang triển khai 02 Quy hoạch, gồm: Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia hồ Thác Bà, tỉnh Yên Bái đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030; Quy hoạch chi tiết khu du lịch Suối Giàng, xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn và gần đây nhất Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Quyết định số 1788/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án “Xây dựng Thương hiệu và Phát triển Du lịch tỉnh Yên Bái giai đoạn 2018 - 2020, tầm nhìn đến năm 2025”.

Tỉnh cũng quan tâm thu hút mời gọi các nhà đầu tư vào lĩnh vực du lịch như: Tập đoàn ALPHANAM với Dự án Công viên văn hóa, thể thao, du lịch và đô thị hồ Thác Bà; Tập đoàn TH True Milk (Công ty CP phát triển du lịch và nghỉ dưỡng Quốc tế Vân Hội) với Dự án Khu du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng phức hợp quốc tế. Công ty TNHH đầu tư và phát triển Thương nghiệp (ITD) với Khu nghỉ dưỡng An Bình trên khu vực hồ Thác Bà, xã Tân Hương, huyện Yên Bình. Công ty CP phát triển xanh Thịnh Đạt đầu tư các dự án du lịch tại huyện Văn Chấn và huyện Mù Cang Chải. Tỉnh cũng tăng cường hợp tác liên vùng, trong và ngoài nước như: Chương trình hợp tác phát triển du lịch 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng; Hợp tác với tỉnh Val de Marne Cộng hòa Pháp…

Yên Bái đang xây dựng hình thành 04 vùng du lịch trọng điểm gồm: Vùng du lịch hồ Thác Bà và sông Chảy (gồm huyện Yên Bình và Lục Yên); Vùng du lịch thành phố Yên Bái và phụ cận (gồm thành phố Yên Bái và phía Nam của huyện Trấn Yên); Vùng du lịch miền Tây của tỉnh (gồm 4 huyện: Văn Chấn, Mù Cang Chải, Trạm Tấu và thị xã Nghĩa Lộ); Vùng Du lịch Trấn Yên - Văn Yên (gồm phía bắc của huyện Trấn Yên và huyện Văn Yên).

Yên Bái cũng đang hướng tới xây dựng hệ thống sản phẩm du lịch đặc trưng, khác biệt nhằm tạo điểm nhấn về du lịch của vùng Tây Bắc với 5 dòng sản phẩm du lịch chính gồm: Du lịch sinh thái khám phá danh thắng quốc gia Ruộng bậc thang Mù Cang Chải; du lịch văn hóa, du lịch sinh thái vùng hồ Thác Bà; du lịch trải nghiệm sinh thái nước khoáng nóng Trạm Tấu… Du lịch cộng đồng gắn với văn hóa của các dân tộc Thái, Mông, được khai thác chủ yếu tại thị xã Nghĩa Lộ, huyện Mù Cang Chải và huyện Yên Bình. Du lịch mạo hiểm dù lượn “Bay trên mùa vàng” và “Bay trên mùa nước đổ”; săn mây trên đỉnh Tà Xùa, Tà Chì Nhù, huyện Trạm Tấu. Du lịch tâm linh dọc sông Hồng với hệ thống đền Đông Cuông, đền Tuần Quán, chùa Am kết nối với các tỉnh Lào Cai, Phú Thọ.Du lịch tham quan làng nghề được hình thành tại làng nghề dệt thổ cẩm xã Nghĩa An, làng nghề tranh đá quý Lục Yên, đá cảnh Suối Giàng, đá trắng Lục Yên...

Từng bước khẳng định thương hiệu

“Trồng cây cũng đến ngày hái quả”. Từ những nỗ lực hết sức tích cực, chủ động của các cấp, các ngành, trong đó chủ đạo là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Yên Bái cùng sự quan tâm tạo điều kiện của tỉnh, du lịch Yên Bái từng bước khẳng định thương hiệu, trở thành điểm đến ngày càng hấp dẫn du khách.

Những năm gần đây số lượt du khách đến với Yên Bái ngày càng tăng. Năm 2018 lượng khách tăng 10,5% so với năm 2017. Năm 2019, Yên Bái phấn đấu đón 700.000 lượt khách, trong đó có 150.000 lượt khách quốc tế với doanh thu 420 tỷ đồng.

Nhằm tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, tỉnh Yên Bái định hướng phát triển du lịch trong thời gian tới. Trong đó, ưu tiên thu hút đầu tư vào các nguồn lực đầu tư xây dựng hạ tầng các khu, điểm du lịch; các dự án vui chơi, giải trí chất lượng cao; hạ tầng dịch vụ, nhất là dịch vụ khách sạn, nhà hàng, khu giải trí, nghỉ dưỡng, làng ẩm thực, chợ đêm,… sản xuất hàng hóa tiểu thủ công nghiệp phục vụ du lịch; sản phẩm đặc sản của địa phương. Bên cạnh đó, hình thành phát triển sản phẩm du lịch đặc thù từng khu vực: du lịch văn hóa, du lịch sinh thái, vui chơi giải trí, tham quan, nghỉ dưỡng vùng hồ Thác Bà; Du lịch MICE, du lịch tâm linh vùng thành phố Yên Bái; khu vực Miền Tây: du lịch mạo hiểm (huyện Trạm Tấu); du lịch sinh thái kết hợp nghỉ dưỡng (huyện Mù Cang Chải), du lịch cộng đồng; du lịch cộng đồng gắn với trải nghiệm văn hóa các dân tộc (thị xã Nghĩa Lộ, huyện Văn Chấn, huyện Mù Cang Chải, huyện Yên Bình); du lịch tâm linh kết hợp sản phẩm du lịch sinh thái (huyện Văn Yên, huyện Lục Yên). Triển khai các dự án du lịch và hỗ trợ doanh nghiệp để phát triển các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí gắn với du lịch sinh thái ở quy mô lớn. Tiếp tục kêu gọi đầu tư để từng bước phát triển cơ sở hạ tầng trong du lịch, đặc biệt các cơ sở lưu trú hạng 3 sao trở lên và các khu resort mới tại khu vực miền Tây của tỉnh.

Phát triển cơ sở hạ tầng du lịch, đào tạo nguồn nhân lực, đa dạng các hình thức tuyên truyền quảng bá cũng là những nhiệm vụ trọng điểm trong thời gian tới của ngành du lịch Yên Bái. Bên cạnh đó, Sở Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Yên Bái cũng sẽ tiếp tục chỉ đạo tổ chức thường niên các sự kiện văn hóa, du lịch, lễ hội truyền thống tại các địa phương như: Lễ hộiVHDL Mường Lò và Lễ hội Khám phá danh thắng quốc gia Ruộng bậc thang Mù Cang Chải; Festival dù lượn “Bay trên mùa nước đổ” và “Bay trên mùa vàng”; Lễ hội bưởi Đại Minh và khám phá danh thắng quốc gia hồ Thác Bà…

Minh Diễn

Mạng Y Tế
Nguồn: Công luận (https://congluan.vn/so-van-hoathe-thao-va-du-lichyen-bai-tung-buoc-khang-dinh-thuong-hieu-yen-bai-tren-ban-do-du-lich-viet-nam-post72420.html)

Tin cùng nội dung

  • Văn hóa và văn minh thường là xung đột với nhau để xã hội phát triển mà vẫn giữ được bản sắc dân tộc. Đời này sang đời khác
  • Sau khi đọc bài “Quản lý giá Thu*c - Bao giờ mới thỏa mãn?” trên báo Sức khỏeĐời sống số 93 ngày 13/6/2014, tôi thực sự ngạc nhiên...
  • Điều kiện đấu thầu Dự án cải tạo Trường bắn thuộc Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia (TTHLTTQG) rất chặt chẽ, nghiêm chỉnh nhưng cả hai đơn vị “trúng” đều gây tranh cãi.
  • Luyện tập thể dục thể thao (TDTT) vừa sức sẽ giúp cho cơ bắp khỏe mạnh, máu huyết lưu thông dễ dàng. Ðó là yếu tố giúp tăng cường dinh dưỡng cho lớp sụn khớp. Cơ bắp khỏe mạnh sẽ giúp giảm lực đè ép lên khớp xương trong vận động.
  • Hầu hết người cao tuổi đều có nhu cầu vận động TDTT và tại các thành phố lớn chúng ta có thể thấy việc này trở thành một phong trào tương đối rộng từ gia đình cho tới cộng đồng.
  • Hiện nay các đơn vị y tế dự phòng trên toàn quốc thường có đủ các loại vắcxin cần thiết để bảo vệ cho người đi du lịch ra nước ngoài.
  • Sắp tới Giỗ tổ Hùng Vương được nghỉ lễ 5 ngày, gia đình tôi muốn đi du lịch kết hợp với khám sức khỏe luôn có được không? Còn 1 tháng nữa nhưng tôi phải lên kế hoạch từ bây giờ. Tôi nên đăng ký ở đâu, nhờ Mangyte hướng dẫn giúp. Xin cảm ơn nhiều! (Phúc Vinh - TPHCM)
  • Em là con gái, sức khỏe không tốt lắm (ba mẹ gọi là “cọng bún thiu”) nên em đi học võ để cải thiện. Mới học buổi đầu tiên mà em đã bị sưng mắt cá chân. Ban đầu đau nhẹ, em tưởng là không sao nhưng cuối ngày nó sưng to lên. Tình hình này em nghĩ là sẽ bị chấn thương dài dài (hic!). Mangyte cho em hỏi ở TPHCM có nơi nào chuyên điều trị chấn thương do thể thao không? Chắc là em phải làm bệnh nhân thân thiết ở đó quá! Cảm ơn Mangyte! (Mỹ Hạnh - kitty…@yahoo.com.vn)
  • Vận động cơ thể thường xuyên khiến cho mạch máu lưu thông tốt, tăng cường chuyển hóa các cơ quan trong cơ thể, đồng thời vận động thường xuyên làm săn chắc các nhóm cơ, tạo sức bền, chống béo phì.
  • Bài viết này giới thiệu một số lời khuyên giúp bạn khỏe mạnh và thoải mái khi đi du lịch nước ngoài.
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY