Tin y tế hôm nay

Tin y tế

Tại sao tăng cholesterol khi bị tiểu đường?

Bệnh đái tháo đường có liên quan chặt chẽ với tăng cholesterol máu, sự kết hợp này làm gia tăng đáng kể khả năng của một cơn đau tim hoặc đột quỵ.

Cholesterol là gì?

Cholesterol là chất béo được sản xuất từ tế bào gan và một phần từ thức ăn có nguồn gốc động vật. Cholesterol là thành phần quan trọng của lipid máu, có vai trò trong cấu tạo màng tế bào, cân bằng hormon trong cơ thể và sản xuất vitamin. Cholesterol trong cơ thể gồm 2 loại chính là cholesterol “tốt” và cholesterol “xấu”, ngoài ra một thành phần khác của lipid máu cũng rất quan trọng là triglyceride

Cholesterol tốt (HDL-C): chiếm khoảng 1⁄4 - 1⁄3 tổng số cholesterol trong máu, HDL-C được xem là cholesterol tốt bởi vì chúng vận chuyển cholesterol từ máu về gan, đồng thời đưa cholesterol ra khỏi mảng xơ vữa thành mạch, giúp làm giảm nguy cơ xơ vữa động mạch cũng như các biến cố tim mạch khác.

Cholesterol xấu (LDL-C): dẫn đến sự gia tăng chất béo ở động mạch, nếu hàm lượng LDL cao trong máu, sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch.

Triglycerides: là một chất béo trung tính trong máu, nếu có lượng triglyceride và LDL cao, nguy cơ mắc nhồi máu cơ tim và tai biến mạch máu não càng cao.

Khi lượng cholesterol toàn phần, LDL và triglyceride tăng cao sẽ gây lắng đọng ở thành mạch, lâu ngày trở thành các mảng xơ vữa khiến mạch máu bị xơ cứng và thu hẹp dần. Sự tuần hoàn máu qua thành mạch bị cản trở và có thể dẫn đến tắc nghẽn mạch máu. Đó là nguyên nhân chính gia tăng các biến chứng như nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não, đột quỵ.

Người bệnh đái tháo đường cần kiểm tra đường huyết thường xuyên.

Người bệnh đái tháo đường cần kiểm tra đường huyết thường xuyên.

Mối liên kết giữa insulin và cholesterol

Đái tháo đường là tình trạng rối loạn chuyển hoá glucid gây tăng đường huyết mạn tính do thiếu insulin tương đối hoặc tuyệt đối của tuỵ. đái tháo đường là bệnh mạn tính thường gặp nhất trong số các bệnh rối loạn nội tiết và là bệnh có tốc độ phát triển nhanh nhất trên thế giới cùng với ung thư, tim mạch. theo trung tâm phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh hoa kỳ, có đến 70-90% bệnh nhân tiểu đường type 2 (tiểu đường không phụ thuộc insulin) có rối loạn mỡ máu.

Insulin là một hormon đóng vai trò trung tâm trong cơ thể, có tác dụng chuyển hóa cả đường và chất béo thành năng lượng. Vì vậy, khi có rối loạn nội tiết hay tác dụng của insulin, cả cholesterol và triglycerid cũng sẽ bị ảnh hưởng, không chỉ một mình glucose bị ảnh hưởng. Các nghiên cứu cho thấy rằng mức độ cao của insulin trong máu có xu hướng ảnh hưởng đến số lượng các hạt cholesterol trong máu. Nồng độ insulin cao tác dụng làm tăng lượng cholesterol LDL, là “cholesterol xấu”, làm thúc đẩy hình thành mảng xơ vữa bám trong lòng động mạch và giảm số lượng các hạt cholesterol HDL, là “cholesterol tốt”, giúp làm sạch các mảng xơ vữa, trước khi các mảng xơ vữa bị phá vỡ ra, làm tắc mạch gây ra một cơn đau tim hoặc đột quỵ. Bệnh đái tháo đường cũng có xu hướng làm cho nồng độ triglycerid cao.

Tương tự như vậy, cholesterol cao cũng có thể là một yếu tố dự báo của bệnh đái tháo đường. Nồng độ cholesterol cao thường thấy ở những người có sự đề kháng insulin, kháng insulin xuất hiện ngay cả trước khi bệnh đái tháo đường biểu hiện một cách đầy đủ các triệu chứng. Khi nồng độ LDL bắt đầu tăng lên, thì cũng là lúc bạn nên chú ý để kiểm soát lượng đường (glucose) trong máu và bắt đầu một chế độ ăn uống và tập thể dục để giúp ngăn chặn bệnh đái tháo đường và bệnh tim mạch. Điều này đặc biệt quan trọng nếu bạn có tiền sử gia đình mắc bệnh tim mạch và bệnh đái tháo đường.

Chính mối quan hệ chặt chẽ giữa 2 yếu tố nguy cơ đái tháo đường và tăng cholesterol máu làm tăng mức cảnh báo cho dự phòng, điều trị và tiên lượng bệnh, có nghĩa là nếu bị bệnh đái tháo đường, phải cực kỳ thận trọng về việc kiểm soát cholesterol máu.

Đối với những người bị bệnh đái tháo đường type 1, kiểm soát lượng đường trong máu tốt có liên quan đến nồng độ cholesterol máu gần như bình thường, tương tự như nồng độ cholesterol máu ở những người không bị đái tháo đường. Nhưng những người bị bệnh đái tháo đường type 1 không kiểm soát tốt đường máu, quan sát thấy tăng nồng độ triglycerid và nồng độ HDL thấp, góp phần vào sự phát triển của tình trạng tắc nghẽn động mạch.

Những người bị bệnh đái tháo đường type 2 có xu hướng tăng triglycerid, giảm HDL và đôi khi tăng LDL. Các rối loạn lipid máu này có thể tồn tại ngay cả khi mức đường trong máu được kiểm soát - chỉ ra một khả năng cao hơn phát triển các mảng xơ vữa. Trong thực tế, mảng bám hình thành trong lòng động mạch của bệnh nhân đái tháo đường type 2 thường có nhiều chất béo và ít chất xơ hơn so với ở những người bị bệnh đái tháo đường type1, dẫn đến nguy cơ cao hơn của một bong tách mảng bám làm nghẽn mạch, gây ra một cơn đau tim hoặc đột quỵ.

Làm thế nào để kiểm soát đường huyết tốt?

Đối với bệnh đái tháo đường, việc kiểm soát tốt đường máu và mỡ máu được xem chìa khóa then chốt giúp ngăn ngừa những biến chứng nguy hiểm của đái tháo đường. Bên cạnh tuân thủ tốt phác đồ điều trị của bác sĩ, việc điều chỉnh lối sống, chế độ sinh hoạt cũng là nhân tố quan trọng giúp người bệnh ổn định đường huyết và giảm mỡ máu xấu.

Để kiểm soát hiệu quả đường huyết và mỡ máu, người bệnh đái tháo đường cần lưu ý đến những khuyến cáo sau: Có chế độ ăn uống khoa học, lành mạnh, nhiều chất xơ, hạn chế thức ăn chứa nhiều đường, tinh bột, chất béo. Thường xuyên tập thể dục, ít nhất 30 phút mỗi ngày. Hạn chế sử dụng rượu bia, thức uống có cồn Nói không với Thu*c lá, các chất kích thích. Duy trì việc sử dụng Thu*c đúng liều, đủ liều. Khám, kiểm tra các chỉ số đường huyết, mỡ máu định kỳ theo chỉ định của bác sĩ.       

BS. Hữu Hạnh

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khỏe đời sống (https://suckhoedoisong.vn/tai-sao-tang-cholesterol-khi-bi-tieu-duong-n190318.html)
Từ khóa: tiểu đường

Chủ đề liên quan:

tiểu đường

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY