Niệu đạo bị hẹp do biến chứng chữa phì đại tiền liệt tuyến 3 năm trước, cụ ông 75 tuổi tại TPHCM được bác sĩ sử dụng niêm mạc miệng để tạo hình niệu đạo.
Cụ ông vào BV quốc tế Thành Đô trong tình trạng bí tiểu nặng nề,
phải mổ dẫn lưu nước tiểu tạm thời bàng quang ra da để thông tiểu. Kiểm tra bằng X-quang
cho thấy đoạn niệu đạo bị hẹp 5 cm. Sau khi được phẫu thuật tạo hình niệu đạo bằng
niêm mạc miệng, sức khỏe ông tiến triển tốt và đã xuất viện. Hiện tại cụ đi tiểu bình
thường.
BS Vũ Văn Ty, Khoa Niệu BV quốc tế Thành Đô, phẫu thuật
viên chính cho biết, nếu đoạn hẹp niệu đạo dài dưới 2 cm thì có thể cắt bỏ đoạn
hẹp và nối hai đầu niệu đạo lại với nhau. Đoạn hẹp quá dài thì việc nối lại rất
khó.
Bác sĩ phải dùng mô ở nơi khác ghép vào và thường là dùng da quy đầu hoặc da
bìu. Tuy nhiên qua thời gian dài tiếp xúc với nước tiểu, da quy đầu sẽ bị chàm hóa (eczema) và
niệu đạo hẹp lại nên các bác sĩ sử dụng
niêm mạc miệng để làm vật liệu thay thế cho niệu
đạo.
"Ưu điểm của niêm mạc miệng là cấu trúc giải phẫu học và mô học gần
giống niêm mạc niệu đạo nên khi tiếp xúc nước tiểu sẽ không bị chàm hóa, ít nguy cơ
hẹp trở lại", BS Ty đánh giá.
Theo bác sĩ, niệu đạo là ống dẫn nước tiểu từ bàng quang ra ngoài. Ở phái nam,
niệu đạo dài 17,5 đến 20 cm (so với phái nữ chỉ dài 4 cm) nên dễ bị tổn thương và gây hẹp.
Các
nguyên nhân gây hẹp niệu đạo là do ngã chấn thương vùng tầng sinh môn, T*i n*n giao thông hoặc lao
động gãy xương chậu đứt niệu đạo sau. Về y tế có thể đặt thông tiểu kéo dài, gắp sỏi niệu đạo,
cắt đốt nội soi tuyến tiền liệt. Ngoài ra viêm nhiễm vùng quy đầu, niệu đạo như bệnh lậu cũng gây
ra hẹp niệu đạo.
Mảnh ghép
niêm mạc miệng được dùng hơn 100 năm qua trong tạo hình nhãn khoa và
hàm mặt. Năm 1992, kỹ thuật này được các bác sĩ áp dụng để tạo hình cho bệnh nhân có tật bẩm sinh
lỗ tiểu thấp và hiện nay được áp dụng rộng rãi trên thế giới trong tạo hình niệu đạo.
Bệnh nhân bị
hẹp niệu đạo không hoàn toàn, đi tiểu phải rặn, lâu ngày sẽ bị trào ngược nước tiểu lên thận gây
suy thận. Bế tắc dòng ra cũng gây ứ đọng nước tiểu đưa đến nhiễm trùng hoặc sỏi niệu.
Bệnh nhân được điều trị tạm thời bằng cách nong niệu đạo hoặc nội soi xẻ lạnh
niệu đạo. Những phương pháp này không tốt về lâu dài vì không cắt bỏ được mô xơ hẹp. Càng nong hay
nội soi nhiều lần sẽ làm đoạn hẹp dài và xơ hóa hơn, gây khó khăn cho phẫu thuật tạo hình niệu đạo.
Vì vậy nếu nong niệu đạo hoặc nội soi xẻ lạnh niệu đạo 2 lần mà vẫn hẹp lại thì nên mổ tạo hình
niệu đạo.
Trước kia, phẫu thuật tạo hình niệu đạo chưa
phát triển, bác sĩ thường hẹn bệnh nhân nong niệu đạo định kỳ. Vài ba tháng bệnh nhân phải vào bệnh
viện để nong niệu đạo cho rộng ra, nếu không sẽ bị bí tiểu đột ngột. Hiện nay với sự tiến bộ của
khoa học, bệnh nhân hẹp niệu đạo sẽ được chữa lành để trở về cuộc sống bình thường.
Theo Lê
Phương - VnExpress