Bộ Y tế và Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) vừa tổ chức Hội thảo tư vấn quốc gia về Dự án “Triển khai Sổ Theo dõi sức khỏe bà mẹ và trẻ em”...
Bộ Y tế và Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) vừa tổ chức Hội thảo tư vấn quốc gia về Dự án “Triển khai Sổ
theo dõi sức khỏe bà mẹ và trẻ em” nhằm giới thiệu Sổ
theo dõi sức khỏe bà mẹ và trẻ em trên toàn quốc. Qua áp dụng thí điểm tại 4 tỉnh Điện Biên, Hòa Bình, Thanh Hóa, An Giang, kết quả thực tế đã vượt trên cả kỳ vọng.
Sổ Theo dõi sức khỏe bà mẹ và trẻ em (SKBMTE) là công cụ tự theo dõi và là tài liệu tham khảo đối với phụ nữ mang thai (PNMT), bà mẹ, trẻ em và thành viên gia đình. Sổ Theo dõi SKBMTE được triển khai đầu tiên tại Nhật Bản, đã đóng góp đáng kể vào việc chăm sóc, theo dõi cũng như nâng cao sức khỏe bà mẹ, trẻ em. Trên cơ sở đó, nhiều quốc gia trên thế giới đã và đang áp dụng mô hình này. Tại Việt Nam, từ tháng 2/2011 đến tháng 12/2014, Sổ Theo dõi SKBMTE đã được triển khai thí điểm tại 4 tỉnh Điện Biên, Hòa Bình, Thanh Hóa, An Giang. Tại hội thảo, đại diện của JICA đã đánh giá kết quả đạt được của Việt Nam sau 3 năm 10 tháng triển khai là vượt trên cả kỳ vọng, tốt hơn một số nước trong khu vực. Qua thời gian triển khai, dự án đã giúp thay đổi rõ ràng kiến thức, thái độ và hành vi của phụ nữ mang thai, bà mẹ nuôi con nhỏ, cán bộ y tế cơ sở trong chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em.
Sổ Theo dõi SKBMTE dù được triển khai ở nhiều nước nhưng ở mỗi quốc gia đều được điều chỉnh cho phù hợp. Cuốn sổ được giới thiệu ở Việt Nam không chỉ là sổ theo dõi sức khỏe mà còn là cuốn cẩm nang phổ biến kiến thức chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ khi thai nghén, chăm sóc trong và sau khi sinh, theo dõi và chăm sóc trẻ em liên tục từ sơ sinh cho tới 6 tuổi. Chính vì vậy, cuốn Sổ Theo dõi SKBMTE có thể thay thế cho nhiều loại sổ sách, hữu ích đối với người sử dụng, tránh lãng phí thời gian ghi chép, theo dõi của cán bộ y tế, đồng thời cung cấp cho các bà mẹ những kiến thức cơ bản để chăm sóc sức khỏe cho mình và cho con. Dự án đã thu thập được 23 cuốn sổ theo dõi tại nhà đang triển khai tại nhiều tỉnh thành phố trong cả nước như Sổ Khám và Theo dõi thai, Sổ Tiêm chủng trẻ em, Sổ Khám bệnh, Theo dõi sức khỏe trẻ ẹm, Sổ tay dinh dưỡng... Sau khi Sổ Theo dõi SKBMTE được triển khai đã thay thế tất cả những loại phiếu, sổ đó. Điều tiện lợi hơn nữa là cuốn sổ có thể được mang đi bất cứ đâu, theo sát với người mẹ và trẻ như một hồ sơ sức khỏe bất cứ lúc nào cũng có thể tham khảo, tra cứu.
Những biểu đồ theo dõi chiều cao, cân nặng của bé, lịch tiêm chủng, hướng dẫn xử trí các bệnh mắc phải, tai nạn thương tích thường gặp ở trẻ nhỏ, ghi chép khám sức khỏe thường kỳ của trẻ... không chỉ là những nội dung thiết thực mà còn mang trong đó ý nghĩa cao đẹp của tình mẫu tử. Ở Nhật Bản, cuốn sổ này đã có lịch sử gần 70 năm và nhiều gia đình người Nhật Bản lưu giữ nó giống như một cuốn nhật ký cá nhân gắn liền với thời thơ ấu của mỗi đứa trẻ từ khi còn trong bụng mẹ. Trong cuốn sổ tương tự tại Việt Nam, ngay những trang đâu tiên, thông điệp gửi cho đứa trẻ cũng đã viết: “Những thông tin ghi trong sổ này thể hiện sự chăm sóc sức khỏe của gia đình, của cán bộ y tế và của xã hội đối với cháu. Cháu sẽ biết được mình sẽ lớn lên như thế nào nhờ sự chăm sóc của mọi người xung quanh. Các cháu được lớn lên khỏe mạnh với mong muốn sẽ góp phần xây dựng một đất nước Việt Nam phát triển, mạnh giàu và thịnh vượng”.
Phát biểu tại Hội thảo tư vấn quốc gia về Dự án “Triển khai Sổ
theo dõi sức khỏe bà mẹ và trẻ em”, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đánh giá cao vai trò và hiệu quả của dự án đối với chương trình mục tiêu quốc gia nhằm tiếp tục giảm Tu vong mẹ và Tu vong trẻ em xuống thấp hơn, duy trì bền vững cũng như thu hẹp sự khác biệt về tình trạng sức khỏe, dinh dưỡng của bà mẹ và trẻ em giữa các vùng miền. Bộ trưởng nhấn mạnh, vấn đề nguồn lực là vô cùng quan trọng đối với dự án, để Sổ Theo dõi SKBMTE có thể được triển khai mở rộng đòi hỏi phải có nỗ lực từ nhiều đơn vị, ban ngành liên quan, trong đó sự quan tâm thiết thực, sự chỉ đạo cụ thể của UBND tỉnh/thành phố là vô cùng quan trọng.
Lê Minh Thúy