Nguyễn Lang, trong Việt Nam Phật giáo Sử luận đã viết: "Phật giáo Trúc Lâm là một nền Phật giáo độc lập, uy tín tinh thần của nó là uy tín tinh thần quốc gia Đại Việt. Nó là xương sống của một nền văn hoá Việt Nam độc lập. Nền Phật giáo này tuy có tiếp nhận những ảnh hưởng của Phật giáo Trung Hoa, Ấn Độ và Tây Tạng nhưng vẫn giữ cá tính đặc biệt của mình." Do đó, phải nói rằng sự ra đời của Thiền phái Trúc Lâm là niềm tự hào lớn của dân tộc. Nó thể hiện bản sắc, cũng như tính tự chủ, tinh thần không chịu lệ thuộc bởi ngoại lai. Cũng chính sự ra đời của thiền phái này trong lúc đất nước bị quân Nguyên – Mông xâm lược đã tạo nên sức mạnh của toàn dân. Từ vua quan đều là phật tử cho đến những người dân đều đồng lòng ra sức dẹp giặc để bảo vệ cho đất nước.
Trong lịch sử tư tưởng Việt Nam, Phật giáo giữ một vai trò quan trọng không chỉ bởi đã xuất hiện sớm, nhiều thế kỷ từng được coi là Quốc giáo mà còn được khẳng định ở sự gắn bó với quá trình xây dựng, quốc gia, phổ cập tới khắp mọi vùng, miền trong cả nước và trở thành một bộ phận cơ hữu trong đời sống văn hóa dân tộc.
Trên dòng chảy lịch sử Phật giáo Việt Nam có cả sự ảnh hưởng, tiếp nhận từ phương Nam và phương Bắc, có cả các bậc sư tổ người nước ngoài và người Việt, có cả sự trầm tích, cộng sinh và trên cơ sở văn hóa truyền thống bản địa.
Ðặt trong tương quan giữa Phật giáo và văn hóa dân tộc, dòng Thiền Trúc Lâm Yên Tử có một vị trí đặc biệt. Trước hết cần đánh giá cao vai trò của đức Vua Trần Nhân Tông (1258-1308) trên tư cách bậc sư tổ với đạo hiệu Trúc Lâm Ðại Ðầu Ðà, người đặt nền móng cho Thiền phái Trúc Lâm.
Nối tiếp Trần Nhân Tông, đệ nhị tổ Pháp Loa cũng là người am hiểu Thiền học, có tài tổ chức các hoạt động Phật giáo. Qua hơn hai mươi năm lãnh đạo, Pháp Loa đã cho san khắc bộ Ðại Tạng kinh với hơn 5.000 quyển, xây dựng hàng trăm ngôi chùa như Báo Ân, Quỳnh Lâm, Thanh Mai và trực tiếp giảng dạy giáo lý, có tới ba nghìn đệ tử đến cầu pháp và đắc pháp. Ngài để lại các tác phẩm khuyên người xuất gia chăm lo việc tu đạo, khuyên mọi người hiểu sâu con đường tu thiền chân chính bằng việc học giới luật, thiền định và trí tuệ, chỉ rõ cách học cần sáng tỏ...
Người cuối cùng trong số ba vị tổ Trúc Lâm là Huyền Quang, hơn Pháp Loa ba mươi tuổi nhưng lại tu hành muộn hơn, từng làm quan trong triều đình rồi mới từ chức đi tu. Huyền Quang để lại hơn hai mươi bài thơ chữ Hán, một bài phú vịnh chùa Vân Yên bằng chữ Nôm và câu chuyện liên quan đến Ðiểm Bích đượm chất thế sự.
Thơ của Ngài có nhiều bài vịnh cảnh chùa, vịnh hoa và đến bài Phú vịnh chùa Vân Yên (Vịnh Vân Yên tự phú) cho thấy nghệ thuật sử dụng chữ Nôm đã có bước tiến rõ nét, trở nên dung dị, dễ hiểu. Sách “Tam tổ thực lục” chép lời ngợi ca của sư tổ Ðiều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông: "Phàm sách đã qua tay Huyền Quang biên soạn thì không thể thêm hay bớt được một chữ nào nữa"...
Với sự hiện diện của ba vị sư tổ Trần Nhân Tông - Pháp Loa - Huyền Quang và khoảng hơn ba mươi năm hưng thịnh, Yên Tử đã trở thành một biểu tượng giá trị tinh thần người Việt. Trên phương diện văn hóa vật thể, dấu tích những ngôi chùa, tháp, am, đường tùng, trúc, suối Giải Oan, vườn Ngự Dược, tượng đá An Kỳ Sinh, chùa Ðồng trên đỉnh núi hợp thành một quần thể sống động giữa nơi non cao rừng thẳm.
Chỉ nói riêng cái tên Trúc Lâm Yên Tử cũng đã khơi gợi được vẻ cổ kính và chiều sâu thế giới tâm linh mỗi người dân nước Việt, nơi tu hành giảng đạo của người xưa và điểm du lịch, tham quan danh thắng của hậu thế.
Một điều quan trọng khác nữa, chính tác phẩm của ba vị sư tổ cũng trở thành những giá trị tinh thần dân tộc, vừa là di sản tư tưởng nhân văn của ông cha vừa là những áng thơ còn mãi với thời gian. Nhiều chuyên ngành khoa học xã hội như lịch sử tư tưởng, triết học, văn học, văn hóa học, tôn giáo, ngôn ngữ... đều có thể tìm đến khai thác các văn bản này.
Ðiều quan trọng hơn, sự ra đời Yên Tử đã góp phần cổ vũ tinh thần người dân nước Việt về khả năng phát triển những giá trị văn hóa bản địa, nội sinh trong lòng dân tộc. Ðây cũng chính là sự đáp ứng nhu cầu đời sống tâm linh, tín ngưỡng của mỗi cộng đồng ở từng thời đại, giai đoạn lịch sử cụ thể.
Có thể nói sự ra đời của Yên Tử đã tạo nên trường lực hấp dẫn mạnh mẽ, tạo đà thúc đẩy sự ra đời hàng trăm ngôi chùa lớn, nhiều tầng lớp tăng chúng cùng quy hướng theo một dòng tu hành in đậm sắc thái Phật giáo dân tộc. Bản thân hình tượng ba vị sư tổ cũng được tôn thờ, nghệ thuật hóa thành tranh, tượng và nhân vật trong văn học viết cũng như truyền thuyết dân gian.
Những bài thuyết pháp, giảng đạo của các sư tổ đồng thời cũng là những bài học đạo đức khuyên răn con người hướng thiện đã đến với muôn dân, đã được khắc in và truyền lại cho hậu thế.
Mặc dù đến hết triều Trần, Phật giáo không còn giữ được địa vị như giai đoạn trước, song tinh thần Yên Tử đã kịp chuyển hóa, thấm sâu trong đời sống tinh thần dân chúng và trở thành những giá trị văn hóa bền vững trước thời gian.
Nếu văn hóa là những gì còn lại trước thời gian thì chính các giá trị vật thể và phi vật thể liên quan Yên Tử đã là một minh chứng sâu sắc cho khả năng tồn tại và phát triển của một di sản văn hóa, bất chấp năm tháng và mọi thăng trầm thế sự. Theo một nghĩa rộng, di sản này đã tỏa sáng thành "tâm thức Trúc Lâm" trong lòng mỗi con người thuộc mọi thế hệ, ở khắp mọi vùng đất nước.
Tất cả những điều đó cho thấy sức sống mãnh liệt của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử khi đã đạt tới giá trị văn hóa, khi đã hòa nhập được vào đời sống tinh thần dân tộc và đến với muôn vạn tấm lòng.
Phật giáo Việt Nam nói chung, Yên Tử nói riêng là một thành tố của văn hóa Việt Nam.
Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử là một thiền phái Phật giáo thuần Việt, do các thiền sơ Việt Nam đã chọn lọc và Việt Nam hóa được những tư tưởng cao đẹp từ Phật giáo Ấn Độ và Trung Hoa.
Đóng góp to lớn của là ở chỗ, nó luôn đồng hành với dân tộc, là “điểm tựa tinh thần”, góp phần củng cố và nâng cao ý thức liên kết cộng đồng, tinh thần độc lập tự chủ của Đại Việt trước mọi thử thách cam go của lịch sử.
Do vậy, trải qua hơn 700 năm nhưng những giá trị văn hóa mà Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử để lại vẫn đang và sẽ lan tỏa mạnh được các thế hệ nối tiếp, kế thừa và truyền bá đến nhiều quốc gia trên thế giới với những tư tưởng mang đậm giá trị nhân văn.
Trên thực tế những giá trị lịch sử - văn hoá nổi bật, khu di tích nhà Trần tại Đông Triều (Quảng Ninh) vừa qua đã được Hội đồng Di sản văn hoá quốc gia thông qua hồ sơ đề nghị Thủ tướng Chính phủ công nhận là di tích quốc gia đặc biệt.
Đông Triều có hai cụm di tích liên quan trực tiếp đến sự của tông phái Trúc Lâm là chùa Ngoạ Vân và chùa Hồ Thiên. Đặc biệt, chùa Ngoạ Vân có am Ngoạ Vân chính là nơi Trần Nhân Tông nhập Niết bàn. Ngọc cốt thu được sau khi hoả thiêu ngài lên tới hơn 3.000 viên, được phân phát về 8 tháp ở 7 địa điểm, trong đó riêng Đông Triều có 2 tháp là Phật Hoàng tháp (chùa Ngoạ Vân) và tháp đá chùa Quỳnh. Cùng với đó, Hồ Thiên (cõi Tiên an lạc) như một sự tiếp nối và biểu trưng cho kết quả khổ luyện, tu hành, cho cõi Niết bàn đối với những người đi theo con đường của Trúc Lâm Tam tổ. Yên Tử - Ngoạ Vân - Hồ Thiên như vậy có thể xem như “cõi Phật trời Nam” hết sức độc đáo ở nước ta.
Bên cạnh đó, Đông Triều cũng là nơi có hệ thống đền miếu thờ tổ tiên và là nơi lưu giữ được nhiều dấu tích nhất về Tiên miếu nhà Trần. Việc nghiên cứu đền Thái đã chỉ ra rằng, đây là Tiên miếu thời Trần vào loại sớm nhất, là khu lăng miếu có mặt bằng hình chữ Vương khá nguyên vẹn và duy nhất trong lịch sử các dấu tích Tiên miếu thời Lý, Trần, Lê. Đặc biệt, Đông Triều hiện lưu giữ được nhiều nhất các di tích lăng mộ của vua và hoàng hậu nhà Trần. Khác với Tam Đường (Thái Bình) là quần thể lăng mộ lớn, hoành tráng, trang trí lộng lẫy, biểu hiện cho giai đoạn cực thịnh của thời Trần giai đoạn sớm, ở Đông Triều nay đã tìm được 5 lăng. Trong đó, Thái Lăng có mặt bằng tổng thể nguyên vẹn nhất, cấu trúc độc đáo với các dấu tích kiến trúc có mái che, trang trí rồng là chủ đạo, biểu trưng cho vương quyền kết hợp chặt chẽ với thần quyền.
An Sinh là quê gốc của nhà Trần, với nhiều dấu tích độc đáo như vậy nhưng trải qua thời gian, những thăng trầm của lịch sử nay phần lớn đều đã trở thành phế tích nên có giai đoạn các di tích gần như bị lãng quên. Vì vậy, để đánh thức vùng đất cổ này, công tác quảng bá cho di tích đã được đẩy mạnh đến tất cả các thôn, khu phố, cơ quan, đơn vị, trường học trên địa bàn những năm gần đây.
UBND tỉnh Quảng Ninh đã tiếp tục trình Chính phủ phê duyệt Đề án quy hoạch mở rộng và khu di tích lịch sử và danh thắng Yên Tử. Theo đề án mở rộng và phát huy khu di tích Yên Tử, khu di tích này sẽ rộng hơn 9000ha. Trong không gian bảo tồn ấy đang chứa đựng những giá trị di sản văn hóa phi vật thể.
Trong những năm gần đây, gắn với Yên Tử là các Thiền Viện Trúc Lâm do Hoà thượng Thích Thanh Từ khởi xướng. Đây cũng là một hình thức tôn vinh, thăng hoa của trong đời sống xã hội. Những ai có dịp về thăm viếng các Thiền Viện Trúc Lâm như: Đà Lạt, Yên Tử (Quảng Ninh), Tây Thiên (Vĩnh Phúc)… đều có cảm giác hài lòng vì hoạt động tu tập ở những nơi đó được tổ chức nghiêm minh, hình thức giảng đạo, hoằng dương giáo lý Phật giáo Trúc Lâm cũng như thực hành phật sự. Tuy có giản lược nhưng vẫn sâu sắc và gần gũi với văn hóa Việt Nam.
Mặt khác, kiến trúc các Thiền viện còn kết hợp được cả hai yếu tố hiện đại và truyền thống, hài hòa với cảnh quan thiên nhiên nhưng vẫn đáp ứng được công năng hoạt động của Phật giáo và các nhu cầu tham quan du lịch của du khách trong nước và quốc tế.