Đối với các trang báo chính thống, việc thực hiện quảng cáo thực phẩm chức năng khá nghiêm túc. Song, hiện việc quản lý quảng cáo thực phẩm chức năng trên một số trang mạng xã hội, website còn rất khó khăn, không phụ thuộc vào riêng Bộ Y tế. Bộ cũng đang tích cực phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công thương và các cơ quan chức năng khác để xử lý tình trạng này. Từ đó, quản lý chặt chẽ hơn nội dung quảng cáo, tiến tới ngăn chặn tình trạng quảng cáo sai sự thật, hỗ trợ cho thị trường thực phẩm chức năng phát triển đúng hướng, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Cụ thể, tình trạng quảng cáo các sản phẩm thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe trên facebook diễn ra rất tràn lan. Có nhiều doanh nghiệp quảng cáo sai sự thật, “mượn” danh bác sĩ hoặc cơ sở y tế uy tín để cố tình lừa dối người tiêu dùng... “Chúng tôi ngày nào cũng phải vào kiểm tra, phát hiện rất nhiều quảng cáo sản phẩm thực phẩm chức năng nhưng lại khẳng định “trị bệnh”, “dùng một liều là khỏi”, “Đông y trị nhức xương khớp”... Những quảng cáo này lừa dối người tiêu dùng. Đây là nỗi bức xúc không chỉ của cơ quan quản lý mà của rất nhiều người tiêu dùng. Chính người thân của tôi cũng từng bị những quảng cáo “nổ” công dụng thu hút, đã mua và sử dụng thay cho Thu*c chữa bệnh”, PGS.TS. Nguyễn Thanh Phong nói.
Theo Cục trưởng Nguyễn Thanh Phong, việc lừa dối quảng cáo thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe có tác dụng như Thu*c chữa bệnh, là những hành vi bất chấp luân thường đạo lý. “Ví dụ, những bệnh nhân mắc bệnh nan y nếu phát hiện sớm, phẫu thuật hoặc xạ trị thì có thể khỏi bệnh. Hoặc chí ít cũng kéo dài cuộc sống. Nhưng vì tin vào quảng cáo thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe có thể chữa được bệnh nên không đến bệnh viện, không chữa trị theo phác đồ Bộ Y tế hướng dẫn. Khi dùng thực phẩm chức năng không khỏi, khi quay lại bệnh viện thì đã quá muộn, bệnh đã ở giai đoạn muộn, can thiệp cũng không còn hiệu quả cao” - PGS.TS. Nguyễn Thanh Phong dẫn chứng.
Các sản phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm chức năng chỉ mang tính hỗ trợ. Vì thế, tất cả những quảng cáo về công dụng thần kỳ, gây hiểu lầm là Thu*c chữa bệnh đều là những quảng cáo “nổ” vi phạm quy định. Với những trường hợp như vậy, Cục An toàn thực phẩm đăng tải thông tin công khai, khuyến cáo người tiêu dùng trong khi cơ quan chức năng đang xử lý, người dân không mua, sử dụng các sản phẩm quảng cáo sai sự thật. Tất cả các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe quảng cáo trên mạng xã hội dùng thư tín bệnh nhân, hình ảnh cơ sở y tế, danh nghĩa cơ quan y tế, hình ảnh bác sĩ, có công dụng chữa bệnh nọ bệnh kia hoàn toàn sai sự thật, tuyệt đối không mua. Các sản phẩm được quảng cáo tràn lan và “thổi phồng” như Thu*c chữa bệnh hiện nay như: sản phẩm hỗ trợ điều trị ung thư, tai biến mạch máu não, bệnh thận, gan..., thậm chí có Thu*c quảng cáo phải dùng vài tháng mới thấy tác dụng, chính thời gian này đã cướp mất cơ hội được chữa bệnh kịp thời của bệnh nhân, rất nguy hiểm.
Trong năm 2018, Cục An toàn thực phẩm đã xử phạt hơn 6 tỉ đồng về các hành vi vi phạm quảng cáo, đó là một con số lớn. Nhưng thực trạng vi phạm quảng cáo vẫn rất phức tạp, nhức nhối. Có nhiều trường hợp cơ quan chức năng phát hiện vi phạm, mời doanh nghiệp đứng ra công bố sản phẩm đang quảng cáo trên mạng xã hội để lập biên bản phạt, họ phủ nhận không phải do họ thực hiện. Vì thế, Cục An toàn thực phẩm phải thêm những bước khác để xử phạt. Như với quảng cáo vi phạm trên website mà doanh nghiệp phủ nhận không phải do họ thực hiện mà cho rằng, có thể do cá nhân hoặc đại lý đứng ra quảng cáo, mà đại lý thì không chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm. Cục phải gửi báo cáo đề nghị Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử - Bộ Thông tin và Truyền thông yêu cầu xử lý các quảng cáo này. Đồng thời cảnh báo tới người tiêu dùng, trong lúc chờ các cơ quan chức năng quản lý thì không mua, không sử dụng các sản phẩm này, vì đó là những quảng cáo sai sự thật.
“Sản phẩm nào quảng cáo chữa khỏi hẳn bệnh là hoàn toàn sai vì thực phẩm chức năng chỉ có tác dụng hỗ trợ người bệnh, thậm chí có quảng cáo đưa hình ảnh giấy công bố sản phẩm của Cục An toàn thực phẩm ký xác nhận nhưng Cục hoàn toàn chưa nhận và cũng chưa ký xác nhận công bố sản phẩm đó bao giờ...” - Cục trưởng Nguyễn Thanh Phong cho biết.
Thực tế, nhiều doanh nghiệp sau khi có sự phối hợp của Bộ Thông tin và Truyền thông đã buộc phải tháo gỡ và bị xử phạt theo quy định của pháp luật. “Tuy nhiên, cũng có những website máy chủ đặt ở nước ngoài, hay trên facebook, chúng tôi đã có buổi làm việc với đại diện facebook cùng với Bộ Thông tin - Truyền thông. Hiện tại, phía facebook đã cam kết phối hợp với các cơ quan chức năng Việt Nam để tháo gỡ và đóng các trang website, tài khoản vi phạm. Bộ Y tế cũng thiết lập đường dây nóng với cơ quan quản lý của facebook tại Việt Nam để xử lý nhanh nhất những kiến nghị về vi phạm quảng cáo trên mạng xã hội. Bộ Y tế rất quyết liệt nhưng chúng tôi cần sự phối hợp của các Bộ, ngành, cần sự hợp tác của facebook trong quản lý lĩnh vực này” - PGS.TS. Nguyễn Thanh Phong cho biết.
Cùng với đó, PGS.TS Nguyễn Thanh Phong khuyến cáo, “cùng với sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan chức năng, người dân không nên mua, không sử dụng các sản phẩm thực phẩm chức năng quảng cáo có hình ảnh, danh nghĩa của cơ quan y tế, của các y, bác sĩ; không sử dụng các sản phẩm quảng cáo chữa dứt điểm bệnh... Đây là những quảng cáo sai sự thật.”
Chủ đề liên quan:
8 bệnh nhân 8 bệnh nhân khỏi bệnh bệnh nhân Bệnh nhân khỏi bệnh ca mắc ca mắc mới Các biện pháp các cơ chống dịch chức năng dịch covid dự kiến khỏi bệnh mắc mới mạng xã hội nâng cấp sở y tế thêm ca mắc Thêm ca mắc mới thực phẩm