Trao đổi với VnExpress, tiến sĩ Đặng Thị Thanh Huyền, Phó Trưởng văn phòng Chương trình Tiêm chủng mở rộng Quốc gia, cho biết nhóm tiêm nhắc vaccine Td là tất cả trẻ em 7 tuổi hoặc học lớp 2. Số trẻ tiêm chủng lần này bao gồm cả các bé đã tiêm 4 mũi vaccine chứa thành phần bạch hầu, chưa tiêm đủ mũi hoặc chưa tiêm chủng.
Trẻ được tiêm miễn phí một liều vaccine bạch hầu tại các trạm y tế xã, phường. Những trẻ đã tiêm vaccine chứa thành phần bạch hầu, uốn ván trong thời gian một tháng tính đến ngày tiêm chủng, trẻ đang sốt, mắc các bệnh nhiễm trùng cấp tính... thì tạm hoãn tiêm.
Theo tiến sĩ Huyền, việc tiêm nhắc vaccine bạch hầu mũi thứ 5 cho trẻ 7 tuổi được thực hiện từ năm 2019 tại 30 tỉnh nguy cơ cao và mở rộng thêm 5 tỉnh, thành phố trong năm 2020. Sắp tới, tiêm vaccine Td sẽ được mở rộng phạm vi ra toàn quốc, triển khai hàng năm.
35 tỉnh triển khai tiêm vaccine ngừa bạch hầu gồm một số địa phương đang xuất hiện bệnh bạch hầu từ đầu năm gồm Đăk Nông, Kon Tum, Gia Lai, TP HCM. Các tỉnh khác trong nhóm tổ chức tiêm phòng là Phú Yên, Thanh Hóa, Quảng Ninh, Lai Châu, Tuyên Quang, Hà Giang, Cao Bằng, Yên Bái, Lào Cai, Sơn La, Điện Biên, Quảng Bình, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Đăk Lăk, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Lâm Đồng, Tây Ninh, Sóc Trăng, An Giang, Đồng Tháp, Bình Dương, Bình Phước, Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu, Vĩnh Long.
Những địa phương được ưu tiên tiêm vaccine Td là có nguy cơ cao mắc bạch hầu hoặc bệnh uốn ván tại khu vực miền núi, vùng xa; nơi tỷ lệ tiêm chủng thấp, xuất hiện ca bạch hầu hoặc uốn ván. Việc tiêm miễn phí cho trẻ lớn trên diện rộng sẽ tạo miễn dịch bổ sung, giúp trẻ có miễn dịch chủ động, phòng ngừa nguy cơ mắc bệnh bạch hầu, hạn chế sự lưu hành của vi khuẩn trong cộng đồng.
"Điều này rất quan trọng bởi vi khuẩn bạch hầu có thể xuất hiện ở những người khỏe mạnh, không có dấu hiệu bệnh (người lành mang trùng) nhưng có khả năng lây nhiễm và gây bệnh cho người khác", tiến sĩ Huyền cho biết.
Tiêm vaccine Td đồng thời giúp tăng cường miễn dịch với bệnh uốn ván, loại trừ uốn ván sơ sinh.
Tiến sĩ Huyền cho biết vừa phát hiện sớm và quản lý bệnh nhân, song song với tiêm nhắc vaccine Td, nhằm tăng cường phòng chống dịch bạch hầu.
Nếu bị ho, xuất hiện giả mạc hai bên hoặc mặt sau vùng hầu họng, người dân cần đến ngay cơ sở y tế để được chẩn đoán, điều trị kịp thời, hạn chế biến chứng và Tu vong. Các trường hợp tiếp xúc với người bệnh phải cách ly và uống kháng sinh dự phòng.
"Tất cả người không có hoặc không còn miễn dịch đều có nguy cơ mắc bệnh", tiến sĩ Huyền cho biết. Vì vậy, phụ huynh cần đưa trẻ dưới 2 tuổi đi tiêm chủng và hoàn thành lịch tiêm 3 mũi vaccine chứa thành phần bạch hầu lúc 2, 3, 4 tháng tuổi và tiêm mũi 4 khi 18 tháng tuổi. Tại các địa phương nguy cơ cao, cho trẻ tham gia tiêm chủng bổ sung theo thông báo của từng địa phương. Tiêm chủng đúng lịch, đủ mũi là chủ động giúp con phòng ngừa trong điều kiện bạch hầu chưa được loại trừ.
Vaccine bạch hầu được triển khai trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng từ hơn 30 năm qua. Từ năm 2011, trẻ dưới 2 tuổi tại Việt Nam áp dụng tiêm 4 mũi vaccine cơ bản. Năm 2019, có 699.560 trẻ được tiêm một liều vaccine Td trong tổng số 739.352 trẻ, tỷ lệ 94,6%, không ghi nhận trường hợp phản ứng nghiêm trọng sau tiêm. Nhờ có vaccine, bệnh bạch hầu đã được khống chế, tỷ lệ mắc bệnh giảm 410 lần, hàng trăm nghìn trẻ em được cứu sống.
Miễn dịch do vaccine bạch hầu sinh ra chỉ tồn tại trong thời gian nhất định và giảm dần theo thời gian. Khi trẻ lớn lên, mức kháng thể ở mức rất thấp hoặc không còn tồn tại để bảo vệ trước tác nhân gây bệnh.
5 năm qua, số ca bệnh tập trung ở trẻ lớn và người lớn. Đa số trường hợp chưa tiêm đủ mũi hoặc chưa tiêm chủng.
Hiện, dịch bùng phát và lan rộng ở các tỉnh Tây Nguyên chỉ trong vòng ba ngày. Chiều 5/7 phát hiện thêm 9 người mắc bạch hầu ở Gia Lai, nâng tổng số người bệnh cả nước lên 36 trường hợp kể từ tháng 6 đến nay, trong đó 3 người đã Tu vong. Bạch hầu đã xuất hiện ở Đăk Nông (16 ca, hai người ch*t), Kon Tum (8 ca), TP HCM (một ca).