Môi trường hôm nay

Ô nhiễm môi trường

Trái phiếu doanh nghiệp bất động sản: Sinh lời lớn, rủi ro cao

UBTV Quốc hội cho phép điều chỉnh vốn trái phiếu Chính phủ.

Trái phiếu doanh nghiệp BĐS: Sinh lời lớn, rủi ro cao  

Theo thống kê của Công ty Chứng khoán SSI, quý 1/2020 có 47.500 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp đã được phát hành, tăng gần 40% so với cùng kỳ 2019. Trong đó, nhóm các doanh nghiệp bất động sản (BĐS) dẫn đầu với 23.202 tỷ đồng, chiếm 49% khối lượng phát hành toàn thị trường, tăng 9,8% cùng kỳ. Lãi suất trái phiếu bình quân là 10,4%/năm, cao hơn mức bình quân năm 2019. Lãi suất bình quân của nhóm bất động sản là 10,77%.

Thông thường, quý 1 hàng năm là thời điểm phát hành trái phiếu doanh nghiệp thấp do có Tết Nguyên đán và là giai đoạn xây dựng kế hoạch kinh doanh mới. Năm nay, các doanh nghiệp còn chịu ảnh hưởng từ dịch Covid-19 nhưng lượng phát hành trái phiếu vẫn tăng mạnh, đặc biệt là trái phiếu bất động sản.

Theo đánh giá của SSI, trái phiếu trở nên hấp dẫn hơn với các nhà đầu tư vì lãi suất tiền gửi tại các ngân hàng đang có xu hướng giảm. SSI nhận định mức chênh lệch lãi suất giữa trái phiếu và tiền gửi hiện tại lên tới 4%/năm đã hấp dẫn các nhà đầu tư cá nhân tham gia nhiều hơn vào thị trường.

Theo các chuyên gia, việc nhiều doanh nghiệp BĐS phát hành trái phiếu là điều hiển nhiên khi họ khó khăn trong việc tiếp cận vốn vay của ngân hàng. Trong thời gian này, các ngân hàng sẽ thắt chặt việc cho vay, nhất là cho vay lĩnh bực BĐS. Trong khi đó, doanh nghiệp địa ốc cần tiền để nuôi dự án. Các nhà phát triển BĐS phải tìm đến kênh khác. Khi nguồn cung tài chính hạn hẹp, nền kinh tế khó khăn thì lãi suất là cần câu hấp dẫn thu hút các nhà đầu tư.

Trả lời báo chí về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho rằng, “Khi doanh nghiệp gặp khó khăn hay phá sản, trong trật tự ưu tiên giải quyết thì trái phiếu bao giờ cũng được ưu tiên hơn cổ phiếu. Nên xét về mặt rủi ro tài chính thì trái phiếu được ưu tiên nhiều hơn”. Ông Ánh cũng nhấn mạnh, khi ngân hàng siết tín dụng, doanh nghiệp buộc phải đặt ra mức lãi suất cao để gia tăng tính hấp dẫn, thu hút vốn.

Tuy nhiên, đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp bất động sản, vẫn được giới chuyên môn nhìn nhận là tiềm ẩn rủi ro cao. Trên thực tế, các doanh nghiệp bất động sản đã “thấm mệt” từ năm 2019, với lượng tồn kho lớn và đến nay thêm phần khốn đốn hơn với dịch Covid-19. Các các khoản nợ từ những năm trước càng khó xử lý hơn khi chủ đầu tư không bán được hàng, không có dòng tiền.

Tại Báo cáo tình hình thị trường quý 1/2020, Hội môi giới Bất động sản Việt Nam cho biết, có trên 53.200 sản phẩm được chào bán ra thị trường cả nước, trong đó lượng cung mới là 18.695 sản phẩm, còn lại là hàng tồn kho. Tuy nhiên, tỷ lệ hấp thụ chỉ đạt 14,3%.

Tại TP. Hồ Chí Minh, quý 1 có 8.400 căn hộ được chào bán nhưng giao dịch thành công chỉ đạt khoảng 1.400 căn. Tương tự, tại Hà Nội có 8.900 căn hộ được chào bán nhưng giao dịch thành công chỉ khoảng 1.300 căn. Nhu cầu và sức mua giảm mạnh ở tất cả các phân khúc từ đất nền, đến nhà phố, biệt thự, căn hộ,... Thị trường trầm lắng, tỷ lệ hấp thụ ở mức thấp nhất trong vòng 4 năm qua.

Còn trong Báo cáo vừa gửi tới Quốc hội, Bộ Xây dựng cũng nhận định, thị trường bất động sản năm 2020 gặp nhiều khó khăn và tiếp tục suy giảm so với những năm trước đây.

Khi doanh nghiệp không thể vay vốn ngân hàng, chắc chắn các doanh nghiệp sẽ còn đẩy mạnh phát hành trái phiếu. Các ngân hàng cũng lo ngại nợ quá hạn, nợ xấu tăng. Trong lúc tăng trưởng tín dụng thấp, thì mua trái phiếu doanh nghiệp, sẽ giúp “con nợ” có tiền trả nợ vay đến hạn, qua đó “làm đẹp” bảng cân đối tài chính, giữ được uy tín.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, thời điểm này đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp bất động sản, khi thị trường chưa phục hồi vững chắc, hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn còn nhiều khó khăn, sẽ chịu rủi ro cao.

Duy Kim

Mạng Y Tế
Nguồn: Công luận (https://congluan.vn/trai-phieu-doanh-nghiep-bat-dong-san-sinh-loi-lon-rui-ro-cao-post78229.html)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY