Hỏi đáp dịch vụ y tế hôm nay

Hỏi đáp dịch vụ y tế

Trẻ chậm nói: Không loại trừ lý do về suy giảm thính lực

MangYTe - Suy giảm thính lực là nguyên nhân khiến nhiều trẻ đến tuổi phải biết nói thì không chịu nói gì và không phản ứng với mọi thứ âm thanh xung quanh. Nhiều bố mẹ nghĩ rằng con mình tự kỷ, khi đến khám tại Trung tâm Thính học Trị liệu ngôn ngữ, Bệnh viện Nhi Trung Ương mới phát hiện biết con mình mắc chứng bệnh suy giảm thính lực.

Trẻ nghe kém được can thiệp trị liệu ngôn ngữ tại Bệnh viện Nhi Trung ương.

Ồ ạt đi khám tự kỷ vì nghĩ con chậm nói

Lo lắng cho cô con gái hai tuổi N.T.T chỉ nói vài từ quen thuộc, chị Thanh đưa con đi khám tự kỷ tại những phòng khám chuyên khoa tâm lý để đánh giá. Qua các bài test, các bác sĩ nhận định con không bị tự kỉ. Tuy nhiên, nửa năm sau đó đi học mầm non, vốn từ của con chị vẫn không tăng lên. Trong một lần đưa con đi khám tại Trung tâm thính học và Trị liệu ngôn ngữ, cả gia đình gần như không thể tin được khi các bác sĩ thông báo con mình bị nghe kém. Đây chính là “thủ phạm” gây ra việc chậm nói của bé Thỏ.

Lặn lội từ Thanh Hóa ra Bệnh viện Nhi Trung ương, gia đình bé N.H.N cũng nghĩ rằng, cậu con trai ba tuổi của mình bị tự kỷ. Mẹ của bé H.N chia sẻ, ban đầu, gia đình chỉ nghĩ con chậm nói hơn so với các bạn cùng trang lứa, chờ một thời gian nữa con sẽ nói thôi. Gia đình cũng mua rất nhiều tranh, ảnh và đồ chơi để dạy con nhưng con vẫn không có tiến bộ. Nghĩ con mình tự kỷ, gia đình bé N.H.N quyết định đưa con ra Hà Nội để khám và tìm cách can thiệp sớm.

Tuy nhiên, cũng giống như trường hợp bé T., bé N.H.N nghe kém do suy giảm sức nghe ở mức độ nặng dẫn tới không thể nói được như bạn bè.

Hai gia đình trên chỉ là hai trường hợp điển hình trong số rất nhiều gia đình với tư tưởng chờ đợi “rồi con sẽ biết nói hết”. Hậu quả dẫn đến là chính cha mẹ đã đánh mất “thời gian vàng” của trẻ để phát triển ngôn ngữ, gây khó khăn cho trẻ khi giao tiếp và hòa nhập với cuộc sống khi trẻ lớn lên.

ThS, BS Lại Thu Hà - Giám đốc Trung tâm Thính học & Trị liệu ngôn ngữ, Bệnh viện Nhi Trung Ương cho biết, hiện nay có khá nhiều trẻ đến khám tại bệnh viện với lý do chậm nói.

“Chậm nói hay chậm phát triển ngôn ngữ bắt nguồn từ những nguyên nhân khác nhau. Chậm nói có thể là biểu hiện của trẻ mắc tự kỷ hoặc là biểu hiện của sự trì trệ của vùng ngôn ngữ trên não bộ dù trí tuệ và tâm lý của trẻ bình thường. Có những bé bị bệnh bại não, chậm phát triển trí tuệ cũng dẫn đến chậm nói. Và đặc biệt có những bé bị nghe kém thì chắc chắn chậm nói hoặc thậm chí không có ngôn ngữ tùy vào mức độ nghe kém”, BS Hà nói.

Do đó, tại các bệnh viện trên thế giới cũng như tại Bệnh viện Nhi Trung ương, việc đầu tiên khi thăm khám các cháu bé chậm nói, các bác sĩ sẽ đo thính lực của các bé để loại trừ các nguyên nhân gây ra chậm nói là do thính lực hay do có vấn đề về bại não hay chậm phát triển trí tuệ.

Phụ huynh không thể bỏ qua những mốc theo dõi quan trọng

Việc sàng lọc sức nghe cho các bé sơ sinh là một tiêu chí không thể bỏ qua tại các cơ sở sản khoa. Do đó, BS Hà khuyến cáo, các gia đình nên cho con đi khám sàng lọc sức nghe khi các bé có những biểu hiện bất thường như: trẻ được 3-4 tháng tuổi mà không đáp ứng với tiếng động mạnh; không phát ra âm thanh gừ gừ.

Đến mốc 5-12 tháng, trẻ không phản ứng hoặc quay đầu về phía có âm thanh phát ra; không tìm cách giao tiếp với người khác; không biết nói một từ nào, không biết làm các động tác như vẫy tay chào tạm biệt, lắc đầu để nói không, chỉ tay; không phản ứng khi được gọi tên; không hiểu và phản ứng với các từ như “không”, "chào bé"; không quan tâm tới thế giới xung quanh.

Ở mốc phát triển từ 15-18 tháng, các bố mẹ cũng đặc biệt lưu ý khi trẻ không hiểu và phản ứng với các từ như “không”, “dậy nào”; không nói được từ nào; không chỉ vào đồ vật hay bức tranh khi được hỏi, không chỉ vào vật mình thích và ngước nhìn bạn; không thể chỉ vào vài bộ phận của cơ thể (thí dụ đầu, mắt, mũi) khi được yêu cầu.

Giai đoạn này, trẻ chưa thể nói được sáu từ; không thể giao tiếp bằng bất cứ cách nào, kể cả khi cần giúp đỡ, không biết chỉ vào thứ mình muốn, chưa nói được các từ đơn giản như "mẹ", "bế"; không hiểu các mệnh lệnh đơn giản, thí dụ "Đừng sờ vào!"; không đáp lại bằng lời nói hoặc cử chỉ khi được hỏi "Cái gì đây?", "Dép bé đâu?" thì các bậc phụ huynh cần phải cho trẻ đi khám sớm.

BS Hà cũng lưu ý bố mẹ quan sát con khi trẻ bước sang tháng thứ 24 mà vốn từ tăng chậm; chưa nói nổi 15 từ; không tự nói ra lời mà chỉ nhại lại lời nói của người khác; không thể thực hiện những cuộc hội thoại đơn giản, không dùng lời nói để giao tiếp, không hiểu các chỉ dẫn hay câu hỏi dài hơn… Từ 25-35 tháng, không nói được câu đơn giản có 2-4 từ; không thể gọi tên vài bộ phận của cơ thể; không biết đặt các câu hỏi đơn giản; không ai trong gia đình có thể hiểu bé.

Ở giai đoạn trẻ từ 3-4 tuổi, trẻ chậm phát triển ngôn ngữ sẽ có những biểu hiện không sử dụng đại từ nhân xưng nào; không thể ghép các từ thành câu ngắn; không hiểu những chỉ dẫn hay câu hỏi ngắn lời nói rất không rõ ràng, khiến người trong gia đình và người ngoài đều không hiểu; không đặt câu hỏi; ít quan tâm hoặc không quan tâm tới sách truyện; không quan tâm và không tương tác với các trẻ khác; đặc biệt khó tách khỏi bố mẹ…

BS Hà nhấn mạnh: "Ở độ tuổi từ 3 tháng - 2 tuổi, khoảng 1/5 trẻ em có thể có dấu hiệu chậm nói, nhưng nhiều trẻ trong số đó sẽ đuổi kịp các bạn khi lớn lên. Với những trẻ nghe kém ở mức độ nhẹ, chúng phát triển ngôn ngữ cũng như hiểu lời ở độ tuổi nhỏ như các bạn khác nhưng chúng bắt đầu gặp khó khăn khi đến tuổi đến trường vì chúng rất khó nghe trong các môi trường ồn và khoảng cách xa. Hoặc, có những bé sinh ra được sàng lọc ốc tai với kết quả bình thường nhưng trong quá trình lớn lên sức nghe của bé mới bị giảm sút".

Vì thế, BS Hà khuyến cáo, sự quan tâm và để ý của cha mẹ vô cùng quan trọng với các bé. Chính bố mẹ mới là người cảm nhận được những bất thường của con mình đầu tiên. Do đó, nếu có bất kì dấu hiệu nào bất thường như trên, việc đầu tiên bố mẹ cần làm là kiểm tra khả năng nghe của con.

THU PHẠM

Mạng Y Tế
Nguồn: Báo nhân dân (https://nhandan.com.vn/y-te/goc-tu-van/item/43968502-tre-cham-noi-khong-loai-tru-ly-do-ve-suy-giam-thinh-luc.html)

Tin cùng nội dung

  • Số trường hợp tái phát cũng tăng cho dù bệnh nhân được điều trị đúng bài bản và theo chỉ định của bác sĩ. Đâu là yếu tố bất lợi khiến vết loét khó lành.
  • Hiểu về những thực phẩm có tác động xấu tới tình trạng viêm loét đại tràng sẽ giúp chúng ta “dễ sống” hơn với căn bệnh này.
  • Đứng bên bờ sinh tử, nhiều ca bệnh bắt buộc phải phẫu thuật sớm, nhưng nghiệt ngã thay, các bác sĩ lại gặp khó khăn vì người nhà bệnh nhân thà đưa người thân về… chờ ch*t chứ không chịu mổ xẻ. Người thầy Thu*c phải làm sao?
  • Chú tôi được phẫu thuật tim ở TPHCM và từ nay về sau phải uống Thuốc chống đông máu. Bữa trước mưa lớn, nhà dột làm ướt toa Thuốc và tờ giấy ghi lời dặn của bác sĩ, mà chú thím tôi lớn tuổi nên không nhớ hết. Tôi muốn hỏi kỹ lại về Thuốc này và chế độ ăn uống, sinh hoạt của chú tôi thì phải hỏi ở đâu? Cảm ơn Mangyte rất nhiều! (Nguyễn Văn Thành – Cai Lậy, Tiền Giang)
  • Chào Mangyte.vn, Xin tư vấn giúp tôi, TPHCM có dịch vụ chăm sóc tại nhà cho bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối không? Phải liên hệ ở đâu? Mong nhận được sự giúp đỡ của quý báo. Chân thành cảm ơn. (Lê Thị Phượng - Tô Ký, Quận 12, TPHCM)
  • Chào các bác sĩ mangyte, Con tôi 4 tuổi, bé có biểu hiện chậm nói và cũng không lắng nghe người nhà nói chuyện với bé. Cô mầm non nói với tôi là có thể bé bị rối loạn ngôn ngữ. Tôi lo quá, muốn đưa bé đi khám bệnh và trị liệu, vậy tôi nên đưa bé đến bệnh viện hay trung tâm nào? Cảm ơn bác sĩ! (Quỳnh Trang – mehoasua…@yahoo.com)
  • Trên các mạng xã hội hiện đang lan truyền với tốc độ chóng mặt bài Thuốc “10 phút khỏi bệnh sởi” nhờ tắm lá, hạt mùi… Tuy nhiên, cả chuyên gia đông y, tây y đều khẳng định, không có cơ sở khoa học với những bài Thuốc dân gian truyền miệng này.
  • Chăm sóc giảm nhẹ đối với bệnh nhân ung thư giai đoạn muộn bao gồm liệu pháp dinh dưỡng (xem phần Điều trị triệu chứng) và/hoặc điều trị bằng Thu*c
  • Mọi người đều cần có một chế độ ăn uống khoa học và thường xuyên tập thể dục để có sức khỏe tốt và ngăn ngừa bệnh tật. Bệnh nhân ung thư có những nhu cầu sức khỏe đặc biệt, bởi vì họ phải đối mặt với những nguy cơ liên quan đến tác dụng phụ muộn cũng như sự tái phát của căn bệnh này
  • Thính giác cho phép bạn tham gia với thế giới xung quanh. Từ khi là một đứa trẻ, bạn đã học nói bằng cách lắng nghe và bắt chước giọng nói của người khác
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY