Môi trường hôm nay

Ô nhiễm môi trường

Trung thực khai báo y tế: Vì bản thân, vì cộng đồng

(MangYTe) Việt Nam đã nhận “quả đắng” từ việc khai báo y tế không trung thực. Chỉ trong vài ngày, từ 16 bệnh nhân, có thể khống chế được dịch, con số đã lên tới 34 ca dương tính với SARS-CoV-2 và chưa có dấu hiệu ngừng lại.

1. Sau nỗ lực của cả hệ thống chính trị, toàn dân, đến ngày 4/3, Việt Nam sau 21 ngày không có người nhiễm mới, 16 ca nhiễm đều chữa khỏi, không lây lan chéo…Chỉ cần thêm một tuần không có ca nhiễm mới thì theo quy định của pháp luật, Việt Nam có thể tuyên bố hết dịch.

Thế nhưng, trong đêm 6/3, mọi thứ đã sụp đổ khi TP Hà Nội triệu tập cuộc họp khẩn lúc 22h, thông báo có ca dương tính mới. Ngay sau đó, cả Hà Nội như sống trong thời chiến vậy, thông tin nhiễu loạn, ai cũng nơp nớp lo sợ, tưởng chừng như…tận thế đến nơi rồi vậy. Tâm lý xã hội rơi vào hoảng loạn. Nhất là sau đó mấy ngày, lại có thông tin về các ca nhiễm mới đến từ những người cùng chuyến bay với bệnh nhân số 17, và cả những bệnh nhân bị lây nhiễm chéo do tiếp xúc. Đến ngày 10/3, số bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2 đã được phát hiện là 32 trên cả nước. Hầu hết ca nhiễm mới đến từ vùng dịch và đều không trung thực khai báo y tế, sau đó lây nhiễm chéo cho người tiếp xúc gần.

Chỉ vì sự ích kỷ, tâm lý lo ngại, sợ bị kỳ thị, bị cách ly mà không trung thực khai báo y tế, tất cả những nỗ lực của Việt Nam từ trước đến nay nhằm đối phó với dịch Covid-19 gần như đã “đổ sông, đổ bể”. Sự cố này không những khiến tâm lý xã hội bất an, ai cũng nghi ngờ lo lắng khả năng tiếp xúc với mầm bệnh, nhiều cơ quan, văn phòng, khách sạn…bị phong tỏa, các hoạt động, dịch vụ cũng gần như đóng băng, kéo theo cả nền kinh tế cũng bị ảnh hưởng.

2. Ngay từ thời điểm đầu mua dịch Covid-19, Việt Nam đã phản ứng rất nhanh, yêu cầu khai báo y tế, áp dụng các biện pháp cách ly với khách nhập cảnh từ vùng dịch. Nhưng vẫn xảy ra tình trạng sót lọt hành khách không khai báo y tế, hoặc khai báo không đầy đủ, trung thực về tình trạng súc khỏe, dẫn tới những tình huống xấu. Nhất là với các hành khách xuất phát từ EU, hộ chiếu không có dấu đầy đủ của các quốc gia họ từng đi qua, trừ dấu của quốc gia cuối cùng.

Thực tế đã có một số người dương tính với SARS-CoV-2, nhưng thời điểm kiểm tra thân nhiệt thì họ lại không có dấu hiệu ốm, sốt để có thể bị phát hiện mà cách ly. Tất cả vẫn đang trông đợi vào sự tự giác và trung thực của hành khách.

Đến thời điểm này, vẫn còn nhiều người chưa hiểu, lo sợ bị cách ly, cho nên mới khai báo không trung thực. Họ vẫn chưa hiểu được việc khai báo y tế đối với dịch bệnh dễ lây lan như Covid-19 phải là nghĩa vụ, không chỉ cho bản thân, mà còn cho người thân và cộng đồng. Nhất là từ “chuyến bay định mệnh” không trung thực khai báo y tế, Việt Nam đã chính thức bước vào giai đoạn hai của cuộc chiến chống Covid-19 với những khó khăn đến từ trăm ngả đường, chứ không đơn giản như trước.

Thế nhưng, cũng giống như những dịch bệnh khác từng xuất hiện trong lịch sử, khi sự lây lan đặt tất cả mọi người vào một hoàn cảnh, một số phận. Chỉ cần mọi người chung tay, chia sẻ, có trách nhiệm với xã hội thì dịch bệnh chắc chắn bị đẩy lùi. Còn ngược lại, sẽ là thảm họa chờ đợi chúng ta phía trước.

3. Chúng ta đã bước vào giai đoạn mới trong cuộc chiến chống dịch Covid-19. Bởi theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, đến thời điểm hiện tại, SARS-CoV-2 đã vào Việt Nam từ rất nhiều phía, phải cảnh giác hơn, cần có sự vào cuộc của toàn dân. Một trong những việc thiết thực chính là tham gia cung cấp thông tin tương tác hai chiều với cơ quan chức năng qua. Việc khai báo y tế toàn dân hiện có thể thực hiện trực tuyến, qua ứng dụng NCOVI của Nhà nước. Thông tin của người dân sẽ được quản lý chặt chẽ, sử dụng đúng mục đích, qua đó có thể xác thực chéo về việc khai báo. Chính phủ kỳ vọng việc khai báo y tế là giai đoạn mấu chốt, quan trọng trong công tác phòng, chống dịch. Khi người dân khai báo trung thực,việc phát hiện, khoanh vùng ổ dịch kịp thời, ngăn chặn dịch bệnh lây lan sẽ đơn giản và tiết kiệm thời gian, công sức hơn rất nhiều. Hơn lúc nào hết, để việc phòng, chống dịch Covid-19 đạt hiệu quả rất cần sự chung sức, đồng lòng của mỗi người dân. Người dân nên bình tĩnh, tin tưởng và phối hợp với chính quyền và cơ quan chuyên môn thực hiện đầy đủ các quy định, biện pháp phòng, chống dịch trong giai đoạn mới.

Mức độ lây lan của SARS-CoV-2 đang phụ thuộc vào sự trung thực khi khai báo, cách ứng xử của người dân trong dịch Covid-19. Cả hệ thống chính trị, xã hội đã chung tay, huy động toàn bộ các nguồn lực để phòng, chống dịch bệnh cũng chỉ giải quyết được phần nào. Điều cần nhất tự mỗi cá nhân phải ý thức được việc cần làm, tránh nhiễu loạn thông tin, chủ động khai báo y tế trung thực, tránh tạo ra những trở ngại cho xã hội.

Con virus SARS-CoV-2 đang gây ra những tác động có hại cho cộng đồng, nhưng đồng thời nó cũng giúp chúng ta nhận ra sự ích kỷ của mỗi cá nhân trong giai đoạn này. Cả đất nước đang vào cuộc chiến, cũng giống như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã từng nói: chống dịch như chống giặc, toàn dân chống dịch”. Để toàn dân cùng chống dịch, điều cần thiết sẽ đến từ những việc nhỏ nhất của người dân. Đồng thời, mỗi cá nhân cũng phải tự chiến đấu với sự vị kỷ của bản thân, phải đặt lợi ích của cộng đồng lên trên hết thì mới chiến thắng được “giặc dịch”. Nếu không thì phía trước chúng ta chính là thảm họa.

Gia Minh

Mạng Y Tế
Nguồn: Công luận (https://congluan.vn/trung-thuc-khai-bao-y-te-vi-ban-than-vi-cong-dong-post74728.html)
Từ khóa: Khai báo y tế

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY