Tâm linh hôm nay

Tứ Diệu Đế, bài học đầu tiên (P.2)

Đức Phật đã cho chúng ta biết trên trần thế hay nói rộng ra là trong cõi Ta Bà đầy rẫy khổ đau. Do con người trên trần thế vì vô minh, mê muội không biết rõ những điều đó nên phải trầm luân trong biền khổ.

Chương thứ Hai KHỔ ĐẾ

(CHÂN LÝ VỀ NỖI KHỔ)

I. Mở đầu:

Trong cuộc sống nói chung, con người ta từ khi sinh ra đến khi lớn lên, vì chưa tiếp súc nhiều với cuộc sống, đều thấy cuộc đời là tươi đẹp. Khi lớn lên, tuy có vấp váp, có khổ sở nhưng đại đa số thường cho cuộc sống là vô cùng hấp dẫn, tuyệt vời. Vì vậy, họ tận dụng “sống những ngày cho đáng sống”, một bộ phận thực hiện kiểu “sống gấp”, họ sống “ngày nay không cần biết đến ngày mai”, tức là họ không để lỡ một dịp nào để tận hưởng cuộc sống trong khoái lạc vật chất và tinh thần. Nhưng thực ra, những khoái lạc ấy thật là mong manh thoắt đến, thoắt đi, có khi còn là những giả dối che đậy bên ngoài. Và bất cứ khoái lạc nào rồi cũng kết thúc và rồi sẽ dẫn đến đau khổ, bởi sau những khoái lạc tận hưởng đó là những trăn trở, vọng tưởng, điên đảo, buồn rầu của cuộc sống hàng ngày. Vì vậy đức Phật đã nói rằng: “Nước mắt của chúng sinh đau khổ nhiều hơn nước trong các đại dương”. Điều đó có nghĩa rằng con người ai cũng khổ hết, và thực sự điều đó là một chân lý của cuộc sống.

Thực vậy, ta hãy ngẫm nghĩ kỹ, cuộc sống đầy rẫy đau khổ. Nỗi vui dù có, cũng chỉ là tạm bợ nhất thời. Riêng chỉ đối với việc lo cho sự sống, con người đã phải chịu biết bao đau khổ để tồn tại, để sống và để vươn lên trong cuộc đời. Họ phải lăn mình đi kiếm sống để có miếng ăn cho mình và cho người thân, và trong quá trình ấy biết bao buồn khổ đến với họ. Họ phải đổ mồ hôi, sôi nước mắt, phải ngụp lặn và chạy theo nhu cầu trong cuộc sống vì vậy biết bao nước mắt đã đổ ra. Bên cạnh đó, bản thân họ trong quan hệ xã hội cũng có biết bao nhiêu điều phiền toái gây ra những dằn vặt, những vọng tưởng điên đảo làm cho đau khổ.

Do đó, nói cuộc đời là một biển khổ, thật không thể nào khác được, đó thật là một chân lý, một sự thật. Và vì vậy trong Tứ Diệu Đế, cái đầu tiên mà Đức Phật đã phân tích một cách rành mạch, đầy đủ những nỗi khổ của thế gian, của con ngưởi trong phần thứ nhất là Khổ đế. Bởi vì một lẽ rất đơn giản, đau khổ là một sự thật trên đời nhưng không phải ai cũng nhìn thấy một cách tường tận đầy đủ hết cái sự thật ấy như Đức Phật đã phân tích và nói rõ trong Khổ đế (mà ta sẽ thấy nói trong các phần sau).

II. Định nghĩa về khổ đế:

Khổ đế, tiếng Phạn gọi là Dukkha Satyã. Dukkha nghĩa là sự chịu đựng những cay đắng, khó khăn, nhọc nhằn, những cái làm cho người ta khó chịu và đau khổ như ốm đau, đói khát, buồn bực, sợ hãi, lo lắng…. Còn Satyã nghĩa là sự chân thực không hư vọng, là sự thật, là chân lý, ta dịch nghĩa là đế. Vì vậy Khổ đế (Dukkha Satya) nghĩa là sự thật về nỗi khổ hay còn gọi là chân lý về nỗi khổ.

Thực ra, dùng chữ Khổ để dịch Dukkha chưa thật chính xác, vì Dukkha bao gồm nhiều trạng thái tình cảm có liên quan đến nỗi khổ, đến sự không toại nguyện, đến sự bất an của con người như đã nói ở trên. Nếu chỉ biểu thị bằng hai chữ đau khổ và khổ não, thì không diễn đạt trạng thái nhiều mặt và huyền ảo, không thực của Phạn ngữ Dukkha. Dukkha bao gồm ý niệm không được thỏa mãn của con người trên thế gian, dĩ nhiên đưa đến sự thất vọng, phiền muộn, đau đớn, căng thẳng, day dứt trong tâm hồn và nỗi lòng bất ổn. Do đó, trong tiếng Việt, dịch Dukkha là khổ (trong Khổ đế) thì cũng chưa lột tả được hết ý nghĩa. Vì vậy trong tiếng Anh, người ta dịch Dukkha là Unsatisfactory có nghĩa là không thỏa mãn, không vừa ý, không toại nguyện.

III. Phật nói về các nỗi khổ trong Khổ đế:

Trong phần thứ nhất của Tứ Diệu Đế, tức phần Khổ đế, đức Phật cho chúng ta hiểu một cách tường tận, đầy đủ mà mọi chúng sinh tuy suốt cuộc đời chịu khổ nhưng chưa biết hết một cách tường tận mọi nỗi khổ trên trần thế. Trong bài pháp đầu tiên này nằm trong kinh Chuyển Pháp Luân, Đức Phật mô tả cái khổ như sau: “Hỡi các Tỳ Kheo, đây là chân lý thâm diệu về sự khổ: Sinh là khổ, già là khổ, bệnh là khổ, ch*t là khổ, sống chung với người mình không ưa thích là khổ, xa lìa người thân yêu là khổ, mong muốn mà không được là khổ. Tóm lại, bám víu vào ngũ uẩn là khổ."

Đoạn trên có thể coi như tuyên bố tóm tắt của đức Phật về nỗi khổ ở đời. Vì vậy Khổ đau là một chân lý, là một thực tại khách quan của đời sống con người. Và do đó cũng cần thấy rằng: Ngày nào ta còn chạy chốn cái khổ đau dù do ngoại cảnh gây ra hay ngay trong tâm hồn của mình, thì ngày đó mình càng thấy khổ đau. Điều đó chứng tỏ khổ đau là một phần trong cuộc sống của con người, không ai là không có và không ai có thể tránh được.

b. Cái khổ đau do ngũ uẩn gây ra có thể là do quy luật vô thường chi phối làm cho mọi con người dù trẻ, dù già đều phải qua các giai đoạn trẻ đến già, từ mạnh khỏe đến ốm đau rồi đến ch*t. Những cái đó luôn luôn làm cho con người phải lo sợ, buồn phiền và đau khổ.

c. Cái khổ do ngũ uẩn còn do lòng tham của con người say đắm trong “ngũ dục, lục trần” mà tự gây ra đau khổ cho mình, vì ham muốn nhiều quá. Cho nên Đức Phật đã từng dạy con người ta cần phải “thiểu dục, tri túc” nghĩa là ham muốn ít và cần biết đủ.

Tất cả những cái đau khổ đó đều do Ngũ ấm xí thạnh khổ gây ra.

IV.Mục đích tìm hiểu về những nổi khổ

1.Tại sao Đức Phật lại nói về nỗi khổ đầu tiên.

Ta biết rằng, sau khi Đức Phật đã đạt được Vô thượng, Chính đẳng Chính giác. Điều đầu tiên, Đức Phật đi tìm năm anh em Kiều Trần Như để truyền đạt những giáo lý cơ bản mà Người đã chứng được. Và Tứ Diệu Đế là bài học đầu tiên, là pháp bảo đầu tiên của Phật giáo và trong Tứ Diệu Đế, điều đầu tiên Đức Phật phải nói về các loại nỗi khổ ở trên đời.

Vậy tại sao Đức Phật lại nêu nỗi khổ của con người ra làm gì? Con người ta, từ tấm bé không ít biết đến nỗi khổ. Cái tuổi con nít, nhi đồng và ngay cả tuổi thiếu niên hầu như chưa biết và chưa để ý gì đến cái khổ đối với mình. Chỉ khi lớn lên, con người ta mới dần dần thấm thía những nỗi khổ trong cuộc sống. Nhưng đại đa số con người ta tuy có bị khổ, nhưng hầu như không bao giờ suy nghĩ đến hoặc nói đến các nỗi khổ đó làm gì, bởi vì họ nghĩ rằng cứ nhắc đến các nỗi khổ chỉ để làm thêm đau khổ mà thôi. Vì vậy người ta thường che dấu những nỗi khổ của mình, thâm chí lại cố gắng tạo nên một ảo tưởng tốt đẹp rằng không có đau khổ, cuộc đời toàn an vui, để sống yên ổn và an tâm với cuộc sống. Nhưng điều đó chỉ là giả tạo, cốt để che đậy một cách giả dối cuộc sống thực của mình.

Nhưng Đức Phật là một đấng đại từ bi, khi Ngài đã trở thành Đấng Pháp vương vô tận, thì lòng đại từ bi ấy chỉ với một mục đích làm cho mọi chúng sinh hết khổ, cho chúng sinh được giác ngộ, được giải thoát. Muốn thế, bài học đầu tiên của Đức Phật là phải nói hết những khổ đau mọi mặt và cùng tận của con người trên trần thế, vạch ra những nguyên nhân gây ra những đau khổ cho con người. Từ đó mới vạch ra những cảnh giới khi đã diệt trừ hết khổ não và chỉ ra những phương pháp để đi đến giải thoát hết nỗi khổ và sống an vui hạnh phúc ngay trên trần thế này.

2. Phải làm gì để thoát khổ trong cuộc sống

Mục đích của việc nói hết nỗi khổ trên trần gian là để giúp cho mọi chúng sinh thấy rõ đã là con người thì không thể tránh được mọi nỗi khổ. Con người không có ai trong suốt cuộc đời không bị ốm đau, không già, không ch*t, không gặp cảnh chia ly với người mình thương mến, không bị chung sống với những kẻ mình không ưa thích. Con người ta không bao giờ đạt được tất cả những gì mình mong ước. Vì vậy cho dù muốn tránh những nổi khổ trong cuộc sống, muốn tạo ra những viễn cảnh tốt đẹp trong cuộc đời mình để sống an vui, yên ổn thì tất cả những viễn cảnh ấy sẽ bị thực tế cuộc sống phũ phàng làm cho tan nát. Nếu không chuẩn bị tinh thần và tư tưởng về sự chịu đựng những nỗi khổ trong đời, thì khi cuộc đời đầy trớ trêu, đầy trắc trở, đầy xấu xí và hoạn nạn đến một cách đột ngột đối với những kẻ sống trong ảo tưởng tốt đẹp, họ sẽ trở nên vô cùng đột ngột đau khổ, thậm chí dẫn đến vô cùng tuyệt vọng đối với cuộc sống. Trái lại khi Đức Phật đã chỉ rõ cho chúng sinh sống trong trần thế này có nhiều nỗi khổ, thì khi gặp cảnh khổ, ta không sợ hãi, hoảng loạn tinh thần, mà trái lại ta phải điềm tĩnh nhẫn nại để tìm phương cách giải quyết.

Đức Phật đã cho chúng ta biết trên trần thế hay nói rộng ra là trong cõi Ta Bà đầy rẫy khổ đau. Do con người trên trần thế vì vô minh, mê muội không biết rõ những điều đó nên phải trầm luân trong biền khổ. Nay Đức Phật đã nói rõ những đau khổ trên đời, không phải để cho chúng sinh lại lo sợ, bi quan, yếm thế mà là để biết cách xa lánh, thoát ly khỏi nó.

Nhưng làm thế nào để thoát ly khỏi nó bởi vì biết khổ, biết cần phải xa lánh nó chưa đủ để diệt khổ. Vì vậy muốn diệt khổ, phải tìm nguồn gốc gây ra đau khổ, nguyên nhân phát sinh ra đạu khổ. Những nguyên nhân và nguồn gốc gây ra đau khổ, Đức Phật đã nói rõ trong phần Tập đế của Tứ Diệu Đế, mà ta sẽ nghiên cứu sau đây.

Còn nữa...

Phạm Đình Nhân

Phạm Đình Nhân

Mạng Y Tế
Nguồn: Phật giáo (https://phatgiao.org.vn/tu-dieu-de-bai-hoc-dau-tien-p2-d14914.html)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY