Tâm linh hôm nay

Tứ Diệu Đế, bài học đầu tiên (Phần cuối)

Đạo đế là phần quan trọng nhất trong Tứ Diệu Đế. Một khi đã biết rõ cuộc đời là đau khổ, nguồn gốc của đau khổ là gì, và nếu có thiết tha mong cầu giải thoát khỏi cảnh đau khổ để đến một cõi an vui tốt đẹp nhất là Niết Bàn

Chương thứ Năm

ĐẠO ĐẾ

(CHÂN LÝ VỀ CON ĐƯỜNG DẪN ĐẾN DIỆT KHỔ)

I. Mở đầu:

Qua những phần đã nói ở trên, ta biết cuộc đời là biển khổ, đã biết rõ những nguyên nhân sâu xa gây ra khổ đau cho mọi chúng sinh. Sau đó sang phần thứ ba, Đức Phật nói rõ về chân lý đưa đến sự diệt trừ những khổ đau đạt đến Niết bàn. Nhưng để diệt trừ những khổ đau để thể nhập Niết bàn thì phải làm thế nào? Đó là nội dung trong phần thứ tư của Tứ Diêu Đế, đó là Đạo đế, là sự thật hay chân lý về con đường dẫn đến diệt khổ. Đạo đế là phương pháp chân chính và có hiệu quả chắc chắn để đưa chúng sinh đạt đến Niết bàn.

II. Định nghĩa về Đạo đế:

Đạo đế tiếng Phạn là Nirodha Dukkha Gaxminĩ Pratipad. Nirodha là sự tiêu diệt, Dukkha nghĩa là sự chịu đựng những đau khổ, buồn bực, sợ hãi, lo lắng, còn Gaxninĩ Pratipad là phương pháp thực tế. Đạo đế là chân lý hay sự thật về phương pháp thực tế diệt trừ nguyên nhân gây ra đau khổ hay chân lý về con đường diệt khổ.

Đạo còn có ý nghĩa là luân lý, là con đường đúng đắn, đạo còn có nghĩa là thông đạt. Nó chính là phương pháp để cho mọi chúng sinh tu tập để mong cầu vượt qua mọi nỗi khổ trầm luân trong tam giới.


Nội dung của Đao đế gồm nhiều phần, nhưng phần chủ yếu là Bát Chính Đạo.


III. Nội dung khái quát của Đạo đế:

Đạo đế là phần quan trọng nhất trong Tứ Diệu Đế. Một khi đã biết rõ cuộc đời là đau khổ, nguồn gốc của đau khổ là gì, và nếu có thiết tha mong cầu giải thoát khỏi cảnh đau khổ để đến một cõi an vui tốt đẹp nhất là Niết Bàn, mà không có phương pháp hiệu nghiệm để thực hiện ý muốn ấy, thì cũng không đạt được mục đích. Do đó, Ðạo đế là phần quan trọng và được Phật dạy một cách rõ ràng chu đáo.


Nội dung khái quát của Đạo đế gồm 37 phẩm trợ đạo, bao gồm:


1. Bốn phép Niệm xứ hay còn gọi là Tứ Niệm Xứ.


2. Bốn phép Chính cần hay còn gọi là Tứ Chính cần


3. Bốn phép Như ý túc hay còn gọi là Tứ Như ý túc


4. Năm Căn hay Ngũ Căn


5. Năm Lực hay Ngũ Lực


6. Bảy phần Bồ đề hay còn gọi là Thất Bồ đề phần


7. Tám phần Chính đạo hay còn gọi là Bát Chính đạo

Trong 7 mục trên Bát Chính đạo là quan trọng nhất, là nét căn bản nhất của Đạo đế và cũng là của Tứ Diệu Đế.


b.Niệm pháp hay Niệm giác chi là pháp tu có công năng tiêu diệt tà niệm và vọng niệm. Tà niệm và vọng niệm là những trở ngại lớn lao đối với việc tu tập trên tiến trình đạt đến giải thoát. Loại bỏ tà niệm và vọng niệm thì chính niệm mới được phát khởi để cho chúng ta thấu rõ chân tướng vô thường, khổ và vô ngã của vạn vật. Vì vậy người tu hành cần phải để tâm niệm ghi nhớ chính pháp, không xao lãng lung tung.

c. Tinh tấn giác chi là pháp tu đòi hỏi người tu hành phải nỗ lực, kiên trì để vượt qua mọi thử thách. Vì thế tinh tấn là điều kiện đồng thời là phương tiện rất cần thiết để người tu hành thực hiện lý tưởng giải thoát, giác ngộ. Giáo lý của đạo Phật đòi hỏi con người phải có rất nhiều cố gắng, hy sinh và kiên nhẫn, không khiếp sợ, không thối chuyển, không tự mãn, tự cao để chống lại mọi phiền não khổ đau. Nếu thiếu sự nỗ lực tinh tấn thì không thể nào dẹp tan được phiền não vọng tưởng và dĩ nhiên khổ đau sẽ gắn liền với chúng ta đời đời kiếp kiếp.

d. Hoan hỷ giác chi cũng là một pháp tu giúp cho người tu hành trên con đường tu tập. Một khi việc tu tập càng tinh tấn nỗ lực thì kết quả càng mỹ mãn, vì vậy hoan hỷ là một yếu tố giúp cho con người phấn khởi trên đường tu đạo khó khăn để đi đến giải thoát giác ngộ. Khi đi sâu vào thiền định thì Tam thiền có công năng đối trị với sân hận, bất mãn khiến cho tâm người tu hành hoan hỷ và thụ nhận được sự mát mẻ và vui thích trong khi thiền định.

e. Khinh an giác chi là pháp tu giúp cho hành giả lúc nào cũng nhẹ nhàng và an tịnh. Khinh an giác chi có nhiệm vụ hóa giải ngọn lửa phiền não để tâm không còn dao động. Người có tâm khinh an sẽ cảm thấy thân tâm nhẹ nhàng thư thái như khách đi đường xa trút bỏ được gánh nặng, nhờ thế họ có thể nhẹ nhàng, thong thả đi tiếp tới đích mà không gặp chướng ngại nào.

f. Định giác chi là pháp tu giúp cho tâm ta an định để thấy rõ mọi việc. Con người ta, nếu tâm bị giao động thì vọng tưởng tha hồ phát sinh, tức là tâm không thể tập trung và an trú trên một đối tượng nào. Do đó khi tâm đã định sẽ giúp hành giả thấy rõ được bản chất chân thật của đối tượng trong thế gian. Có người dùng định để phát triển thần thông, nhà thôi miên dùng định để chữa bệnh hay sai khiến kẻ khác làm theo ý họ. Còn Phật giáo chỉ dùng định để phát triển trí tuệ vì trí tuệ là điều kiện tối hậu để đạt đến lý tưởng giải thoát giác ngộ.


g. Xả giác chi là pháp tu làm cho tâm không bị chi phối bởi ngoại cảnh. Xả giác chi làm cho người ta có gặp nghịch cảnh cũng không bất bình và có gặp thuận cảnh cũng không tham ái luyến tiếc. Được như vậy, họ thản nhiên trước lời tán dương hay phỉ báng. Họ cũng thản nhiên, tự tại, trước mọi lợi lộc hay mất mát, trước cám dỗ của địa vị hay danh vọng và dù vui hay khổ thì họ vẫn an nhiên, tự tại.


7. Bát chính đạo hay Bát thánh đạo:


Bát chính đạo hay Bát thánh đạo là tám con đường chân chính, ngay thẳng giúp chúng sinh tu học đi đến đời sống tốt đẹp và cũng là tám con đường mầu nhiệm dẫn dắt chúng sinh đến địa vị Thánh. Bát chính đạo là pháp tu chính, cốt lõi mà bất cứ hành giả nào muốn đạt đến giác ngộ giải thoát cũng phải đi qua.

Trong ba mươi bảy phẩm trợ đạo, Bát Chính đạo là pháp môn chính, được nhắc nhở đến nhiều nhất. Vì thế, mỗi khi nói đến Ðạo đế là người ta liên tưởng đến Bát Chính đạo. Thậm chí có người tưởng lầm rằng Ðạo đế với Bát Chính đạo là một.

Chính vì vai trò quan trọng và thâm diệu của Bát Chính đạo, nên trong tài liệu này, tác giả trình bày Bát Chính đạo thành một mục lớn sau đây:

V. Bát Chính đạo, pháp tu căn bản:

Sở dĩ Bát Chính đạo được xem là pháp môn chính của Ðạo đế, vì pháp môn này rất đầy đủ có thể bao gồm được các pháp môn khác của Ðạo đế. Nó rất phù hợp với mọi căn cơ, mọi thời đại, mọi nơi, mọi chốn. Đối với Tiểu Thừa cũng như Ðại Thừa, người Ðông phương cũng như Tây phương, ai ai cũng đều công nhận giá trị hoàn toàn cao cả của Bát Chính đạo, và đều áp dụng pháp môn này trong quá trình tu hành của mình để doạn trừ phiền não khổ đau, hầu bước lên con đường giải thoát, an vui, tự tại.

Trong một lần thuyết pháp trước các đệ tử, Đức Thế Tôn sau khi kể một chuyện về việc các thần dân một nước xin nhà vua và quần thần trùng tu một con đường mà họ vừa phát hiện được, vì con đường đó đưa họ đến những thành phố cổ xưa với những công viên, vườn cây, hồ ao, đền đài tráng lệ. Nhà vua đã quyết định trùng tu lại con đường cổ xưa và thành phố cổ xưa đó, bây giờ đã trở nên phồn thịnh, phát triển mạnh lớn, cư dân đông đúc và giầu có, dân chúng sống an lạc và thái bình. Sau khi kể xong câu chuyện về con đường đó, Đức Thế Tôn nói: “Cũng thế ấy, này các tỳ kheo, ta đã tìm được con đường cũ xa xưa đó, một con đường mà các bậc Chánh đẳng Chánh giác đều đi qua vào các thời kỳ trước.

Con đường cũ xa xưa đó là gì? Đó là con đường tám chính: Chính kiến, Chính tư duy, Chính ngữ, Chính nghiệp, Chính mạng, Chính tinh tấn, Chính niệm và Chính định. Này A Nan, con đường tám chính này đồng nghĩa với cỗ xe tối thượng, là cỗ xe pháp, là sự chiến thắng vô thượng trong mọi chiến trận nhiếp phục tham sân si.”

Như vậy ta thấy rằng chư Phật trong quá khứ, muốn thành Phật cũng phải đi qua Bát Chính đạo. Và ngay cả Đức Phật trong khi tu hành, Ngài cũng phải đi qua Bát Chính đạo.

Chính vì vậy mà đức Phật đã nói trong kinh Tương Ưng rằng: “Nếu giáo pháp nào mà không hàm chứa Bát Chính đạo thì giáo pháp đó không thể tạo ra được một vị sa môn đạt đến quả Dự lưu, Nhất lai, Bất lai và Vô sinh” (tức Tu Đà Hoàn, Tư Đà Hàm, A Na Hàm và A La Hán). Và Đức Phật nhấn mạnh: “Giáo pháp của Ta có hàm chứa Bát Chính đạo nên giáo pháp đó tạo ra được sự giác ngộ, giải thoát”

1.Nội dung của Bát Chính đạo:


Bát chính đạo là tám con đường chính gồm có: Chính kiến, Chính tư duy, Chính ngữ, Chính nghiệp, Chính mạng, Chính tinh tấn, Chính niệm và Chính định:

a. Chính kiến được đức Phật đặt lên hàng đầu, là một yếu tố quan trọng bậc nhất. Chính kiến ngược với tà kiến, tà kiến làm cho con người ta đảo điên, si mê, buộc chặt con người vào sinh tử luân hồi. Còn Chính kiến là thấy và hiểu biết đúng đắn mọi vấn đề trong thế giới và xã hội con người, đúng với sự thật khách quan. Người có Chính kiến khi thấy như thế nào thì nhận biết đúng như thế ấy. Sự nhận xét sự vật của người ấy không bị tập quán, thành kiến, dục vọng ngăn che hay làm sai lạc. Người có Chính kiến biết phân biệt cái nào giả, cái nào thật và tin theo giáo lý của Đức Phật, nghĩa là nhận thức đúng về đạo đức của cuộc sống, thấy rõ việc nào là thiện, điều nào là ác, hiểu rõ luật nhân quả. Người có Chính kiến nhận biết đúng đắn về bản chất của sự vật là vô thường, vô ngã, là do duyên sinh, duyên khởi, nhận thức rõ bản chất của khổ, nguyên nhân của khổ, sự diệt khổ và con đường đưa đến hết mọi khổ đau, tức là nhận thức đầy đủ về Tứ Diệu Đế. Vì vậy, ta thấy rõ rằng bước khởi đầu của tu hành là phải có Chính kiến. Người phật tử tu hành mà có Chính kiến theo chính pháp thì con đường đưa đến giải thoát giác ngộ sẽ nhanh chóng thành tựu.


b. Chính tư duy là suy nghĩ đúng đắn, chân chính. Người có Chính tư duy thường suy nghĩ về đạo lý cao cả, nhiệm màu, về Giới, Định, Tuệ để tu giải thoát, về sự nhận biết vô minh là nguyên nhân sinh ra đau khổ . Chính tư duy cho con người ta suy nghĩ một cách thực tế, không ảo tưởng mơ hồ.

Người tu hành có Chính tư duy không để đầu óc của mình nghĩ ngợi đến những cái xấu, đến những vấn đề bất thiện như tham lam, tức tối, giận hờn, ghen tỵ, đố kỵ, âm mưu đen tối...nghĩa là không nghĩ đến những điều đem cái hại đến cho người khác, hay đem lại sự phiền não cho người khác. Đức Phật đã từng dạy: “…Đó là tư duy về vô sinh, tư duy về sự vô hại và tư duy về sự xuất ly…”. Chính tư duy giúp hành giả và chúng sinh hướng về cái tâm cao thượng, tâm thiện mỹ, về từ bi hỷ xả, nhẫn nhục, trầm tĩnh, về lòng thương yêu giúp đỡ chúng sinh trên trần thế.


c. Chính ngữ là lời nói đúng đắn, ngôn ngữ chân chính, nghĩa là không nói những lời nói gây cho người nghe để họ đau khổ, buồn tủi; không nói những lời nói gây chia rẽ, hung bạo, căm thù. Chính ngữ là không bao giờ nói sai, không nói thiên vị, không nói xuyên tạc, không nói nịnh hót. Chính ngữ là nói những lời lẽ đưa đến xây dựng niềm tin, đoàn kết hòa hợp, thương yêu và có ích, những lời nói nhẹ nhàng, dịu dàng, làm cho người nghe cảm thấy dễ chịu và thanh thản, mát lòng, nghĩa là lời nói của một tấm lòng nhân ái.


Dân gian ta thường có câu:

Lời nói không mất tiền mua,

Liệu lời mà nói cho vừa lòng nhau.


Để làm vừa lòng nhau, người nói phải lựa lời mà nói. Nhưng “lựa lời mà nói…”, đấy mới chỉ là đạo xử thế của thế gian, chứ không phải là Chính ngữ trong Tứ Diệu Đế theo con đường đức Phật dạy. Con đường Chính ngữ của Đức Phật không phải là lựa lời mà nói, mà phải nói lời chân thật, đúng đắn nhưng phải đúng lúc và đúng chỗ.

Chính ngữ là nói những lời nói đem lại lợi ích cho người khác, không nói những lời nói hại người.

Trong kinh Tạp A Hàm, Đức Phật đã từng khuyên đệ tử cần phải suy nghĩ trước khi nói, Người nói: “Nếu ta không thích bị người lừa dối, người khác cũng như thế. Vậy tại sao lại lừa dối người khác? Nếu ta không thích người khác chia lìa thân hữu, người khác cũng như thế. Vậy tại sao lại chia lìa thân hữu người khác? Nếu ta không thích người khác nói lời thô ác, người khác cũng như thế. Vậy tại sao đối với người khác, lại mạ nhục họ? Nếu ta không thích người nói lời thêu dệt, người khác cũng như thế. Vậy tại sao đối với người, ta lại nói lời thêu dệt? Cho nên đối với người khác, ta không nên nói lời lừa dối, ly gián, thêu dệt, ác khẩu.”

Tóm lại, Chính ngữ là nói những lời nói không đem lại nghiệp ác cho mình.

d. Chính nghiệp là hành động hoặc hành vi chân chính, đúng đắn, phù hợp với chân lý, có lợi ích cho chúng sinh, nghĩa là không làm việc giết hại, trộm cướp, tà dâm. Chính nghiệp là thực hành những việc làm lương thiện, là thực hiện sự thương yêu, cứu người, giúp đỡ người có khó khăn, là không ham muốn thú vui bất thiện. Chính nghiệp giúp con người ta có một nghề nghiệp đúng đắn, và luôn tôn trọng nghề nghiệp của mình, không hại chúng sinh hữu tình, không gây tội lỗi sai trái. Người theo Chính nghiệp hay dùng trí tuệ để quán tưởng những pháp chân chính, hoặc ngồi thiền, niệm Phật, trì tụng kinh hành để giữ gìn thân, khẩu, ý cho được thanh tịnh. Chính nghiệp là thực hiện những việc làm không gây ra các nghiệp ác về thân nghiệp, khẩu nghiệp và ý nghiệp.


e. Chính mạng là thực hiện đời sống chân chính, đúng đắn, nghĩa là phải có phương tiện mưu sinh, nghề nghiệp chân chính, nghề nghiệp lương thiện, không sống bằng những nghề phi pháp, độc ác, gian xảo, L*a đ*o, dối trá hại người. Chính mạng còn có nghĩa là sống đúng chính pháp, không mê tín dị đoan, không sống trong ảo tưởng, mơ hồ, trừu tượng, phù phiếm, không chạy theo dục vọng. Chính mạng là sống một cuộc đời có ý nghĩa lợi cho mình, lợi cho người, xứng với lao động mình làm ra, không sống dựa vào người khác. Chính mạng là thực hiện một đời sống không bệnh tật, ít muốn, biết đủ và chân thành. Đó là bốn yếu tố cấu thành cần thiết của một con người thực hành đúng đắn Chính mạng.

f. Chính tinh tấn là thực hiện sự nỗ lực đúng đắn, cố gắng một cách lành mạnh, nghĩa là nỗ lực đoạn trừ điều ác, nỗ lực thực hành điều thiện. Chính tinh tấn không phải là muốn làm hơn người khác. Chính tinh tấn là cố gắng, nỗ lực thực hiện bốn điều sau đây:


* Nỗ lực ngăn chặn không cho phát sinh những điều ác,

* Nỗ lực ngăn chặn làm cho những điều ác đã phát sinh phải tiêu diệt,

* Nỗ lực làm cho những điều thiện chưa phát sinh thì nhanh chóng phát sinh,

* Nỗ lực làm cho những điều thiện đã phát sinh thì phát triển cao hơn nữa (tham khảo phần Tứ Chính cần đã nói ở trên).

Nói tóm lại, người theo đúng Chính tinh tấn là người quyết tạo nghiệp vô lậu xuất thế gian, lấy trí tuệ làm mãnh lực, lấy Niết Bàn làm nơi tìm đến, kiên quyết công phu đạt thành đạo quả để độ cho mình, sau độ cho người.

g. Chính niệm là nhớ nghĩ một cách chân chính, đúng đắn, nhớ nghĩ đến những đạo lý chân chính, đến điều hay lẽ phải, những điều lợi lạc cho mình và cho người. Chính niệm nghĩa là không nhớ nghĩ những điều bất thiện, đừng để cho các đối tượng bất chính dẫn dắt mình đi lang thang, tâm ý phải an trú vào thiện pháp, không quên thiện pháp. Chính niệm là sống theo quán xét thân, tâm, pháp, thọ để điều phục hành động của mình cho đúng đắn. Chính niệm có hai mặt:


* Chính ức niệm: là nghĩ nhớ đến các điều lỗi lầm để thành tâm sám hối, và nghĩ nhớ đến Tứ trọng ân gồm ơn cha mẹ, ơn tổ quốc, ơn chúng sinh và ơn Tam Bảo để lo báo đền.


* Chính quán niệm: là dùng tâm từ bi xét nghĩ cuộc đời là khổ não, tật bệnh, mê mờ mà chúng sinh đang mắc phải, để mở rộng lòng thương yêu và quyết ra tay cứu độ.


h. Chính định là tập trung tư tưởng một cách đúng đắn, nghĩa là đừng để tâm thức bị rối loạn, tập trung tư tưởng làm an tịnh tâm thức một cách đúng đắn, có hiệu quả phát triển tuệ giác. Chính định là phải ly dục, ly tham ái mới đưa đến chính định được. Người theo đúng Chính định, thường tập trung tư tưởng để quán sát những vấn đề chính sau đây:


* Quán thân bất tịnh (như đã nói trong phần nói về Tứ Niệm xứ)

* Quán từ bi là quán tưởng để mở rộng lòng thương yêu và cứu độ chúng sinh.

* Quán nhân duyên là quán tưởng đến tất cả vạn vật hữu hình và vô hình đều là giả hợp, do nhờ duyên mà có, chứ không thực có, không trường tồn.

* Quán giới phân biệt nghĩa là quán tưởng sự giả hợp của mười tám giới gồm sáu căn, sáu trần và sáu thức, để thấy không thực có “ngã”, “pháp”, từ đó diệt trừ chấp ngã pháp

* Quán hơi thở nghĩa là quán tưởng bằng cách chú tâm đếm hơi thở ra, hơi thở vào để đối trị với vọng tưởng và sự tán loạn của tâm thức.


2.Tính chất của Bát Chính đạo:


Tám nội dung của Bát Chính đạo có liên quan mật thiết với nhau. Người tu hành không thể phát triển đi riêng rẽ từng nội dung riêng biệt, mà phải thấu triệt cả tám nội dung, tức tám con đường của Bát Chính đạo mới đạt được thành tựu.

Về phương diện thực hành tu tập, Bát Chính đạo có thể phân thành ba phần theo ba phương pháp tu:

a. Phần thứ nhất bao gồm Chính ngữ, Chính nghiệp và Chính mạng. Phần này đề cập đến việc nói những lời nói chân chính và đúng đắn, đến việc làm bằng những hành vi chân chính, lương thiện và đến thực hành những nghề nghiệp chân chính. Phần này biểu thị cho phương pháp tu TRÌ GIỚI.

b. Phần thứ hai bao gồm Chính tinh tấn, Chính Niệm và Chính định. Phần này đề cập đến công phu tu hành và thanh lọc tâm bằng pháp môn hành thiền. Phần này biểu thị cho phương pháp tu ĐỊNH.

c. Phần thứ ba bao gồm Chính kiến và Chính tư duy. Phần này đề cập đến sự thấy biết và suy nghĩ một cách đúng đắn và chân chính. Phần này biểu thị cho phương pháp tu TUỆ.

Như vậy, khi trình bày các nội dung của Bát Chính đạo thì Chính kiến và Chính tư duy đứng đầu. Khi xét theo như một pháp tu tập thì ba phần của Bát Chính đạo được kể theo thứ tự Giới, Định, Tuệ thì Chính kiến và Chính tư duy lại được kể sau cùng. Điều đó nói lên rất rõ rằng ở bước ban đầu muốn hiểu đúng con đường đạo thì phải có trí tuệ, phải có sự hiểu biết, nhận thức đúng đắn tức là Chính kiến và Chính tư duy phải đứng đầu, bởi vì muốn thực hành giáo pháp mà không có Chính kiến thì sẽ bị lầm đường lạc lối. Và khi vào thực hành pháp tu, người tu hành phải trải qua Giới, Định, Tuệ, thì giai đoạn Tuệ ở cuối cùng tức là khi đó Chính kiến và Chính tư duy đã đạt đến mức cao, có hiệu năng đưa người tu hành vượt thoát ra khỏi vòng sinh tử luân hồi và được giải thoát. Đó là mục tiêu cuối cùng của đạo Phật cũng như trong Bát Chính đạo đã trình bày.

3.Lợi ích của Bát Chính đạo:

Trong kinh Đại Niết Bàn, Đức Thế tôn đã dạy: “Trong bất luận giáo đoàn nào, nếu không có Bát Chính đạo thì cũng không có hạng nhất đẳng sa môn (tức Tu Đà Hoàn), cũng không có nhị đẳng sa môn (Tư Đà Hàm), tam đẳng sa môn (A Na Hàm) hay tứ đẳng sa môn (A La Hán). Trong giáo đoàn nào có Bát Chính đạo thì cũng có hạng nhất đẳng, nhị đẳng, tam đẳng và tứ đẳng sa môn. Bát Chính đạo là con đường duy nhất”.

Bát Chính đạo là pháp môn tu tập có nhiều lợi ích thiết thực, rất được thông dụng đối với người học Phật. Tất cả các hành giả đạt được từ bậc thánh Thanh Văn trở lên đều phải tu qua Bát Chính đạo. Bát Chính đạo không những mang lại lợi ích cho người tu hành đi đến thành tựu cuối cùng là giải thoát, giác ngộ, đạt đến Niết bàn, mà còn giúp cho mọi con người bình thường sống trong xã hội đạt được lợi ích trong cuộc sống, bởi vì trong Bát Chính đạo, tất cả là những bài học về cuộc sống làm người.

Những lợi ích mà Bát Chính đạo đem lại có thể gồm:


* Cải thiện cuộc sống con người: Nếu ai tu theo Bát Chính đạo một cách nghiêm cẩn và đúng đắn thì có thể sửa đổi được tất cả mọi hành vi, ý nghĩ và lời nói bất chính, vô đạo lý. Cuộc sống sẽ hướng theo chân thiện mỹ.


* Cải thiện hoàn cảnh sống trong xã hội: Nếu trong xã hội mọi người đều tu theo Bát Chính đạo thì xã hội sẽ được an lành, không còn tệ nạn, không còn chiến tranh giết hại lẫn nhau.


* Chứng quả Vô thượng Chính đẳng Chính giác: Những người học Phật chuyên tu theo Bát Chính đạo thì không những được lợi lạc trong cuộc sống hiện tại mà con tạo cho mình một tương lai tươi sáng, vì họ đã gieo trồng cho mình những hạt giống Bồ để để ngày sau gặt hái được quả vô thượng Chính đẳng chính giác, đạt đến Niết bàn.


VI.Vai trò của Đạo đế trong Tứ Diệu Đế:

Ta đã biết đạo đế là nội dung trong phần thứ tư của tứ diêu đế. đạo đế là sự thật, là chân lý về con đường dẫn đến diệt khổ. đạo đế là phương pháp chân chính và có hiệu quả chắc chắn để đưa chúng sinh đạt đến niết bàn. do đó đạo đế có một vai trò rất quan trong trong tứ diệu đế. trong ba phần đầu của tứ diệu đế là khổ đế, tập đế và diệt đế, đức phật đã dẫn dắt phật tử nhận biết nỗi khổ ở đời, nguyên nhân của khổ đau và sự chấm dứt khổ đau. còn phần thứ tư là đạo đế mới là phần quan trọng nhất, cốt lõi nhất của tứ diệu đế để hướng dẫn chúng sinh và nhà tu hành vững bước trên đường tu đạo đạt tới giải thoát, giác ngộ, niết bàn.


Đạo đế bao gồm ba mươi bảy phẩm trợ đạo là Tứ Niệm xứ, Tứ Chính cần, Tứ Như ý túc, Ngũ căn, Ngũ lực, Thất giác chi và Bát Chính đạo. Riêng phần Đạo đế được trình bày kỹ, đầy đủ và với số lượng thời gian và nội dung phong phú, cũng đủ nói lên sự quan trọng mà Đức Phật muốn dành cho phương pháp tu hành để chứng nhập Niết bàn này.


Cũng cần thấy rằng nội dung trong Đạo đế có quá nhiều pháp môn. Sở dĩ thế vì Đức Phật thấy rõ căn cơ của mỗi chúng sinh không đều nhau, nên phải có nhiều pháp môn để mỗi người tùy theo căn cơ của mình mà chọn lựa pháp môn thích hợp mà tu hành. Tất nhiên một người có thể tu một pháp môn hay nhiều pháp môn khác nhau nếu có đủ khả năng, sức khỏe và trí tuệ.


Trong lịch sử đạo phật, ta thấy các đức phật mười phương đều nhờ các pháp môn này đầu tiên mà dần dần được viên thành phật quả. tất cả các thánh giả trong ba thừa đều nương tựa vào đây để tu hành đến khi thành tựu đạo quả. vì vậy, tất cả phật tử chúng ta, những người đang ôm ấp một tâm nguyện tu hành thành phật nhằm cứu độ mình và cứu độ chúng sinh, chắc chắn không ngần ngại học tập những giáo lý căn bản và vĩ đại của đức phật đã nói trong tứ diệu đế, bài học đầu tiên mà đức thế tôn giảng trước các đệ tử đầu tiên của người ở vườn lộc uyển.


Phạm Đình Nhân


TIN, BÀI LIÊN QUAN:


Phạm Đình Nhân

Mạng Y Tế
Nguồn: Phật giáo (https://phatgiao.org.vn/tu-dieu-de-bai-hoc-dau-tien-phan-cuoi-d15002.html)

Tin cùng nội dung