3 năm về làm dâu cũng là 3 cái tết ở nhà chồng, dù tôi có cố gắng chu toàn đến đâu, tính toán đến mức nào thì sau tết vẫn phải nghe đủ lời chê trách khoản mừng tuổi.
Năm nay lại một cái tết nữa rồi, tôi chỉ mong tết hoặc tục mừng tuổi ngày tết sẽ biến mất.
Tôi và chồng cùng quê Thanh Hóa với nhau. Quen và yêu nhau ở Hà Nội, xong đám cưới ở quê chúng tôi lại tất tả lên thủ đô kiếm sống. Chồng tôi làm kinh doanh tự do, còn tôi làm nhân viên ngân hàng. Công việc của tôi vô cùng áp lực và thu nhập cũng chẳng phải khấm khá gì, nhưng ở quê bố mẹ chồng lúc nào cũng xem tôi như “két tiền” vậy.
Năm đầu tiên về
nhà chồng, tức là 3 năm trước, tết đến mừng tuổi tôi chỉ mừng 5 nghìn. Vì nhân viên mới vào làm lương được mấy đồng bạc, có muốn cũng chẳng thể mừng hơn. Thế mà năm đầu tiên đã bị họ hàng
nhà chồng nói này nói nọ, ý chê mình dâu mới ki bo.
Tết năm thứ hai rút kinh nghiệm tăng lên gấp đôi là 10 nghìn, biếu các cụ thì 50 nghìn. Tưởng tiến bộ thế sẽ được khen, ai ngờ vẫn bị chê ít. Đợt vừa rồi rục rịch chuẩn bị tết nhất, mẹ chồng đánh điện lên ngọt nhạt dặn con dâu “mẹ trót khoe với các cô chú là năm nay ngân hàng thưởng tết cao lắm, mày làm thế nào đừng để bố mẹ mất mặt con ạ”.
Thì ra mẹ chồng tôi xem báo hay tivi gì đấy, nghe họ nói ngân hàng năm nay tăng tiền thưởng tết. Chẳng cần biết là ngân hàng nào, thực hư ra sao đã chạy đi khoe khắp nơi con dâu tôi cũng làm ngân hàng. Nhưng thực ra bộ phận tôi làm chỉ có áp lực là nhiều, chứ lương thưởng có là bao. Báo hại tôi lại phải đau đầu nghĩ chuyện tiền nong mừng tuổi.
Hôm trước đã thống nhất với chồng mừng người quan trọng 200 nghìn là cao nhất. Còn trẻ con thì chỉ mừng mỗi đứa 20 nghìn thôi, vì nhà anh cháu chắt đông như quân Nguyên Mông. Nghe mẹ chồng nói thế, tôi đành gọi điện cho bạn bè bảo họ để lại cho ít tiền lẻ mệnh giá 100 với 50 nghìn đồng.
Ngày mùng 1, hội liên gia sang nhà tôi chúc tết kéo theo lít nhít một đám trẻ con, chắc cháu chắt của các vị. Tôi nghĩ bụng trẻ con hàng xóm thì chỉ cần 20 nghìn mừng tuổi là được. Vừa thấy tôi đưa ra bao lì xì đựng 20 nghìn (tối hôm trước lúc tôi nhét tiền vào bao mẹ chồng tôi nhìn thấy), bà nói khéo: “Cái này màu xấu các cháu không thích đâu. Con lấy cái loại màu đỏ pha vàng kia (cái bao to hơn đựng 50 nghìn đồng) cho các cháu”. Thật sự tôi chỉ biết đứng hình mà nôn tiền ra, thấy bọn trẻ con bóc ngay bao lì xì khoe tờ tiền đỏ chót với ông bà chúng, mẹ chồng tôi tỏ vẻ hãnh diện lắm. Còn tôi thì méo mặt vì đi đứt nửa triệu bạc vào tay người dưng.
Đấy là với cháu hàng xóm, còn các cháu trong họ hàng, cháu ngoại của bà, bà ý kiến tôi nên mừng tuổi mỗi đứa 100 nghìn đồng. Nếu mừng 50 nghìn thì chẳng khác gì bằng cháu hàng xóm. Tôi đến mệt với mẹ chồng mình mà vẫn cứ phải ngoan ngoãn nghe theo, sợ bà sẽ giận.
Sau một cái tết, vợ chồng tôi mất đứt 20 triệu bạc tiền mừng tuổi. Người ta cho đi còn có thể nhận lại vì gia đình cũng có con nhỏ, đằng này vợ chồng tôi hiếm muộn nên mấy năm vẫn chưa động tĩnh gì. Làm lụng cả năm dành dụm được mấy đồng thì ném sạch vào tết. Mà kể cũng lạ, mẹ chồng tôi cũng chẳng sốt ruột gì chuyện cháu chắt. Bà chỉ thích con cái bà thảo lảo chi tiền để bà mát mặt hãnh diện.
Họ hàng
nhà chồng thì cứ mang số tiền trong phong bao lì xì của tôi ra để cân đo đong đếm. Mừng ít thì chê trách đủ kiểu, mừng nhiều cũng chẳng thấy họ khen một câu. Chẳng thế mà mấy năm nay ăn tết
nhà chồng, tôi hoảng sợ thực sự với tục mừng tuổi đầu năm. Đành rằng hai vợ chồng sống ở thành phố, có việc làm ổn định thật, nhưng còn bao khoản phải chi tiêu, chưa kể còn phải giành dụm tiền để lo chuyện con cái. Vậy mà có ai hiểu cho đâu.
Tôi chỉ ước từ tết sang năm, tục mừng tuổi này sẽ biến mất. Hoặc ít nhất cũng không khiến tôi phải đau đầu, khốn khổ thế này. Tôi căm ghét tục mừng tuổi.
Theo Viet Nam Net