Tâm sự hôm nay

Xử lý nghiêm cơ sở hành nghề y, dược không phép

Nghệ An là địa phương có cơ sở hành nghề y, dược ngoài công lập nhiều thứ 3 trong cả nước.

Vì vậy, trách nhiệm quản lý địa bàn để các cơ sở y tế hoạt động bình đẳng trước pháp luật cần được quan tâm.

Còn nhiều cơ sở hành nghề không phép

TS.BSCKII. Đậu Huy Hoàn - Phó Giám đốc Sở Y tế Nghệ An cho biết, Nghệ An là 1 trong 3 địa phương có mạng lưới y, dược tư nhân lớn nhất cả nước (chỉ sau TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội). Hiện nay, tổng số cơ sở y, dược được cấp phép trên địa bàn tỉnh là 2.801, trong đó có 566 cơ sở hành nghề y và 2.235 hành nghề dược. Tổng số cơ sở hành nghề y, dược không có giấy phép được các huyện rà soát, báo cáo trước khi ban hành Chỉ thị số 03/CT-UBND là 685 cơ sở; sau khi triển khai Chỉ thị, đến ngày 29/02/2020 còn 165 cơ sở (giảm 520 cơ sở).

Thực hiện Chỉ thị 03, 2 năm qua, Sở Y tế Nghệ An đã phối hợp Công an tỉnh, Quản lý thị trường Nghệ An thành lập 30 đoàn thanh kiểm tra. Các đoàn đã kiểm tra 257 lượt cơ sở hành nghề và xử phạt 67 cơ sở với số tiền 870 triệu đồng, thông báo cho UBND các huyện xử lý 55 lượt cơ sở hành nghề không phép.

21/21 UBND huyện, thành, thị thành lập đoàn tổ chức kiểm tra 1-2 đợt/năm và đã kiểm tra được 1.639 lượt cơ sở, xử phạt 269 cơ sở với số tiền hơn 1,1 tỷ đồng, đình chỉ 520 cơ sở hành nghề không phép. Công an tỉnh đã kiểm tra, xử lý 39 vụ vận chuyển, buôn bán hàng hóa không có chứng từ hợp lý, thu nhiều sản phẩm mỹ phẩm và Thu*c chữa bệnh với tổng giá trị hơn 506 triệu đồng. Cục Quản lý thị trường tỉnh đã thanh kiểm tra 457 cơ sở, xử lý vi phạm 253 cơ sở với tổng số tiền hơn 530 triệu đồng.

Sau 2 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 03, các cơ sở hành nghề y dược có phép được quản lý chặt chẽ, chấp hành các quy định về chuyên môn tốt hơn. Công tác thanh kiểm tra về hành nghề y, dược được tăng cường. Việc xử lý vi phạm được thực hiện nghiêm và kịp thời hơn. Một số huyện thực hiện tốt Chỉ thị 03 là Nam Đàn, Nghĩa Đàn, Quỳ Hợp.

Hiện nay, công tác thực hiện Chỉ thị 03 vẫn còn nhiều bất cập, khó khăn. Cơ sở không phép vẫn còn nhiều, hoạt động ở quy mô nhỏ tại gia đình không treo biển hiệu khó khăn trong việc kiểm tra phát hiện và xử lý. Con số 165 cơ sở không phép được báo cáo hiện nay đang thấp hơn so với số cơ sở hành nghề không phép thực tế.

Sở Y tế Nghệ An kiểm tra các cửa hành kinh doanh Thu*c đông y tại Chợ Vinh - TP. Vinh.

Vào cuộc chưa quyết liệt, xử lý chưa nghiêm

Tình trạng cơ sở hành nghề y, dược không phép trên địa bàn vẫn tồn tại được xác định là do công tác kiểm tra, giám sát, hậu kiểm chưa nghiêm dẫn đến một số cơ sở đã bị đình chỉ, sau đó tái hoạt động.

“Chính quyền các cấp, đặc biệt là cấp xã chưa có các giải pháp thích hợp để giải quyết triệt để việc hành nghề không phép trên địa bàn. Tất cả các cơ sở không phép, vi phạm đều được các cấp chính quyền biết hết, biết cả nhưng nể nang không xử lý... Khi cấp huyện xử lý lại có những cuộc điện thoại xin”, một trưởng phòng y tế huyện cho hay.

Việc xử phạt vi phạm hành chính không nghiêm, chưa quyết liệt, có huyện số tiền xử phạt vi phạm ít, còn có một số huyện kiểm tra hành nghề không phép, nhưng không xử phạt hành chính như Thanh Chương, Con Cuông, Kỳ Sơn nên vẫn còn cơ sở hành nghề không phép hoạt động.

Một số huyện bố trí kinh phí, nhân lực liên ngành trong công tác kiểm tra hành nghề y, dược tư nhân chưa hợp lý, chủ yếu là giao phó trách nhiệm cho phòng y tế là chính. Các ngành khác tham gia không đầy đủ và chưa nêu cao trách nhiệm trong thực thi công vụ. Trong khi đó, phòng y tế các địa phương hầu hết chỉ có từ 1-2 người. Công tác phối kết hợp của các cấp ngành, địa phương chưa tốt.

Người đứng đầu phải thật sự trách nhiệm

Theo ông Bùi Đình Long - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An: Chỉ thị 03CT-UBND của tỉnh Nghệ An đã đi vào cuộc sống, nâng cao hiệu quả, chất lượng hoạt động của các cơ sở y dược ngoài công lập, tạo sự thuận lợi, đáp ứng được nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân và góp phần cùng ngành y tế tỉnh nhà thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân. Bên cạnh đó, công tác quản lý hoạt động hành nghề y dược ngoài công lập vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế khi vẫn còn có nhiều cơ sở hoạt động không phép, vi phạm tạo nên sự bất ổn xã hội, mất khách quan và công bằng đối với đơn vị thực hiện nghiêm túc.

Việc phát hiện cơ sở hành nghề y dược ngoài công lập không phép, vi phạm là rất dễ. Vấn đề là lâu nay, các cơ quan chức năng, địa phương có chịu xử lý hay không. Một yêu cầu thực tế đặt ra là Nghệ An phải lành mạnh hóa hoạt động y dược ngoài công lập; khuyến khích các cơ sở đủ điều kiện hoạt động tốt; phải thật sự trách nhiệm, cương quyết xử lý nghiêm các vi phạm, không để hành nghề không phép, không đủ điều kiện hoạt động trên địa bàn.

Ông Bùi Đình Long yêu cầu: Các cấp, ngành, địa phương, cơ sở hành nghề phải tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị 03CT-UBND. Sở Y tế tăng cường hoạt động thanh, kiểm tra, giám sát và hướng dẫn đối với các cơ sở hành nghề, các địa phương trong tỉnh; phát hiện, xử lý nghiêm các cán bộ trong ngành vi phạm chỉ thị, đơn vị có cán bộ vi phạm chỉ thị (nếu có); thực hiện rà soát các văn bản quy định pháp luật còn chồng chéo bất hợp lý trong lĩnh vực để tham mưu tỉnh, trung ương sửa đổi. Công an tỉnh và Cục Quản lý thị trường Nghệ An tiếp tục thực hiện tốt công tác phát hiện, xử lý vi phạm theo chức năng nhiệm vụ.

Cần nêu cao vai trò lãnh đạo, chỉ đạo cấp ủy Đảng đối với công tác quản lý hành nghề y dược ngoài công lập. UBND các huyện, thành, thị phải phân cấp rõ nhiệm vụ thực hiện Chỉ thị 03 cho từng ngành, từng xã, phường, thị trấn và các trạm y tế; phải đánh giá được đơn vị nào tốt và chưa tốt, cán bộ nào còn né tránh, không chịu làm để có giải pháp cụ thể. Phòng y tế các huyện, thành, thị tích cực nắm thông tin cơ sở vi phạm, cơ sở gặp khó khăn trong việc hoàn thiện giấy phép để tham mưu xử lý kịp thời. Người đứng đầu UBND cấp huyện phải chịu trách nhiệm hoàn toàn nếu trên địa bàn xảy ra vi phạm Chỉ thị 03CT-UBND.

Từ Thành

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khỏe đời sống (https://suckhoedoisong.vn/xu-ly-nghiem-co-so-hanh-nghe-y-duoc-khong-phep-n174183.html)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY