Công bằng mà nói, công việc của cảnh sát giao thông (CSGT) rất vất vả, phải chịu khói bụi, nắng mưa, mắc bệnh từ nghề nghiệp không ít và điều này dân cũng biết
Công bằng mà nói, công việc của cảnh sát giao thông (CSGT) rất vất vả, phải chịu khói bụi, nắng mưa, mắc bệnh từ nghề nghiệp không ít và điều này dân cũng biết, rất thông cảm và biết ơn các anh. Thế nhưng có một bộ phận CSGT vòi vĩnh, tiêu cực trong xử lý đã làm xấu cả đội ngũ CSGT tạo nên sự mặc cảm khiến có tài xế dám hất cả CSGT lên nóc capô xe ôtô. Ngay chuyện xấu này, ta vẫn thấy hàng loạt người đi đường tỏ ý phẫn nộ với lái xe chứng tỏ người dân đâu có quay lưng với CSGT.
Không thể nói người dân đừng vi phạm sẽ không bị phạt mà hãy nói ngược lại là CSGT luôn đứng công khai cho dân thấy tại các ngã tư khi đông cũng như lúc vắng xem số người vi phạm có giảm đáng kể không? Khi số người vi phạm giao thông càng ngày càng giảm sẽ hình thành
ý thức giao thông trong người tham gia giao thông.
Xây dựng
ý thức giao thông trước hết phải xây dựng mối quan hệ tốt đẹp giữa bên điều hành giao thông với bên tham gia giao thông. Khi ai đó cố tình vi phạm thì CSGT cực kỳ nghiêm khắc nhưng những ai vô tình thì CSGT phải cực kỳ thông cảm, không hạch sách, thậm chí còn chia sẻ, bắt tay, vỗ vai và khuyên nên đi cẩn thận, tạo cho người dân có cảm giác CSGT đang bảo vệ mình, vì sự an toàn của mình. Không hiếm trường hợp ở nước ngoài, CSGT khi dừng xe người không đội mũ bảo hiểm đã thu giấy tờ, không phạt nhưng cầm tiền và bắt đợi để... đi mua hộ mũ bảo hiểm! Mua xong, trả tiền thừa còn gài hộ quai mũ như một người bạn thật sự. Chuyện một vài trăm nghìn tiền phạt nộp kho bạc hoặc đưa CSGT để đi ngay cho tiện nhiều khi không quan trọng bằng ý thức thượng tôn pháp luật. CSGT không tôn trọng pháp luật sao mong được ở người dân? Nhiều khi CSGT muốn “nghiêm” nhưng bị chùn tay trước vi phạm trước những “mối quan hệ”. Không ít người vi phạm thay vì nhận lỗi, chịu phạt lại gọi điện thoại cho ai đó và đưa cho CSGT nghe, vậy mà các anh... cũng nghe...
Thật ra những đối tượng nói trên không nhiều nếu so tỷ lệ với số đông người đi đường rất tuân thủ pháp luật. Nhưng tâm lý đám đông bị ảnh hưởng bởi những người vi phạm, nhất là khi hạ tầng cơ sở giao thông không đáp ứng đủ, kẹt xe, ngập nước, hệ thống đèn giao thông chưa tốt... Thế là người này theo người kia khi CSGT vắng bóng bởi những hành vi không đúng xảy ra trước mắt mọi người thì người ta có khuynh hướng bắt chước! “Tấm gương” thoát được ra ngoài trong đám đông bị kẹt bằng cách vọt lên vỉa hè, tranh thủ vượt đèn đỏ, đi sang làn đường bên kia đang vắng ắt thành “bài học” tại chỗ, tức thì. Cứ thế, nhiều người bị lôi kéo theo cái sai và gây nguy hại cho xã hội và ý thức giao thông cứ rơi rụng dần.
Gần đây, nhiều ý kiến cho rằng cần tăng mức phạt để xây dựng
ý thức giao thông bởi không gì hiệu quả bằng đánh vào kinh tế! Thật ra tăng mức phạt chỉ có tác dụng nếu đời sống của người dân đủ đáp ứng mức phạt đó và họ đã có ý thức đầy đủ... Khi tinh thần thượng tôn pháp luật và lòng tự trọng được nâng cao từ người dân lẫn người thực thi,
ý thức giao thông mới có thể hình thành vững chắc, lâu bền.
Lê Quý Hiền