Ngày 13-3, đoàn lãnh đạo LĐLĐ tỉnh Khánh Hòa có mặt tại Khu Tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma (huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa) tổ chức lễ dâng hương, dâng hoa tưởng nhớ 64 chiến sĩ Hải quân Nhân dân Việt Nam ngã xuống tại đảo đá Gạc Ma, huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa để bảo vệ biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Từ sáng sớm 13-3, ông Võ Duy Trúc, Giám đốc Ban Quản lý Khu Tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma, đã có mặt tại khu tưởng niệm, tất bật chuẩn bị đón tiếp các đoàn đến thăm viếng. Đặc biệt hơn, Ban Quản lý chuẩn bị 64 bộ hương đèn cùng mâm cỗ lớn để ghi nhớ ngày 64 anh hùng, liệt sĩ đã ngã xuống. "Chúng tôi phải chuẩn bị chu đáo từ hương hoa, đến chăm sóc cây cối, bố trí người giữ xe để tiếp đón chu đáo người dân cả nước" - ông Trúc nói.
Đúng 8 giờ, đoàn LĐLĐ tỉnh Khánh Hòa do ông Nguyễn Hòa, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh, dẫn đầu đã đến khu tưởng niệm. Đoàn cùng tưởng nhớ lại thời điểm cách đây 32 năm, ngày 14-3-1988, thời điểm các chiến sĩ Hải quân Việt Nam đang xây dựng đảo đá Gạc Ma thì bị quân địch tấn công khiến 3 tàu vận tải cùng 64 cán bộ chiến sĩ anh dũng hy sinh khi quyết giữ đảo. Ông Nguyễn Hòa bộc bạch: "Những năm qua, khu tưởng niệm đã trở thành một địa chỉ đỏ, một biểu tượng thiêng liêng của lòng yêu nước, yêu biển đảo quê hương. Lật từng trang lưu niệm, chúng tôi thực sự hết sức xúc động về tình cảm người dân dành cho biển đảo quê hương".
Một người dân ghi tên là Thái Quỳnh Mai Dung để lại những câu thơ hết sức xúc động: "Mãi ngàn đời Tổ quốc vẫn khắc ghi/Trái tim anh kết vòng hoa bất tử/ Nơi biển khơi đạp muôn trùng sóng dữ/ Giữa mây trời đảo đá hóa biên cương...".
Ông Pan Noymany - Ủy viên Trung ương Đảng Nhân dân cách mạng Lào, Chủ tịch Trung ương Liên hiệp Công đoàn Lào - cùng đoàn công tác của nước bạn cũng đến từ rất sớm. Dâng nén hương thơm, ông Pan Noymany gửi lại lưu bút: "Những chiến sĩ làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc Việt Nam (quần đảo Trường Sa) là những người đã hy sinh rất dũng cảm để bảo vệ Tổ quốc. Chúng tôi xin được ghi nhận những tấm gương dũng cảm này một cách sâu sắc".
Thượng tá Nguyễn Văn Khánh cùng các cán bộ Học viện Hải quân đến dâng hương, hoa lên tượng đài, tưởng nhớ 64 đồng đội. Thượng tá Khánh từng công tác tại Trung đoàn Công binh 83 (E83), cũng là người có mặt sau trận hải chiến Gạc Ma 1988 để hỗ trợ xây đảo. "Ngày giỗ các đồng chí, đồng đội, chúng tôi xin kính cẩn nghiêng mình trước anh linh các đồng chí. Mong sao linh hồn các đồng chí siêu thoát, quốc thái dân an, đồng chí, đồng bào mạnh khỏe, Hải quân Nhân dân bảo vệ vững chắc biển đảo thiêng liêng Tổ quốc" - thượng tá Khánh bày tỏ.
Theo ông Võ Duy Trúc, kể từ khi đi vào hoạt động (tháng 7-2017) đến nay, Khu Tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma đã đón hơn 4.320 đoàn với hơn 100.000 lượt người đến tham quan, tìm hiểu sự kiện lịch sử này. Có đoàn rất đông, trên 1.000 người. Bên cạnh đó, khu tưởng niệm được rất nhiều cơ quan, đơn vị, đoàn thể tổ chức đoàn đến tham quan, kết nạp đảng viên mới; nhiều trường học đưa học sinh đến tham quan, tìm hiểu, tuyên dương trước tượng đài chiến sĩ Gạc Ma. Nhiều doanh nghiệp cũng tổ chức tour du lịch, xem đây là điểm tham quan khi đến Khánh Hòa.
Trong dịp này, người dân có thể liên hệ cán bộ Ban Quản lý Khu Tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma để được giới thiệu, hướng dẫn, thuyết minh cho người dân về sự kiện Gạc Ma.
Dẫn chúng tôi đi thăm bảo tàng ngầm, ông Trúc cho biết hiện nay có rất nhiều kỷ vật của các chiến sĩ được người nhà gửi gắm. Đó là bức thư thấm đẫm tình thương gia đình của liệt sĩ Võ Đình Tuấn (tỉnh Khánh Hòa), tấm bằng tốt nghiệp nhòe hình của liệt sĩ Vũ Văn Thắng (tỉnh Thái Bình), hay tấm hình đen trắng trong CMND của liệt sĩ Tống Sĩ Bái... Nơi đây còn lưu giữ cả những kỷ vật của các con tàu đã chìm tại Gạc Ma năm xưa như bánh lái, giày dép, những mảnh súng trường, cuốc, xẻng mà các anh hùng, liệt sĩ sử dụng khi bảo vệ Gạc Ma.
Tuy nhiên, vẫn còn một trăn trở là liệt sĩ Trần Quốc Trị (tỉnh Quảng Bình) hiện nay chưa có di ảnh. "Trước đây, một đồng đội của liệt sĩ Trị có gửi về gia đình một tấm hình nhưng một trận lụt lớn đã cuốn trôi toàn bộ giấy tờ. Đến nay, liệt sĩ này vẫn chưa có di ảnh. Chúng tôi đã và đang liên lạc khắp nơi để tìm kiếm" - ông Trúc nói. Trước trăn trở này, thượng tá Nguyễn Văn Khánh hứa sẽ quay về đơn vị cũ để tìm di ảnh của cựu đồng đội.
32 năm qua, năm nào bà Đỗ Thị Hà, vợ liệt sĩ Đinh Ngọc Doanh, cũng làm mâm cỗ giỗ chồng. Điều mà bà mong mỏi, dù khó có thể, đó là tìm được thi hài của liệt sĩ Doanh, hiện vẫn nằm lại Gạc Ma. "Dù không đưa được thể xác anh về đất mẹ nhưng 3 năm nay, chúng tôi coi Khu Tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma như mộ của anh. Nhìn khói hương nghi ngút, di ảnh của anh ở cùng đồng đội mà ấm lòng" - bà Hà xúc động bày tỏ.
Khu tưởng niệm Chiến sĩ Gạc Ma được Tổng LĐLĐ Việt Nam phát động xây dựng nhằm tri ân các anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh vì biển đảo Tổ quốc. Khu tưởng niệm rộng 2,5 ha, hoàn thành từ năm 2017, gồm 2 hạng mục chính. Hạng mục 1 là cụm tượng đài “Những người nằm lại phía chân trời” với vòng tròn bất tử thể hiện tinh thần hiên ngang bất khuất của những người lính sẵn sàng xả thân để bảo vệ độc lập, chủ quyền của Tổ quốc. Hạng mục 2 là khu trưng bày ngầm lưu giữ những hiện vật liên quan đến cuộc đời và gia đình các liệt sĩ Gạc Ma; khu quảng trường Hòa Bình, khu mộ gió của 64 liệt sĩ Gạc Ma với đầy đủ họ, tên, địa chỉ...
Bài và ảnh: Kỳ Nam