Các bạn trẻ mặc cổ phục Việt tại ngày hội Việt phục năm 2022 do Trường ĐH KHXH&NV (ĐH Quốc gia TP.HCM) tổ chức
Đó là một trong nhiều chia sẻ của các doanh nhân, trí thức, chuyên gia tại Tọa đàm Doanh nhân với Áo dài truyền thống, do Tạp chí Doanh nhân Sài Gòn phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM, Sở Du lịch TP.HCM và Bảo tàng Áo dài tổ chức mới đây. Sự kiện nằm trong chuỗi các hoạt động của Chương trình “Gặp gỡ tháng 10” năm 2022, nhân kỷ niệm 18 năm ngày Doanh nhân Việt Nam 13.10.
Cùng với quá trình phát triển, hội nhập quốc tế, nhu cầu thể hiện bản sắc quốc gia, chiếc áo dài đã dần trở lại một cách mạnh mẽ, đặc biệt là áo dài nam trong các hoạt động ngoại giao, cưới hỏi, sinh hoạt của các gia tộc, dòng họ… Ngày hội áo dài trở thành sự kiện văn hóa - nghệ thuật thường niên của TP suốt 8 năm qua. Thời gian gần đây, áo dài cũng được các nữ doanh nhân ưu tiên lựa chọn làm trang phục trong các sự kiện lớn, tuy nhiên, hiện chỉ còn rất ít các nam doanh nhân lựa chọn áo dài làm trang phục tại các kiện.
Ông Nguyễn Phước Hưng, Phó Chủ tịch phụ trách, kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM cho biết, mặc dù áo dài có một lịch sử mấy trăm năm và rất phổ biến trong đời sống hiện đại nhưng vẫn chưa chính thức trở thành quốc phục trong những buổi làm việc, ký kết, hợp tác quan trọng của các doanh nhân, đặc biệt là nam doanh nhân. Trong bối cảnh hội nhập toàn cầu, doanh nhân không chỉ kinh doanh tại thị trường nội địa, họ ngày càng vươn ra, chinh phục thị trường thế giới.
TS Hồ Minh Quang, Trưởng Khoa Đông phương học (Trường ĐH KHXH&NV - ĐH Quốc gia TP.HCM) chia sẻ: Áo dài, nón lá, nem rán, phở, bánh mì… được coi như những vật phẩm mang tính nhận diện rõ nhất khi nói tới những gì tiêu biểu của Việt Nam. Trong đó, áo dài là trang phục vừa tôn vinh vẻ đẹp sắc vóc, vừa có thể làm thăng hoa nét đẹp tâm hồn dung dị mà tinh tế của người phụ nữ Việt. Đây là một chỉ dấu quan trọng trong việc nhận diện người phụ nữ Việt Nam trong muôn vàn các dân tộc trên thế giới qua trang phục truyền thống. Nhưng việc nhận diện đàn ông Việt Nam qua trang phục lại là một vấn đề không dễ dàng! Vì bởi hình ảnh “áo dài, khăn xếp” đặc trưng của đàn ông Việt có lẽ do trải qua nhiều biến cố lịch sử, đã vô tình bị đứt đoạn trong dòng chảy chung của văn hóa Việt suốt một thời gian khá dài.
“Đến với chiếc áo dài nam, tôi nhớ lại quãng thời gian cách đây gần 20 năm khi còn học tập tại nước ngoài. Trong thời gian ấy, khi tham gia các hoạt động giao lưu quốc tế, sinh viên các nước bất kể nam nữ đều có trang phục đặc trưng của đất nước mình, và tôi bắt đầu suy nghĩ: “Con trai Việt Nam ở đâu trong rừng người muôn sắc ấy?”. Sau nhiều trăn trở, tôi quyết mặc áo dài Việt Nam để ít nhiều có được một tiêu chí nhận diện trong những không gian đa văn hóa”, TS Hồ Minh Quang bày tỏ.
Bà Lê Tú Cẩm, Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa TP.HCM khẳng định, áo dài đã trở thành đồng phục nữ ở một số ngành như: Ngân hàng, du lịch, hàng không bưu điện, giáo dục... “Ngày xưa, nữ Bộ trưởng ngoại giao trong trang phục áo dài ngồi vào bàn đàm phán cho hòa bình - độc lập của đất nước. Ngày nay, các doanh nhân trong trang phục áo dài khi tiếp khách, lúc đàm phán ký kết các thỏa thuận hợp tác góp phần xây dựng đất nước giàu mạnh, sẽ tạo nên sức mạnh tinh thần, sức mạnh của hồn dân tộc, sức mạnh của truyền thống tự tin, bản lĩnh”, bà Lê Tú Cẩm bày tỏ.
Bà Huỳnh Ngọc Vân, Giám đốc Bảo tàng Áo dài nhấn mạnh vai trò của các doanh nhân tại TP.HCM và cho biết, giới doanh nhân TP.HCM không chỉ đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước mà còn có rất nhiều ý tưởng, công trình cho sự phát triển bền vững của văn hóa TP. Việc định hướng cho doanh nhân chọn lựa trang phục áo dài phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh sử dụng nhằm tôn vinh áo dài trong sự nghiệp các doanh nhân Việt Nam, đồng thời, động viên doanh nhân TP.HCM tích cực sử dụng áo dài - trang phục truyền thống của dân tộc Việt Nam trong kinh doanh, giao dịch như một nét đặc trưng…
Kể tiếp câu chuyện của mình, TS Hồ Minh Quang cho biết, khi tốt nghiệp về nước, ông vẫn duy trì thói quen mặc áo dài trong những lần đứng trên sân khấu biểu diễn nghệ thuật. “Cho đến năm 2017, tôi bắt đầu mặc áo dài “toàn mặt trận” khi lên lớp tại tất cả các trường học, các nơi giao lưu học thuật, văn hóa trong và ngoài nước. Mặc áo dài hẳn nhiên sẽ ít nhiều vướng víu, nhưng nếu hiểu là trang phục mang tính lễ nghi, thì từ ngôn phong cho đến hành vi đều cần có sự cẩn trọng. Tôi đã điềm đạm hơn, chậm rãi lại bởi đã dần thích ứng với bộ quy tắc ứng xử của trang phục truyền thống này. Thân mặc áo dài, tay cầm quyển sách, bản thân cũng sẽ rất nhanh quên đi những cảm giác nóng bức của thời tiết mà chỉ tập trung vào bài giảng và tha hồ bay lượn trong không gian bao la của học thuật. Hiện nay, với vai trò là Trưởng đơn vị của Khoa Đông phương học, tôi phải thường xuyên tương tác với nhiều đối tác ngoại giao, và tôi cũng đã mạnh dạn mặc áo dài để “khoe khoang” với bạn bè quốc tế”, TS Quang nói.
Chuyên gia cho rằng, chiếc áo dài không đơn giản chỉ là một trang phục mà nó còn là một dạng lễ phục tượng trưng cho sự nghiêm túc và chân thành với giá trị truyền thống dân tộc. Giá trị không đổi của chiếc áo dài ngoài tính triết lý và nghệ thuật, còn góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa và tâm hồn Việt.
Chủ đề liên quan:
giải trí