Áo dài giờ đây không chỉ là biểu tượng cho hình ảnh người phụ nữ Việt Nam, mà còn đại diện cho văn hóa, bản sắc dân tộc Việt Nam
Theo đó, Hội Liên hiệp Phụ nữ các tỉnh, thành phố, các đơn vị trực thuộc, hội viên, phụ nữ, công chức, viên chức tại địa phương, cơ quan, đơn vị… hưởng ứng sự kiện bằng các hoạt động sáng tạo, thiết thực và cụ thể; mặc áo dài trong ngày làm việc phù hợp với điều kiện và đặc thù nghề nghiệp từ ngày 1 - 8.3, tập trung đồng loạt vào ngày 8.3. Đồng thời, Hội Liên hiệp Phụ nữ các tỉnh, thành, đơn vị trực thuộc, các ngành sử dụng kênh truyền thông của ngành, đơn vị mình tăng cường tuyên truyền, quảng bá trước, trong và sau thời gian tổ chức các hoạt động nhằm khẳng định và tôn vinh giá trị của Áo dài - di sản văn hóa Việt Nam trong đời sống xã hội.
Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Hà Thị Nga cho biết: “Từ sáng kiến của Hội năm 2019, đến nay, nhiều hoạt động tôn vinh áo dài đã được triển khai sôi nổi, đa dạng, rộng khắp trên phạm vi cả nước như: Các cuộc thi ảnh áo dài đẹp, thi tìm hiểu giá trị áo dài, các cuộc đồng diễn, diễu hành với quy mô lớn xác lập kỷ lục Guinness Việt Nam... Đặc biệt là các hoạt động có ý nghĩa như: Tặng áo dài cho phụ nữ nghèo, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn tại nhiều địa phương; Khóa học “Cắt may và thiết kế áo dài” trực tuyến miễn phí cho gần 8.500 học viên trên cả nước của nhà thiết kế Đỗ Trịnh Hoài Nam phối hợp với Trung ương Hội tổ chức; Cuộc vận động thiết kế “Tự hào áo dài Việt”...
Bên cạnh đó, Lễ hội áo dài TP.HCM lần thứ 10 năm 2024 với chủ đề Tôi yêu áo dài Việt Nam sẽ diễn ra từ ngày 7-17.3. Phó Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM Lê Trương Hiền Hòa cho biết: “Công chúng sẽ được chiêm ngưỡng bộ sưu tập áo dài phong phú, nổi bật được chế tác công phu, tài hoa từ bàn tay khéo léo của các nhà thiết kế áo dài nổi tiếng, không chỉ mang đậm niềm tự hào dân tộc mà còn góp phần gìn giữ tinh hoa văn hóa Việt; hay tiết mục biểu diễn Nét đẹp áo dài Việt do các nữ Tổng lãnh sự và phu nhân các Tổng lãnh sự trình diễn, vừa là điểm nhấn thắt chặt tình hợp tác hữu nghị giữa các quốc gia, vừa lan tỏa nét đẹp áo dài đến bạn bè quốc tế.
Để định hướng thẩm mỹ và sử dụng áo dài trong đời sống hằng ngày của người dân TP thông qua thiết kế sáng tạo, mang tính nghệ thuật nhưng vẫn giữ nguyên vẹn giá trị truyền thống của áo dài Việt Nam, ông Lê Trương Hiền Hòa chia sẻ thêm, chương trình nghệ thuật với chủ đề Áo dài - Sắc màu thành phố Hồ Chí Minh tập trung giới thiệu nét đẹp của áo dài trong thời kỳ hội nhập, nhất là hình thành xu hướng thời trang của giới trẻ. Trong khi đó, cuộc thi Duyên dáng áo dài thành phố Hồ Chí Minh sẽ là sân chơi văn hóa lành mạnh cho tập thể, đơn vị trường học, gia đình, doanh nghiệp…
Tại nhiều địa phương trên cả nước, các hoạt động giới thiệu, trình diễn, trưng bày quảng bá gắn với áo dài cũng đã và đang được rầm rộ triển khai, tôn vinh trang phục mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc này.
Áo dài không chỉ dành riêng cho phụ nữ mà cả nam giới, là triều phục, lễ phục tôn nghiêm trong các nghi lễ của triều đình phong kiến; là trang phục bình dị trong sinh hoạt đời thường. Trải qua bao biến thiên của lịch sử và tiếp biến văn hóa, ngày nay, áo dài vẫn là trang phục được sử dụng trong những dịp nghi lễ quan trọng của gia đình, dòng họ, cộng đồng hay trong những ngày lễ lớn của dân tộc. Áo dài được phụ nữ mặc ngày càng phổ biến ở trường học, công sở, doanh nghiệp... Trong các sự kiện quan trọng của đất nước, trên các diễn đàn quốc tế, áo dài được coi như “quốc phục” lịch lãm của phụ nữ Việt.
GS.TS Từ Thị Loan, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam cho rằng: Áo dài đã trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử và ngày càng khẳng định là bộ trang phục đại diện cho sắc phục Việt Nam, do người Việt Nam sáng tạo mà thành. Áo dài giờ đây không chỉ là biểu tượng cho hình ảnh người phụ nữ Việt Nam, mà còn đại diện cho văn hóa, bản sắc dân tộc Việt Nam.
Trong những năm gần đây, sự nỗ lực của một số họa sĩ, nhà tạo mẫu đã đem lại vẻ đẹp mới cho tà áo dài trên nguyên tắc vẫn giữ nguyên kiểu dáng, cấu trúc cổ điển. Các nhà thiết kế đã đưa thêm nhiều chất liệu mới và thổi vào đó vẻ đẹp hiện đại, được chắt lọc từ văn hóa truyền thống như thêu, vẽ những họa tiết trang trí, điểm xuyết hoa văn trang phục của các dân tộc trên dải đất hình chữ S... từ đó tạo nên ấn tượng đẹp cho áo dài.
Tuy nhiên, do sự phát triển thiếu định hướng, còn nhiều bột phát của thị trường thời trang Việt Nam mà không ít các nhà tạo mẫu đã và đang chạy theo sự “cách tân” một cách quá đà, đi tìm sự độc, lạ hơn là sáng tạo nên đã làm cho áo dài Việt Nam đôi khi bị lai căng. Đã có nhiều ý kiến góp ý cần lập dự án tiến hành sưu tầm các hiện vật, tư liệu, hình ảnh về lịch sử hình thành và phát triển của áo dài; nghiên cứu xây dựng website về áo dài và biên soạn những ấn phẩm dưới nhiều dạng khác nhau để quảng bá đến bạn bè quốc tế. Đồng thời, cần phối hợp với các nhà thiết kế danh tiếng, nhà nghiên cứu văn hóa để định hướng xu hướng thiết kế trang phục, nhu cầu thẩm mỹ cho người dân, qua đó gìn giữ vẻ đẹp thuần khiết của áo dài truyền thống. Tiếp tục tổ chức nhiều hoạt động để thu hút cộng đồng tham gia vào công tác bảo tồn áo dài, đặc biệt là giới trẻ…
Chỉ khi cá nhân cho tới cộng đồng nhận thức đúng đắn, tự giác trong ứng xử với áo dài thì giá trị văn hóa đặc sắc của trang phục này mới được tôn vinh và có vị trí xứng đáng trong đời sống xã hội.
Chủ đề liên quan:
giải trí