Tâm sự hôm nay

Ba mẹ cháu nói chấp nhận một trong 2 đứa con Ch?t

Cháu học cấp hai tại một trường công. Gia đình cháu có bốn người: ba mẹ, em gái và cháu.

Mọi người nhận xét cháu năng nổ, thân thiện, hòa đồng và dễ gần, nhưng những tháng gần đây, cháu cảm giác hoàn toàn khác so với những gì mọi người nói.

Ở trường, cháu là lớp trưởng - một gánh nặng vô hình; ở nhà, cháu là một người chị, lại thêm một trách nhiệm nữa. Vốn dĩ cháu không có mối quan hệ tốt với các bạn cùng lớp, gần đây khiến cháu cảm thấy mệt mỏi và khó chịu.

Khi chia sẻ với ba mẹ, ba mẹ góp ý và chia sẻ (ba mẹ cháu đều làm trong ngành giáo dục). Theo cháu thấy, ba xem xét mọi việc quá nhanh chóng, còn mẹ có phần bình tĩnh và nhẹ nhàng hơn. Vì lý do đó, ba mẹ liên tục đưa ra các quan điểm khác nhau dẫn đến tranh cãi nặng nề. Nhẹ thì giận nhau, mỗi người ngủ mỗi nơi, nặng thì xưng hô "tôi" và "cô" (thỉnh thoảng có động tay chân) nhưng cuối cùng họ lại đổ lỗi cho cháu, vì cháu mà họ mới thành như vậy.

Cháu im lặng, họ vẫn đổ lỗi rồi còn nói "Thà chỉ đẻ một đứa thôi" hoặc "Chấp nhận một trong hai đứa Ch?t".

Em cháu có phần ngây thơ và chưa hiểu chuyện nhưng cháu thì khác, cháu thực tế và khả năng quan sát khá tốt. Cháu bắt đầu biết nói lên quan điểm và suy nghĩ cá nhân tuy nhiên nhiều lúc hơi quá.

Đêm nào cháu cũng nghĩ đến Tu tu nhưng khi nghĩ đến câu "Cuộc đời còn nhiều điều thú vị và hay hơn" thì cháu từ bỏ ý định đó, nhưng nhiều lúc nó vẫn khiến cháu phân tâm và chần chừ rất nhiều.

Thỉnh thoảng cháu làm mấy bài kiểm tra sức khỏe tâm lý trên mạng, kết quả đều ra là sức khoẻ yếu hoặc trầm cảm nặng. ba mẹ nói đó là vớ vẩn và cấm cháu. mong qua bài viết này, cháu có thể nhận được lời khuyên từ chuyên gia và các cô chú. cháu xin cảm ơn.

Chuyên gia tâm lý Phong Nguyên gợi ý:

Thân gửi Tú - một cô bé đầy bản lĩnh,

Bức thư của Tú khiến tôi thực sự ấn tượng vì sự trưởng thành và chủ động của một học sinh cấp 2. Đúng như cháu tự miêu tả về bản thân, những gì cháu thể hiện cho thấy cháu chín chắn với nhiều suy tư sâu sắc. Cách cháu chủ động tham khảo ý kiến của bố mẹ để giải quyết vấn đề, hay nghĩ về những điều tích cực để tự thuyết phục bản thân khiến tôi cảm nhận được cháu là người luôn suy xét kỹ càng về những việc mình đã, đang và sẽ làm. Có lẽ nhận thức được những điểm mạnh, cộng thêm kỳ vọng của mọi người xung quanh đã khiến cháu cảm thấy mình phải đạt được nhiều thành tích hơn nữa. Khả năng quan sát và sự nhạy cảm vốn có sẽ là lợi thế giúp cháu nhận ra những điều sâu sắc của cuộc sống. Nhưng chính sự nhạy cảm này đôi lúc khiến cháu vô tình đặt lên trên vai mình nhiều gánh nặng, trách nhiệm mà ở tuổi cháu khó lòng gánh vác trọn vẹn.

Là con cả trong gia đình, cháu luôn cố gắng trở thành một người chị có trách nhiệm, một người con chững chạc, chủ động chia sẻ, gắn kết với bố mẹ. Chính vì vậy, cháu luôn nhạy cảm với những gì mọi người nhận xét về mình, đặc biệt là người thân thiết. Câu nói như vô tình của bố mẹ nhưng để lại ảnh hưởng sâu sắc tới cháu. Tuy nhiên câu nói đó không hề thể hiện rằng bố mẹ không yêu thương cháu, mà chỉ là biểu hiện của việc họ chưa tìm được cách giải quyết mâu thuẫn giữa hai người và không biết thể hiện cảm xúc thế nào cho phải. Vì thế, giải quyết mâu thuẫn giữa họ không phải là trách nhiệm của cháu. Thêm vào đó, bố mẹ cần được biết về những tổn thương cháu gặp phải khi nghe những câu nói vô tình kia. Một bức thư sẽ là phương án phù hợp trong hoàn cảnh này. Đó là lời bộc bạch về những căng thẳng trên lớp, gánh nặng trên vai, tổn thương khi nghe những câu nói nặng nề từ bố mẹ,... Hãy để bức thư là cầu nối bày tỏ những lời chia sẻ chân thành để hai bên thấu hiểu nhau hơn.

Những cảm xúc như buồn bã, thất vọng có thể khiến cháu cảm thấy khó chịu và tìm mọi cách thoát ra. Nhưng phương pháp tốt nhất để ứng phó hiệu quả với chúng chính là cho phép bản thân được cảm nhận sự đau khổ đó một cách hợp lý. Theo quan điểm chuyên môn của tôi, cháu nên dành riêng một khoảng thời gian cho việc cảm nhận những phiền muộn trong mình. Có thể là một tiếng vào buổi tối, sau khi cháu kết thúc các hoạt động trong ngày. Cách thức rất đơn giản: xả ra. Xả cảm xúc có thể thực hiện bằng rất nhiều cách: ghi âm những điều cháu muốn nói và lưu vào một file cá nhân; viết thành câu chuyện dưới dạng blog;... Sau đó, hãy kết thúc bằng một câu nói/câu viết: "Tôi đã xả ra hết những bức bối của ngày hôm nay. Sáng mai ngủ dậy sẽ là một ngày mới và tôi sẽ không để những buồn bực hôm nay ảnh hưởng đến tôi của ngày mai". Cuối cùng, khi đi ngủ, hãy ôm một cái gối hoặc con thú bông cháu thích. Điều này sẽ làm cháu cảm thấy ấm áp và thoải mái hơn, giảm đi các cảm xúc tiêu cực còn lưu lại vào cuối ngày.

Bên cạnh đó, để bản thân không bị ảnh hưởng bởi những suy nghĩ tiêu cực, cháu hãy để những điểm mạnh của mình phát huy tác dụng. Vận dụng khả năng quan sát, cháu nên ghi lại những hành động thể hiện sự yêu thương của bố mẹ (ví dụ: mẹ nấu món cháu thích, bố hỏi thăm tình hình học của cháu, hai bố mẹ cùng thảo luận để hỗ trợ cháu mỗi khi cháu chia sẻ về khó khăn của mình,...). Đây sẽ là những điều cháu tìm về mỗi khi những suy nghĩ tiêu cực ập đến, để nhận ra rằng cháu vẫn luôn được yêu thương. Và quan trọng hơn cả, tình yêu thương của bố mẹ sẽ không thể bị che lấp chỉ bằng những câu nói mang tính nhất thời, nóng vội.

Mong muốn hiểu hơn về chính mình cũng giúp cháu chủ động hơn trong việc quan tâm đến sức khỏe tinh thần của mình và tìm hiểu về những triệu chứng của nó. Đây hoàn toàn là một việc cần thiết và rất đáng hoan nghênh. Trong trường hợp của cháu, để có thể kết luận chính xác tình trạng bệnh cần đến kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm của bác sĩ. Vì vậy những thông tin trên mạng chỉ mang tính chất tham khảo, không nên là yếu tố khiến cháu quá lo lắng khi chưa được đánh giá chính thức. Ngoài ra, cháu nên tìm đến sự hỗ trợ của những người lớn khác chẳng hạn như giáo viên tâm lý ở trường, một người họ hàng mà cháu cực kỳ thân thiết như bác ruột, cô ruột,... để có được sự trợ giúp kịp thời.

Cháu là một cô bé có nhiều tiềm năng, tôi tin rằng với sự đồng hành hỗ trợ của mọi người, cháu sẽ trở nên vững vàng và tin tưởng vào bản thân hơn. Đúng như cháu nói: "Cuộc đời còn nhiều điều thú vị và hay hơn". Hãy chuẩn bị cho bản thân thật tốt để đón nhận thật nhiều điều mới lạ. Đó có thể là khó khăn, thử thách đòi hỏi cháu phải đối mặt. Nhưng tôi tin tưởng cháu sẽ vượt qua, tin rằng cuối cùng cháu sẽ trở thành một cô gái luôn tràn đầy hạnh phúc và tự tin. Chúc cho mọi điều tốt đẹp nhất sẽ đến với cháu.

Độc giả gọi vào số 09 6658 1270 để được hỗ trợ, giải đáp thắc mắc.

Mạng Y Tế
Nguồn: Vnexpress (https://vnexpress.net/ba-me-chau-noi-chap-nhan-mot-trong-2-dua-con-chet-4104161.html)

Tin cùng nội dung

  • Trầm cảm nhẹ và vừa phải là một phản ứng bình thường của cơ thể đối với những thăng trầm của cuộc sống.
  • Những phụ nữ có cuộc sống tinh thần không ổn định bị mắc những bệnh thận mạn tính nhiều hơn 20% so với những phụ nữ khác.
  • Việc dạy dỗ, giáo dục một đứa con tự kỷ trở thành nỗi quan tâm, lo lắng của nhiều bậc cha mẹ.
  • Có đến 15% người trưởng thành bị trầm cảm. Dấu hiệu bệnh đôi khi rất thông thường nên mọi người dễ dàng bỏ qua.
  • Các nhà khoa học Hà Lan vừa cho biết một trong những phương pháp có thể giúp giảm triệu chứng trầm cảm ở người cao tuổi là dùng ánh sáng trị liệu.
  • Không chỉ người già bị bệnh trầm cảm mà ngày càng nhiều học sinh, sinh viên cũng mắc bệnh này. 7 cách sau sẽ giúp bạn có trạng thái tinh thần tốt.
  • Đó là kết luận của các nhà khoa học thuộc Đại học Tilburg (Hà Lan) sau khi khảo sát ở 5.785 người tại Mỹ trong 10 năm.
  • Rối loạn trầm cảm là một trong những rối loạn tâm thần phổ biến nhất tại Mỹ. Hàng năm khoảng 6.7% người Mỹ thường mắc bệnh này. Phụ nữ có khả năng bị trầm cảm hơn 70% so với nam giới trong suốt cuộc đời.
  • Sau sinh luôn là khoảng thời gian vô cùng khó khăn đối với phụ nữ. Ngoài việc chăm sóc chu đáo cho gia đình, con cái, họ còn phải đối mặt với nguy cơ cao mắc chứng trầm cảm. Vậy làm thế nào để vượt qua giai đoạn này?
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY