Tin y tế hôm nay

Tin y tế

Bác sĩ xét nghiệm âm tính, cả dòng họ vẫn không cho về chịu tang bà

Dân trí GS.TS Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc BV Bạch Mai chia sẻ các bác sĩ đang chịu nhiều áp lực. Nhiều người coi bác sĩ là nguồn lây bệnh, đến mức bác sĩ không thể về chịu tang bà dù đã xét nghiệm âm tính.

Nhân viên y tế BV Bạch Mai không phải nguồn lây nhiễm

GS.TS Nguyễn Quang Tuấn cho biết, trong 5.000 xét nghiệm sau khi ghi nhận 2 ca là điều dưỡng Trung tâm Nhiệt đới mắc Covid-19, đến nay chưa có thêm trường hợp cán bộ y tế nào dương tính với SARS-CoV-2.

Tuy nhiên, cộng đồng lại đang rất kỳ thị bác sĩ BV Bạch Mai. Không ít người cho rằng y bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai là nguồn lây, là người mang Covid đến, vì thế họ né tránh.

"Thậm chí, có 1 bác sĩ của chúng tôi dù có kết quả xét nghiệm âm tính, nhưng khi bà nội mất, cả dòng họ không cho về để chịu tang bà. Đây là điểu chúng tôi rất buồn", GS Tuấn chia sẻ.

Nhưng không vì thế mà các y bác sĩ chùn chân trong cuộc chiến chống Covid-19. Rất nhiều bác sĩ không thuộc diện "nội bất xuất, ngoại bất nhập" nhưng sẵn sàng xin vào viện để sát cánh cùng các đồng nghiệp điều trị cho bệnh nhân.

"Hay có bác sĩ trẻ, là học trò của tôi, mang thai tháng cuối, đang cách ly tại C9 Viện Tim mạch. Mặc dù là tháng thai cuối phải gặp nhiều khó khăn về tâm lý nhưng nữ bác sĩ vẫn xung phong ở lại bệnh viện để chăm sóc cho người bệnh. Hiện nay, sức khoẻ của nữ bác sĩ và thai nhi vẫn diễn biến tốt", GS Tuấn nói.

Theo ông, tinh thần của y bác sĩ dù bất cứ ở bệnh viện nào cũng vậy, không bao giờ chùn bước trước bệnh tật.

"Như tất cả các đồng nghiệp khác tại Vũ Hán hay Hoa Kỳ, chúng tôi sẵn sàng dấn thân, quyết tâm vượt qua mọi khó khăn để chăm sóc tốt nhất người bệnh và chăm sóc lẫn nhau để đi qua đại dịch", GS Tuấn chia sẻ.

Mặt trận Bạch Mai thiếu nhiều nhân lực 

Giám đốc BV Bạch Mai chia sẻ thêm, ngoài vấn đề bị kỳ thị, bệnh viện đang phải đối mặt với việc thiếu nguồn nhân lực.

"Có những bác sĩ đang ở nhà, chúng tôi cần họ vào viện hỗ trợ, nhưng tại nơi cư trú, họ bị địa phương ra quyết định cách ly tại nhà vì là bác sĩ Bạch Mai. Như vậy, tại mặt trận Bạch Mai này, chúng tôi đang thiếu đội ngũ bác sĩ, thiếu vật dụng sinh hoạt hàng ngày như điều kiện ăn uống, nghỉ ngủ. Khi không được tái sản xuất sức lao động đầy đủ, đội ngũ nhân viên y tế trong bệnh viện sẽ không trụ được lâu. Các bác sĩ của chúng tôi nếu không được vào bệnh viện để điều trị, làm việc thì chúng tôi không đảm bảo chất lượng điều trị được như mong muốn", GS Tuấn nói.

Ông Tuấn cho rằng, cần có sự điều chỉnh để nhân viên y tế tham gia vào công tác điều trị bệnh nhân tại Bệnh viện. Bởi ngay cuộc họp trực tuyến chiều 29/3, GS.TS Ngô Quý Châu, quyền Chủ tịch Hội đồng quản lý Bệnh viện Bạch Mai cũng không thể đến BV để dự họp trực tuyến, vì ông bị cách ly, không được phép ra khỏi nhà.

Ông Tuấn cũng đề cập thực tế hiện nay tại bệnh viện khá khó khăn. BV Bạch Mai đề nghị được Bộ Y tế, UBND TP Hà Nội và các ban ngành để có các giải pháp cùng hỗ trợ.

Hiện tại ở BV còn 3500 người không thể đi ra ngoài mua sắm đồ dùng, vật dụng cá nhân. Mọi cái từ nhỏ nhất như bàn chải, kem đánh răng đều do bệnh viện cấp. Nhưng có một bất cập rất lớn là các chuyến hàng do chúng tôi đặt hay do nhân dân cả nước chuyển đến để hỗ trợ cho bệnh viện đều rất khó để có thể qua được chốt kiểm soát của công an. Dù rằng chúng tôi đã bố trí lực lượng tiếp nhận ngay tại cổng viện rồi mới dùng phương tiện trung chuyển đến các khoa.

Thứ hai là vấn đề dinh dưỡng cho người bệnh và các nhân viên y tế trong bệnh viện. Nhà ăn của bệnh viện chính là nguồn lây nhiễm, Bệnh viện đã phong tỏa khu nhà ăn và cách ly toàn bộ người làm việc tại đây. Để có các suất ăn cho nhân viên tế và người bệnh, Bệnh viện đã liên hệ một công ty chuyên cung cấp suất ăn cho hàng không. Tuy vậy, vẫn còn nhiều hạn chế về dinh dưỡng để đảm bảo sức khỏe cho nhân viên y tế phải làm việc 24/7. Bên cạnh đó, còn các suất ăn bệnh lý cho bệnh nhân tiểu đường, bệnh nhi, bệnh nhân ăn qua sonde…

"Tôi muốn nhấn mạnh, nhân viên y tế Bệnh viện Bạch Mai không phải là nguồn lây nhiễm, với 5000 mẫu đã có kết quả xét nghiệm chưa ghi nhận thêm ca mắc Covid-19 nào. Các ca bệnh ở khối cung cấp dịch vụ cho người bệnh. Với việc điều trị tại bệnh viện hiện nay, chúng tôi quyết tâm không chỉ chữa khỏi bệnh mà còn không để xẩy ra lây nhiễm hoặc lây nhiễm chéo trong bệnh. Chúng tôi vững tin với niềm tin chiến thắng trước dịch bệnh", Giám đốc BV Bạch Mai khẳng định.

Hồng Hải

Mạng Y Tế
Nguồn: Dân trí (https://dantri.com.vn/suc-khoe/bac-si-xet-nghiem-am-tinh-ca-dong-ho-van-khong-cho-ve-chiu-tang-ba-20200330102247226.htm)

Tin cùng nội dung

  • Xét nghiệm dung nạp đường huyết, được sử dụng để chẩn đoán bệnh đái tháo đường týp 2, hoặc tình trạng rối loạn dung nạp đường huyết, tình trạng có thể dẫn đến bệnh đái tháo đường.
  • Đo chức năng thận bằng xét nghiệm máu thường quy là một trong những xét nghiệm thường được thực hiện.
  • Các xét nghiệm đông máu được sử dụng để chẩn đoán và đánh giá các vấn đề về chảy máu, và để theo dõi trên những người sử dụng warfarin hay các Thu*c chống đông máu khác.
  • Xét nghiệm máu là một loại xét nghiệm phổ biến, giúp chẩn đoán, theo dõi mức độ nghiêm trọng của một số bệnh, và kiểm tra nhóm máu của bạn, trước khi được truyền máu.
  • Xét nghiệm kháng nguyên và kháng thể giúp xác định một số loại bệnh nhiễm trùng nhất định và một số rối loạn khác.
  • Tốc độ lắng máu hay tốc độ lắng hồng cầu (erythrocyte sedimentation rate - ESR), protein C phản ứng (C-reactive protein - CRP) và độ nhớt huyết tương (plasma viscosity - PV) là các xét nghiệm máu thường được sử dụng để phát hiện sự gia tăng protein, và là dấu hiệu của viêm.
  • Xét nghiệm chức năng tuyến giáp là xét nghiệm máu giúp kiểm tra chức năng tuyến giáp. Các xét nghiệm này chủ yếu được sử dụng để phát hiện suy giáp (thiểu năng tuyến giáp hay còn gọi là nhược giáp) và cường giáp (tuyến giáp hoạt động quá mức).
  • Xét nghiệm đánh giá độ lọc cầu thận (eGFR) được sử dụng không phải để trực tiếp chẩn đoán các bệnh về thận mà nhằm đánh giá hoạt động chức năng của thận có tốt hay không.
  • Thực tế có không ít trường hợp bị đột quỵ, ch*t trên bàn game vì chơi quá nhiều. Điều đáng quan tâm là hiện nay số ca bệnh liên quan tới nghiện game ngày một tăng và trẻ hóa.
  • Những điều cần biết khi thực hiện xét nghiệm di truyền.
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY