Tin y tế hôm nay

Tin y tế

Bảo mẫu của những bé sơ sinh bất đắc dĩ tách mẹ

TP HCM-Trong cơn mưa nặng hạt, xe đón những đứa trẻ chào đời từ khu điều trị Covid-19 vừa tới, điều dưỡng Lê Trần Thanh Mai, 26 tuổi, khom người che mưa ẵm từng bé vào xe đẩy.

Vừa đẩy các bé vào trong, Mai nhận thông báo từ khu điều trị Covid-19 có sản phụ phải mổ bắt con 28 tuần, chuẩn bị lên bàn phẫu thuật. Một ê-kíp được cấp tốc điều động sang hỗ trợ các y bác sĩ sản khoa. Trong lúc đó, Mai gấp gáp chuẩn bị lồng ấp và máy thở để sẵn sàng đón bé.

30 phút sau, xe cứu thương chở bé về khu điều trị. Thanh Mai nhanh chóng đỡ bé từ tay bác sĩ, đưa vào lồng ấp. Cầm bàn tay bé xíu, Mai cố gắng dò tìm ven để truyền dịch cho con. Nhìn đứa trẻ đỏ hỏn nặng 900g, vừa chào đời đã phải vật lộn trong đống dây dợ để được hít thở, Mai thấy cay mắt.

"Nếu không có Covid thì giờ này chắc em đang ngon giấc trong bụng mẹ, được mẹ chở che để đủ tháng đủ ngày chào đời bụ bẫm, khỏe mạnh", Mai thầm nghĩ.

Lê Trần Thanh Mai, 26 tuổi, điều dưỡng tại Bệnh viện Hùng Vương, vốn là một F0. Sau 21 ngày điều trị khỏi Covid-19, Mai lập tức quay trở lại với công việc.

Từng ngày, Mai cùng các đồng nghiệp thay phiên "nhận con" từ Khu điều trị Covid dành cho sản phụ đón về Khu điều trị Covid-19 sơ sinh để chăm sóc. Trước dịch, đây là tầng dành cho các bé sinh non, được bố mẹ ấp bằng phương pháp Kangaroo, nay được trưng dụng để cách ly những đứa trẻ sinh ra từ mẹ mắc Covid-19.

Điều dưỡng Lê Trần Thanh Mai trong trang phục bảo hộ đang chăm sóc cho một bé thiếu tháng trong lồng ấp. Ảnh. Nhân vật cung cấp

Trong một ca trực, Mai cùng ba đồng nghiệp chịu trách nhiệm quán xuyến chăm sóc cho 120 đứa trẻ vừa ra đời đã tách khỏi mẹ. Một ngày của Mai thường bắt đầu với nhiều công việc từ tắm rửa, thay tã, cho bú, kiểm tra sức khỏe, hỗ trợ lấy mẫu xét nghiệm đến truyền kháng sinh các bé bị nhiễm trùng, chăm sóc các bé dương tính...

"Mỗi lần mang hộp ống mẫu đi xét nghiệm, em chỉ cầu trời cho tất cả đều âm tính. Nhưng không may vẫn có số ít mẫu dương tính", Mai nói.

Từng là một F0, phải đi cách ly, nên hơn ai hết Mai thấu hiểu nỗi đau của những sản phụ và các con đang trải qua. Thai phụ mắc Covid-19 vừa phải vật lộn chống chọi bệnh tật, gắng gượng giữ mạng sống cho chính mình và đứa con, rồi đau đớn trải qua cuộc sinh một mình không có người thân bên cạnh. Đứa trẻ vừa chào đời đã phải xa hơi ấm và bầu sữa mẹ, nhiều người mẹ phải vắt dòng sữa đổ bỏ.

Mai chia sẻ, một khó khăn nữa là "các bé không thể nói, nên không biết con mệt ở đâu, khó chịu chỗ nào. Mình cố gắng xoa dịu các triệu chứng con gặp phải như lau người làm mát để hạ sốt cho con".

May mắn, nhờ sự "mát tay" của các cô, hầu hết các bé đều hồi phục tốt, khỏe mạnh. Các bé lớn lên từng ngày, từ 900 g đến lúc xuất viện được gần 2 kg, đó là cả niềm hạnh phúc, Mai cho hay.

"Vất vả chút mình chịu được hết, nhiều hôm bận quên ăn, chỉ mong các con và các sản phụ bình yên khỏe mạnh. Mỗi lần nghe tin có bé mất mẹ, lòng em lại quặn thắt. Nhìn con mới chào đời đã bơ vơ mang phận mồ côi, thương vô cùng. Sinh ra tại thời điểm này các con đã thiệt thòi, nên chỉ mong các thiên thần nhỏ sẽ có một đời bình an", Mai chia sẻ.

Các bé sau khi đủ điều kiện xuất viện nhưng chưa có người thân đến đón sẽ được chuyển sang trung tâm H.O.P.E. Tại đây, các tình nguyện viên bảo mẫu sẽ luân phiên chăm sóc trẻ.

Trương Thị Hiền, một sản phụ mắc Covid-19 may mắn bình phục nhận lại con từ Trung tâm H.O.P.E, Bệnh viện Hùng Vương, chia sẻ: Lúc sinh con xong chỉ nhìn con được 30 giây rồi phải đi cách ly điều trị Covid-19. Lúc đó chị rất lo lắng cho con, không biết con giờ này ra sao, các cô chăm sóc thế nào. Khi nhận lại bé, được các cô trao tận tay, chị mừng rỡ vô cùng khi thấy con khỏe mạnh, hồng hào.

"Bồng con trên tay mình thầm biết ơn các điều dưỡng, các bảo mẫu đã thay mình chăm con trong lúc đi điều trị. Da các bé sơ sinh thường rất nhạy cảm, dễ bị nổi mẩn đỏ, hăm nhưng bé được chăm kỹ nên da dẻ tươi tắn hồng hào", chị Hiền nói.

PGS.TS Hoàng Thị Diễm Tuyết, Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương, cho biết thời gian qua nhiều sản phụ mắc Covid-19 phải cách ly tập trung, các bé sơ sinh chào đời mà không có người thân chăm sóc. 120 bé đang được chăm sóc tại bệnh viện, có những thời điểm lên tới 150, 160 bé. Hơn 100 bé đã đủ điều kiện xuất viện thì chuyển qua trung tâm H.O.P.E.

Từ tháng 4 đến nay, bệnh viện hùng vương tiếp nhận hơn 1.200 thai phụ, gần 800 trẻ sinh ra từ mẹ mắc covid-19. có nhiều bé sinh rất non tháng do buộc phải chấm dứt thai kỳ sớm để cứu mẹ trở nặng. có bé tu vong từ trong bụng mẹ do tác động của covid-19. may mắn, tỷ lệ trẻ mắc covid-19 trong nhóm mẹ f0 này rất thấp, chỉ 5 trên 500 trẻ, chiếm 1%.

Lê Cầm

Mạng Y Tế
Nguồn: Vnexpress (https://vnexpress.net/bao-mau-cua-nhung-be-so-sinh-bat-dac-di-tach-me-4355151.html)

Tin cùng nội dung

  • Viêm ruột hoại tử là một cấp cứu nội khoa và ngoại khoa đường tiêu hóa thường gặp nhất ở trẻ sơ sinh non tháng.
  • Thông thường, trẻ sơ sinh thường rụng rốn khi được 5 đến 7 ngày tuổi. Nếu chăm sóc rốn không tốt, có thể gây nhiễm trùng rốn.
  • Bốn tuần lễ đầu sau sinh là thời gian cần thiết để trẻ thực hiện những biến đổi S*nh l* thích nghi với cuộc sống bên ngoài tử cung.
  • Rốn trẻ sơ sinh thường rụng sau sinh 5-15 ngày (trung bình là 7 ngày). Các trường hợp rốn lâu rụng thường do dùng thường xuyên các chất sát trùng, do mắc một số bệnh ở rốn hoặc do nhiễm khuẩn.
  • Vi phạm các quy định cho vay, Vũ Ngọc Kình, Phó giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn (Agribank), Chi nhánh TP HCM, đã duyệt cho vay trái quy định, cùng các đồng phạm gây thiệt hại 61 tỉ đồng.
  • Đối với trẻ không nghe được, nếu không can thiệp kịp thời sẽ không nói được (điếc câm), trong khi thực chất bộ phận phát âm hoàn toàn bình thường.
  • Cháu bé Đinh Văn Rể ở tỉnh Quảng Ngãi đã 5 tuổi nhưng chỉ nặng 3 kg và cao 50 cm, yếu ớt chẳng khác trẻ mới sinh ra.
  • Thận ứ nước là một tình trạng bệnh lý bẩm sinh gây ra do sự hẹp hay tắc nghẽn đường dẫn nước tiểu từ bể thận xuống bàng quang.
  • Trẻ sơ sinh là những sinh linh bé bỏng đáng yêu nhưng cũng là những đối tượng bí ẩn của khoa học. 5 thử nghiệm dưới đây được xem là độc đáo và thú vị lần đầu tiên được thực hiện ở nhóm đối tượng này.
  • Dây rốn và bánh nhau thường bị bỏ đi sau khi em bé ra đời. Tuy nhiên, một số cha mẹ quyết định trữ máu cuống rốn vì việc này có thể giúp ích khi trẻ bị bênh hiểm nghèo trong tương lai.
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY