Trong khi mọi thứ đều tăng giá; nhỏ như mớ rau con cá ở chợ, lớn đến những loại tầm cỡ quốc gia quốc tế như điện nước,
(SKDS) - Trong khi mọi thứ đều tăng giá; nhỏ như mớ rau con cá ở chợ, lớn đến những loại tầm cỡ quốc gia quốc tế như điện nước, xăng dầu tháng trước vừa tăng giá, tháng sau đã lại nhăm nhe. Vậy
bệnh viện lấy đâu để trang trải những thứ cần thiết đó và lấy gì để nâng cấp
bệnh viện, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh...
Thời bao cấp, các
bệnh viện nghèo nàn lụp xụp.
Trang thiết bị chả có gì: 3 cái máy Xquang nửa sóng cũ gỉ, mấy chiếc kính hiển vi mốc meo, đếm hồng cầu bằng cái máy đếm bấm tay lọc cọc... Không phải chê bai đâu, nghĩ lại mà ứa nước mắt mà cảm thấy hào sảng. Không có phim để chụp, tôi và thầy Nguyễn Thản chiếu điện vừa phát hiện chẩn đoán bệnh vừa hướng dẫn sinh viên đến nỗi hỏng cả bóng phát tia do dầu trong bóng bẩn đến kỳ hạn không có để thay.
Chắc hai thầy trò ăn tia nhiều lắm. Tôi mới ra trường mỗi tuần trực vài ba buổi, chỉ có suất bồi dưỡng ca ba là một bát mỳ sợi lõng bõng, lều bều vài lát thịt mỏng cùng một chút hành trị giá hai hào bạc. Phụ cấp mổ vá lỗ thủng ở dạ dày không bằng người sửa xe đạp vá lỗ thủng ở săm xe... Bệnh nhân không phải trả tiền chữa bệnh lại còn được ăn không mất tiền chế độ bệnh lý ngon hơn ở nhà. Mỗi
bệnh viện có một bếp ăn là tiền thân của khoa dinh dưỡng. Tôi đã từng phải đi lấy cơm và chia cơm cho người bệnh... Nhưng rồi thời cuộc chuyển xoay, xã hội với lòng vị tha cũng phải đổi thay.
Một chiếc taxi đỗ xịch trước cửa khoa hồi sức cấp cứu. Người đàn ông đầu trọc mình trần, đẫm mồ hôi mặc chiếc quần ngắn, bế một người phụ nữ tay chân co quắp, rền rĩ xộc vào phòng. Vợ anh bị sốt, mời người đến truyền dịch, truyền xong còn mệt hơn. Tôi thăm khám và giải thích cặn kẽ: sốt cao 39,5 độ thế này phải xét nghiệm công thức máu, co quắp phải làm điện giải và phải chỉ định Thu*c hạ sốt mặc dù đang nuôi con 4 tháng... Anh chồng: “Bác làm gì cứ làm miễn là chẩn đoán được bệnh và cấp cứu vợ cháu mệt lắm rồi”.
Vậy mà chuẩn bị ăn cơm tối thì nhận được điện thoại: bệnh nhân hết sốt, đỡ mệt, xin ra, lúc thanh toán người chồng nói không làm gì mà hết nhiều tiền, không nhận lại tiền thừa, dọa đón vợ về xong sẽ quay lại cho người đập tan khoa. Tôi sang: “Bác coi các cháu như con, bác làm gì đều thông báo, các cháu chấp nhận và đều cần thiết, bây giờ vợ cháu đã đỡ, cháu về sao lại đe dọa như vậy?”. Vợ: “Cháu sẽ nói với chồng cháu”, còn anh chồng vẫn khăng khăng: “Cháu sẽ quay lại nói chuyện với bác”. Cháu Mai trực kế toán: “Bác ơi, cháu sợ lắm” - “Cháu yên tâm”. Tôi gọi bảo vệ nhắc: sẵn sàng gọi công an. Đồn công an phường cách
bệnh viện chỉ vài trăm mét.
Non tiếng sau tôi gặp họ, anh chồng đã mặc thêm cái áo phông. Đại ca thấp đậm hai tay xăm trổ nhưng vẻ mặt hiền lành. Tùy tùng thì hơi khiếp, gầy nhom, đầu bù hất mái dài bên trái, mắt lác. Tôi cầm bệnh án và phiếu thanh toán chỉ rõ từng khoản. Đại ca chăm chú nghe, đôi lúc cười cười. Xong, họ kéo ra ngoài. Chút xíu sau, mỗi anh chồng quay lại vui vẻ nhận lại tiền đóng tạm ứng còn thừa, còn bắt tay: “Cảm ơn bác”. Đó chỉ là một vụ việc tôi thay giám đốc điều hành giải quyết từ khi có quyết định tăng giá viện phí. Có nghĩa là phần đông cộng đồng chấp nhận lẽ phải.
Thay giám đốc điều hành chỉ thời gian ngắn thôi mà cũng thấy mệt mỏi. Chuyên môn thì không ngán nhưng mấy chuyện vụn vặt cũng thấy não lòng. Một người câm điếc đi bán bút bi cũng trỏ gặp giám đốc. Một người đi xin tiền vì gia cảnh khốn khó cũng đập cửa phòng. Tôi đành bỏ tiền túi mà ủng hộ vậy. Có cháu gái dại dột cắt hai cổ tay để tự vẫn được bạn trai đưa vào viện không có tiền còn nói hỗn: chỉ vì tiền thôi. Tôi còn cho tiền để khâu. Có anh viết sách cũng có giấy giới thiệu đến
bệnh viện để bán... Còn bao nhiêu thứ lằng nhằng khác nữa. Tôi kết luận: giám đốc khổ thật. May sao mọi rắc rối do tăng viện phí tôi chỉ mới phải giải quyết một vài vụ việc.
BS.Thành An