Tin tức hôm nay

Tin tức

BV Xanh Pôn trả lời về vụ cắt đôi que thử và xét nghiệm 4 trong 1

Sau vụ nhân bản kết quả siêu âm ở BV Hoài Đức vào năm 2013, cũng tại Hà Nội, vụ cắt đôi que thử xét nghiệm HIV, viêm gan B xảy ra tại BV Đa khoa Xanh Pôn khiến dư luận bức xúc.

Sau khi dư luận “dậy sóng” về việc hàng nghìn que thử HIV, viêm gan B bị cắt đôi và cẩu thả trong việc miễn dịch bán tự động diễn ra tại Khoa Vi sinh y học, Bệnh viện (BV) Đa khoa Xanh Pôn, đến hơn 12h trưa nay (10/12), sau nhiều lần từ chối trả lời, cuối cùng Phó Giám đốc BV Trần Liên Hương đã có thông tin cho báo chí.

Cắt đôi que thử để “thử nghiệm”?

Sáng 10/12, tại Phòng lấy bệnh phẩm xét nghiệm của BV Đa khoa Xanh Pôn vẫn đông người đến lấy máu. Chị Nguyễn Thị Loan đưa con nhỏ đến khám không hay biết vụ việc HIV, viêm gan B xảy ra tại Khoa Vi sinh y học được báo chí phản ánh. Sau khi cho con lấy máu xét nghiệm, chị Loan cho biết: “Con tôi bị sốt, vào viện bác sĩ cho xét nghiệm máu để tìm nguyên nhân. Nhưng giờ tôi mới biết việc gian lận trong xét nghiệm ở đây nên cũng rất lo lắng, liệu kết quả có chính xác không. Nếu kết quả sai, dẫn đến điều trị sai rất nguy hiểm”.

Tại Phòng lấy mẫu bệnh phẩm, sau khi biết thông tin, có bệnh nhân đã quay về không nữa. Bác Trương Văn Hùng (Hà Nội) nói: “Tôi đọc thông tin trên báo chí, nếu đúng như thế thì đây là việc làm không thể chấp nhận được. Người ta không bị HIV mà lại trộn chung mẫu khiến kết quả sai, nếu bị chẩn đoán có HIV thì tôi không thể tưởng tưởng được hậu quả sẽ thế nào”. Đây là lo lắng của hàng nghìn bệnh nhân có thẻ BHYT cũng như người bệnh đến đây khám, chữa bệnh tự nguyện.

Thế nhưng, sau khi để phóng viên chờ cả sáng tại phòng họp của BV, tới 11h15 trưa 10/12, Trưởng phòng Công tác xã hội của BV Vũ Việt Hùng đến phát thông cáo báo chí cho phóng viên. Khi phóng viên cho biết đã có thông cáo báo chí và được nhân viên BV mời tới phòng họp chờ làm việc, ông Hùng nói, ông chỉ nhận được chủ trương của lãnh đạo đến phát thông cáo báo chí, còn lại ông không biết.

12h15 phút, sau nhiều lần từ chối trả lời báo chí về vụ gian dối xét nghiệm HIV, viêm gan B, vào phút chót bà Trần Liên Hương, Phó Giám đốc BV đã có thông tin cho báo chí. Trả lời báo chí, bà Hương tiếp tục khẳng định: "BV khẳng định không có chủ trương, không chỉ đạo nhanh HIV tại Khoa Vi sinh y học... Hiện vụ việc vẫn đang được bệnh viện điều tra làm rõ".

Theo giải thích của BV trong thông cáo báo chí gửi đi trước đó, ngay sau khi thông tin trên được đăng tải trên kênh tin tức 24h, BV đã tổ chức cuộc họp chiều tối 9/12 để kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm, các cá nhân có liên quan đã thừa nhận trong thời gian từ tháng 9/2019 đến tháng 11/2019, Khoa Vi sinh y học không báo cáo xin phép lãnh đạo, đã tự ý đưa vào sử dụng, cắt 40 Test Alere HIV Combo và thử nghiệm trên 80 mẫu máu của 80 bệnh nhân.

Việc test kiểm chứng này không phát sinh việc lấy thêm máu của bệnh nhân để xét nghiệm, không sử dụng kết quả của test này để trả kết quả cho bệnh nhân, không sử dụng những kết quả này để thu thêm tiền của người bệnh hoặc thanh toán bảo hiểm y tế. Khoa Vi sinh Y học trả kết quả test nhanh HIV cho 80 bệnh nhân này bằng kết quả sử dụng Test Alere HIV ½ theo quy định hiện hành tại bệnh viện.

Từ trước đến nay, Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn sử dụng thường quy là Test Alere HIV ½ (Test nhanh do công ty Lê Lợi cung cấp cho bệnh viện theo kết quả trúng thầu) để sử dụng cho sàng lọc HIV tại Bệnh viện.

Qua rà soát, Bệnh viện chưa phát hiện việc cắt đôi test nhanh viêm gan B; chưa phát hiện việc trộn 4 mẫu bệnh phẩm vào 1 ống trong khi tiến hành ELISA như phản ánh của Chương trình Chuyển động 24h.

Bà Hương cũng thông tin, bệnh viện tạm thời đình chỉ công tác 3 nhân viên y tế có liên quan để tiến hành kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm và xác minh sự việc, bao gồm: Thạc sĩ Chu Thị Loan - Phó phụ trách Khoa Vi sinh; Cử nhân Trần Thị Thanh Lam - Kỹ thuật viên trưởng; Cử nhân Phan Thị Thùy Linh - Kỹ thuật viên.

Trước câu hỏi "liệu bệnh viện có biết mục đích "thử nghiệm" nhanh xét nghiệm HIV và viêm gan B của khoa Vi sinh y học?", bà Hương cho biết: "BV hiện đang làm rõ điều này".

Trả lời cho câu hỏi của báo chí "Vì sao bệnh viện đang trong quá trình điều tra nhưng trong thông cáo gửi báo chí lại khẳng định nhân viên khoa Vi sinh y học cắt 40 Test Alere HIV Combo và thử nghiệm trên 80 mẫu máu của 80 bệnh nhân....(?)", bà Hương đó là lời khai của nhân viện y tế, còn bệnh viện vẫn đang tiếp tục phối hợp cơ quan chức năng điều tra, và sẽ thông tin cụ thể vụ việc cho các cơ quan báo chí.

Cần sớm làm rõ sai phạm

Sau vụ nhân bản kết quả siêu âm tại Bệnh viện Hoài Đức (Hà Nội) năm 2013, thì vụ việc lần này tại BV Đa khoa lại khiến dư luận chấn động.

Như Báo CAND đã đưa tin, theo thông tin điều tra của VTV24, tại BV Đa khoa Xanh Pôn, sau khi lấy mẫu máu để làm HIV, viêm gan B của bệnh nhân, số mẫu này được mang sang khu tại tầng 2, nhà A để tiến hành phân tích. Tại Khoa Vi sinh của BV, sau khi bóc lớp giấy bảo vệ ra khỏi que thử, nhân viên dùng kéo cắt que thử ra làm đôi, vệt kéo cắt vào giữa vị trí của vạch hóa chất xét nghiệm. Với thao tác này, 1 que thử dành cho 1 bệnh nhân đã được tách làm 2.

Sau khi phù phép nhân đôi hàng loạt que thử HIV, viêm gan B, mẫu máu của bệnh nhân được nhỏ vào để làm xét nghiệm. Khoảng 4 tiếng sau, kết quả được trả cho bệnh nhân.

Cũng theo ghi nhận của VTV24, ngày nào cũng diễn ra cảnh tại Phòng Xét nghiệm miễn dịch của Khoa Vi sinh. Giá một bộ kít xét nghiệm HIV gồm 100 que thử trên thị trường là 3 triệu đồng. Điều đáng nói là kết quả xét nghiệm của bệnh nhân rất có thể không chính xác, nếu người có H bị chẩn đoán âm tính rất nguy hiểm cũng như ngược lại.

Không chỉ gian lận trong phương pháp test nhanh HIV và viêm gan B mà một phương pháp phức tạp hơn, nhằm đem lại kết quả chính xác hơn cho bệnh nhân là miễn dịch bán tự động (ELISA) cũng được các kỹ thuật viên tại phòng miễn dịch làm theo cách riêng là trộn nhiều mẫu máu của bệnh nhân làm một rồi mới tiến hành xét nghiệm.

Theo quy định, miễn dịch bán tự động HIV và viêm gan B cũng yêu cầu mỗi mẫu máu của bệnh nhân sử dụng riêng một dụng cụ xét nghiệm. Thế nhưng, trong phòng thí nghiệm này, 4 mẫu máu của 4 bệnh nhân khác nhau lại được kỹ thuật viên trộn chung vào trong một ống nghiệm thủy tinh.

4 mẫu máu sau khi trộn được kỹ thuật viên hút ra, cho vào từng giếng chứa hóa chất. Nguyên tắc là 1 giếng chứa 1 mẫu máu, nhưng ở đây, 1 giếng chứa 4 mẫu. Những giếng này sau đó được ủ trong máy và sẽ cho ra kết quả âm tính hay dương tính. Theo kỹ thuật viên, nếu kết quả âm tính sẽ là kết quả chung cho cả 4 bệnh nhân, còn nếu dương tính sẽ yêu cầu cả 4 bệnh nhân lại.

Nhiều người đặt câu hỏi, tại sao phương pháp chung mẫu máu này lại diễn ra trong thời gian dài lại không bị phát hiện. Đáng tiếc, đây không phải vụ việc đầu tiên. Năm 2013 vụ nhân bản kết quả siêu âm tại Bệnh viện Hoài Đức đã được tiết lộ bởi chính các kỹ thuật viên trong Khoa xét nghiệm. Đã có nhiều cán bộ, nhân viên của Bệnh viện Hoài Đức phải ra hầu tòa và lĩnh án vì thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn khi thi hành công vụ”.

Vụ việc lần này cần sự vào cuộc của cơ quan thanh tra, thậm chí là cơ quan điều tra để làm rõ những dấu hiệu sai phạm xảy ra tại Khoa Vi sinh y học. Đặc biệt cần phải tiếp tục rà soát tất cả các quy trình chuyên môn của Khoa Vi sinh y học và toàn bộ bệnh viện. Theo BV Đa khoa Xanh Pôn, khi rà soát nếu phát hiện các vi phạm, Bệnh viện sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng xử lý nghiêm mọi vi phạm theo đúng quy định của pháp luật.

Hiện, Bộ Y tế cũng đã yêu cầu Sở Y tế Hà Nội, BV Đa khoa xác minh rõ ràng sự việc, xử lý nghiêm với hành vi vi phạm.

Trần Hằng

Mạng Y Tế
Nguồn: Công an nhân dân (http://cand.com.vn/y-te/Vu-cat-doi-que-thu-xet-nghiem-tai-BV-Xanh-Pon-Can-som-lam-ro-sai-phamBV-Xanh-Pon-573420/)

Tin cùng nội dung

  • Ebola là gì? Các triệu chứng thường gặp? Các đối tượng có nguy cơ mắc bệnh Ebola? Hướng dẫn xét nghiệm và chẩn đoán nhiễm virus Ebola.
  • Xét nghiệm dung nạp đường huyết, được sử dụng để chẩn đoán bệnh đái tháo đường týp 2, hoặc tình trạng rối loạn dung nạp đường huyết, tình trạng có thể dẫn đến bệnh đái tháo đường.
  • Đo chức năng thận bằng xét nghiệm máu thường quy là một trong những xét nghiệm thường được thực hiện.
  • Các xét nghiệm đông máu được sử dụng để chẩn đoán và đánh giá các vấn đề về chảy máu, và để theo dõi trên những người sử dụng warfarin hay các Thu*c chống đông máu khác.
  • Xét nghiệm máu là một loại xét nghiệm phổ biến, giúp chẩn đoán, theo dõi mức độ nghiêm trọng của một số bệnh, và kiểm tra nhóm máu của bạn, trước khi được truyền máu.
  • Xét nghiệm kháng nguyên và kháng thể giúp xác định một số loại bệnh nhiễm trùng nhất định và một số rối loạn khác.
  • Tốc độ lắng máu hay tốc độ lắng hồng cầu (erythrocyte sedimentation rate - ESR), protein C phản ứng (C-reactive protein - CRP) và độ nhớt huyết tương (plasma viscosity - PV) là các xét nghiệm máu thường được sử dụng để phát hiện sự gia tăng protein, và là dấu hiệu của viêm.
  • Xét nghiệm chức năng tuyến giáp là xét nghiệm máu giúp kiểm tra chức năng tuyến giáp. Các xét nghiệm này chủ yếu được sử dụng để phát hiện suy giáp (thiểu năng tuyến giáp hay còn gọi là nhược giáp) và cường giáp (tuyến giáp hoạt động quá mức).
  • Xét nghiệm đánh giá độ lọc cầu thận (eGFR) được sử dụng không phải để trực tiếp chẩn đoán các bệnh về thận mà nhằm đánh giá hoạt động chức năng của thận có tốt hay không.
  • Những điều cần biết khi thực hiện xét nghiệm di truyền.
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY