Đã có không ít những ý kiến của các nhà nghiên cứu áo dài, nhà thiết kế về công tác bảo tồn áo dài. Tuy nhiên, để câu chuyện bảo tồn áo dài thực sự phát huy giá trị cần sự chung tay của cộng đồng.
Đại biểu Quốc hội, nhà sử học Dương Trung Quốc (Đồng Nai) từng nhấn mạnh: “Chúng ta phải củng cố hơn di sản áo dài. Các cơ quan chức năng cần tính đến việc tổng hợp hồ sơ trình các tổ chức quốc tế xem xét, công nhận trang phục của Việt Nam là di sản văn hóa.”
Áo dài của người phụ nữ Việt từ bao đời nay đã trở thành hình ảnh thân thuộc, và được xem như quốc phục của Việt Nam. Nhân ngày 12/12 âm lịch vừa qua, NTK Đỗ Trịnh Hoài Nam và các học trò là những nhà thiết kế áo dài trong cả nước đã tổ chức buổi gặp gỡ giao lưu với chủ đề “Bảo tồn văn hóa áo dài Việt Nam”.
Hơn 100 nhà thiết kế áo dài cùng nhau chia sẻ những khó khăn, ý chí và bài học thành công từ ngành may. Nói về lịch sử ngày giỗ tổ ngành may 12/12 âm lịch: Theo những gì mà người xưa truyền lại, Bà Nguyễn Thị Sen ra đời và trưởng thành ở một ngôi làng có tên là Trạch Xá, thuộc xã Hòa Lâm, huyện Ứng Hòa, trấn Sơn Tây (ngôi làng này đã được Quý Minh Đại Vương là một vị thần tướng có công giữ nước, dưới thời của Hùng Vương lập nên).
Ở trong ngôi làng đó, không một ai là không biết tới bà với phẩm hạnh nết na, dịu dàng, đảm đang, xinh đẹp, giỏi giang may mặc, dệt vải, thêu thùa, trồng dâu. Trong Đại Việt Sử Ký Toàn Thư có ghi chép rõ ràng, Vua Đinh Tiên Hoàng vĩ đại của chúng ta có lập năm hoàng hậu (Đan Gia, Trinh Minh, Kiều Quốc, Cồ Quốc, Ca Ông). Trong năm vị hoàng hậu đáng kính kể trên thì Thánh Tổ của nghề may chính là tứ phi Hoàng Hậu Cồ Quốc.
Năm xưa, Vua Đinh Tiên Hoàng đích thân đến làng Trạch Xá kén chọn hiền tài giúp nước đã gặp và nên duyên cùng bà Nguyễn Thị Sen. Sau đó bà theo vua về triều và được phong là Tứ Phi Hoàng Hậu. Để các thế hệ con cháu biết về công đức to lớn của bà đối với nghề may, người dân tại làng Trạch Xá đã cùng nhau lập nên đền thờ Thánh Tổ Nghề May và lấy ngày bà qua đời làm ngày tổ chức lễ hội Giỗ Tổ Thợ May , chính là ngày 12 tháng Chạp âm lịch.
Là một trong những nhà thiết kế luôn mong muốn các thế hệ học trò sẽ thành công trong lĩnh vực may mặc vốn chứa đựng nhiều gian truân, vất vả, hàng năm nhân này giỗ tổ nghề may 12/12 âm lịch, Chủ tịch CLB Áo dài VN - NTK Đỗ Trịnh Hoài Nam sẽ cùng với những học trò tưởng nhớ công lao thế hệ đi trước và viết tiếp truyền thống ngành may. Chia sẻ tại chương trình “Bảo tồn văn hóa áo dài Việt Nam”, NTK Đỗ Trịnh Hoài Nam cho biết: “Ngày hôm nay khi các nhà thiết kế lên chia sẻ về quá trình phát triển bản thân để có thể đạt những thành công trong nghề may, họ luôn dành tình cảm và những lời cảm ơn đến tôi, nhưng tôi nói với học trò mình điều thầy muốn nghe nhất là về thành tựu của các em, về thành công với những giá trị từ ngành may đem lại cho mỗi cá nhân. Tôi không muốn nghe những lời cảm ơn, tôi muốn nghe về thành tựu của học trò để tự hào về họ.”
Những hình ảnh đáng chú ý tại sự kiện “Bảo tồn văn hóa áo dài Việt Nam”:
Không khí trong buổi lễ giỗ tổ nghề may ngày 6/1/2020 (12/12 âm lịch)
NTK Đỗ Trịnh Hoài Nam thay mặt cho CLB áo dài Việt Nam tặng quà cho những nhà thiết kế có nhiều đóng góp trong việc bảo tồn và phát triển áo dài Việt Nam
Minh Khang
Chủ đề liên quan:
áo dài áo dài việt nam chia sẻ giỗ tổ nghề may nhà thiết kế đỗ trịnh hoài nam trong ngày văn hóa