Tuần lễ thời trang quốc tế Việt Nam lần thứ 12 diễn ra trong mùa lễ hội với kỳ vọng mang đến một không gian đậm chất fashion, tạo nên điểm sáng lạc quan cho thời trang Việt sau gần một năm “đóng băng” vì đại dịch. Nhiều thương hiệu thời trang nổi tiếng trong và ngoài nước cùng các NTK “đình đám” tham gia vào sự kiện lần này, như: Adrian Anh Tuấn, Lê Long Dũng, Ivan Trần, Minh Châu, Nguyễn Tiến Truyển, Hoàng Quyên, Hoàng Hải, Quý Cao... Điểm mới của Tuần lễ thời trang quốc tế Việt Nam năm nay là tạo cơ hội cho các NTK bán hàng thông qua ứng dụng thương mại điện tử, qua đó đưa sản phẩm thời trang đến thị trường quốc tế.
Chia sẻ về thông điệp Shining Life, bà Trang Lê - Chủ tịch Hiệp hội các NTK thời trang Đông Nam Á (CAFD) kiêm Chủ tịch AVIFW cho biết: “Đây là thời điểm khó khăn cho tất cả mọi người nói chung và các NTK cũng như thương hiệu thời trang Việt Nam nói riêng. Nhưng tôi tin, nếu “nắm tay nhau” chắc chắn chúng ta sẽ cùng nhau vượt qua được. Đó là lý do mà chúng tôi đã quyết định không thu phí tham gia chương trình AVIFW của tất cả các NTK. Bởi chúng tôi muốn họ có thể toàn tâm toàn ý vào việc thực hiện bộ sưu tập lần này”.
Một “điểm sáng” cho sự kiện thời trang được mong chờ nhất năm nay chính là các BST hiện đại sẽ kết hợp cùng với văn hóa, nghệ thuật truyền thống, hướng đến người tiêu dùng trong nước lẫn quốc tế. Theo NTK Lê Long Dũng, chính ký ức và tình yêu với Sài Gòn, nguồn cảm hứng từ nghệ thuật Cải lương tuồng cổ, Đờn ca tài tử đã khơi nguồn cảm xúc cho anh trong lần trở lại này. “Nếu quan sát kĩ ta sẽ thấy Cải lương tuồng cổ và kim chỉ vá may có mối liên hệ mật thiết với nhau, cả hai có sự đồng điệu và có thể kết hợp cùng nhau trên một sàn diễn. Và để tôn vinh những giá trị truyền thống, giá trị nghệ thuật miền Nam, BST Việt Nam rực rỡ gấm hoa sẽ mang một màu sắc riêng với mong muốn phát triển nghệ thuật trên sân khấu nước nhà”, NTK Lê Long Dũng tâm sự. Việt Nam rực rỡ gấm hoa với khoảng 35 mẫu áo dài mang thông điệp “tái sinh” trở lại thời kỳ rực rỡ gấm hoa của đất nước. NTK Lê Long Dũng cho biết, khác với các BST khác, Việt Nam rực rỡ gấm hoa mở màn bằng phần trình diễn Cải lương tuồng cổ của NSƯT Tú Sương. Tiếp đó, dàn người mẫu sẽ trình diễn thời trang trên nền nhạc tuồng cổ. Những “lụa là gấm vóc” cùng hòa mình với thanh âm chính là sự gắn kết những mảng màu nghệ thuật lại với nhau, hứa hẹn sẽ mang đến cho khán giả những sự thú vị trong BST này. “Một người phụ nữ nhỏ bé bắt chúng tôi làm việc mỗi ngày đó là Trang Lê. Người thứ hai tôi muốn cảm ơn là NSƯT Tú Sương và gia tộc của chị. Tôi sẽ kể câu chuyện văn hóa từ cổ điển đến hiện đại qua những tà áo dài, trang phục dân tộc. Chúng ta hãy cùng nhau đóng góp, nâng cao giá trị văn hóa Việt Nam”, Lê Long Dũng tâm sự.
Trước đó, NTK Hà Linh Thư cũng đưa khán giả đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác khi mang nghệ thuật Cải lương vào BST Nghệ thuật và Hạnh Phúc của mình. Hà Linh Thư cho biết, cô đã lấy cảm hứng chính từ chuyện tình đẹp của ông bà nội cô. Ít ai biết ông nội của cô là người sản xuất phim truyện nhựa đầu tiên của Việt Nam - ông Hà Quang Định, và bà nội của cô là NSND Cải lương nổi tiếng tài sắc Ái Liên. Người xem bắt gặp hình ảnh quen thuộc của những chiếc mũ cánh chuồn, họa tiết thêu hình hạc, rồng, cá chép vốn quen thuộc trên các trang phục của bộ môn nghệ thuật Cải lương được Hà Linh Thư đưa vào một cách khéo léo, tỉ mỉ. Hay hai NTK Thế Huy - Hải Long đã mượn câu chuyện tâm linh và thông qua nét đẹp của Hát bội để gửi đến khán giả bộ sưu tập mang tên Hành trình về phương Đông. Những động tác ước lệ của Hát bội kết hợp cùng biểu cảm đa dạng và sự giao hòa giữa tiếng trống, ánh sáng, Hành trình về phương Đông đã tái hiện rõ nét đời sống cung đình xa hoa, tịch mịch một cách hoàn hảo…
Có thể thấy, bên cạnh các thiết kế, thì nghệ thuật biểu diễn truyền thống chính cũng là yếu tố tiếp theo làm nên thành công cho các BST. Bằng sự trân trọng dành cho nghệ thuật dân gian và mong muốn khuyến khích người trẻ lưu giữ những giá trị cao quý của văn hóa truyền thống, những NTK trẻ đã mang Cải lương, hát bội… lên sàn diễn một cách tỉ mỉ và tinh tế, nhưng vẫn không kém phần hiện đại. Ở đó, những khuôn mặt được tô vẽ đầy màu sắc, những bộ trang phục với cờ phướn, lông công cùng các điệu hát cổ truyền đã làm nên tính độc đáo cho buổi trình diễn, để tinh hoa nghệ thuật truyền thống giao hòa trong không khí thời đại. Và đây cũng là điều rất cần thiết để bảo tồn văn hóa dân tộc, nhất là khi ngày một nhiều bộ môn nghệ thuật truyền thống đang đứng trước nguy cơ mai một.
Sự trở lại lần này của Tuần lễ thời trang quốc tế Việt Nam 2021 đang khiến giới mộ điệu vô cùng háo hức. Và hấp dẫn hơn khi những bức tranh giao thoa giữa nét truyền thống và hiện đại đầy hương sắc Việt Nam sẽ tiếp tục tỏa sáng.
Chủ đề liên quan:
giải trí