Tin y tế hôm nay

Tin y tế

Cần lấp đầy khoảng trống trong chăm sóc người cao tuổi

GiadinhNet - Theo dự báo của các nhà nhân khẩu học, đến năm 2038, nhóm dân số trên 60 tuổi ở nước ta khoảng 21 triệu người, chiếm hơn 20% tổng dân số. Việt Nam sẽ chuyển từ giai đoạn “già hóa dân số” sang “dân số già”, khiến nhiều khoảng trống trong chăm sóc sức khỏe người cao tuổi cần phải nhanh chóng được lấp đầy.

Những khó khăn vướng mắc trong chăm sóc người cao tuổi

Theo dự báo đến năm 2049, tại Việt Nam, cứ 4 người thì có 1 người từ 60 tuổi trở lên (khoảng 27 triệu người). Cũng theo dự báo này, từ năm 2038, dân số trong độ tuổi lao động bắt đầu giảm và sự biến động dân số này sẽ tác động bất lợi đến sự phát triển kinh tế xã hội nếu không có chính sách thích ứng phù hợp.

Theo Kết quả Điều tra Quốc gia về Việt Nam, chỉ có 4,8% có sức khỏe tốt và rất tốt, 65,4% là yếu và rất yếu. Trong đó, có 26,1% không có bất cứ loại bảo hiểm y tế nào, trên 51% không đủ tiền chi trả cho việc điều trị dẫn đến không điều trị.

Mô hình và nguyên nhân bệnh tật người cao tuổi đang thay đổi nhanh chóng, khiến cho gánh nặng "bệnh tật kép" ngày càng rõ ràng. Ảnh minh hoạ

Bên cạnh đó, đời sống vật chất của người cao tuổi còn gặp rất nhiều khó khăn. Hiện có khoảng 2,97 triệu người (39% người cao tuổi) được hưởng lương hưu, bảo hiểm xã hội, chính sách đối với người có công và trợ cấp xã hội. Như vậy còn tới 61% dân số cao tuổi sống dựa hoàn toàn vào kinh tế của chính mình và con cháu.

Chia sẻ về những khó khăn vướng mắc về việc chăm sóc sức khỏe người cao tuổi ở nước ta hiện, ông Mai Xuân Phương - Phó Vụ trưởng Vụ Truyền thông - Giáo dục, Tổng cục Dân số - KHHGĐ cho biết: Khó khăn lớn nhất với việc chăm sóc sức khỏe người cao tuổi hiện nay là mô hình và nguyên nhân bệnh tật người cao tuổi đang thay đổi nhanh chóng, khiến cho gánh nặng "bệnh tật kép" ngày càng rõ ràng.

Tình trạng sức khỏe người cao tuổi phụ thuộc rất nhiều vào tuổi tác. Tuổi càng tăng thì tỉ lệ người cao tuổi có sức khỏe yếu càng cao, số bệnh mắc phải càng lớn và thời gian nằm viện càng dài. Do hệ quả của sự thay đổi mô hình bệnh tật là các bệnh không lây nhiễm đang nhanh chóng trở thành nguyên nhân hàng đầu gây bệnh tật và tàn phế cho người cao tuổi. Và xu hướng này sẽ tiếp tục diễn ra trong những thập niên tới. Đồng thời chi phí trung bình để chăm sóc sức khỏe người cao tuổi bằng 7-8 lần chi phí trung bình chăm sóc sức khỏe cho một người trẻ tuổi, gánh nặng lớn về nguồn lực chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi là điều không tránh khỏi.

Người cao tuổi phải có những kiến thức y tế cơ bản và chủ động chăm sóc sức khoẻ

Theo quy luật tự nhiên, khi tuổi càng cao, sức khỏe càng suy giảm. Khi tỷ trọng người cao tuổi ngày càng tăng, đặc biệt là tốc độ tăng nhanh ở nhóm dân số cao tuổi nhất (trên 80 tuổi và số lượng các cụ thọ từ 100 tuổi trở lên), đã đặt ra nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi ngày càng lớn.

Trong khi đó, mức độ hiểu biết về chăm sóc sức khỏe và tự chăm sóc sức khỏe của người cao tuổi còn thấp, phần lớn người cao tuổi không biết các biểu hiện hoặc cách phòng chống các bệnh thường gặp.

Khả năng và tỷ lệ tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe giữa các nhóm người cao tuổi hết sức khác nhau. Và đây là nguyên nhân khiến cho một bộ phận không nhỏ người cao tuổi không được điều trị, chăm sóc đầy đủ ngay cả khi phát hiện ra bệnh tật.

Cách tiếp cận theo suốt cuộc đời để già hóa khỏe mạnh/WHO

Mặt khác, mặc dù tỉ lệ người cao tuổi ngày càng tăng nhưng mạng lưới y tế cho người cao tuổi ở Việt Nam còn yếu, nhân viên y tế phục vụ tại cộng đồng còn thiếu, kỹ năng phát hiện và điều trị chăm sóc người cao tuổi còn hạn chế. Hiện cả nước chỉ có 1 bệnh viện lão khoa trung ương, 49/63 bệnh viện tỉnh, TP có khoa Lão, 3 cơ sở đào tạo bộ môn lão khoa.

Những bệnh thường gặp nhất ở người cao tuổi là xương khớp, huyết áp, các bệnh về mắt và suy giảm trí nhớ. Tình trạng bệnh tật đã ảnh hưởng lớn đến đời sống tâm lý, các hoạt động sinh hoạt hàng ngày và sự hòa nhập cộng đồng của người cao tuổi. Đa số người cao tuổi nước ta chưa có thói quen khám bệnh định kỳ, vì vậy khi phát hiện bệnh thường ở giai đoạn muộn khiến việc chữa trị rất khó khăn. Hệ thống y tế - lão khoa chưa đầy đủ, trang thiết bị còn thiếu thốn, đội ngũ cán bộ y tế chưa đáp ứng nhu cầu để giải quyết các bệnh đặc trưng của người cao tuổi.

Trước hết, bản thân người cao tuổi phải có những kiến thức y tế cơ bản và phải chủ động tham gia mua BHYT cho chính mình, cho gia đình của mình để phòng những lúc bệnh tật ập đến. Người cao tuổi cũng cần tự chuẩn bị những khoản tiền dự phòng để chủ động chi tiêu khi cần thiết. Hàng năm, người cao tuổi cũng nên đi khám bệnh định kỳ từ 1-2 lần/năm để phòng ngừa, phát hiện kịp thời nếu có bệnh. Bên cạnh đó, những người thân trong gia đình có người cao tuổi cần quan tâm về mặt tinh thần, sức khỏe làm sao để người cao tuổi trong gia đình sống vui vẻ, khỏe mạnh và hạnh phúc.

Một số giải pháp chính sách an sinh xã hội cho người cao tuổi

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Chiến lược dân số Việt Nam đến năm 2030, trong đó nhấn mạnh đến những mục tiêu giải pháp chủ yếu cho chăm sóc người cao tuổi. Thích ứng với già hóa dân số, đẩy mạnh chăm sóc sức khỏe người cao tuổi: Ít nhất 50% số xã, phường đạt tiêu chí môi trường thân thiện với người cao tuổi; khoảng 70% người cao tuổi trực tiếp sản xuất, kinh doanh tăng thu nhập, giảm nghèo có nhu cầu hỗ trợ được hướng dẫn về sản xuất kinh doanh, hỗ trợ phương tiện sản xuất, chuyển giao công nghệ, tiêu thụ sản phẩm, vay vốn phát triển sản xuất. 100% người cao tuổi có thẻ bảo hiểm y tế, được quản lý sức khỏe, khám, chữa bệnh, chăm sóc tại gia đình, cộng đồng, cơ sở chăm sóc tập trung.

Tăng cường vai trò các tổ chức chính trị xã hội trong việc xây dựng vận động thực hiện chính sách già hóa dân số và chăm sóc sức khỏe người cao tuổi. Ảnh minh hoạ

Để giải quyết được mục tiêu cần một số giải pháp chính sách an ninh xã hội cho người cao tuổi trước xu thế già hóa dân số ở Việt Nam hiện nay:

- Nâng cao nhận thức các nhà quản lý hoạch định chính sách cũng như toàn bộ cộng đồng về những thách thức của già hóa dân số với đời sống người cao tuổi.

- Giải quyết đồng bộ các chính sách tăng trưởng phát triển kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội nhằm đảm bảo và cải thiện thu nhập cho người cao tuổi có được từ lao động và hưu trí. Gắn liền với chính sách này cần: Thực hiện tốt chính sách bảo hiểm xã hội nhằm tăng cường khả năng tiếp cận của các nhóm dân số, đặc biệt là chú trọng đến mở rộng hệ thống BHXH với thiết kế linh hoạt, phù hợp với khả năng đóng góp và chi trả của người cao tuổi. Thúc đẩy người cao tuổi tham gia hoạt động kinh tế. Đặc biệt là những người có chuyên môn trình độ kỹ thuật cao. Trợ cấp xã hội cho nhóm người cao tuổi dễ tổn thương theo hướng mở rộng và tiến tới một hệ thống phổ cập cho mọi người cao tuổi. Một hệ thống nhằm đảm bảo mức sống tối thiểu.

Cần đẩy mạnh công tác truyền thông giáo dục sức khỏe và nâng cao nhận thức, ý thức về sức khỏe cho mọi lứa tuổi để chuẩn bị cho 1 tuổi già khỏe mạnh, tránh bệnh tật, thương tật và tàn tật. Xây dựng và củng cố mạng lưới y tế chăm sóc sức khỏe người cao tuổi. Đặc biệt là mạng lưới kiểm soát các bệnh mãn tính. Phát triển mạnh mẽ mạng lưới bác sĩ gia đình.

Nhà nước cần đầu tư mạnh mẽ hơn nữa vào phát triển các trung tâm bảo trợ xã hội và các trung tâm chăm sóc nuôi dưỡng người cao tuổi. Nhất là đối với người cao tuổi có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, người cao tuổi là những người có công với đất nước. Xây dựng hệ thống bệnh viện và tổ chức nghiên cứu lão khoa trên phạm vi cả nước. Trước mắt là cần hoàn thiện hệ thống lão khoa trong các bệnh viện đa khoa, phát triển hệ thống các bệnh viện chuyên khoa lão khoa ở trung ương và các tuyến tỉnh. Củng cố và hoàn thiện các bộ phận khám chữa bệnh lão khoa.

Tăng cường vai trò các tổ chức chính trị xã hội trong việc xây dựng vận động thực hiện chính sách già hóa dân số và chăm sóc sức khỏe người cao tuổi. Các tổ chức này, đặc biệt là Ủy ban Quốc gia về người cao tuổi và Hội Người cao tuổi Việt Nam. Xây dựng cơ sở dữ liệu có tính đại diện quốc gia và thực hiện các nghiên cứu toàn diện về dân số người cao tuổi.

Minh Trang

Mạng Y Tế
Nguồn: Gia đình (http://giadinh.net.vn/dan-so/can-lap-day-khoang-trong-trong-cham-soc-nguoi-cao-tuoi-20191219142609272.htm)

Tin cùng nội dung

  • Hãy dùng danh sách các câu hỏi dưới đây để giúp bạn đánh giá một nơi ở thích hợp cho người cao tuổi, chẳng hạn như nhà dưỡng lão, hay nhà dành cho người cao tuổi tích cực,...
  • Theo ghi nhận của Hiệp hội về Lão hóa, khoảng hai phần ba những người chăm sóc bệnh nhân vẫn phải làm việc bên ngoài. Hãy cân bằng giữa công việc và việc chăm sóc bệnh nhân.
  • Nếu người thân của bạn vẫn còn trong giai đoạn đầu của bệnh sa sút trí tuệ, có thể họ chưa cần nhiều sự chăm sóc. Điều tốt nhất bạn có thể làm ở giai đoạn này là tìm hiểu về bệnh sa sút trí tuệ.
  • Giúp đỡ người cao tuổi đối diện với những thay đổi lớn trong cuộc sống. Nếu bạn là người chăm sóc người cao tuổi hoặc nếu bạn dành nhiều thời gian cho người cao tuổi, hãy học cách giúp họ đối diện với sự mất mát.
  • Thay vì bán thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) riêng lẻ, nay người dân muốn mua BHYT phải mua theo hộ gia đình.
  • Viêm phổi là hiện tượng nhiễm khuẩn cấp tính ở phổi, do nhiều nguyên nhân gây nên. Ở nước ta, viêm phổi chiếm khoảng 12% các bệnh về phổi.
  • Đông y gọi viêm phế quản là khái thấu, đàm ẩm. Bệnh do ngoại cảm phong hàn, phong nhiệt, khí táo hoặc do công năng của 3 tạng phế, tỳ, thận giảm sút. Hàn thấp làm tổn thương tỳ sinh đàm ẩm; nhiệt làm thương phế, thận; phế thận âm hư dẫn đến ho, đờm nhiều. Đông y có rất nhiều phương pháp chữa bệnh này, xin giới thiệu một số bài Thuốc theo kinh nghiệm dân gian rất đơn giản, dễ tìm mà hiệu quả.
  • Dịch vụ phòng ngừa là rất quan trọng cho tất cả mọi người, đặc biệt là đối với người cao tuổi. Đó là vì nguy cơ gặp các vấn đề về sức khỏe tăng lên khi bạn có tuổi. Bằng cách ngăn ngừa, hoặc xác định chúng ở giai đoạn sớm, bạn có nhiều khả năng sống một cuộc sống lâu hơn, khỏe mạnh hơn, và thỏa mãn hơn.
  • Suy dinh dưỡng là khi cơ thể bạn không nhận được đủ chất dinh dưỡng từ các loại thực phẩm bạn ăn để hoạt động tốt. Chất dinh dưỡng bao gồm chất béo, tinh bột, chất đạm, vitamin và các khoáng chất. Những chất này cung cấp năng lượng cho cơ thể của bạn. Chúng giúp cơ thể phát triển, sửa chữa mô và điều hòa các quá trình sống.
  • Răng của trẻ bắt đầu phát triển dưới nướu trước cả khi chúng ta có thể nhìn thấy. Khoảng 6 tháng sau khi trẻ sinh ra, bạn có thể nhìn thấy chiếc răng đầu tiên. Đó chỉ mới là bước khởi đầu cho những nụ cười sẽ đi theo suốt cả đời người.
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY