Bệnh nhân là cháu Y Kiêm K, sinh năm 2016, ở buôn Bling xã Cư M’gar, huyện Cư M’Gar, tỉnh Đắk Lắk. Ngày 10/7, bệnh nhi bắt đầu phát bệnh, với biểu hiện mệt mỏi, sốt cao, đau họng và được người nhà đưa đi khám ở phòng khám tư nhưng bệnh không đỡ.
Đến 11/7, bệnh nhi được người nhà đưa vào Trung tâm y tế huyện Cư M’gar trong tình trạng tỉnh táo, tiếp xúc được, đau rát họng. Ngày 13/7, Trung tâm y tế huyện Cư M’gar tiến hành lấy mẫu họng gửi Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên. Kết quả xét nghiệm cho thấy, bệnh nhi dương tính với vi khuẩn bạch hầu.
Điều tra dịch tễ, bệnh nhi đã tiêm vaccine phòng bệnh lao, bệnh sởi và 2 mũi vaccine 5 trong 1. Trước và trong thời gian mắc bệnh, bệnh nhân không đi đâu xa, không tiếp xúc với các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu. Khu vực xung quanh nhà của bệnh nhân không ghi nhận các trường hợp mắc bệnh tương tự.
Từ đầu năm 2020 đến nay, trên địa bàn các tỉnh khu vực Tây Nguyên xuất hiện nhiều ổ dịch bạch hầu. Tại Kon Tum đã ghi nhận rải rác 23 trường hợp dương tính với vi khuẩn bạch hầu tại các huyện: Đắk Hà, Đắk Tô và Sa Thầy; riêng từ ngày 27/6/2020 đến ngày 2/7/2020 đã có 14 trường hợp tại xã Diên Bình (Đắk Tô), thị trấn Sa Thầy, xã Ya Xiêr (Sa Thầy), các trường hợp đều là người đồng bào dân tộc thiểu số.
Bộ Y tế cảnh báo, bệnh bạch hầu là bệnh lây lan rất mạnh, diễn biến cấp tính, có thể gây biến chứng nặng và Tu vong. Để chủ động phòng chống dịch bệnh bạch hầu, không để dịch bùng phát, lan rộng, Bộ Y tế đề nghị UBND tỉnh Kon Tum chỉ đạo thực hiện các biện pháp phòng chống dịch.
Bộ Y tế yêu cầu tỉnh chỉ đạo Sở Y tế triển khai công tác kiểm soát dịch bệnh tại các ổ dịch bạch hầu, tăng cường các hoạt động giám sát, lấy mẫu xét nghiệm, phát hiện sớm các trường hợp mắc mới, ổ dịch mới phát sinh; cách ly kịp thời các trường hợp mắc, khoanh vùng, thực hiện vệ sinh môi trường, khử khuẩn, xử lý triệt để ổ dịch, không để dịch bệnh lan rộng và kéo dài. Tổ chức điều trị kháng sinh dự phòng cho tất cả các trường hợp tiếp xúc gần và có nguy cơ.
Tổng hợp