Pháp luật hôm nay

Cấp sổ đỏ cho dự án: Dễ bị chủ đầu tư lợi dụng

Thời gian gần đây, một vấn đề đang nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận, đó là việc cấp sổ đỏ cho các dự án có sai phạm về giấy phép xây dựng.
Thời gian gần đây, một vấn đề đang nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận, đó là việc cấp sổ đỏ cho các dự án có sai phạm về giấy phép xây dựng. Điều đáng nói, việc cấp sổ đỏ được cho là nỗ lực của cơ quan quản lý nhằm bảo vệ quyền lợi cho người dân, tuy nhiên nếu không có những quy định cụ thể, rõ ràng thì chủ trương đúng, việc làm đúng này dễ bị chủ đầu tư lợi dụng,...

Dự án sai phạm vẫn được cấp sổ đỏ

Tại buổi họp báo Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội vừa diễn ra mới đây, một trong những vấn đề nóng nhận được sự chú ý, đó là việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất (GCN) đối với những căn hộ thuộc các dự án có vi phạm pháp luật mà điển hình là dự án Đại Thanh (xã Tả Thanh Oai, huyện Thanh Trì, Hà Nội). Theo đó, dự án xây dựng công trình có chức năng hỗn hợp Đại Thanh, xã Tả Thanh Oai, huyện Thanh Trì trong quá trình triển khai, chủ đầu tư chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đất, chưa thực hiện các thủ tục đầu tư cũng như chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với ngân sách nhà nước; xây dựng các công trình sai quy hoạch đã được phê duyệt. Theo quy hoạch thì nhà ở tại khu vực này chỉ được phép xây 29 tầng, nhưng 6 tòa nhà tại đây đã xây 32 tầng chưa kể 1 tầng hầm. Song theo con số báo cáo thì Sở Tài Nguyên và Môi trường đã cấp hơn 1.000 giấy chứng nhận cho dự án này.

Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Hữu Nghĩa - Phó Giám đốc Sở Tài Nguyên và Môi trường TP.Hà Nội cho biết, nguồn gốc dự án này trước đây là của Xí nghiệp Đại Thanh, sau đó chuyển mục đích sử dụng đất và liên doanh với Công ty Hải Phát. Một thời gian sau, Đại Thanh rút vốn chỉ còn lại Hải Phát. Sau khi Hải Phát triển khai dự án, làm xong thẩm định nhu cầu sử dụng đất, đã lập quy hoạch và được phê duyệt theo quy chế quản lý đô thị..., nhưng Hải Phát sau đó lại chuyển nhượng cho công ty Điện Biên. Dự án này khi thực hiện đã xảy ra nhiều sai phạm, đã có nhiều cơ quan tiến hành thanh tra. Gần đây nhất là thanh tra của Bộ Xây dựng, trước đó là Thanh tra Thành phố, Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường. Theo văn bản số 327 của Văn phòng Chính phủ thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, trách nhiệm sai phạm của doanh nghiệp sẽ chờ cơ quan thanh tra, còn việc cấp GCN là bảo đảm quyền lợi của người dân mua nhà dự án. “Cũng như một số dự án sai phạm khác, nếu chiểu theo quy định thời điểm đó thì khi chủ đầu tư, chủ dự án còn nợ tiền, xây dựng sai quy hoạch thì không thể cấp GCN. Nhưng vì khi đó, với con số 250.000 căn hộ đã xây dựng. Thành phố Hà Nội đã phải xin ý kiến các Bộ, ngành, thảo luận dai dẳng hơn 1 năm thì đến tháng 8/2013, Văn phòng Chính phủ ra thông báo về việc cấp GCN cho người mua nhà sai phạm và vấn đề này mới được tháo gỡ. Theo đó, tất cả các sai phạm của chủ đầu tư được để sang một bên để xử lý một cách triệt để, nghiêm minh theo quy định của pháp luật, còn quyền lợi của người dân được đặt sang một bên. Trách nhiệm của cơ quan chuyên môn và cơ quan nhà nước cùng với chủ đầu tư phải đảm bảo quyền lợi của người dân. Có nghĩa là khi người dân mua nhà, đã ký hợp đồng, thanh toán nghĩa vụ đầy đủ với chủ đầu tư thì phải đảm bảo quyền lợi bằng cách cấp GCN. Từ đó, Sở Tài Nguyên Môi trường mới cấp GCN cho người mua nhà, trong đó có dự án Đại Thanh - ông Nghĩa cho biết.

Cứ mãi “chạy theo”,...?

Phương án giải quyết theo cách đặt sai phạm của chủ đầu tư sang một bên để giải quyết quyền lợi chính đáng cho người dân chắc chắn là một giải pháp tình thế đã được nhiều cơ quan ban ngành bàn bạc, thảo luận và Chính phủ quyết định. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là, khi những sai phạm được làm rõ và có quyết định cuối cùng về phương án xử lý, quyền lợi của những người dân đã được cấp sổ đỏ tại những căn hộ thuộc phạm vi sai phạm sẽ được chủ đầu tư bảo đảm như thế nào? Ví dụ thành phố quyết định bắt phá bỏ các tầng xây vượt thì những người đã mua nhà, đã được cấp sổ đỏ tại những căn hộ đó sẽ được giải quyết ra sao?

Một câu hỏi khác cũng được đặt ra, đó là về lâu dài, Hà Nội làm thế nào để ngăn chặn hiện tượng những khách hàng biết dự án có sai phạm mà vẫn cố tình mua và sau đó đòi quyền lợi được cấp Giấy chứng nhận? Hoặc những chủ đầu tư cố tình sai phạm xây vượt tầng, vượt căn hộ để bán lấy tiền đút túi, gây khó cho cơ quan quản lý nhà nước?

Sự việc tại dự án Đại Thanh đã được giải quyết theo hướng bảo vệ quyền lợi cho người dân. Tuy nhiên thì đây cũng có thể xem là bài học đối với những khách hàng tại các dự án nhà ở, cần phải có sự tìm hiểu kỹ lưỡng trước khi đặt bút ký vào hợp đồng nếu không muốn mua phải những căn hộ thuộc dự án không đảm bảo pháp lý.

Có thể thấy việc cấp sổ đỏ cho các căn hộ thuộc diện vi phạm tại dự án Đại Thanh là việc làm bất đắc dĩ của cơ quan quản lý nhà nước. Đánh giá về việc làm này, nhiều chuyên gia nhận định cấp sổ đỏ là hợp lý nhằm bảo vệ quyền lợi cho những người dân đã mua nhà tại dự án. Tuy nhiên thì đây cần phải được xem là bài học cho những nhà quản lý, nếu không muốn vụ việc Đại Thanh trở thành tiền lệ cho việc giải quyết hậu quả sau khi để xảy ra sai phạm xây dựng.

N. Thành – T. Kiệt

Mạng Y Tế
Nguồn: Nguồn Internet (news-cap-so-do-cho-du-an-de-bi-chu-dau-tu-loi-dung-19343.html)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY