Thuốc A - Z hôm nay

Hướng dẫn sử dụng thuốc và biệt dược tìm theo danh mục, dạng thuốc, cơ chế tác dụng, dược động học, chỉ định, chống chỉ định, liều lượng, tác dụng phụ

Cromolyn - Thuốc chống dị ứng, dự phòng hen, phòng cơn co thắt phế quản

Cromolyn có tác dụng bảo vệ dưỡng bào (mastocyte) khỏi các phản ứng kết hợp kháng nguyên - kháng thể typ IgE gây ra và ngăn không cho giải phóng các chất trung gian phản vệ như histamin, leucotrien.

Tên chung quốc tế: Cromoglicic acid.

Loại Thuốc: Thuốc chống dị ứng.

Dạng Thuốc và hàm lượng

Bình xịt khí dung định liều 0,8 mg/liều xịt, bình 112 liều, 200 liều.

Bình xịt khí dung qua mũi 5,2 mg/liều xịt, bình 100 liều, 200 liều.

Bình phun mù 20 mg/2 ml.

Nang, bột hít 20 mg.

Nang uống 100 mg.

Lọ 3,5 ml dung dịch 20 mg/ml, 40 mg/ml để tra mắt.

Dược lý và cơ chế tác dụng

Cromolyn có tác dụng bảo vệ dưỡng bào (mastocyte) khỏi các phản ứng kết hợp kháng nguyên - kháng thể typ IgE gây ra và ngăn không cho giải phóng các chất trung gian phản vệ như histamin, leucotrien. Thuốc có thể tác dụng thông qua kìm hãm gián tiếp kênh calci (ngăn calci từ ngoài đi vào trong dưỡng bào). Cromolyn còn giảm đáp ứng quá mức của phế quản. Người ta cũng thấy cromolyn có tác dụng chống co thắt phế quản do khí lạnh, khi thở sâu, nhanh hoặc dị nguyên. Thuốc tác dụng tại chỗ.

Cromolyn không có tác dụng trực tiếp chống viêm hay kháng histamin; tác dụng gây giãn phế quản là không đáng kể. Thuốc chỉ có tác dụng thuần túy dự phòng và không có vai trò nào trong điều trị cơn hen cấp tính.

Chỉ có khoảng 8% lượng Thuốc hít vào đi tới và được hấp thu ở phổi. Phần còn lại được nuốt rồi thải ra ngoài. Khi cromolyn dùng theo các đường khác thì hấp thu kém hơn nhiều (xịt mũi: dưới 7%; nhỏ mắt: 0,03%; uống: 1%). Cromolyn gắn thuận nghịch với protein (60 - 70%). Thuốc phân bố ở gan (84% sau 3 ngày), thận (2% sau 24 giờ); nồng độ Thuốc ở dịch não tủy và ở nhau thai là không đáng kể. Thể tích phân bố là 0,13 lít/kg. Cromolyn không bị chuyển hóa và đào thải dưới dạng nguyên vẹn theo phân (80%), nước tiểu (30 - 50%). Dùng theo mọi đường vẫn có thể thấy có cromolyn trong phân. Nửa đời thải trừ là 80 - 90 phút.

Cromolyn chủ yếu được sử dụng để điều trị hen ở trẻ em vì hen ở trẻ em phần lớn thuộc loại thật sự dị ứng (phụ thuộc IgE) và vì vậy, được coi là Thuốc thông dụng để phối hợp với các glucocorticoid và các Thuốc kích thích beta giao cảm dùng theo đường hít.

Chỉ định

Dự phòng hen trẻ em.

Phòng cơn co thắt phế quản do gắng sức hay do khí lạnh.

Viêm mũi dị ứng.

Viêm kết mạc dị ứng.

Bệnh thâm nhiễm dưỡng bào (mastocytosis).

Chống chỉ định

Quá mẫn với cromolyn hay với một thành phần của chế phẩm; thở khò khè cấp.

Thận trọng

Cromolyn không có tác dụng điều trị cơn hen cấp.

Cần thận trọng khi dùng dạng xông có định liều cho người có bệnh mạch vành hoặc có tiền sử loạn nhịp tim vì trong dạng Thuốc này có chất tạo lực đẩy.

Thận trọng khi ngừng dùng cromolyn, nhất là đối với người bệnh đã giảm liều uống steroid sau khi bắt đầu dùng cromolyn.

Nếu làm test kích thích phế quản với methacholin thì phải ngừng dùng cromolyn trước 24 giờ.

Không được mang kính áp tròng khi đang điều trị mắt bằng dung dịch cromolyn.

Ngừng dùng Thuốc nếu có thâm nhiễm bạch cầu ái toan ở phổi.

Thời kỳ mang thai

Thuốc không có ảnh hưởng xấu lên thai nhưng chỉ nên dùng Thuốc cho người mang thai nếu thật cần thiết.

Thời kỳ cho con bú

Không có dữ liệu đáng tin cậy.

Tác dụng không mong muốn (ADR)

Thường gặp, ADR > 1/100

Thần kinh: Nhức đầu, buồn ngủ.

Tiêu hóa: Kích ứng miệng, buồn nôn, đau dạ dày, viêm dạ dày ruột (ở người bị hen, các triệu chứng thường là nhẹ và sẽ hết khi ngừng Thuốc).

Mắt: Ðau nhói hay đau rát ở mắt thoáng qua (dùng trong nhãn khoa), co đồng tử.

Hô hấp: Kích ứng họng, co thắt phế quản nhẹ.

Da: Viêm da.

Hiếm gặp, ADR < 1/1000

Hô hấp: Co thắt phế quản nặng, thâm nhiễm bạch cầu ái toan ở phổi.

Tiêu hóa: Viêm tuyến mang tai.

Tiết niệu: Khó tiểu tiện.

Phản ứng quá mẫn (trong điều trị hen) có thể xảy ra vài phút sau khi hít Thuốc: ngứa, nổi mày đay, thở khò khè, hạ huyết áp, phù nề miệng - họng, phù mạch mặt, yếu cơ, suy hô hấp, tăng bạch cầu ái toan, xuất hiện kháng thể kháng nhân trong huyết thanh. Thôi dùng Thuốc và có hay không dùng corticoid sẽ làm mất các triệu chứng trên.

Hướng dẫn cách xử trí ADR

Ngừng dùng Thuốc. Không được dùng lại cromolyn cho người đã bị tác dụng phụ nghiêm trọng của Thuốc.

Liều lượng và cách dùng

Hen:

Tác dụng của Thuốc xuất hiện sau 2 đến 6 tuần.

Cần bổ sung cromolyn vào trị liệu đã có khi người bệnh đã ổn định về mặt lâm sàng (đã qua cơn cấp tính, đường dẫn khí thông, người bệnh thở dễ dàng). Trị liệu khác vẫn cần phải được tiếp tục cho đến khi có tiến bộ lâm sàng do tác dụng của cromolyn và nhờ đó có thể giảm dần liều các Thuốc khác.

Thuốc xịt có định liều: Liều ban đầu nên dùng để điều trị hen ở trẻ từ 5 tuổi trở lên là 2 lần xịt (800 microgram/mỗi lần xịt) bằng bình xịt, ngày 4 lần cách đều nhau. Ðể đề phòng cơn co thắt phế quản do gắng sức, khí lạnh hay do các tác nhân môi trường, liều thường dùng là 2 lần xịt Thuốc ngay trước khi tiếp xúc các yếu tố gây cơn; không nên dùng Thuốc sớm quá 60 phút. Khi người bệnh đã ổn định nhờ cromolyn và không cần phải dùng corticosteroid nữa thì có thể giảm dần số lần dùng cromolyn từ 4 xuống 3 rồi 2 lần một ngày. Nếu tình trạng lâm sàng xấu đi thì có thể cần phải tăng liều cromolyn và/hoặc các Thuốc khác.

Dung dịch phun mù: Ðể điều trị hen, liều được khuyên dùng cho trẻ trên 2 tuổi là 20 mg (lượng Thuốc có trong một ống Thuốc nước 2 ml) ngày 4 lần cách đều nhau bằng máy phun mù. Ðể đề phòng cơn co thắt phế quản do gắng sức, do khí lạnh hay do các tác nhân môi trường, liều thường dùng là 20 mg qua máy phun mù, hít Thuốc ngay trước khi tiếp xúc các yếu tố gây xuất hiện cơn; không nên dùng Thuốc sớm quá 60 phút. Khi người bệnh đã ổn định nhờ cromolyn và không cần thiết phải dùng corticosteroid nữa thì có thể giảm dần số lần dùng cromolyn từ 4 xuống 3 rồi 2 lần một ngày. Nếu tình trạng lâm sàng xấu đi có thể cần phải tăng liều cromolyn và/ hoặc các Thuốc khác.

Viêm mũi dị ứng:

Liều nên dùng ở trẻ từ 6 tuổi trở lên là xịt vào mỗi bên mũi 1 liều 10 mg, ngày 3 hoặc 4 lần cách đều nhau; nếu cần thiết thì số lần xịt có thể tăng lên 6 lần. Tác dụng của Thuốc xuất hiện sau từ 2 đến 4 tuần. Duy trì: 10 mg vào mỗi bên mũi cách 8 - 12 giờ/lần.

Viêm kết mạc

Liều nên dùng ở trẻ từ 4 tuổi trở lên là từ 1 đến 2 giọt dung dịch cromolyn 4% dùng cho nhãn khoa (1 giọt chứa khoảng 1,6 mg cromolyn natri) vào mỗi mắt, ngày 4 - 6 lần cách đều nhau. Tác dụng của Thuốc xuất hiện sau từ vài ngày đến 6 tuần.

Bệnh dưỡng bào (mastocytosis):

Liều thường dùng ở trẻ đẻ đủ tháng cho đến 2 tuổi là 20 mg/kg/ngày, uống làm 4 lần. Ðối với trẻ 6 tháng đến 2 tuổi, nếu sau 2 hoặc 3 tuần mà không có kết quả thì có thể tăng liều lên 30 mg/kg/ngày. Không được dùng cromolyn cho trẻ đẻ non. Liều thường dùng cho trẻ 2 đến 12 tuổi là 100 mg/ngày, uống làm 4 lần, nửa giờ trước mỗi bữa ăn và một lần trước lúc đi ngủ. Có thể tăng liều lên tới 40 mg/kg/ngày nếu sau 2 - 3 tuần vẫn không đạt kết quả; nhưng không được vượt quá 40 mg/kg/ngày.

Tương tác Thuốc

Cromolyn dùng trong nhãn khoa có thể được dùng đồng thời với atropin sulfat nhỏ mắt, với Thuốc nhỏ mắt prednisolon acetat 1% cộng phenylephrin 0,12%.

Ðộ ổn định và bảo quản

Bảo quản Thuốc nơi khô, mát, nhiệt độ không quá 300C, tránh ánh sáng mặt trời.

Không được chọc thủng hoặc đốt các bình đựng Thuốc, ngay cả khi đã dùng hết Thuốc.

Quá liều và xử trí

Không cần biện pháp đặc biệt nào. Chỉ cần theo dõi lâm sàng.


Nguồn: Internet.
Mạng Y Tế
Nguồn: Điều trị (https://www.dieutri.vn/c/cromolyn/)

Tin cùng nội dung

  • Xét nghiệm kiểm tra dị ứng áp da có thể giúp tìm ra nguyên nhân gây ra triệu chứng viêm da do dị ứng (còn gọi là viêm da tiếp xúc).
  • Nội soi phế quản (Bronchoscopy) là một thủ thuật giúp chẩn đoán và điều trị một số bệnh lý đường hô hấp bao gồm phế quản và phổi.
  • Dị ứng có 2 thể cấp tính và mãn tính. Dị ứng cấp tính thường có liên quan đến cơ địa; do dùng những thức ăn không tươi, nhất là với cá, tôm, cua, trứng không đảm bảo an toàn vệ sinh, do uống rượu; hoặc vì bên trong có nhiệt, cảm phong hàn, gió nóng, hoặc vì ra mồ hôi nhiều.
  • Dị ứng ở trẻ là tình trạng liên quan đến hệ thống miễn dịch, dù dị ứng nặng hay nhẹ, có nhiều cách để có thể ngăn ngừa hoặc kiểm soát các dạng dị ứng
  • Viêm thanh khí phế quản là một tình trạng nhiễm trùng làm phần bên trong cổ họng trẻ sưng phồng, gây khó thở cho trẻ. Cần đưa trẻ đi bác sĩ nếu có triệu chứng viêm thanh khí phế quản.
  • Viêm thanh khí phế quản là một bệnh thông thường gây ảnh hưởng đến đường dẫn khí làm cho trẻ khó thở. Thường biến ở trẻ biết đi và tuổi từ 6 đến 12 tháng tuổi
  • Viêm thanh khí phế quản là một tình trạng nhiễm trùng làm phần bên trong cổ họng trẻ sưng phồng, gây khó thở cho trẻ. Cần đưa trẻ đến bệnh viện khi có triệu chứng viêm thanh khí phế quản.
  • Bệnh chàm là một bệnh mạn tính về da, làm da khô, đỏ và ngứa. Bệnh chàm còn được gọi là viêm da dị ứng. Bất cứ ai cũng có thể bị chàm, …
  • Viêm tiểu phế quản là một bệnh nhiễm trùng hô hấp cấp phổ biến ở trẻ nhũ nhi và trẻ nhỏ. Viêm tiểu phế quản gây tắc nghẽn các đường dẫn khí nhỏ ở phổi
  • Viêm tiểu phế quản là bệnh về đường hô hấp rất phổ biến ở trẻ nhỏ. Một trong các triệu chứng của bệnh viêm tiểu phế quản là tình trạng khó thở.
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY