Đây là buổi Lễ mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, với sự tham dự của gần 20 nghìn tín đồ Phật tử xa gần. Đặc biệt, nhiều Cán bộ Lãnh đạo tỉnh Nghệ An, huyện Nam Đàn và xã Nam Thanh cũng đồng tham dự Đại lễ này.
Ngoài ra, đại diện các Báo – Đài cũng đến tham dự và đưa tin. Đồng thời có gần 1.000 Chúng thanh niên Phật tử Phật Quang 3 miền về chùa công quả phục vụ cho Đại lễ.
Cứ sau tết Nguyên Đán, các chùa trên cả nước thường tổ chức những nghi Lễ cầu an đầu năm. Trên tinh thần đó, đây là lần thứ VI chùa Viên Quang tổ chức Đại lễ cầu nguyện cho Quốc thái Dân an mà mỗi năm càng đông người tham dự. Năm nay đông nhất, người ngồi kín hết các khu vực dành cho Phật tử thính Pháp.
Dù rất đông người nhưng không một tiếng động, chỉ có tiếng giảng Pháp của Thượng tọa Giảng sư. Điều này cho thấy một Người thành tựu về tâm linh có sức hút kỳ lạ, có thể nhiếp chúng trong một Pháp hội hàng vạn người. Sức hút đó là luôn nghĩ và làm điều tốt lành, bắt nguồn từ lợi ích của Phật Pháp, của dân tộc, của nhân dân, xã hội. Tuy nhiên, sức hút lớn nhất của Thượng tọa Giảng sư chính là lòng từ bi yêu thương chúng sinh vô hạn. Nhờ có Tăng đoàn Thiền Tôn Phật Quang hướng dẫn đồng bào Phật tử hữu duyên đến chùa Viên Quang tu tập mà đời sống tâm linh, tinh thần của họ ngày càng ổn định và phát triển.
Quang lâm chứng minh và tham dự Đại lễ có: ĐĐ Thích Châu Phong - UV Thường trực Trưởng ban Pháp chế kiêm Phó CVP BTS GHPGVN tỉnh Nghệ An; ĐĐ Thích Tuệ Minh – UV Thường trực, Trưởng ban Hướng dẫn Phật tử BTS GHPGVN tỉnh Nghệ An; ĐĐ Thích Nhuận Hiển - UV BTS, Phó Trưởng ban Pháp chế BTS GHPGVN tỉnh Nghệ An; cùng Chư tôn đức các Chùa trên địa bàn Thanh Hóa, Nghệ An. Đồng tham dự còn có Chư tôn đức Tăng Ni Thiền Tôn Phật Quang; Đại diện Tổng Đạo tràng Thiền Tôn Phật Quang khu vực phía Bắc và phía Nam, Đại diện Hội từ thiện Thiền Tôn Phật Quang và các Chúng trưởng của các đạo tràng Phật Quang thuộc 3 miền.
Về phía Chính quyền có sự tham dự của: Ông Bùi Thanh Long - UV BCH Đảng bộ tỉnh Nghệ An, Bí thư Huyện ủy huyện Nam Đàn; ông Lưu Công Vinh – Phó Giám đốc Sở Nội Vụ - Trưởng Ban Tôn giáo và các ông, bà Lãnh đạo Chuyên viên Ban Tôn giáo tỉnh Nghệ an; ông Đinh Xuân Quế - Phó Bí thư Huyện ủy - Chủ tịch UBNND huyện Nam Đàn; bà Trần Thị Hiên – UV Ban Thường vụ, Phó Chủ tịch HĐND huyện Nam Đàn; ông Nguyễn Hồng Sơn – UV Ban Thường vụ, Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Đàn; bà Lê Thị Hằng – UV BTV, Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy Nam Đàn; ông Cao Tiến Mai - UV BTV, Trưởng CA huyện cùng Lãnh đạo và chuyên viên Công an huyện Nam Đàn; ông Lê Văn Bình - HUV, Chủ tịch UBMTTQVN huyện Nam Đàn; và các Ông, Bà Thường trực UB MTTQVN huyện Nam Đàn.
Ngoài ra, còn có các Ông, Bà UV BCH Huyện uỷ; Ttrưởng/ Phó các Ban, Ngành, Phòng của huyện Nam Đàn; các Ông, Bà nguyên là Lãnh đạo các cấp chính quyền, Cán bộ cao cấp LLVT, các Giáo sư tiến sĩ đã nghỉ hưu; toàn thể Ban Thường vụ Đảng ủy, Thường trực HĐND, Chánh/ phó Chủ tịch UBND, Chủ tịch UBMTTQ và Trưởng các Ban ngành xã Nam Thanh; Đại diện UBND các xã thuộc huyện Nam Đàn. Lãnh đạo xã Thanh Giang, huyện Thanh Chương; xã Quỳnh Bảng, huyện Quỳnh Lưu; và Đại diện UBND phường Đông Vịnh, TP Vinh, tỉnh Nghệ An, thị trấn Con Cuông.
Đồng thời, còn có Đại diện Ban Hộ Tự và phật tử các Chùa trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Ban quản lý các Đền thờ, các Di tích Lịch sử Văn hóa... Lãnh đạo các Doanh nghiệp, Trường trung cấp Y Khoa miền trung, Làng SOS Vinh, Trung tâm Giáo dục và Dạy nghề Khuyết tật tỉnh Nghệ An, cùng các Trường học, Cơ quan đơn vị trên địa bàn.
Đúng 9h00” sáng, buổi Lễ chính thức bắt đầu. Mở đầu chương trình là các tiết mục văn nghệ do Phật tử biểu diễn cúng dương lên Tam bảo.
Tiếp theo, khi hồi trống Bát nhã vừa dứt, trong không khí tôn nghiêm và thành kính, tất cả Hội chúng đồng niệm Phật cầu gia bị.
Kế đến, tiếng nhạc của bài Quốc ca, Đạo ca vang lên trầm hùng trong niềm xúc động của người con Phật. Đồng thời, Chư tôn đức Tăng Ni, cùng các vị Lãnh đạo chính quyền tỉnh Nghệ An, các vị Cán bộ huyện Nam Đàn, xã Nam Thanh và toàn thể đồng bào Phật tử dành một phút mặc niệm để tri ân, bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến các bậc tiền nhân đã có công lao to lớn trong công cuộc dựng nước và giữ nước suốt chiều dài lịch sử của dân tộc, cũng như các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì nước trong sự nghiệp giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc.
Tiếp theo, TT Thích Chân Quang đã khai Pháp tại Nghệ An bằng bài Pháp thoại có chủ đề "Tu nghĩa là gì"
Đầu tiên, Thượng tọa bày tỏ lòng tri ân đến các cấp lãnh đạo đã dành rất nhiều sự quan tâm, tạo điều kiện cho chùa tổ chức và còn trực tiếp tham gia trọn vẹn các nghi lễ trong Đại lễ cầu Quốc thái Dân an hằng năm tổ chức tại chùa Viên Quang. Hình ảnh này làm ấm lòng những người tham dự. Ai nấy đều hân hoan xúc động, vừa vì niềm tôn kính Phật, vừa vì yêu quý người lãnh đạo của mình, chỉ bởi biết rằng các vị đã cùng chung trái tim, cùng chung hơi thở với mình, cùng lo cho đất nước thân yêu. Hình ảnh các vị lãnh đạo lễ bái thành kính chưa nơi nào có được. Vậy mới biết tại sao Nghệ An được coi là vùng đất địa linh nhân kiệt, vì lòng người Nghệ An thành kính quá đỗi đến thế.
Đi vào nội dung bài giảng, Thượng tọa khẳng định, chúng ta tu là để diệt trừ bản ngã, thực hiện lí tưởng sống phụng sự mọi người. Đây chính là ý nghĩa, là sự giác ngộ cao nhất trong đạo Phật. Vì không hiểu rõ điều này nên nhiều người hiểu nhầm rằng đạo Phật thụ động, tiêu cực, tu theo đạo Phật sẽ không có gì hết. Nhưng thực sự lại không phải thế.
Người khẳng định, Đức Phật thường chỉ nói nhân, không nói quả. Theo Nhân quả, chúng ta diệt trừ được bản ngã sẽ thấy được sự vô biên, vĩ đại, không cùng tận ở phía sau. Nhờ điều này mà càng tu càng tiến bộ, càng biết khiêm nhường, khiến người xung quanh yêu mến. Cái ưu việt trong con đường tu hành của đạo Phật là vậy.
Quả thực, bản ngã của ta bớt đến đâu thì đạo đức của ta sáng đến đó. Ta không còn ích kỉ, tham lam, mà biết vị tha, tử tế, phụng sự, cống hiến cho mọi người. Xã hội nhờ đó cũng trở lên trật tự, an toàn hơn.
Theo lời dạy của Phật thì thiền định chính là con đường quán chiếu để diệt trừ bản ngã. Đây là con đường thiêng liêng, phức tạp nhưng chỉ cần hiểu con đường mình phải đi, từng bước tu theo lời Phật dạy, thường xuyên suy tư thân này không phải của ta; tài sản không phải của ta; và cả từng ý nghĩ sâu kín cũng chẳng phải ta; chẳng có gì là ta cả thì sẽ đi sâu được vào thiền định. Giống như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từng nói “danh dự còn mãi với thời gian, còn vật chất chỉ là phù du”.
Câu nói này rất đúng với tinh thần đạo Phật và chỉ người có giác ngộ mới thốt lên được những lời như thế. Còn lại, đa số chúng ta đều vì ích kỉ, chạy theo lợi ích, vật chất mà đi ngược lại với tinh thần vô ngã, vị tha của đạo Phật, khiến xã hội rối ren, đời sống nhân dân bất ổn, đất nước không thể phát triển được. Vì lí do này mà hằng năm, đại lễ cầu Quốc thái Dân an được tổ chức.
Thường, ta chỉ cầu cho mình nhưng tại Đại lễ, ta cầu cho cả dân tộc. Việc này giúp ta đánh vỡ bản ngã của mình, bước được theo lời Phật dạy. Theo đó, Thượng tọa đã có những chia sẻ thật sâu sắc xoay quanh ý nghĩa “vô ngã” – mục tiêu tối thượng của đạo Phật.
Chúng ta thấy cả bầu trời vĩ đại của đạo Phật ẩn giấu sau cụm từ “chẳng có gì là ta”, mà qua sự phân tích thấu đáo của Thượng tọa, thính chúng đã cảm nhận được phần nào. Tuy nhiên, đánh vỡ bản ngã, thực hành đời sống buông xả, vị tha… là điều không dễ dàng, bởi trong ta luôn đầy ắp những vọng động tham lam, ích kỷ do sự chấp ngã của “cái tôi” và ta không ngừng bảo vệ “cái tôi” ấy.
Và sự ích kỷ từ chấp ngã sâu kín luôn chi phối ta trong từng hành vi, từng ý nghĩ nhỏ nhặt nhất. Thậm chí trong từng lời cầu nguyện, ta cũng quanh quẩn trong vị kỉ, chỉ nghĩ cho bản thân, gia đình mình mà thôi.
Thế nhưng, khi mọi người đến với Pháp hội cầu an đầu năm tại các chùa lại bắt gặp một quan điểm ngược lại khuynh hướng vị kỷ đó. Tại dây, Đại lễ cầu Quốc thái Dân an là một Đại lễ mang thông điệp của sự vị tha, vô ngã. Chỉ bởi, đến đây mỗi người không còn cầu xin cho riêng mình nữa, mà mở lòng ra cầu nguyện cho cả đất nước này, tức là từ bỏ cái riêng tư nhỏ bé để nghĩ đến cái chung đồng.
Theo quan điểm của TT Thích Chân Quang, đến với buổi Lễ cầu Quốc thái Dân an, mỗi người đều gác lại những ước muốn riêng tư cho cá nhân, cho gia đình để cùng hướng về tình yêu chung cho tổ quốc, cùng cầu nguyện cho đất nước thanh bình, nhân dân hạnh phúc, chúng sinh an lạc. Đây là nét đặc biệt của Đại lễ cầu nguyện Quốc thái Dân an. Điều này không chỉ thể hiện ước nguyện cao đẹp của mỗi người, mà còn nói lên sự đồng hành của Đạo pháp cùng Dân tộc, tức lấy cái uy linh của đạo pháp để cầu nguyện cho đất nước.
Nếu chỉ cầu cho chính mình hoặc cho gia đình nhỏ bé của mình, ta đi ngược lại tinh thần vô ngã, nhiều khi còn đẩy sự cầu nguyện đó thành dịch vụ mua bán, thành mê tín bằng các nghi lễ cúng sao, giải hạn. Ta tạo điều kiện cho sự mê tín lây lan, làm oan cho văn hóa Việt Nam, oan cho đạo Phật. Còn khi mở lòng ra cầu nguyện cho quê hương đất nước, ta đã làm mỏng nhẹ sự ích kỷ, mỏng nhẹ đi cái chấp ngã của mình.
Ý nghĩa của Đại lễ cầu Quốc thái Dân an là vậy. Ngoài ra, trong thời khắc thiêng liêng mà muôn vạn người đồng lòng cầu nguyện cho quê hương đất nước, chúng ta được hai điều lợi:
Thứ nhất là chính mình và gia đình mình sẽ được bình yên, may mắn. Vì nghĩ đến cái chung nên cái riêng của ta cũng được phúc lành. Nhân quả là vậy.
Thứ hai là ta góp phần bảo vệ đất nước này trong âm thầm. Lời cầu nguyện cho đất nước khiến chư Phật, chư Thiên, anh linh của các anh hùng dân tộc yêu thương, cảm động, và gia hộ cho đất nước ta vượt qua những khó khăn, hiểm nguy.
Tóm lại, ai đầu năm chí thành cầu nguyện cho đất nước và thế giới được bình an, ấm no, hạnh phúc thì người ấy đã cầu phúc cho mình và gia đình rất nhiều. Còn người nào chỉ biết cầu nguyện cho bản thân và gia đình, cầu một cách hẹp hòi và mê tín thì chẳng có phúc gì cả.
Và trước hào quang của mười phương chư Phật, trước hồn thiêng tổ quốc, Thượng tọa kêu gọi mọi người cùng dâng lên lời ước nguyện, tức mượn sức mạnh của Thần thánh để cầu mong cho đất nước ta vượt qua tất cả mọi khó khăn, ngày càng phát triển mạnh mẽ… Chỉ cần tất cả mọi người thành tâm thì sẽ cảm ứng đươc Thần thánh và đất trời.
Hi vọng rằng mai đây, trên khắp quê hương, những Đại lễ cầu Quốc thái Dân an sẽ được tổ chức khắp nơi, trở thành nét đẹp truyền thống của dân tộc, của đạo pháp trong những ngày đầu xuân, gieo vào lòng người bao nhiêu nguyện ước cao đẹp, vị tha.
Quả thực, đây là những đạo lí hết sức cao quý, giúp mọi người biết điều chỉnh suy nghĩ, thay đổi bản thân mình theo hướng tốt đẹp, bỏ qua được cái ích kỉ, hơn thua để yêu thương, vị tha, phụng sự được cho tất cả mọi người. Đồng thời, giúp mọi người biết và hiểu rõ ý nghĩa của Đại lễ cầu Quốc thái Dân an. Từ đó, tích cực tham gia, đóng góp vào những công việc chung có lợi cho đất nước, nhân loại.
Tiếp đến là phần nghi lễ tâm linh. Trong không khí ấm áp của buổi Lễ, toàn thể Chư tôn đức Tăng Ni, cùng đông đảo phật tử, các vị Lãnh đạo và quần chúng nhân dân địa phương trang nghiêm hướng về Lễ đàn thực hiện nghi thức cầu nguyện Quốc thái Dân an thật ý nghĩa do TT Thích Chân Quang biên soạn.
Đặc biệt, trong nghi thức cúng Quốc tổ, trước bàn thờ Quốc tổ, các vị Lãnh đạo cấp cao đã tựu vị niêm hương, tỏ lòng thành kính với Tổ tiên bằng việc dâng đồ cúng (tiến trà, tiến tửu, tiến phạn và tiến bỉnh), tức là dâng trà, dâng rượu, dâng cơm, dâng bánh trái và thực hành nghi thức vái tạ theo lời xướng đọc của vị Chủ lễ - ĐĐ Thích Nghiêm Giám.
Hình ảnh các vị Cán bộ cúi đầu lễ lạy, khấn vái với Quốc Tổ (những vị Vua và tướng sĩ), cùng toàn thể chư vị tiền nhân đã có công dựng nước và giữ nước, cũng như chư vị anh hùng liệt sĩ đồng phù hộ cho cho non sông gấm vóc tổ quốc và dân tộc Việt Nam quang vinh rạng rỡ, kinh tế nước nhà ngày càng phát triển đi lên phồn vinh thịnh vượng, v.v.. đã khiến cho gần hai vạn người nhìn thấy thật sự xúc động.
Mong rằng, với cái lòng thành ấy, với sức mạnh tâm linh này, hòa vào công lao của bao nhiêu người trong đất nước, hy vọng đất nước ta sẽ vững bước tiến lên, vượt qua những khăn khó mà được thới thịnh, được bình an.
Sau cùng, TT Thích Chân Quang thực hiện tục phát lộc ngày tết. Tất cả Đại biểu được Thượng tọa trực tiếp trao lộc và Phật tử nhân dân tham dự đều hân hoan nhận lộc đầu năm từ quý Thầy, trong đó gửi gắm biết bao lời chúc tốt lành, tràn đầy đạo lý trong năm mới. Tuy rất đông, nhưng mọi người lại rất nghiêm túc, biết nhường nhịn, giúp đỡ nhau chứ không hề chen lấn, xô đẩy để tranh dành lộc hay cơm hộp. Đây chính làm một thành công rất lớn của buổi Lễ.
Mặt khác, dù hàng vạn người tham gia nhưng ai ai cũng chỉ một tâm thế là hướng về đất nước, hướng về chúng sinh mà cầu nguyện. Đây chính là điềm lành, báo hiệu một năm an bình, ổn định, phát triển của đất nước.
Đến đây, Đại Lễ cầu nguyện Quốc thái Dân an tại chùa Viên Quang khép lại trong sự hân hoan vui mừng của những tấm lòng đã rộng mở, đã hòa mình vào tình yêu Tổ quốc, tình yêu nhân loại. Thật là một điều xúc động, thiêng liêng, cần được lưu truyền và gìn giữ cho mãi về sau.