Khoa học hôm nay

Giảm gánh nặng cho xã hội

MangYTe - Ông Dương Anh Đức - phó chủ tịch UBND TP.HCM - bày tỏ lo ngại về khâu chấm thi sắp tới của TP.HCM sẽ phải tổ chức ở 1 điểm với khoảng 600 người. Việc này sẽ phạm vào quy chế tập trung đông người nên cần xin ý kiến chỉ đạo hướng giải quyết.

Học sinh nhận giấy báo dự thi tốt nghiệp THPT tại Đà Nẵng năm 2020 - Ảnh: Đ.C.

Tại hội nghị trực tuyến giữa Ban chỉ đạo quốc gia về thi tốt nghiệp THPT năm 2020 với 63 tỉnh, TP chiều 31-7, lãnh đạo nhiều địa phương băn khoăn trước tình hình phức tạp của dịch bệnh không lường trước điều gì xảy ra, nên đề nghị Bộ GD-ĐT và Bộ Y tế cần có hướng dẫn cụ thể hơn.

Một số địa phương kiến nghị xét đặc cách tốt nghiệp THPT cho tất cả thí sinh.

Ông Dương Anh Đức - phó chủ tịch UBND TP.HCM - bày tỏ lo ngại về khâu chấm thi sắp tới của TP.HCM sẽ phải tổ chức ở 1 điểm với khoảng 600 người. Việc này sẽ phạm vào quy chế tập trung đông người nên cần xin ý kiến chỉ đạo hướng giải quyết.

Theo các chuyên gia, tổ chức kỳ thi trong lúc dịch COVID-19 bùng phát sẽ vô cùng vất vả, tốn kém. Bên cạnh đó, tâm lý của cả xã hội đang rất lo sợ nhiễm bệnh nên chắc chắn ảnh hưởng tới chất lượng kỳ thi.

Sự lo lắng, bất an của nhiều thí sinh tăng lên sau số ca mắc mới được công bố mỗi ngày. Thậm chí một số phụ huynh ở Đà Nẵng còn tính đến chuyện cho con bỏ thi nếu dịch bùng phát mạnh. Do vậy, không ít chuyên gia, nhà giáo cho rằng việc hủy kỳ thi này là cần thiết.

Việc hủy kỳ thi có vẻ như hơi bất công cho học sinh lớp 12 đang chuẩn bị thi, đã tốn nhiều công sức ôn tập nhiều tháng, năm qua để còn vài ngày bước vào kỳ thi quan trọng của cuộc đời.

Nhưng trong khi cả nước đang phải gồng mình trước sự trở lại của đại dịch COVID-19 thì ưu tiên hàng đầu vẫn là mặt trận chống dịch. Công sức, nhân lực, tài lực nên ưu tiên cho mặt trận này. Đồng thời, đó cũng nhằm đảm bảo an toàn cho tất cả những người tham gia công tác thi cũng như thí sinh.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 được tổ chức với mục đích để xét tốt nghiệp và lấy kết quả để xét tuyển ĐH. Ở kỳ thi năm 2019, tỉ lệ tốt nghiệp THPT cả nước đạt 94,06%.

Năm 2018, tỉ lệ tốt nghiệp THPT toàn quốc là 97,57%. Như vậy, tổ chức một kỳ thi với gần cả triệu thí sinh chỉ loại vài phần trăm thì mục tiêu xét tốt nghiệp là không có ý nghĩa.

Nhưng nếu hủy kỳ thi tốt nghiệp THPT - một trong những căn cứ để tuyển sinh vào các trường ĐH, CĐ - thì việc tuyển sinh sẽ ra sao? Về việc này các trường ĐH, CĐ đều khẳng định nếu hủy thi tốt nghiệp THPT vẫn tuyển sinh được.

Nếu không có kỳ thi, chắc chắn các trường sẽ điều chỉnh chỉ tiêu cho các phương thức khác. Điều quan trọng là Bộ GD-ĐT cần có hướng dẫn việc công nhận tốt nghiệp THPT cho thí sinh trong trường hợp kỳ thi bị hủy. Vì các trường ĐH muốn tuyển theo phương thức nào cũng bắt buộc thí sinh đã tốt nghiệp THPT.

Thực tế đến nay đã có hàng chục ngàn thí sinh biết mình trúng tuyển vào nhiều trường ĐH theo đề án tuyển sinh riêng, ưu tiên xét tuyển, xét học bạ…chỉ chờ tốt nghiệp THPT là đủ điều kiện nhập học.

Đối với các trường tốp trên, việc tuyển chọn cũng gọn nhẹ hơn khi thí sinh được công nhận tốt nghiệp có nguyện vọng xét tuyển sẽ được nhà trường sàng lọc theo nhiều tiêu chí khác nhau (kết quả học tập, tiếng Anh, phỏng vấn hoặc kiểm tra năng lực… sau khi dịch bệnh lắng xuống).

Rõ ràng, các phương án tuyển sinh của các trường ĐH, CĐ là đảm bảo cho mùa tuyển sinh 2020 thì việc xét công nhận tốt nghiệp THPT là một giải pháp cần thiết để giảm gánh nặng cho xã hội và cộng đồng.

Thăm dò ý kiến

Bạn có thể chọn nhiều mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.

Tôi kiến nghị Bộ GD-ĐT dừng thi tốt nghiệp THPT 2020

TTO - Dịch COVID-19 bùng phát tại Đà Nẵng và một số tỉnh, thành phố ở nước ta. Tình hình này tôi kiến nghị Bộ GD-ĐT dừng thi tốt nghiệp THPT với 6 lý do sau đây.

TRẦN HUỲNH

Mạng Y Tế
Nguồn: Tuổi trẻ (https://tuoitre.vn/giam-ganh-nang-cho-xa-hoi-20200802090909506.htm)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY