Tâm sự hôm nay

Giám sát việc cam kết không nằm ghép qua nhiều kênh

14 bệnh viện tuyến TW đã cam kết từ cuối tháng 1 đến hết tháng 2/2015 không để bệnh nhân nằm ghép giường bệnh điều trị nội trú khiến dư luận rất phấn khởi.
14 bệnh viện tuyến TW đã cam kết từ cuối tháng 1 đến hết tháng 2/2015 không để bệnh nhân nằm ghép giường bệnh điều trị nội trú khiến dư luận rất phấn khởi. Tuy nhiên, cũng có không khỏi băn khoăn về tính khả thi của cam kết cũng như lo ngại ảnh hưởng đến quyền lợi khám, chữa bệnh. Xung quanh vấn đề này, phóng viên báo SK&ĐS đã trao đổi với PGS.TS. Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế).

PV: Ông đánh giá như thế nào về tính khả thi của 14 BV tuyến TW vừa cam kết sẽ không để bệnh nhân nằm ghép, bởi trong số này có một số BV là tuyến đầu và vốn dĩ thường xuyên xảy ra quá tải?

PGS.TS. Lương Ngọc Khuê: Thực hiện Đề án giảm quá tải BV được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh và các BV đã triển khai nhiều nhóm giải pháp nhằm giảm quá tải BV và chống nằm ghép. Đó là những nhóm giải pháp dài hạn như xây dựng cơ sở hạ tầng, tăng cường cơ sở vật chất, tăng cường quy mô, mở rộng giường bệnh, vấn đề đào tạo, nâng cao năng lực tuyến dưới, nâng cao trình độ cán bộ y tế, rút ngắn thời gian điều trị, áp dụng các kỹ thuật cao và đặc biệt là Đề án BV vệ tinh, Đề án 1816, Chỉ đạo tuyến, luân phiên, luân chuyển cán bộ; Đề án thí điểm mô hình phòng khám Bác sĩ gia đình...

Với quyết tâm không để xảy ra tình trạng nằm ghép, nhiều BV như: BV Nhi TW, BV Răng hàm mặt TW, BV Việt Đức... đã triển khai nhiều giải pháp chống quá tải BV. Kết quả giảm nằm ghép tại các BV và qua đánh giá, theo dõi hàng tuần của Cục Quản lý Khám, chữa bệnh đối với các BV này đã khẳng định tính khả thi của chủ trương này.

Hiện tại đã có 14 BV TW ký cam kết không để người bệnh nằm ghép với thời gian sau 24 giờ đến 48 giờ, trong khi điều trị nội trú. Đây thực sự là những nỗ lực lớn của các BV. Việc này không phải một sớm, một chiều mà các BV đã triển khai công tác này khá lâu trong nhiều năm vừa qua. Đồng thời, việc ký cam kết là hoàn toàn phụ thuộc vào tình trạng thực tế của BV, Bộ Y tế không bắt buộc các BV ký cam kết.

PV: Vậy trong trường hợp bệnh nhân còn nằm ghép tại những BV đã cam kết thì họ phản ánh đến đâu, thưa ông?

PGS.TS. Lương Ngọc Khuê: Bộ Y tế, Cục quản lý Khám, chữa bệnh sẽ thường xuyên tổ chức các đoàn đi kiểm tra giám sát hoạt động giảm quá tải tại các BV; đồng thời căn cứ vào các bộ tiêu chí đánh giá các chỉ số để chấm điểm. Ngoài ra, hệ thống Đường dây nóng sẽ là một công cụ hữu hiệu giúp người dân trực tiếp giám sát tình trạng quá tải cũng như hoạt động chuyên môn, thái độ ứng xử của các nhân viên y tế với người bệnh. Trong bất kỳ thời điểm nào, người bệnh nhận thấy cán bộ BV không thực hiện đúng những cam kết với Bộ Y tế, với người dân, họ có thể sử dụng Đường dây nóng để phản ánh đến giám đốc BV. Nếu giám đốc BV không giải quyết được thì có thể gọi về Bộ Y tế.

Bên cạnh đó, Bộ Y tế đã có tiêu chí đánh giá chất lượng BV, trong đó có tình trạng bố trí giường nằm cho người bệnh, nếu đã cam kết mà không thực hiện được thì các BV sẽ bị hạ điểm đánh giá chất lượng. Mặt khác nếu không thực hiện nghiêm túc những nội dung đã cam kết sẽ ảnh hưởng đến uy tín và tư cách của lãnh đạo BV, giám đốc BV. Đây cũng là tiêu chuẩn để xét thi đua BV. Để nằm ghép sẽ không được thanh toán tiền giường bệnh... Bộ Y tế sẽ công khai để người dân được biết.

PV: Mặc dù vậy, nhưng thưa ông, người dân vẫn còn những lo lắng việc chuyển viện, cho ra viện không hợp lý để tránh áp lực giường bệnh?

PGS.TS. Lương Ngọc Khuê: Để có được những cam kết này của các BV, các đồng chí lãnh đạo Bộ và cục, vụ chuyên môn đã họp nhiều phiên với các BV. Trước khi công bố cam kết giảm tải, các BV đã bàn bạc kỹ lưỡng trong ban giám đốc, đảng ủy và toàn thể công nhân viên chức trong BV để khẳng định quyết tâm giảm tải.

Bộ Y tế đã ban hành rất nhiều quy chế chuyên môn và hướng dẫn điều trị. Việc tuân thủ đúng hướng dẫn điều trị và chăm sóc người bệnh là nhiệm vụ và trách nhiệm của cán bộ y tế để đem lại hiệu quả tốt nhất cho người bệnh. Bên cạnh đó, sai sót y khoa có rất nhiều nguyên nhân khác nhau nên không thể nói hạn chế nằm ghép sẽ làm tăng nguy cơ sai sót y khoa và nhiễm khuẩn BV.

Bác sĩ là người có đủ năng lực để tiên lượng về tình trạng của người bệnh để quyết định người bệnh có thể điều trị ngoại trú thay vì điều trị nội trú. Trong trường hợp cần tiếp tục điều trị, theo dõi nhưng không cần thiết điều trị tại tuyến TW, bác sĩ có thể chuyển người bệnh về BV tuyến dưới để tiếp tục theo dõi, điều trị theo phác đồ của tuyến trên.

PV: Thưa ông, chúng ta cũng nên đặt ra tình huống trong trường hợp không may có dịch bệnh lớn xảy ra, các BV sẽ có phương án đối phó thế nào khi có rất đông bệnh nhân cùng nhập viện, mà chất lượng khám chữa bệnh vẫn không thay đổi và không để bệnh nhân phải nằm ghép?

PGS.TS. Lương Ngọc Khuê: Mục đích giảm quá tải BV là nhằm giúp cho người bệnh được tiếp cận với dịch vụ y tế chất lượng ngày càng cao, đem lại sự hài lòng và thoải mái cho người bệnh. Tuy nhiên, nếu không may có dịch bệnh, thảm họa... xảy ra, với lưu lượng người mắc bệnh tăng nhanh chóng thì chắc chắn trong từng lúc, từng giai đoạn, các BV sẽ phải nỗ lực, bằng các biện pháp tích cực hơn nữa, từ công tác kiểm tra, đánh giá, giám sát, phân loại, chỉ đạo tuyến, phân tuyến tới các BV trong khu vực để giải quyết sớm nhất tình trạng trên.

Chúng tôi cho rằng thời gian vừa qua, các BV đã rút được nhiều kinh nghiệm, đặc biệt là qua các đợt dịch và điều đó thể hiện qua công tác chuẩn bị cho phòng chống dịch Ebola, cúm A/H7N9 và dịch bệnh khác. Ngoài ra, Bộ Y tế đã có những chuẩn bị tích cực công tác diễn tập cho phòng chống các dịch bệnh lớn từ những chi tiết nhỏ như đón người bệnh ở sân bay, ở bệnh viện, phân loại hay kiểm soát nhiễm khuẩn... đều được ngành y tế đặc biệt quan tâm.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Thái Bình (thực hiện)

Mạng Y Tế
Nguồn: Nguồn Internet (news-giam-sat-viec-cam-ket-khong-nam-ghep-qua-nhieu-kenh-5973.html)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY