Đức Phật đã ra đời cách nay hơn 2600 năm, nhưng những cống hiến của Ngài thì mãi đến ngày 15/12/1999, theo đề nghị của 34 nước, Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc mới chính thức công nhận: Đại lễ Phật đản là lễ hội văn hóa tôn giáo thế giới, được tổ chức hằng năm tại trụ sở LHQ và các trung tâm thế giới bằng Nghị quyết số A/RES/54/115 ngày 08/02/2000; nhằm mục đích tôn vinh những giá trị đạo đức, văn hóa, tư tưởng hòa bình, bình đẳng và bất bạo động của đức Phật; tạo dựng mối tương kính, hiểu biết, chia sẻ trách nhiệm giữa các quốc gia và dân tộc trên thế giới.
Trong khi đó, dân tộc Việt Nam tuy đất hẹp người đông, tài nguyên không nhiều nhưng luôn luôn giữ vững được chủ quyền độc lập. Đó là nhờ Tổ tiên chúng ta đã biết đón nhận những tinh hoa của đạo Phật để làm kế sách ích nước lợi dân. Những khảo cổ cận đại đã hiển lộ nhiều bằng chứng, đạo Phật đã đến Việt Nam từ các thời đại của vua Hùng, theo Ngọc phà Hùng Vương, đời vua Hùng thứ 7 là Hùng Chiêu Vương lên núi Tam Đảo cầu tự thì nghiễm nhiên đã thấy chùa thờ Phật.
Đặc biệt nữa là, theo Cao Tăng Truyện của Ngài Huệ Hạo, Trung Quốc; chính đạo Phật Việt Nam đã truyền bá sang Trung Quốc từ thế kỷ thứ 3, năm Xích Ô thứ 10 (DL.247) thuộc triều đại Đông Ngô tại thành Kiến Nghiệp (tức Nam Kinh ngày nay) do công lao của Ngài Khương Tăng Hội, một vị Tổ sư tu thiền Việt Nam phát tâm hoằng hóa. Hiện nay tại thành phố Thượng Hải, chùa Tỉnh An chính là nơi lưu dấu của Ngài; trong khi đó tại Việt Nam chúng ta vẫn còn thói quen tán tụng Phật giáo từ Trung Quốc truyền sang?
Với truyền thống lịch sử như vậy, đạo Phật Việt Nam đã thực sự hòa mình với dân tộc để trở thành một tôn giáo của dân tộc; yêu nước, yêu quê hương đồng bào, suốt dòng lịch sử dựng nước và giữ nước từ nghìn xưa, cũng như trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay. Nếu như Vạn Lý Trường Thành, một kỳ công vĩ đại mà người Trung Quốc đã bỏ ra biết bao nhiêu công sức và xương máu để xây dựng qua nhiều triều đại, cũng không ngăn nổi vó ngựa xâm lăng của quân Nguyên Mông. Thì trái lại, với tinh thần Thiền tông, tiêu biểu là Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, đã trở thành tư tưởng chủ đạo, gắn bó những vị vua anh minh tài đức với muôn dân và ba quân tướng sĩ, đoàn kết một lòng vì sự an nguy của sơn hà xã tắc. Đã bao phen đánh tan ý đồ xâm lược của quân Nguyên Mông và làm tan chảy những âm mưu xâm lăng văn hóa của mọi thế lực, dù chúng có đến từ phương trời nào và trang bị bất cứ loại phương tiện tối tân hùng hậu nào.
Nếp sống muôn đời của tổ tông.
Nhưng có lẽ ý nghĩa nhất chính là nhắc nhở chúng ta không bao giờ quên ơn đức của tổ tiên, đã sáng suốt ứng dụng tinh thần đạo Phật vào công cuộc an dân giúp nước, để xây dựng những trang sử vàng son cho đất nước suốt các triều đại Đinh - Lê - Lý - Trần, nhất là triều đại nhà Trần đã thể hiện trọn vẹn tấm gương tốt đời đẹp đạo, mà Sơ Tổ Trúc Lâm là con người vĩ đại đã hoàn thiện được những ý nghĩa cao cả đó. Vì vậy, phát triển Phật giáo và phục hưng tinh thần Thiền phái Trúc Lâm cần được mọi người, mọi giới, mọi ngành quan tâm thực hiện và phát huy, để làm nền tảng đạo đức xã hội cho đất nước Việt Nam trên con đường tiến bộ văn minh giàu đẹp và hội nhập với năm châu.
Chúng ta hòa nhập với thế giới để cùng chia sẻ những trách nhiệm chung của toàn cầu, chứ không bị hòa tan trong các thế lực lai căn vong bản, phi đạo đức. Ngày nay, người ta dễ dàng nhìn thấy hình ảnh đức Phật tọa thiền được tôn thờ chính thống dù tu theo bất cứ pháp môn nào, nhưng vì không có thiền viện, thiền tự, đạo tràng... làm nơi tu học, nên có lúc người ta đã quên hẳn đức Phật nhờ tu thiền mà chấm dứt khổ đau trong đêm dài sinh tử trầm luân. Bao nhiêu nghi ngờ đàm tiếu dành cho người tu thiền, để rồi con thuyền Phật pháp đã phải bao lần chông chênh trước những cơn sóng gió ngoại xâm và nội kích, mâu thuẫn và chia rẽ!
Điểm qua công cuộc phát triển của Thiền phái Trúc Lâm do Hòa thượng Thích Thanh Từ chủ trương khôi phục. Từ năm 1971, Thiền viện Chơn Không, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, chính thức mở khóa tu học thứ nhất để thực nghiệm pháp môn tu thiền, khẳng định tu thiền là để sáng tâm, là thấy đúng sự thật của nhân sinh và vũ trụ, đánh tan mọi nghi ngờ cho rằng tu thiền sẽ bị điên như thời nhân đã nghi ngại. Đến năm 1994, Thiền viện Trúc Lâm Đà Lạt ra đời trong miền Nam; năm 2002, Thiền viện Trúc Lâm Yên Tử được xây dựng và liên tục các Thiền viện Trúc Lâm lần lượt được ra đời tại các tỉnh thành phía Bắc. Viên mãn một hành trình trở về chốn Tổ, để minh chứng Thiền phái Trúc Lâm là một di sản quý giá của tổ tiên, là tư tưởng hoàn hảo trong công cuộc ích nước lợi dân, hoàn toàn phù hợp với tâm tư nguyện vọng của dân tộc Việt Nam.
Thiền viện Chơn Không (Bà Rịa - Vũng Tàu) |
Do vậy mà các thiền viện, thiền tự, các đạo tràng Trúc Lâm đã được nhân dân phật tử ủng hộ mở ra vô số kể, tạo duyên lành cho tăng ni phật tử tu học chính pháp và nhập thế hành đạo, làm lợi ích cho xã hội, đóng góp tích cực trong công cuộc phát triển đất nước giàu đẹp, đạo đức văn minh. Giáo hội Phật giáo Việt Nam từ khi được thành lập đã ôm ấp bản nguyện là tiếng nói chung của các tổ chức Giáo hội, hệ phái sơn môn; của các pháp môn tu hành. Đặc biệt, Phật giáo Việt Nam lại có duyên lành là nơi gặp gỡ giao lưu của Phật giáo Bắc tông và Nam tông, Nguyên thủy và Phát triển.
Do đó, bao năm qua Phật giáo Việt Nam đã nhìn thấy trách nhiệm vẻ vang, kỳ vọng làm nên một trang sử vàng son cho Phật giáo thế giới mà các nước Phật giáo bạn không có cơ duyên làm được. Mặc dù cách nay trên 700 năm, nhưng những chủ trương tu hành của Sơ Tổ Trúc Lâm Trần Nhân Tông nói riêng, Phật giáo đời Trần nói chung vẫn là tấm gương sáng mãi để chúng ta cùng suy ngẫm và noi theo. Vì trọng tâm tu hành của các Ngài chính là biết quay về nhận ra bản thể chân thực của chính mình. Thực thể này bất sinh bất diệt, thường hằng sáng suốt, là Phật tính của mọi người, là bản tâm của muôn loại; quay về sống được là giải thoát, là sống thực với cuộc sống.
Đức Thích Ca Mâu Ni đã dám bỏ hết tất cả để ngồi dưới gốc cây Bồ đề khám phá lại chính mình. Giác ngộ xong rồi Ngài lại làm được tất cả để cứu độ chúng sinh và trở thành con người bất tử cho muôn đời. Trở về chính mình, nghe chừng tưởng dễ, nhưng kỳ thực vô cùng vất vả vì thói quen của bao lần sinh tử mãi đeo mang. Vì vậy, sự phản quan này không thể do khấn cầu mà được, khổ hạnh mà thành; cũng không dành riêng cho một giai cấp nào, trình độ nào, xuất gia hay tại gia đều tu được; quan trọng là chúng ta có thành thật với chính mình hay không? Điển hình như vua Trần Thái Tông, vua Trần Thánh Tông, Tuệ Trung Thượng sĩ v.v... là người tại gia, thế sự đa đoan, gia duyên ràng buộc mà vẫn kiến tính ngộ đạo.
Và cũng nhờ giác ngộ được lẽ thật này, mà vua Trần Nhân Tông đã có những hành động phi thường. Khi sơn hà lâm nguy thì vua xem nhẹ thân vàng xông pha vào chiến trận, khi chiến thắng làm vua thì Ngài xem ngai vàng như dép rách, vội thu xếp triều chính nhường ngôi cho con để lo việc tu hành. Tu hành ngộ đạo rồi lại nhập thế hành đạo, giáo hóa chúng sinh không mệt mỏi cho đến ngày ra đi, ra đi lại không sợ hãi và luyến tiếc. Vì các Ngài đã thấy rõ lẽ thật: quyền uy chức tước, vợ đẹp con khôn, cung vàng điện ngọc, của cải giàu sang và ngay chính bản thân mình đều bị chi phối trong luật vô thường biến đổi, có đó rồi mất đó, có gì là bền lâu. Cái bền lâu không phải là cái chúng ta đang chấp trước hằng ngày, nhờ thế mà danh thơm mới sống mãi với đời.
Lịch sử nhân loại đã tán thán công hạnh của đức Phật vô bờ bến. Dân tộc Việt Nam kính trọng Phật hoàng Trần Nhân Tông không kể xiết. Nhưng có ai ngờ, các Ngài làm được bao nhiêu việc lớn lao, không mệt mỏi, không cùng tận như thế, lại xuất phát từ cái tâm “Bản lai vô nhất vật” không hình không bóng, không dao động, không nhiễm ô... Vì vậy xây dựng một ngôi chùa, một đạo tràng, một Giáo hội mà thiếu vắng cái tâm này thì sẽ ra sao?
Hôm nay, thật là đại diễm phúc cho Phật giáo đồ Việt Nam - Đại hội Phật giáo Việt Nam kỳ VIII chính là nhân duyên để mọi người cùng chia sẻ, nhận cho ra chân lý muôn đời mà cùng phát nguyện, cùng hợp tác. Hãy cùng góp phần công sức bé nhỏ của mình vào sự nghiệp giữ gìn và phát huy kho tàng chân lý mà đức Từ Phụ đã giác ngộ giáo hóa và bảo tồn truyền thống văn hóa đạo đức của dân tộc từ nghìn năm.
Là người đệ tử Phật, chúng ta không thể nào quên công ơn to lớn của tiền nhân đã giữ gìn đất nước và ân đức truyền bá chính pháp của các bậc Tổ sư mà ngày nay chúng ta đang được thừa hưởng. Dù có vất vả bao nhiêu thì xin nhớ cho rằng: Mình làm, chính mình được hưởng. Vì tâm nguyện thiết tha, chúng ta nguyện không rời xa cảnh giới ta bà, không rời xa chúng sinh cho đến ngày bản nguyện được tròn thành Phật đạo.
Xin thành tâm đỉnh lễ kính chúc Chư tôn đức đạo lực tinh chuyên, đạo hạnh sáng ngời, bản hoài viên mãn. Trân trọng kính chúc chư quý vị quan khách thân tâm an lạc, gia quyến an vui, ruộng phúc thêm nhiều, đạo tâm luôn sáng.
Thích Trúc Thông Phổ - Thiền viện Trúc Lâm Chính Pháp, Tuyên Quang
Tham luận tại Đại hội Đại biểu Phật giáo Toàn quốc lần thứ VIII, Nhiệm kỳ (2017-2022)