“Chính phủ của Thủ tướng Italia Mario Draghi sẽ họp bàn về việc phê chuẩn kế hoạch nhằm dỡ bỏ bớt các lệnh hạn chế. Ông Draghi và Bộ trưởng Y tế Roberto Speranza sau đó sẽ tổ chức họp báo để công bố những quyết định được đưa ra”, hãng tin Channel News Asia dẫn thông cáo của Chính phủ Italia cho biết.
Theo Channel News Asia, động thái trên được đưa ra trong bối cảnh số ca nhiễm và T* vong do Covid-19 được ghi nhận tại Italia kể từ đầu năm tới nay đã giảm mạnh.
Các bác sĩ Italia chăm sóc người bệnh. Ảnh: AP |
Nhiều quốc gia châu Âu khác gần đây cũng đã dỡ bỏ dần lệnh hạn chế, chẳng hạn như chính quyền Pháp hôm 14/3 cho phép người dân không cần mang theo giấy chứng nhận đã tiêm vắc xin khi vào nhà hàng, quán bar, rạp chiếu phim, nhà hát…
Dù vậy, Tổ chức nghiên cứu y tế Gimbe Foundation có trụ sở tại Italia vẫn lên tiếng cảnh báo về số ca nhiễm Covid-19 có thể sẽ tăng trở lại. Do vậy, chính quyền Rome nên thận trọng trong việc dỡ bỏ lệnh hạn chế. “Các biện pháp có thể được nới lỏng dựa trên những bằng chứng mang tính khoa học, chứ không phải để tranh đua với các nước khác”, báo cáo của Gimbe Foundation nêu rõ.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm 17/3 đã lên tiếng kêu gọi giới chức nước này cần áp dụng thêm nhiều biện pháp phòng dịch Covid-19 hiệu quả hơn, đồng thời cũng phải hạn chế thấp nhất tác động của dịch bệnh đối với sự phát triển kinh tế, trong bối cảnh ‘quốc gia tỷ dân’ đang phải đối mặt với làn sóng dịch lớn nhất kể từ sau động thái phong tỏa thành phố Vũ Hán hồi năm 2020.
“Tôi kêu gọi đổi mới hơn nữa nền khoa học và công nghệ trong việc nghiên cứu và phát triển vắc xin, các bộ xét nghiệm, và Thu*c điều trị để khiến việc ngăn chặn và phòng ngừa dịch bệnh hiệu quả hơn. Chúng ta cần thực hiện thêm nhiều biện pháp phòng dịch để đạt được hiệu quả tối đa trong việc ngăn chặn và kiểm soát với chi phí thấp nhất, cũng như giảm bớt tác động của dịch bệnh đối với sự phát triển kinh tế xã hội nhiều nhất có thể”, Tân Hoa Xã dẫn lời ông Tập Cận Bình.
Theo Channel News Asia, trong khi nhiều quốc gia trên thế giới đã nới lỏng hay thậm chí dỡ bỏ các lệnh hạn chế phòng Covid-19, thì hàng triệu người dân sinh sống ở khu vực đông bắc Trung Quốc vẫn tuân thủ các biện pháp phong tỏa phòng dịch, khiến cho hàng loạt hoạt động kinh doanh và vận chuyển bị ảnh hưởng.
Cập nhật lúc 5h sáng ngày 18/3 của trang thống kê toàn cầu Worldometers cho thấy, dịch Covid-19 đang hoành hành ở 220 quốc gia và vùng lãnh thổ, lây nhiễm virus cho hơn 465,4 triệu người và cướp đi mạng sống của hơn 6 triệu bệnh nhân. Số hồi phục đạt hơn 397,3 triệu trường hợp.
Theo hãng tin Yonhap, số ca nhiễm Covid-19 mới được giới chức Hàn Quốc ghi nhận trong ngày 17/3 là 621.328 trường hợp, cao nhất kể từ khi dịch bệnh bùng phát ở nước này và nhiều hơn khoảng 55% so với số ca mắc được phát hiện một ngày trước đó.
Các chuyên gia y tế hàng đầu Hàn Quốc nhận định, số ca nhiễm Covid-19 mới ở nước này gần đây tăng mạnh như vậy là do biến thể Omicron tiếp tục hoành hành. Dự kiến, làn sóng dịch lần này ở Hàn Quốc sẽ đạt đỉnh trong tuần tới.
Chủ đề liên quan:
Covid-19 Hàn Quốc Covid-19 Italia Covid-19 Trung Quốc tin covid-19 hôm nay tình hình Covid-19 tình hình Covid-19 thế giới tình hình Covid-19 thế giới 18/3