Tin y tế hôm nay

Tin y tế

Khắc phục tình trạng khan hiếm máu điều trị dịp Tết

(MangYTe) Năm nào cũng vậy, vào dịp cuối năm và Tết Nguyên đán, các bệnh viện đều rơi vào tình trạng thiếu máu. Từng ngày, từng giờ người bệnh đang trông chờ những dòng máu nóng được sẻ chia từ cộng đồng. Trong khi đó, lượng máu thu gom được tại thời điểm này luôn khó khăn hơn bình thường. Vì vậy, 40 tỉnh, Thành phố đã và đang tổ chức ngày hội hiến máu Chủ nhật đỏ nhằm khắc phục tình trạng thiếu máu điều trị dịp Tết.

Nhiều bệnh viện khan hiếm máu

Gần Tết bắt đầu xảy ra tình trạng thiếu máu nhóm O và A dự trữ phục vụ điều trị cho người bệnh. Cụ thể, trong ngày 26/12, trong kho dự trữ của Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương có khoảng hơn 10.000 đơn vị máu, trong đó nhóm máu O chiếm khoảng 47,5% (trong khi ít nhất phải duy trì được 50%), nhóm A chỉ khoảng 20% (so với nhu cầu tối thiểu là 30%).

Do không chỉ phục nhu cầu bệnh nhân tại chỗ mà Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương còn đang cung cấp máu cho khoảng 170 bệnh viện trên cả nước, nên luôn phải cố gắng duy trì lượng máu dự trữ an toàn, nếu không đủ sẽ ảnh hưởng đến nhu cầu máu điều trị của người bệnh, nhất là thường tăng cao vào dịp Tết. Từ nay đến tháng 2, mỗi tháng nhu cầu bệnh nhân sử dụng khoảng 80.000 đơn vị máu, dự kiến vẫn thiếu khoảng 2.000 đơn vị máu.

Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương triển khai nhiều biện pháp nhằm vận động người dân tham gia hiến máu tình nguyện.

Những ngày này, kho máu dự trữ tại Viện Huyết học và Truyền máu trung ương luôn trong tình trạng “chạy từng ngày” để đáp ứng nhu cầu điều trị. Tiến sĩ Bạch Quốc Khánh, Viện trưởng Viện Huyết học và Truyền máu trung ương cho biết, nhu cầu về máu luôn cần trong suốt cả năm, nhưng vào dịp cuối năm, nhiều cơ quan, đơn vị bận rộn với các hoạt động tổng kết, học sinh, sinh viên bước vào kỳ thi, kèm theo thời tiết mưa rét... Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến quyết định tổ chức hiến máu của các cơ quan, đơn vị, trường học. Vì vậy, nguồn máu cung cấp cho các bệnh viện rất khan hiếm.

Đơn cử tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức là bệnh viện ngoại khoa hạng đặc biệt tuyến cuối thường xuyên tiếp nhận những trường hợp cấp cứu nặng về T*i n*n giao thông, lao động, đa chấn thương về ngoại khoa… Giáo sư, Tiến sĩ Trần Bình Giang, Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết, mỗi ngày tại Bệnh viện có khoảng 230 ca phẫu thuật, trong đó có khoảng từ 30 đến 35 ca phẫu thuật cấp cứu và khoảng 200 ca mổ. Hiện lượng máu dự trữ tại Trung tâm Truyền máu của Bệnh viện ngày càng xuống thấp, đến mức báo động, nhất là nhóm máu O và A.

Trao tặng các gói xét nghiệm cho người hiến máu

Năm 2019, cả nước cần 1,9 triệu đơn vị máu phục vụ cho công tác điều trị. Đến nay, các bệnh viện đã tiếp nhận được hơn 1,3 triệu đơn vị máu, đáp ứng được 70% nhu cầu máu cho cấp cứu, điều trị và dự phòng tại các địa phương. Tiến sĩ Trần Ngọc Quế, Phó Giám đốc Trung tâm Máu quốc gia cho biết, tại Việt Nam, 98,3% lượng máu thu được từ những người hiến máu tình nguyện, trong đó chiếm hơn 45% là học sinh, sinh viên. So với nhiều nước, tỷ lệ hiến máu tình nguyện trong cộng đồng ở Việt Nam còn thấp (hơn 1,5%). Trong khi đó, tỷ lệ hiến máu tại Thái Lan đã đạt 3%, con số này tại Hàn Quốc là 6%. Ngoài ra, tỷ lệ người dân đều đặn đi hiến máu nhắc lại ở nước ta còn thấp, ở mức 53% trong khi đây là nguồn máu ổn định và an toàn nhất.

Hiến máu cứu người không chỉ là một nghĩa cử cao đẹp mà còn thể hiện lòng nhân ái và trách nhiệm đối với xã hội của mỗi người. Đến nay, có hàng vạn người hiến máu hơn 50 lần; hàng trăm gia đình cùng nhau hiến máu; nhiều cơ quan, doanh nghiệp hiến máu thường xuyên. “Hơn lúc nào hết, chúng tôi kêu gọi nhiều hơn nữa sự quan tâm, vào cuộc của các cơ quan, đơn vị tổ chức hiến máu trong thời điểm khó khăn này”, Tiến sĩ Trần Ngọc Quế nhấn mạnh.

Trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới, cả nước cần 300.000 đơn vị máu. Tuy nhiên, theo kế hoạch, lượng tiếp nhận nhiều nhất chỉ được khoảng 200.000 đơn vị. Vì vậy, ngày hội hiến máu của Chủ nhật đỏ được tập trung tổ chức trong tháng 12/2019 và tháng 1/2020 tại 40 tỉnh, thành phố với gần 80 điểm hiến máu, dự kiến tiếp nhận từ 45.000 đến 50.000 đơn vị máu sẽ phần nào khắc phục tình trạng khan hiếm máu dịp cuối năm và chuẩn bị máu dự trữ cho Tết Nguyên đán. Hiện tại, sau gần 1 tháng khởi động, Chủ nhật đỏ đã thu được khoảng 7.000 đơn vị máu.

Nhằm vận động người dân tham gia hiến máu nhắc lại, kịp thời khắc phục tình trạng khan hiếm máu, Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương triển khai nhiều biện pháp như: Nhắn tin, gọi điện mời hiến máu, tổ chức thêm các ngày hội, các điểm hiến máu để người hiến máu có thêm nhiều lựa chọn về thời gian và địa điểm hiến máu. Đồng thời, viện cũng tích cực phối hợp triển khai chương trình Chủ nhật đỏ trên toàn quốc và chuẩn bị tổ chức Lễ hội Xuân hồng ngay sau Tết Nguyên đán Kỷ Hợi.

Cụ thể, vừa qua Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương tổ chức khai trương điểm hiến máu cố định tại đường Láng, quận Đống Đa, Hà Nội. Đây là điểm hiến máu cố định ngoại viện thứ 3 được Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương triển khai trong năm 2019. Trước đó, vào ngày 22/6, điểm hiến máu cố định tại quận Hoàn Kiếm đã được khai trương tại Trung tâm Y tế quận. Sau 6 tháng triển khai, Viện đã tiếp nhận 1.800 đơn vị máu.

Đến ngày 10/10, điểm hiến máu cố định ngoại Viện thứ 2 cũng được khai trương tại quận Thanh Xuân; điểm hiến máu đã tiếp nhận gần 800 đơn vị máu trong hơn 2 tháng qua. Nhờ có thêm các điểm hiến máu cố định mà nhiều cán bộ, nhân viên của các cơ quan, doanh nghiệp vừa và nhỏ trong khu vực, người dân tại các địa bàn lân cận cũng có thể tranh thủ thời gian đến tham gia hiến máu.

Đánh giá về hoạt động này, Tiến sĩ Bạch Quốc Khánh cho biết: Việc mở thêm một điểm hiến máu cố định trên địa bàn Hà Nội nhằm tạo điều kiện thuận tiện nhất cho người dân tham gia hiến máu, kịp thời khắc phục tình trạng khan hiếm máu dịp cuối năm và Tết nguyên đán sắp đến. Điểm hiến máu cũng sẽ phát huy được lợi thế của Hà Nội với địa bàn có dân số đông, tập trung ở khu vực nội thành, có tiềm năng lớn về nguồn người hiến máu..

Để nâng cao tinh thần hiến máu nhân đạo, đồng thời khuyến khích người tình nguyện hiến máu nhắc lại thường xuyên hơn, hiện Bộ Y tế đã cho phép việc tặng các gói xét nghiệm cho người hiến máu tình nguyện thay cho việc trao tặng những món quà lưu niệm như trước đó. Cụ thể, những tình nguyện viên tham gia hiến máu sẽ được thực hiện các gói tổng phân tích máu, thăm dò chức năng tế bào của gan, thận, chẩn đoán hình ảnh... Những món quà thiết thực này được ngành Y tế học hỏi từ các nước phát triển, như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan...

Hiến máu cứu người không chỉ là một nghĩa cử cao đẹp mà còn thể hiện lòng nhân ái và trách nhiệm đối với xã hội của mỗi người. Đến nay, có hàng vạn người hiến máu hơn 50 lần; hàng trăm gia đình cùng nhau hiến máu; nhiều cơ quan, doanh nghiệp hiến máu thường xuyên. “Hơn lúc nào hết, chúng tôi kêu gọi nhiều hơn nữa sự quan tâm, vào cuộc của các cơ quan, đơn vị tổ chức hiến máu trong thời điểm khó khăn này”, Tiến sĩ Trần Ngọc Quế nhấn mạnh.

Nguyễn Minh

Mạng Y Tế
Nguồn: Lao động thủ đô (http://laodongthudo.vn/khac-phuc-tinh-trang-khan-hiem-mau-dieu-tri-dip-tet-101606.html)

Tin cùng nội dung

  • Phần lớn những tác dụng phụ liên quan đến việc ăn uống do điều trị ung thư sẽ biến mất sau khi kết thúc quá trình điều trị. Vài lời khuyên cho một chế độ ăn uống tốt sau trị liệu ung thư.
  • Cơ thể cần thêm năng lượng và chất dinh dưỡng để lành vết thương, chống nhiễm trùng và phục hồi sau phẫu thuật. Nếu bệnh nhân bị thiếu hoặc suy dinh dưỡng trước khi mổ, quá trình hồi phục có thể gặp trở ngại.
  • Khi ung thư hay việc điều trị ung thư gây ra tác dụng phụ ảnh hưởng đến việc ăn uống bình thường, những thay đổi là cần thiết để cung cấp đủ dinh dưỡng cho bệnh nhân. Thu*c có thể được dùng để kích thích khẩu vị.
  • Doxycycline là một kháng sinh nhóm cycline, từ lâu được dùng để điều trị bệnh trứng cá đỏ, viêm tiết niệu, viêm dạ dày - ruột, nhiễm Chlamydia...
  • Cao huyết áp là một chứng bệnh về tim mạch của người cao tuổi, nhất là hiện nay chế độ ăn uống đầy đủ, số người béo phì xuất hiện nhiều. Bệnh này là một trong những nguyên nhân dẫn đến đột quỵ và để lại nhiều di chứng nặng nề.
  • Trong các phương pháp điều trị bệnh cao HA, bên cạnh việc dùng Thuốc có những phương pháp mang tính cổ truyền có thể giúp mọi người phòng ngừa và điều trị tốt bệnh này.
  • Viêm bàng quang, niệu đạo là một bệnh lý rất thường gặp với các triệu chứng sốt, đau tức bụng dưới, táo bón, đái dắt, đái khó, đái buốt, đái đục hoặc có mủ,…
  • Đối với YHCT, ra mồ hôi trộm hay còn gọi là chứng Đạo hãn, nguyên nhân phần lớn do âm huyết không đầy đủ hoặc hoạt động công năng của khí bị cản trở. Bài viết cung cấp các thể điển hình của đạo hãn và một số phương pháp chữa trị.
  • Điều trị ung thư ảnh hưởng đến tất cả bộ phận của cơ thể, trong đó có răng miệng.
  • Thiếu máu là một tình trạng đôi khi có thể xảy ra ở trẻ nhỏ. Tình trạng này có thể làm cho con bạn quấy chướng, mệt mỏi và suy yếu.
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY