Đây được coi là tin vui đối với bệnh nhân mắc các bệnh lý về tâm thần bởi bằng sóng siêu âm có tiềm năng cải thiện cuộc sống của họ bằng cách kích thích các mô não với độ chính xác đến từng milimet...
Tư duy phản thực là một quá trình ra quyết định, trong đó xem xét đến các phương án không có sẵn ở hiện tại nhưng có thể có sẵn ở tương lai. Ví dụ, một người làm việc trong nhà trong một ngày đẹp trời tự nhủ rằng “mình đáng lẽ đã có thể ra ngoài chơi”, đã thực hiện một quá trình tư duy phản thực. Các nhà khoa học đã gây ảnh hưởng lên quá trình tư duy phản thực trên khỉ macaque bằng cách sử dụng cường độ thấp, không xâm lấn, nhắm vào vùng vành cung vỏ não trước trán khỉ. Đây là nghiên cứu đầu tiên cho thấy vùng vành cung vỏ não trước trán có thể điều hòa quá trình tư duy phản thực. TS. Elsa Fouragnan - Khoa Tâm lý học Trường đại học Plymouth, Anh, tác giả chính của nghiên cứu cho biết, đây là một nghiên cứu rất thú vị do 2 lý do: Thứ nhất, kết quả cho thấy vùng vành cung vỏ não trước trán rất quan trọng để có thể đưa ra quyết định tốt hơn. Thứ hai, nghiên cứu cho thấy có thể thay đổi có hồi phục hoạt động của một bộ phận rất chính xác của não.
Fouragnan và cộng sự quan sát khỉ macaque khi chúng tìm kiếm và lựa chọn thức ăn từ một số món định sẵn. Lũ khỉ nhanh chóng chọn được một món ăn ưa thích. Món ăn đó không phải lúc nào cũng có sẵn khi đưa ra lựa chọn. Tuy nhiên, chúng vẫn ghi nhớ về món ăn yêu thích cho tới khi món ăn đó lại được đưa vào lựa chọn. Sau đó, các nhà nghiên cứu tiếp tục tìm hiểu cách khỉ lưu giữ thông tin về những lựa chọn “phản thực”, tức không có sẵn trong hiện tại nhưng có thể sẽ có trong tương lai.
Trên hình ảnh chụp cộng hưởng từ não khỉ, họ nhận thấy hoạt động ở vùng vành cung vỏ não trước trán tương ứng với việc liệu thông tin lưu giữ về lựa chọn có biến thành thay đổi hành vi trong thực tế hay không. Như vậy, nghiên cứu đã làm rõ hoạt động của vùng vành cung vỏ não trước trán ảnh hưởng như thế nào đến quá trình ra quyết định. Kết quả nghiên cứu cũng gợi ý rằng, nếu phần não này không hoạt động hiệu quả, một cá nhân có thể không đưa ra được một lựa chọn tốt hơn, ngay cả khi lựa chọn đó là có sẵn.
Trong các nghiên cứu trước đây, các nhà khoa học đã xác định được những tổn thương vùng thùy trán có ảnh hưởng đến khả năng suy nghĩ và lựa chọn của các bệnh nhân. Các nhà nghiên cứu thần kinh học ở Viện Công nghệ California (Caltech) đã đánh giá dữ liệu từ thông tin bệnh án của bệnh nhân tổn thương thùy não trước lưu tại Trường đại học Iowa trong vòng 30 năm. Họ nghiên cứu mối quan hệ giữa vị trí tổn thương và các vấn đề về hành vi của bệnh nhân, từ đó làm rõ được vị trí của từng vùng não riêng biệt liên quan đến kiểm soát hành vi, đánh giá giá trị từng lựa chọn hay đưa ra hành động.
Các chuyên gia tin rằng dạng rối loạn hoạt động não ở vùng này có thể là lý do khiến những người mắc một số bệnh lý tâm thần không thể thoát khỏi những thói quen vô bổ.
Sau khi xác định rõ vùng não liên quan đến tư duy phản thực, các nhà nghiên cứu kích thích vùng não này với sóng siêu âm không xâm lấn, tập trung, cường độ thấp. Kết quả, sóng siêu âm làm ngừng quá trình tư duy phản thực của khỉ. Như vậy, một lần nữa chứng minh được vai trò của vùng vành cung vỏ não trước trán trong tư duy phản thực và quá trình ra quyết định, mặt khác, thí nghiệm cũng chứng tỏ tác dụng của sóng siêu âm lên não.
Kết quả thí nghiệm phải được đặt vào bối cảnh nhu cầu về các phương pháp kích thích não không phẫu thuật ngày càng tăng cao. Các phương pháp này được tích cực nghiên cứu nhằm đem lại các biện pháp trị bệnh an toàn và giảm thiểu tác dụng không mong muốn.
Trong đó, sóng siêu âm cường độ thấp và tập trung có vẻ là một phương pháp ưu việt. Các nghiên cứu trước đó đã cho thấy chúng có thể ảnh hưởng đến hoạt động của não động vật có vú một cách không xâm lấn, vừa có thể chặn, vừa có thể kích thích các tín hiệu. Một số nghiên cứu cũng đã cho thấy sóng siêu âm có thể gây ảnh hưởng đến các hoạt động của các lớp bên ngoài cũng như sâu bên trong não người.
Một số phương pháp kích thích não không xâm lấn đã được sử dụng trong điều trị như: kích thích từ xuyên sọ hoặc kích thích bằng dòng điện một chiều đã cải thiện tình trạng của nhiều bệnh nhân trầm cảm; kích thích dòng điện xoay chiều được dùng để cải thiện triệu chứng run và nhận thức của bệnh nhân Parkinson; các phương pháp giảm đau mạn tính đang được nghiên cứu sử dụng dòng điện, từ trường hay âm thanh cũng đem lại các kết quả dù còn rất khiêm tốn. Hạn chế chính của các phương pháp không xâm lấn là chúng không tác động được trên một vùng não chính xác như các phương pháp phẫu thuật.
Dù nghiên cứu mới đang ở những bước đầu tiên trước khi được thử nghiệm sâu hơn trên người, TS. Fouragnan tin tưởng rằng kích thích não bằng sóng siêu âm có tiềm năng cải thiện cuộc sống của hàng triệu bệnh nhân với các bệnh lý tâm thần, bằng cách kích thích các mô não với độ chính xác đến từng milimet. Mặt khác, những “fan” hâm mộ của phim viễn tưởng lại có thêm lý do để lo ngại về các biện pháp bí mật gây ảnh hưởng đến quá trình ra quyết định của con người.
ThS. Đoàn Phương Thảo