Tin y tế hôm nay

Tin y tế

Lâm Đồng: “Mỏi mắt” tìm bác sĩ dự phòng

Tại buổi làm việc mới đây của UBND tỉnh Lâm Đồng với ngành y tế tỉnh, lĩnh vực nhận được nhiều ý kiến, kiến nghị nhất là nhân lực cho hệ y tế dự phòng.
Tại buổi làm việc mới đây của UBND tỉnh lâm đồng với ngành y tế tỉnh, lĩnh vực nhận được nhiều ý kiến, kiến nghị nhất là nhân lực cho hệ y tế dự phòng. Theo đó, những thực trạng về tình hình bác sĩ dự phòng ở địa phương này đang là bài toán làm đau đầu lãnh đạo ngành y tế của khu vực Tây Nguyên.

20 năm không tuyển được bác sĩ

ThS. Nguyễn Hữu Phúc - Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng lâm đồng chia sẻ, 20 năm nay chúng tôi không tuyển được bác sĩ mới. Bởi vì chế độ ưu đãi, phụ cấp của hệ dự phòng không khác gì hệ điều trị. Trong khi bác sĩ y tế dự phòng phải đi công tác cơ sở liên tục không thể có phòng mạch riêng, vì vậy không có nguồn thu nhập ngoài giờ như hệ điều trị. Bên cạnh đó, hiện lâm đồng chưa có chính sách đãi ngộ cho bác sĩ về công tác ở lĩnh vực y tế dự phòng. Hiện nay, chúng tôi cử những người làm y sĩ hay chuyên ngành khác ở các đơn vị y tế dự phòng tuyến tỉnh cũng như tuyến huyện để gửi đi đào tạo đại học, sau đại học. Chúng tôi cứ phải lấy người cũ ở cơ quan để gửi đi chứ còn tuyển mới bác sĩ về thì không tuyển được bác sĩ nào cả. Toàn bộ hệ y tế dự phòng của tỉnh là như vậy. Chúng tôi cũng đề nghị tỉnh có chế độ đãi ngộ, ưu đãi như đối với bác sĩ khi về tỉnh, đặc biệt là bác sĩ về làm ở lĩnh vực y tế dự phòng, chứ không thì hết sức khó, bởi vì y tế dự phòng giúp phòng bệnh, giảm tải cho các bệnh viện và làm cho an sinh xã hội hết sức tốt đẹp. “Anh em chúng tôi làm lãnh đạo hết sức trăn trở vì hôm nọ ngồi họp với nhau bảo sau khi thế hệ chúng tôi nghỉ hưu thì rất khó có người thay thế”, BS. Phúc thẳng thắn.

Cùng quan điểm với BS. Phúc, BSCKII. Nguyễn Quốc Minh - Giám đốc Trung tâm Phòng chống bệnh xã hội lâm đồng cũng cho biết, nhân lực về y tế dự phòng là vô cùng khó khăn. Trong mấy chục năm liền hầu như không có bác sĩ chính quy cũng như chuyên khoa sâu về. Hiện tại, toàn tỉnh bác sĩ làm chuyên khoa lao chỉ có 1 người đang công tác ở Bệnh viện đa khoa tỉnh, còn lại là kiêm nhiệm. Bác sĩ chuyên khoa tâm thần cũng chỉ có 2 người ở tuyến tỉnh, còn hàng loạt các chuyên khoa nữa cũng thiếu trầm trọng. Bác sĩ ở tuyến tỉnh đã không có thì tuyến huyện càng khó. BS. Minh cũng cho biết thêm: Theo Thông tư quy định của Nhà nước (Thông tư 113 liên bộ Tài chính - Y tế), kinh phí chi cho vấn đề con người, các hoạt động chuyên môn rất lớn nhưng kinh phí của Chương trình Mục tiêu quốc gia những năm 2013-2015 ngày càng teo dần, trong đó nguồn đối ứng của địa phương cũng rất khó khăn, do đó hiện tại không thể thực hiện được về chính sách cho người làm việc trong lĩnh vực lao, phong, tâm thần. Nguồn kinh phí đầu tư chỉ ở mức mua được Thu*c cho bệnh nhân tâm thần, Thu*c lao, bơm kim tiêm cấp cho bệnh nhân lao, còn vấn đề chi trả kinh phí cho các đơn vị huyện, thành phố gần như không thực hiện được. Chi trả cho y tế thôn bản, hỗ trợ cho cộng tác viên làm chương trình tâm thần hầu như không có trong những năm vừa rồi, thành thử không có sự hỗ trợ của các anh em y tế thôn bản. Còn mạng lưới y tế, y sĩ của các tuyến làm chương trình lao, phong, tâm thần gần như không có chế độ chính sách gì cả, bởi vậy vấn đề thu hút bác sĩ càng ngày càng khó khăn hơn.

Do đó, theo BS. Minh, cần có giải pháp thu hút nguồn nhân lực cho ngành y tế, trong đó công tác dự phòng, phòng bệnh hơn chữa bệnh cần có sự đầu tư, phòng bệnh tốt thì giảm tải được người bệnh.

Đại diện cho lĩnh vực y tế dự phòng tuyến huyện, BS. Vũ Thanh Hương - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Đạ Tẻh cho biết, ở chỗ chúng tôi 10 năm nay không có bác sĩ nào về công tác, chủ yếu cử anh em trung cấp đi đào tạo và nhận số anh em đi cử tuyển về. Tuy nhiên, những cán bộ này phải 4 năm sau mới làm được việc. Khi đưa chỉ tiêu cử tuyển về tuyến huyện cần phải cấp thêm chỉ tiêu ngân sách cho số này vì ngân sách hàng năm cấp cho chúng tôi không thay đổi (trong nhiệm kỳ qua có 10 bác sĩ cử tuyển về vẫn số tiền đấy, trong 5 năm tới chúng tôi còn 20 bác sĩ tiếp tục về nữa thì không biết phải thế nào?

Theo TS. Phạm Thị Bạch Yến - Giám đốc Sở Y tế Lâm Đồng, để phát triển nhanh số lượng và đảm bảo chất lượng nguồn nhân lực y tế trong thời gian tới cần phải triển khai đồng bộ nhiều giải pháp về đào tạo, đào tạo lại. Có chính sách đãi ngộ đối với cán bộ y tế và chính sách thu hút lao động chất lượng cao từ các địa phương khác đến công tác tại Lâm Đồng. Giải pháp quan trọng là tiếp tục cử cán bộ trong ngành đi đào tạo sau đại học các chuyên ngành hiếm, đào tạo liên thông các ngành bác sĩ, dược sĩ tại các trường, đào tạo theo địa chỉ sử dụng theo kế hoạch.

Bài, ảnh: Diệu Hiền

Mạng Y Tế
Nguồn: Nguồn Internet (news-lam-dong-moi-mat-tim-bac-si-du-phong-15734.html)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY