Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện Y tế công cộng (Bộ Y tế), Việt Nam đã có nhiều ngày không ghi nhận ca mắc Covid-19 trong cộng đồng. Tuy nhiên, chưa thể khẳng định đã hết nguồn lây nhiễm. Vì vậy, khi HS đi học trở lại sau thời gian dài nghỉ phòng, chống dịch Covid-19, cần thực hiện triệt để các biện pháp phòng bệnh, tránh dịch lây lan.
PGS Trần Đắc Phu khuyến cáo, các phụ huynh HS nên mua cho con em mình một lọ dung dịch rửa tay sát khuẩn cá nhân mang theo tới trường. Nhà trường cũng bố trí nơi rửa tay với xà phòng, dung dịch sát khuẩn và hướng dẫn học sinh thực hiện đúng quy định khi ở trường.
- Rửa tay với nước sạch và xà phòng hoặc dung dịch rửa tay khô thường xuyên vào các thời điểm: Trước khi vào lớp; trước và sau khi ăn; sau khi ra chơi, nghỉ giữa giờ; sau khi đi vệ sinh; khi tay bẩn…
- Che mũi, miệng khi ho, hắt hơi (tốt nhát bằng giấy lau sạch, khăn vải, khăn tay, hoặc ống tay áo để giảm phát tán dịch tiết đường hô hấp ra xung quanh). Vứt bỏ khăn, giấy che mũi, miệng vào thùng rác và rửa sạch tay.
- Nếu bản thân hoặc thấy HS khác bị sốt, ho, đau họng, khó thở thì báo ngay cho giáo viên chủ nhiệm để có biện pháp xử lý kịp thời.
Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 cũng khuyến cáo, với các trường học, khi HS đi học trở lại cần lưu ý:
- Trước trong và sau thời gian học, nhà trường tiến hành nhiều biện pháp vệ sinh các bề mặt, lớp học...
Bộ GD&ĐT đã ban hành bộ tiêu chí đánh giá mức độ an toàn phòng, chống dịch Covid-19 trong trường học. Với 15 tiêu chí áp dụng cho trước - trong và sau khi học sinh học tập ở trường.
Trong bộ tiêu chí này, có 7 tiêu chí để đánh giá mức độ an toàn trước khi học sinh đến trường. Đó là việc đảm bảo cơ sở vật chất, trang thiết bị vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, y tế tại trường học, chú ý đến các yếu tố liên quan đến người khuyết tật. Ví dụ, việc đảm bảo về thiết bị đo thân nhiệt, xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn, nước uống, nơi rửa tay bằng nước sạch cho học sinh, cán bộ, giáo viên và người lao động trong nhà trường.
Nếu cơ sở giáo dục nào đạt từ 7 tiêu chí trở xuống sẽ bị đánh giá là “thực hiện chưa tốt, trường học không an toàn và không được phép hoạt động”.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết: 100% học sinh, cán bộ, giáo viên phải thực hiện khai báo sức khỏe, đo thân nhiệt ở nhà trước khi đến trường. Thực hiện việc đeo khẩu trang đúng cách trên đường đến trường. Thực hiện vệ sinh, khử trùng trường, lớp, đồ dùng học tập và phương tiện đưa đón (nếu có) theo đúng hướng dẫn của ngành y tế. Có nhân viên y tế trường học, phòng cách ly, phòng y tế đảm bảo theo quy định, có tổ chức tư vấn tâm lý học đường.
Việc đảo đảm 100% học sinh, cán bộ, giáo viên thực hiện giãn cách hợp lý, đeo khẩu trang từ khi rời trường trở về nhà; 100% học sinh mầm non và tiểu học được nhà trường bố trí giao nhận đầy đủ, là hai tiêu chí đánh giá mức độ an toàn phòng chống dịch.
Mỗi tiêu chí có 2 mức độ đánh giá là “Đạt” và “Không đạt”. Trường học được đánh giá “Đạt” từ 11 tiêu chí trở lên, trong đó phải có các tiêu chí về việc 100% học sinh, cán bộ giáo viên thực hiện đeo khẩu trang đúng cách trên đường đến trường, trong quá trình học tập tại trường.
Trường học được đánh giá “Đạt” từ 8 đến 10 tiêu chí, trong đó phải có các tiêu chí được xếp loại “thực hiện khá, trường học an toàn, được phép hoạt động và cho học sinh đi học trở lại”.
Tuy nhiên, các cơ sở giáo dục này cần kiểm tra định kỳ để khắc phục những hạn chế ở các tiêu chí không đạt. Đạt từ 7 tiêu chí trở xuống, trường học được đánh giá đạt mức độ “thực hiện chưa tốt, trường học không an toàn và không được phép hoạt động.
Chủ đề liên quan:
biện pháp phòng bệnh Covid 19 COVID_19 dung dịch sát khuẩn học sinh HS đi học trở lại lây nhiễm Covid 19 nguy cơ lây nhiễm phòng dịch COVID 19 rửa tay xà phòng thời gian nghỉ dài