Phóng sự hôm nay

Mầm xanh bất diệt ở thung lũng Điện Biên

Mỗi xuân về, tôi lại nhớ về mùa xuân 35 năm trước, đêm cuối xuân năm 1984, khi tôi làm bộ phim “Điện Biên Phủ - Niềm hy vọng”.

Đêm Điện Biên, bên bếp lửa, trong nhà sàn của các lão du kích năm xưa, tôi nhớ lại giọng nói của Mùa Sống Lử - lão du kích vùng Tam Luân nổi tiếng thời chống Pháp. Nơi ấy, trái tim Điện Biên vẫn thức nhịp sống bất diệt của một trái tim đã làm rung động toàn cầu.

Mùa Sống Lử thủ thỉ với chúng tôi: “Chúng tao chống nhau với lính Pháp, với quân Đèo Văn Long ở ấy, nó ở bên kia núi, tao ở bên này núi, bắn nhau 10 ngày, chúng tao không thắng được chúng nó, chúng nó không thắng được chúng tao, chúng nó phải rút về Lai Châu, không xuống được Điện Biên. Nhưng về đến căn cứ, anh em tao cũng ch*t gần hết. Đau lắm mày ơi! Tao hỏi mày: Đất có tim không! Có đấy! Điện Biên Phủ ở đây này...”. Mùa Sống Lử uống rượu say, trỏ vào ngực mình nói với tôi. Nhiều năm qua, tôi thường nghĩ tới tấm huy hiệu “Chiến sĩ Điện Biên Phủ” Bác Hồ gắn lên ngực các chiến sĩ ta ngày chiến thắng. Người đã đặt vào tấm huy hiệu ấy một trái tim - Trái tim Điện Biên Phủ. Cùng với thời gian, Trái tim Điện Biên Phủ ở ấy vẫn còn trong tôi cho tới bây giờ.

Đồi A1, Hầm chỉ huy... - những chứng tích lịch sử vô giá.

Thung lũng Điện Biên Phủ là một trong những nơi tập trung nhiều “Linh hồn bất tử” nhất trên đất nước ta từ xưa đến nay. Cổng ngoài Nghĩa trang liệt sĩ Điện Biên xây bằng đá xám, gợi cảm giác mơ hồ như mình đang đứng trước một cổng thành cổ từ thời xa xôi nào. Khoảng trống mênh mang, bạt ngàn bia mộ trắng. Từ xa đã thấy hai cây đại cổ thụ không biết đã mấy đời, chuyển từ đâu về, tỏa hương dịu dàng. Cảm nhận từ đâu đây một luồng khí thiêng thấm vào làn da, gờn gợn chân tóc. Nhòa mắt nhìn tên các liệt sĩ đúc bằng đồng gắn kín hai dãy tường đá, nắng sớm chiếu vào các con chữ, vàng rực, xúm xít như bầy ong khổng lồ đang chuyển rừng. Trong nghĩa trang dưới chân đồi A1, chỉ 4 Anh hùng liệt sĩ có tên trên bia mộ: Cù Chính Lan, Bế Văn Đàn một bên và Phan Đình Giót, Trần Can một bên. Còn 600 bia mộ đều khuyết danh. Trên bảng vàng ghi tên 5.000 liệt sĩ. Nghĩa trang Him Lam có 900 mộ, nghĩa trang Độc Lập có 2.000 mộ, tổng cộng: 3.500 mộ. Đau đớn thay, còn hàng nghìn hài cốt liệt sĩ nữa vẫn chưa tìm thấy!?

Các cựu chiến binh Điện Biên Phủ cùng cán bộ công nhân đi khảo sát, quy tập hài cốt đồng đội ngay từ buổi đầu, kể lại rằng: Sau giải phóng Điện Biên, quân ta đã chọn những thung lũng đẹp nhất làm nơi chôn liệt sĩ, có biển ghi tên từng người với niềm trân trọng. Không ai lường được cơn lũ mạnh kéo qua thung lũng, chỉ vài tháng sau quay lại, các nghĩa trang đã tan hoang vì lũ cuốn, tất cả các bia mộ không còn nên các ngôi mộ chiến sĩ Điện Biên bây giờ thành vô danh.

Nhớ lại buổi sáng tháng 5 năm 1984, chúng tôi theo Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp - người anh cả của quân đội đến Nghĩa trang liệt sĩ Điện Biên thắp hương tưởng niệm đồng đội đã hy sinh. Tôi nhìn lên trời, những hàng cây long não cao vút nhòe trong mưa, không nhớ là mình đã khóc hay là cây khóc. Đứng trước ngôi mộ không tên, Đại tướng không nói câu nào, như chúng tôi, ông khóc. Năm 1995, tỉnh có dự án xây dựng lại nghĩa trang liệt sĩ. Năm 1994, trước ngày Đại tướng lên dự Lễ kỷ niệm 40 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, các cán bộ tỉnh có trình bày ý kiến muốn cải lại mộ các chiến sĩ cho gần với mặt bằng. Vị tướng già ứa nước mắt: “Thôi, đừng đánh thức anh em dậy một lần nữa làm gì. Để cho anh em mình được yên nghỉ.”. Giờ đây, nghĩa trang đã xây dựng lại, mộ các chiến sĩ nằm yên chỗ cũ. Hai hàng cây long não không còn, nhưng những gốc cây năm ấy vẫn bất chợt trổ ra những mầm non xanh biếc. Ở nơi đất thiêng này, cây cũng giống như người, không ch*t. Trái tim Điện Biên Phủ vẫn bồi hồi dưới cỏ, trong lòng đất.

Năm ấy, nhân dịp trùng tu tôn tạo các di tích lịch sử chiến trường Điện Biên Phủ, chuẩn bị kỷ niệm chiến thắng, cựu chiến binh Hoàng Ngọc Thế từng tham gia đánh đồi A1, hơn 70 tuổi, tóc bạc, mắt mờ, mặc bộ quân phục đã cũ sờn cùng mọi người sửa lại giao thông hào, bất ngờ tìm được hơn 10 bộ hài cốt chiến sĩ ta vẫn còn nguyên vẹn ở tư thế ngồi chỉ cách mặt đất hơn 30cm. Có hài cốt chiến sĩ áo quần chưa bị hủy, ngực dắt bút máy Pilốt, lưng đeo cái bát sắt hoen gỉ, xung quanh còn 28 quả lựu đạn. Người chiến sĩ già vừa khóc vừa kể: “Tóc nó còn nguyên, tay chân còn đủ cả. Xương nó trắng đẹp như ngà...”. Nhớ tháng 5 năm 2001, mùa mưa đến sớm, vào thăm Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp ghi lời kể của ông cho bộ phim “Một thế kỷ - Một đời người”. Nhìn ra khu vườn rộng ào ào mưa gió, ông ngậm ngùi: “Ở Điện Biên hồi ấy, các chiến sĩ ta hy sinh trong mưa gió, dưới chiến hào ướt sũng!”. Hầu hết chiến sĩ Điện Biên ngày đó lứa tuổi hai mươi, theo anh Văn đi đánh giặc. Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp bồi hồi nhớ lại: Chiều 7 tháng 5, giặc đầu hàng. Đại tướng qua cầu Mường Thanh. Đầu cầu, những chiếc lô cốt há miệng châu mai đen ngòm. Từ dưới giao thông hào, các chiến sĩ mình đầy bùn đất nhô lên, nụ cười sáng lóa: “Anh Văn ơi! Anh Văn ơi! Cho em bắt tay anh một cái! Sống rồi anh ơi!”. Tiếng reo ấy, chiều nay tưởng như còn vọng mãi trong gió lạnh giữa bạt ngàn bia mộ liệt sĩ, làm đau buốt trái tim!

Một hình ảnh tư liệu quen thuộc trong bộ phim “Chiến thắng Điện Biên Phủ” từng được cả thế giới biết đến là hình ảnh tàn quân Pháp, Lê dương, Âu Phi từ “Địa ngục Điện Biên” lầm lũi kéo ra từng đoàn hàng dài vô tận. Tù binh Pháp kinh hoàng kể lại: “Điện Biên Phủ thực sự là một địa ngục đối với chúng tôi. Những trận mưa làm rũa nát các công sự. Chúng tôi sống trên bùn nước. Các nhà thương ngầm dưới đất chỉ đủ cho bốn chục giường nay phải chứa hàng ngàn thương binh, ngột ngạt chồng chất lên nhau. Những bộ phận thân thể thương binh bị cưa cắt chôn tạm trong hầm, khi trời mưa lại nổi lên trong bùn. Đi giày dép không được, nhân viên quân y phải ngâm chân hàng giờ trong lớp bùn trộn đầy cẳng chân, cánh tay, những khúc ruột, nút bông băng, những ống tiêm vỡ với máu mủ và những thứ bệnh nhân mửa ra, lẫn với phân, nước tiểu... Ruồi nhặng từ các hố lộ thiên chứa xác ch*t bay vào ào ào khủng khiếp. Giòi bọ lúc nhúc trong chăn, cả trong băng buộc vết thương và bột bó của thương binh, bó trên tay, trên mặt những thương binh hấp hối...”.

Đại tá Nguyễn Hữu Đông từng được giao nhiệm vụ tiếp nhận tù binh ở Điện Biên Phủ kể lại: “Tôi đứng trên gò đất cao dưới chân đồi Him Lam tiếp nhận bọn tàn quân Pháp. Mặt trời đã lặn sau dãy núi phía Tây mà đoàn tù binh vẫn ùn ùn kéo ra tưởng không bao giờ hết, trong lòng không khỏi lo âu. Một trận chiến đấu mới bắt đầu, nuôi hơn 1 vạn tù binh, chữa chạy và chăm sóc thương bệnh binh, quản lý đám tàn quân này. Đêm xuống, tù binh được ngủ tạm trong khu rừng già gần đường 41. Các đơn vị hậu cần đã gắng hết sức trong hoàn cảnh thiếu thốn khó khăn, lo cho mỗi tù binh 1 nắm cơm to và thịt trâu kho mặn. Họ được xuống con suối ở bìa rừng tắm giặt. Những tù binh bị thương hoặc đau ốm được bộ đội bảo vệ chăm sóc. Gần 1.000 thương binh nặng cận kề cái ch*t đã được cứu sống”.

Theo yêu cầu của Bộ Tổng chỉ huy quân đội viễn chinh Pháp ở Đông Dương, Bộ Tổng tư lệnh quân đội nhân dân Việt Nam đã phóng thích ngay sau đó hơn 800 thương binh. Ngạc nhiên và đáng tiếc, không hiểu vì sao còn nhiều thương binh được cứu chữa và chăm sóc tại mặt trận Điện Biên Phủ đã bị bỏ lại, không được Đoàn đại biểu Bộ Tổng chỉ huy quân đội Pháp kịp thời tiếp nhận. Bộ chỉ huy mặt trận Điện Biên Phủ đã khẩn trương ra lệnh thành lập một trại tù thương ở Tuần Giáo cùng các bác sĩ, y sĩ từ các binh đoàn chủ lực điều động về bắt tay ngay vào việc chăm sóc điều trị tù thương. Một lần nữa, tù binh được cứu thoát khỏi cái ch*t và dần dần hồi phục.

Chuyến trao tù binh cuối cùng vào ngày 3/9/1954, thay mặt toàn thể các tù binh Pháp có mặt, viên quan 5 Marcel Lapage đọc lời cảm tạ: “Tôi đã tận mắt nhìn thấy những người phụ nữ Việt Nam cáng thương binh của chúng tôi trên đường mòn qua rừng sâu vực thẳm. Cùng với sự chăm sóc của các chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam - những người đã cho chúng tôi Thu*c men và cơm ăn, cứu sống chúng tôi bằng cả trái tim nhân hậu, trái tim của những người lính Điện Biên Phủ, để dạy cho chúng tôi biết rằng hai dân tộc của chúng ta được sinh ra để hòa thuận với nhau”.

Tháng 2 năm 1993, Tổng thống nước Cộng hòa Pháp F.Mitterrand (1916 - 1996) đến thăm Chiến trường Điện Biên Phủ. Ông khẳng định: “Hai nước đã trải qua một cuộc chiến tranh tàn khốc. Chúng ta hãy khép lại quá khứ, hướng tới tương lai!”.

Nửa thế kỷ trôi qua, đối với những người lính Pháp, địa ngục Điện Biên Phủ đã trở thành thiên đường của hạnh phúc và hòa bình. Hoa hồng vẫn nở đỏ trên những cánh đồng quanh hầm De Catries. Nhưng ở nhiều nơi trên trái đất, những cuộc chiến vẫn còn, máu lửa vẫn đang bao trùm địa ngục. Tôi nhớ tới các lão du kích chống Pháp người dân tộc Mông, giờ đây hầu hết đã qua đời, trở về với “Thung lũng những linh hồn bất tử”, nơi những Trái tim Điện Biên Phủ vẫn sống mãi.

Đặt một bình rượu Pamông lên mộ Mùa Sống Lử - người anh em kết nghĩa của tôi, nhớ lại đêm nào bên bếp lửa. Ông tâm tình: “Mấy tháng trước, con gái Đèo Văn Long ở Pháp về đây, xin xây lại dinh thự trên nền đất cũ. Tỉnh hỏi ý kiến các cụ lão thành, nhưng tao cũng chưa biết trả lời thế nào. Trái tim bảo tao phải khép lại quá khứ, cái đầu của tao lại nhắc tao đừng quên tội ác. Trước tao không hiểu vì sao thế giới này thiếu gì di tích chiến trường lịch sử mà người khắp nơi lại đến thăm Điện Biên Phủ đông thế. Giờ tao đã hiểu: Người ta đến đây không phải để chiêm ngưỡng vinh quang mà đến với lòng khao khát hòa bình, đến với tình thương và lòng nhân ái, đến với Trái tim Điện Biên Phủ - Trái tim Việt Nam, để tìm ra sức mạnh thắng được cái ác, cứu vớt con người. Vì vậy mà Trái tim Điện Biên Phủ không bao giờ ch*t!”.

Tùy bút: NSND ĐÀO TRỌNG KHÁNH

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khỏe đời sống (https://suckhoedoisong.vn/ky-niem-65-nam-chien-thang-dien-bien-phu-7-5-1954-7-5-2019-mam-xanh-bat-diet-o-thung-lung-dien-bien-n156884.html)

Chủ đề liên quan:

điện biên mầm xanh thung lũng

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY