Tâm sự hôm nay

Mỗi cán bộ y tế phải tự làm đẹp hình ảnh trong mắt người bệnh

Bộ trưởng Bộ Y tế đã ký ban hành Kế hoạch “Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế, hướng tới sự hài lòng của người bệnh”...
Bộ trưởng Bộ Y tế đã ký ban hành Kế hoạch “Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế, hướng tới sự hài lòng của người bệnh”, một số bệnh viện (BV) trọng điểm của ngành y tế đã ký cam kết thực hiện Kế hoạch này với Bộ Y tế và tại các địa phương cũng đã diễn ra việc ký kết giữa lãnh đạo Sở và các BV trực thuộc. Có thể nói, việc triển khai kế hoạch này sẽ tác động đầu tiên đến tất cả các cơ sở khám chữa bệnh (KCB) trên toàn quốc, tuy nhiên, đối với hệ thống KCB hiện nay còn đang đối diện với thực trạng quá tải, thầy Thu*c phải chịu áp lực đông bệnh nhân... Vậy làm sao để thầy Thu*c vừa đảm bảo chất lượng chuyên môn, vừa làm hài lòng người bệnh? Những nội dung này đã được phóng viên báo Sức khỏe&Đời sống đặt ra với PGS.TS. Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế.

Đặt quyền lợi của người bệnh lên trên

PV: Thưa ông, thời gian qua, công luận và người bệnh, người nhà bệnh nhân cho rằng hệ thống KCB - bộ mặt của ngành y tế đã có thay đổi. Ông có thể nói cụ thể hơn những thay đổi này?

PGS.TS. Lương Ngọc Khuê: Từ năm 2013, với quan điểm đổi mới toàn diện nhằm nâng cao chất lượng KCB, lấy người bệnh làm trung tâm, sự hài lòng của người bệnh là thước đo của chất lượng, ngành y tế đã xây dựng và ban hành hàng loạt các chính sách quản lý chất lượng và công cụ đánh giá chất lượng, thay đổi toàn diện và mạnh mẽ hoạt động KCB đi vào thực chất.

Tiếp đến, ngành y tế đã nỗ lực tập trung giảm tải BV và nâng cao chất lượng KCB. Đến nay, sau 2 năm triển khai Đề án Giảm quá tải BV, Đề án BV vệ tinh, ngành y tế đã đầu tư xây mới, cải tạo, nâng cấp và mở rộng các tuyến BV, tăng thêm gần 39.000 giường bệnh; đồng thời mở thêm trên 5.000 bàn khám bệnh gắn với tăng cường công tác quản lý và nâng cao toàn diện chất lượng BV; thành lập 14 BV hạt nhân và 46 BV vệ tinh; đẩy mạnh triển khai Đề án Bác sĩ gia đình, tăng cường đào tạo, chuyển giao kỹ thuật từ tuyến trên về tuyến dưới để nâng cao chất lượng KCB tuyến dưới, góp phần giảm quá tải cho tuyến trên... Bên cạnh đó, sau khi Bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu các cơ sở KCB cải tiến quy trình khám bệnh, thủ tục KCB đã có bước chuyển biến mạnh mẽ. Trước đây, người bệnh phải khám qua 10, 12 bước thì nay giảm còn 6 bước, trung bình mỗi lượt khám tiết kiệm gần 50 phút.

PV: Thế nhưng thưa ông, không có nghĩa là hệ thống KCB đã hoàn toàn hết khó khăn, tồn tại?

PGS.TS. Lương Ngọc Khuê: Nói như vậy không có nghĩa là hệ thống KCB đã hoàn toàn thuận lợi bởi hiện tại một số BV tuyến TW vẫn đang phải đối mặt với tình trạng quá tải BV, bệnh nhân vẫn còn phải nằm ghép; trình độ chuyên môn của thầy Thu*c chưa đồng đều khiến người dân vẫn còn tâm lý vượt tuyến để lên trên khám cho yên tâm...; rồi chế độ đãi ngộ thầy Thu*c chưa thỏa đáng; cơ sở vật chất, trang thiết bị tại nhiều BV còn chưa đáp ứng được nhu cầu của nâng cao chất lượng KCB...

PV: Với những tồn tại như ông đã nói thì việc các BV ký kết thực hiện Kế hoạch “Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế, hướng tới sự hài lòng của người bệnh” có tạo nên sức ép cho chính các BV?

PGS.TS. Lương Ngọc Khuê: Tôi cho rằng, những khó khăn, tồn tại như trên, trong đó đặc biệt là vấn đề quá tải chỉ là một phần chứ không phải yếu tố quyết định. Ngành y tế làm việc liên quan trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng của người bệnh, chúng ta đã và đang ngày càng làm tốt công tác chuyên môn, nhưng cũng cần có những đột phá thay đổi về tinh thần thái độ phục vụ với quan điểm “lấy người bệnh làm trung tâm”. Trên thực tế, trong những nỗ lực hàng ngày của ngành y tế, trong hàng trăm ngàn cán bộ y tế đang âm thầm cống hiến cho sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân, vẫn còn đây đó những cán bộ y tế có tinh thần, thái độ cư xử chưa phù hợp gây ảnh hưởng đến tình cảm của người dân dành cho ngành. Với việc cam kết thay đổi tinh thần, thái độ phục vụ, theo tôi dù có quá tải hay không quá tải thì chúng ta cũng phải làm chứ không phải chờ đến khi có đầy đủ cơ sở vật chất mới làm. Tôi cũng phải thẳng thắn cho rằng, đúng là quá tải cũng gây bức xúc cho người bệnh, người nhà và cả nhân viên y tế, rất căng thẳng, mệt mỏi, nhưng chúng ta phải đặt quyền lợi của người bệnh lên trên.

Đòi hỏi thiết thực của thực tiễn

PV: Vậy có phải vì những “con sâu làm rầu nồi canh” mà ngành y tế phải quyết tâm thay đổi tinh thần, thái độ phục vụ người bệnh, thưa ông?

PGS.TS. Lương Ngọc Khuê: Chúng ta đang tiến hành đổi mới cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập, trong đó có việc tính đúng tính đủ và hướng tới BHYT toàn dân. Như vậy chắc chắn người dân, xã hội sẽ đặt câu hỏi: Nếu như tiến tới tính đúng, tính đủ thì chất lượng KCB có từng bước tăng lên không? Thái độ phục vụ cán bộ y tế có từng bước thay đổi không?

Không phải bây giờ Bộ Y tế mới yêu cầu cán bộ trong ngành phải phục vụ người bệnh chu đáo, mà trước đó 12 điều y đức đã được thấm nhuần trong cán bộ y tế; rồi để đáp ứng sự hài lòng người bệnh, thu nhận các ý kiến phản hồi của người bệnh, Bộ Y tế đã triển khai đường dây nóng, công khai số điện thoại của BV, giám đốc.

Bên cạnh đó, Thông tư số 07/2014/TT-BYT quy định về Quy tắc ứng xử của công chức, viên chức, người lao động làm việc tại các cơ sở y tế với các cơ sở pháp lý quan trọng để các cán bộ, viên chức ngành y tế, đặc biệt là cán bộ viên chức tại các bệnh viện rèn luyện nâng cao đạo đức nghề nghiệp và thái độ phục vụ người bệnh cũng đã được ngành triển khai sâu rộng đến tận tuyến y tế cơ sở.

Với Kế hoạch “Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế, hướng tới sự hài lòng của người bệnh” triển khai trong toàn ngành, đó là yêu cầu thiết thực của thực tiễn. Ngành y tế đã có những đột phá về cơ sở vật chất, đột phá về khoa học công nghệ, đột phá về tài chính y tế thì cũng cần có đột phá về tinh thần thái độ phục vụ, để ngành ngày càng phát triển toàn diện hơn. Cam kết “Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế, hướng tới sự hài lòng của người bệnh” là cam kết hướng đến người bệnh, vì người bệnh, đồng thời cũng làm cho cộng đồng thay đổi cái nhìn, cách nghĩ về ngành y.

PV: Thế nhưng thưa ông, với cán bộ y tế, trong khi họ phải vừa làm tốt chuyên môn lại vừa phải “thay đổi tinh thần, thái độ phục vụ” liệu có cầu toàn quá không? Trách nhiệm của giám đốc BV và cả của Cục Quản lý KCB để kế hoạch này đi vào thực chất là gì?

PGS.TS. Lương Ngọc Khuê: Ngành nào cũng cần đạo đức nghề nghiệp, ngành y tế luôn đặt đạo đức nghề nghiệp là nền tảng cơ bản. Mỗi thầy Thu*c đều hiểu rằng, không có một nghề nào mà một lỗi lầm hay thiếu sót dù nhỏ nhất lại gây tai họa trực tiếp tới sức khỏe và tính mạng con người như trong nghề y.

Sau ký kết giữa các BV với Bộ Y tế và với Sở Y tế hay giữa cán bộ y tế, nhân viên hành chính... với lãnh đạo BV, đích hướng đến chính là thay đổi nhận thức. Thông qua các phong trào, tập huấn, chúng tôi muốn từng cán bộ, nhân viên y tế phải nhận thức được sâu sắc về việc cần phải đổi mới phong cách phục vụ. Thực ra, cam kết ở đây, không bắt buộc kỷ luật ngay nhưng khi đã cam kết thì cán bộ y tế phải nhận thức để sửa dần dần chứ không phải Bộ Y tế, Sở Y tế hay giám đốc BV dựa vào cam kết đó để xử phạt, mà chính mỗi người thầy Thu*c phải tự nhận thấy trách nhiệm “cần phải làm đẹp hình ảnh trong mắt người bệnh và người nhà bệnh nhân”.

cán bộ y tế chắc chắn sẽ có những sức ép nhưng ngành y tế sẽ tìm cách để giúp họ giảm áp lực. Mỗi vị trí đều phải nhìn nhận lại mình. Bộ Y tế cũng sẽ phải tăng cường tuyến y tế cơ sở để giảm quá tải cho tuyến trên. Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng sẽ thay đổi cách kiểm tra, đánh giá BV. Chúng tôi sẽ để BV tự kiểm tra, tự đánh giá mình trên cơ sở Bộ tiêu chí BV và những tiêu chí riêng về kiểm tra BV, rồi từ đó chúng tôi giám sát, đánh giá lại. Do đó, tới đây sẽ không còn là tất cả BV xuất sắc mà sẽ thay đổi...

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Thái Bình (thực hiện)

Mạng Y Tế
Nguồn: Nguồn Internet (news-moi-can-bo-y-te-phai-tu-lam-dep-hinh-anh-trong-mat-nguoi-benh-16084.html)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY