Ẩm thực hôm nay

Món ăn chữa viêm dạ dày cấp tính

Viêm dạ dày cấp tính nguyên nhân do các loại bệnh lý gây viêm niêm mạc dạ dày, triệu chứng chính gồm tức ngực, buồn nôn, phát sốt…
Những món ăn - thức uống dưới đây dễ làm, hợp khẩu vị. Người dùng tùy theo chứng bệnh của mình mà lựa chọn thực đơn.

viêm dạ dày cấp tính nguyên nhân do các loại bệnh lý gây viêm niêm mạc dạ dày, triệu chứng chính gồm tức ngực, buồn nôn, phát sốt…

Cháo quế hoa

Nguyên liệu:

- Quế hoa (còn gọi là hoa mộc 5g): tính ấm, vị cay, ngọt, đắng. Công năng hóa đàm, tán ứ.

- Phục linh (20g): tính bình, vị ngọt, nhạt. Công năng lợi thủy thẩm thấp, kiện tỳ hòa vị, ninh tâm an thần. Có chứa thành phần triterpen và glycosid, pachymoza… Nghiên cứu hiện đại cho thấy phục linh có tác dụng dự phòng lở loét môn vị, cũng như giảm tiết acid dịch vị.

- Gạo tẻ (100g): tính bình, vị ngọt. Công năng bổ trung ích khí, kiện tỳ hòa vị, trừ phiền khát, cầm tả lỵ. Có chứa carbohydrate, protid, lipid và vitamin nhóm B…

Chế biến: quế hoa, phục linh bọc trong túi vải, khâu kín, cho vào trong nồi, đổ nước vừa đủ, sau khi đun sôi bằng lửa mạnh, chuyển lửa nhỏ ninh 20 phút, lấy nước cốt sử dụng sau. Gạo tẻ đã vo sạch cho vào nồi, thêm nước cốt nêu trên, có thể thêm nước vừa đủ (nếu còn thiếu), sau khi đun sôi, chuyển lửa nhỏ ninh đến nhừ thì dùng. Gạo tẻ ninh cháo, dùng ăn bữa sáng, rất thích hợp dùng cho người suy chức năng tiêu hóa.

Tác dụng: thanh thơm khoái khẩu. Có tác dụng bổ trung ích khí, kiện tỳ hóa thấp, hóa đàm tán ứ, trị tiệu chảy. Thích hợp dùng cho người tỳ vị hư nhược, rối loạn tiêu hóa, người rối loạn tiêu hóa gây ra tiêu chảy. Đối với người viêm dạ dày cấp tính, sau khi điều chỉnh bù nước và chất điện giải, có thể dùng món cháo quế hoa, cần lưu ý món cháo không quá nóng và quá lạnh, cũng như chú ý kiêng ăn thức ăn cay nóng kích thích, thức ăn chiên rán.

Nước cam - mật ong

Nguyên liệu:

- Cam (50g): tính hơi ấm, vị ngọt. Công năng hành khí giảm đau, hạ khí tiêu thũng. Thành phần chính gồm: flavonoid, alkaloid, acid hữu cơ, vitamin, Ca, P, Fe…

- Mật ong (30g): trong sách “Bản thảo cương mục” ghi: mật ong, dùng sống tính mát, giúp thanh nhiệt, dùng chín tính ấm, giúp bổ trung. Còn có tác dụng giải độc, giảm đau. Thành phần chính gồm đường fructose và glucose. Nghiên cứu hiện đại cho thấy mật ong giúp tăng khả năng miễn dịch, ức chế sự sinh trưởng của E. coli và trực khuẩn lỵ, có hiệu quả tốt đối với viêm loét dạ dày - tá tràng.

Chế biến: cam rửa sạch, cả vỏ cắt làm tư, cho vào trong nồi, đổ nước vừa đủ, sau khi đun sôi, thêm mật ong, chuyển lửa nhỏ ninh 20 phút, loại bỏ cam, lấy nước cốt thì dùng. Trong thức uống này mật ong ninh với lửa nhỏ, vừa không phá hỏng thành phần hữu dụng, vừa giúp bổ trung, thích hợp cho người tỳ vị hư hàn.

Tác dụng: cam ngọt khoái khẩu. Có tác dụng bổ trung ích khí, noãn cấp giảm đau, nhuận táo giải độc. Thích hợp dùng cho người suy nhược cơ thể hoặc sau khi viêm dạ dày cấp tính gây tỳ vị hư nhược, rồi mệt mỏi chán ăn, người đầy đau dạ dày và người táo bón do ruột táo thiếu tân dịch. Người thấp nhiệt nội thịnh và người dễ tiêu chảy kiêng dùng. Người bệnh đái tháo đường kiêng dùng.

Nước sắn dây - câu kỷ tử

Nguyên liệu:

Câu kỷ tử (20g): tính bình, vị ngọt. Công năng tư bổ can thận, sinh tân dưỡng huyết, sáng mắt, nhuận phổi trị ho. Có chứa betanin, beta-caroten, vitamin B2, vitamin PP và Ca, P, Fe… Nghiên cứu hiện đại cho thấy, câu kỷ tử nâng cao khả năng miễn dịch, chống đột biến, trì hoãn lão hóa, chống khối u, giảm mỡ máu, giảm cholesterol, chống mệt mỏi, sáng mắt, có ảnh hưởng đến chuyển hóa chất béo và chống gan nhiễm mỡ, thúc đẩy sự tăng trưởng của Acidophilus.

Bột sắn dây (50g): tính mát, vị ngọt. Công năng thanh nhiệt sinh tân, mát máu tán ư, bổ tỳ khai vị, trị tiêu chảy. Có chứa carbohydrate, protid, vitamin...

Chế biến: câu kỷ tử vo sạch, sử dụng sau. Bột sắn dây thêm nước vừa đủ, sau khi đun sôi bằng lửa nhỏ, thêm vào câu kỷ tử, ninh tiếp 3 phút thì hoàn tất. Bột sắn dây từ củ mài nhuyễn, gạn bỏ tạp chất, sấy khô, nếu tự chế phải chọn củ to, giòn chắc là tốt.

Tác dụng: thơm ngọt thanh mát. Có tác dụng khai vị kiện tỳ, thanh nhiệt sinh tân, bổ ích cân cốt, chống mỏi mệt. Thích hợp dùng cho người tỳ hư hoặc sau viêm dạ dày cấp tính chán ăn và can thận âm hư, người cơ thể suy nhược. Người viêm dạ dày cấp tính sau khi hồi phục hằng ngày dùng 2 lần sau bữa ăn, mỗi lần 100 - 150g. Người trung lão niên thường dùng giúp khỏe khoắn, chống mỏi mệt.

Cháo vỏ quất

Nguyên liệu:

Vỏ quất tươi (20g): tính ấm, vị cay, đắng. Công năng lý khí, kiện tỳ, táo thấp, hóa đàm. Có chứa tinh dầu, thành phần chính gồm limonene, còn chứa oureusidin, nhiều vitamin B1… Nghiên cứu hiện đại cho thấy, tinh dầu vỏ quất có tác dụng làm ấm và kích thích đối với đường ruột, kích thích bài tiết dịch tiêu hóa, loại bỏ khí tích trong ruột, oureusidin giúp chống viêm, chống lở loét cũng như sự hình thành sỏi mật.

Gạo tẻ (100g): tính bình, vị ngọt. Công năng bổ trung ích khí, kiện tỳ hòa vị, trừ phiền khát, cầm tả lỵ. Có chứa carbohydrate, protid, lipid và vitamin nhóm B…

Chế biến: vỏ quất tươi sau khi rửa sạch, xé lát, cùng gạo tẻ ninh cháo thì dùng. Gạo tẻ ninh cháo, dùng vào buổi sáng, rất thích hợp cho người có sức tiêu hóa kém.

Tác dụng: vị ngon thanh thơm khoái khẩu. Có tác dụng lý khí hòa vị, kiện tỳ táo thấp, trị tiêu chảy. Thích hợp dùng cho người sau khi viêm dạ dày cấp tính đầy tức bụng do tỳ vị bất hòa, đại tiện lỏng. Người bệnh viêm dạ dày cấp tính sau khi hồi phục hằng ngày dùng 1 lần sau bữa ăn, vào bữa sáng. Vỏ quất cay tán đắng táo, ấm giúp trợ nhiệt, người lưỡi đỏ ít tân dịch, thực nhiệt bên trong dùng thận trọng.

LY.DS. BÀNG CẨM

Mạng Y Tế
Nguồn: Nguồn Internet (news-mon-an-chua-viem-da-day-cap-tinh-6547.html)

Tin cùng nội dung

  • Tai biến mạch máu não là một căn bệnh nguy hiểm với những diễn biến khôn lường. Đây là một cấp cứu y khoa tính theo giờ vàng. Tuy nhiên, đa phần là để lại di chứng. Vì vậy, giai đoạn điều dưỡng sau tai biến cũng rất trường kỳ và quan trọng. Kinh nghiệm cho thấy, sử dụng bài Thuốc Đông y kết hợp với Tây y chữa trị sau tai biến có thể giúp ích cho sự phục hồi của người bệnh.
  • Thịt dê được chế biến thành nhiều món ăn có giá trị dinh dưỡng và chữa bệnh. Trong “Tản Đà thực phẩm”, cố thi sĩ Tản Đà rất ca ngợi các món ăn từ dê; các món này ăn vừa ích khí, ôn bổ trung hạ tiêu, dùng trong trường hợp ốm yếu, đau lưng mỏi gối, sinh hoạt T*nh d*c kém, di tinh, mộng tinh...
  • Khi dân số có tới gần 30% mắc các bệnh lý về dạ dày và được dự báo sẽ tăng nhanh hơn nữa thì cần phải chú ý điều trị hệ quả của căn bệnh này trước, để giúp bữa ăn mỗi ngày thêm ngon.
  • Loét dạ dày thường do nhiễm vi khuẩn H. pylori. Một đợt điều trị 4-8 tuần với Thu*c ức chế acid cho phép chữa lành ổ loét. Thêm vào đó 1 tuần điều trị với 2 loại Thu*c kháng sinh kèm 1 loại Thu*c ức chế tiết acid để diệt trừ hoàn toàn H.pylori.
  • Nội soi dạ dày (gastroscopy) là một kỹ thuật nội soi (endoscopy) mà bác sĩ dùng để khảo sát bên trong ống tiêu hóa trên của bạn (bao gồm thực quản, dạ dày và tá tràng).
  • Bài viết bao gồm nguyên nhân, triệu chứng, cách sơ cứu và lời khuyên đối với bệnh viêm dạ dày ruột.
  • Ung thư dạ dày là sự tăng sinh của các tế bào ung thư trong niêm mạc và thành dạ dày.
  • Năm cách sống cho một dạ dày khỏe mạnh. Những vấn đề về tiêu hóa và cảm giác khó chịu về dạ dày có thể được ngăn ngừa, giảm thiểu và thậm chí là xua tan bằng những thay đổi phong cách sống rất đơn giản.
  • Sỏi tiết niệu trong y học cổ truyền thuộc phạm vi chứng “Thạch lâm” với nguyên nhân chủ yếu là do cảm nhiễm thấp nhiệt bên ngoài, ăn quá nhiều đồ cay nóng, béo ngọt, uống rượu vô độ, rối loạn tình chí lâu ngày làm tổn thương các tạng phụ khiến thấp nhiệt nội sinh tụ lại ở đường tiết niệu mà tạo thành sỏi.
  • Chế độ ăn BRAT bao gồm chuối, gạo, sốt táo và bánh mì nướng. Chế độ ăn BRAT giúp ích cho trường hợp rối loạn dạ dày, nôn mửa hoặc tiêu chảy. Áp dụng cho cả người lớn và trẻ nhỏ.
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY