Tâm sự hôm nay

Một ngày đàng... ở Mỹ

Mãi tới đầu tháng 9, khi mà hy vọng được là khách mời của chương trình Rotary Club Hosting đã gần như tắt ngấm thì trong hộp thư lại bừng sáng tiêu đề...
Mãi tới đầu tháng 9, khi mà hy vọng được là khách mời của chương trình Rotary Club Hosting đã gần như tắt ngấm thì trong hộp thư lại bừng sáng tiêu đề: Chúc mừng (congratulation!...). Tôi đọc ngấu nghiến thư của Annamarie, phụ trách đối ngoại của Hội Nhãn khoa Mỹ (AAO). Tôi đã được chọn vào danh sách khách mời của bạn, tham quan và tham dự hội nghị nhãn khoa tầm cỡ nhất thế giới - hội nghị hàng năm của hội nhãn khoa Mỹ liên kết với Hội nghị Nhãn khoa châu Âu (SEO).

Thành phố tôi đến là Jacksonville, phía Đông nước Mỹ, thuộc bang Florida với hơn 1 triệu dân. Sau một ngày làm quen với thành phố, tôi bước vào chương trình học tập. Chương trình của bạn do BS. Levenson - Chủ tịch Hội Bác sĩ nhãn khoa Jacksonville chuẩn bị chi tiết đến từng buổi, di chuyển liên tục, ăn trưa tại bệnh viện và cà phê 30 phút. Tôi không nhớ được hết bao nhiêu gương mặt đã dùng quĩ thời gian riêng của họ, đưa đón chúng tôi bằng xe riêng miễn phí, những thành viên của câu lạc bộ từ thiện thành phố đã 100 năm tuổi với hơn 400 hội viên. Tất cả họ đều vui vẻ, chịu khó nghe thứ tiếng Anh ngô ngọng của tôi, mỗi ngày làm việc về đều hỏi: Có thú vị không? Học được những gì? Gặp được ai? Hệ thống y tế chăm sóc mắt của bang Florida được dựng dần lên trong đầu óc tôi. Những vấn đề lớn hơn về y tế hay chính sách Obamacare với tôi chỉ là vài ý niệm, nhưng xin mạnh dạn chia sẻ cùng bạn đọc:

Hệ thống chăm sóc mắt đến chủ yếu từ khối tư nhân. Các viện mắt của Nhà nước chỉ làm nghiên cứu hay thử nghiệm lâm sàng, Mayo clinics là một ví dụ.

Người ta bảo, không có gì ở Mỹ là miễn phí tuy vẫn có những trường hợp ngoại lệ. Trong những trường hợp đó, bác sĩ phải làm việc không công, các quĩ từ thiện, hội bảo trợ, công ty bảo hiểm…sẽ trả tiền hoặc miễn tiền cho bệnh nhân. Obamacare trang bị thêm rất nhiều thẻ bảo hiểm y tế miễn phí cho người nghèo, làm nặng thêm ngân sách, hiển nhiên những người giàu và phe Cộng hòa rất không đồng ý với chính sách này.

Nước Mỹ không thiếu bác sĩ mắt và được phân bố khá đồng đều. Với 15 nghìn bác sĩ chuyên khoa mắt, người dân Mỹ khám chữa mắt khá thoải mái, lịch hẹn khám khoảng 4 tuần, lịch mổ theo từng tuần. Họ chăm chỉ và thích thú việc mổ xẻ giống như bác sĩ Việt Nam.

Tự động hóa, vi tính hóa, kết nối mạng làm những công việc hành chính trong bệnh viện trở nên nhẹ nhàng, có lẽ chẳng bao giờ có quá tải trừ khi xảy ra những thảm họa hay T*i n*n.

Máy móc hiện đại và đồng đều cho dù là ở tỉnh lẻ hay phòng mạch tư. Sau vài năm lại có sự thay mới hoàn toàn. Vì vậy, máy móc không phải là để chứng minh đẳng cấp mà chỉ để phục vụ ở nơi người ta cần chúng. Nếu bạn nghèo có thể thuê máy, đặt máy như ở ta.

Một thành phố cỡ trung bình như Jacksonville cũng có 4 trung tâm phẫu thuật (trong đó có đơn nguyên phẫu thuật mắt), các bác sĩ theo lịch đến phẫu thuật rồi ra về giống như đi chơi golf hay tennis vậy. Do vậy, bệnh nhân không nhất thiết phải đến các bệnh viện để phẫu thuật, tránh quá tải, không tốn kém tiền nằm viện.

Bác sĩ Mỹ rất giỏi và cũng rất khéo tay mặc dù họ to lớn và nặng cân. Sau 12 năm học để trở thành bác sĩ mắt, họ còn thường xuyên học thêm các khóa đào tạo liên tục. Môi trường làm việc cũng rất cạnh tranh tuy không hiện diện rõ ràng. Các bác sĩ nhập cư gốc Ấn Độ, Pakistan, Mexico, gốc Á phục vụ bệnh nhân của cộng đồng họ và ngày càng muốn lấn sân sang những bệnh nhân da trắng, giàu có hơn.

Dù có yêu đến mấy và muốn học hỏi thêm nữa nhưng tôi vẫn phải chia tay Jacksonville để hoàn thành chặng sau của cuộc hành trình. Đó là hội nghị và triển lãm nhãn khoa tầm cỡ nhất thế giới ở Chicago. Tiễn tôi ra sân bay, Dave có vẻ cảm động lắm, mắt ông ngấn nước và hứa sẽ thăm tôi ở Việt Nam.

Noel sắp đến. Năm nay tôi có thêm rất nhiều bạn Mỹ. Sẽ chuẩn bị nhiều thiếp đẹp để gửi tặng mọi người. Riêng Dave, tôi sẽ gửi tặng cà phê Trung Nguyên - thứ mà ông trầm trồ ngay từ ngụm đầu tiên. Còn là những người lái xe, cô y tá, anh bạn chỉnh quang viên Ericksson, người bác sĩ quân y già đã từng tham chiến ở Việt Nam muốn quay lại thăm Pleiku, anh bạn gốc Ấn mổ giỏi… Không biết họ còn nhớ lời hứa của tôi: Nếu bạn không đến thăm tôi thì tôi sẽ đến thăm bạn sau 10 năm nữa, vậy nhé!

Bs. Hoàng Cương

Mạng Y Tế
Nguồn: Nguồn Internet (news-mot-ngay-dang-o-my-8619.html)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY