Việc nuôi dưỡng cảm xúc (EQ) ở trẻ nhỏ cũng quan trọng như việc phát triển trí tuệ. Tuy nhiên, cha mẹ thường chú trọng thiên lệch về sự thông minh, thay vì dành thời gian cho cảm xúc của trẻ phát triển đúng đắn. Thực tế, các kênh truyền thông và báo chí hầu hết đều nói về phát triển trí thông minh (IQ). Ví dụ như "làm sao để trẻ thông minh", "làm sao để trẻ thành một thần đồng toán học ngay từ nhỏ".
Cách đây vài tuần tôi cũng được mời tham gia một hội thảo khá thú vị về điều chỉnh hành vi ở trẻ nhỏ và cũng trả lời phỏng vấn cho 1 tờ báo về trí tuệ và cảm xúc trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Tôi nhận thấy có nhiều cha mẹ đang bỏ lỡ đi những cơ hội quý giá để nuôi dưỡng cảm xúc của trẻ từ sớm và để trẻ trở nên khá khó khăn điều chỉnh cảm xúc trong các biến cố sau này.
Điều chỉnh cảm xúc là một chỉ số khác mà tôi tạm gọi là "chất lượng cuộc sống" để quyết định trẻ có hạnh phúc và thành công thực sự hay không.
Ngày nay có nhiều người có trình độ học vấn cao, nhưng cách hành xử và ứng xử chưa thật tốt. Có thể dễ hiểu, những cảm xúc không được dạy để nhận ra là cảm xúc tiêu cực, cũng không được thấu hiểu, chia sẻ và hơn hết, không được dạy cách vượt qua, thì những người thiếu đi điều này sẽ rất khô cằn trong cảm xúc của mình. Họ sẽ không đủ chính kiến để đưa ra một quyết định hoặc tự giải quyết 1 một vấn đề theo cách trái với suy nghĩ ban đầu.
Trong cuộc sống, không chỉ chúng ta giải quyết vấn đề thông minh như thế nào, mà chúng ta còn phải quản lý cảm xúc bản thân, cũng như với những người xung quanh khi có sự tương tác hai chiều về cách giải quyết vấn đề của chúng ta. Những bài học này cần được luyện tập khi trẻ còn nhỏ.
Bên cạnh việc học kiến thức, trẻ cần phải được dạy làm sao tương tác và giao tiếp tốt với các trẻ khác. Khi được dạy tốt điều này, trẻ sẽ có cách nhìn vấn đề toàn diện hơn và hành vi ứng xử sẽ khôn ngoan hơn.
Điều chỉnh cảm xúc tốt có thể giúp chúng ta tiên đoán được 54% sự thành công của một đứa trẻ trong các mối quan hệ, tính hiệu quả của công việc, giữ gìn sức khỏe và đòi hỏi cho chất lượng cuộc sống khi chúng trưởng thành.
Nghiên cứu của Lisa cũng cho biết thêm những trẻ được rèn luyện cảm xúc tốt có những điểm số tốt tại trường và biết lựa chọn tốt hơn trong các hoạt động.
Chúng ta nên hiểu rằng não bộ trẻ trước 5 tuổi phát triển với tốc độ rất nhanh, gần 85-90% cấu trúc não bộ đã được hoàn thiện trước 5 tuổi. Tuy nhiên, không chỉ nằm ở bao nhiêu tế bào thần kinh được tạo ra, mà làm cách nào các tế bào thần kinh học cách tạo một mạng lưới vững chắc và dày đặc. Chính sự tạo mạng lưới này sẽ làm một đứa trẻ trở nên toàn diện về mặt trí tuệ và cảm xúc.
Theo TS.Pam Schiller, từ 14 tháng tuổi trẻ có thể chính thức học điều chỉnh cảm xúc thông qua giao tiếp với cha mẹ và những người chăm sóc bé.
Vậy làm sao nuôi dưỡng cảm xúc của bé trước 14 tháng tuổi? Việc tương tác của mẹ khi cho con bú, hoặc những câu chuyện cha kể cho bé nghe hoặc cách mà cha mẹ chơi cùng bé cũng là cách tạo tiền đề cho các cảm xúc của trẻ phát triển.
Lúc này não bộ bước qua 1 giai đoạn phát triển tính chủ động độc lập, và giai đoạn tantrum (hay giận, khóc, mè nheo) phát triển để rèn luyện khả năng điều chỉnh cảm xúc của bé sau này ở những biến cố lớn hơn.
Ví dụ: Bé đòi mẹ dẫn bé đi lên đi xuống các bậc thang nhiều lần mặc dù bạn đang ngồi nói chuyện với bạn bè, và rất dễ tantrum và bướng bỉnh nếu bé cảm thấy bạn không làm theo hoặc dành thời gian nói chuyện với người khác.
Hành động của nhiều cha mẹ thường làm, nhưng không dạy bé điều chỉnh cảm xúc: Xin phép mọi người, bạn dẫn bé đi 1-2 lần nữa và cảm thấy bực la bé và bé càng khóc và to hơn.
Thay đổi để giúp bé học cách điều chỉnh cảm xúc: Khi bé biểu hiện hành vi không đúng. Tại thời điểm này bé cần nhất là dạy cách kiểm soát nó. Nếu bạn không chú ý bỏ qua và chỉ dùng "mệnh lệnh" để ngăn cản thì bé sẽ vẫn cứ lặp lại và thậm chí khi bé lớn bé vẫn không thể chấp nhận một người khác không đồng ý với mình.
1. Đừng dùng bất cứ lời nói "ra lệnh" nào vì sẽ làm cảm xúc "phản đối" có thêm năng lượng để "gào thét". Việc bạn cần làm là cắt nguồn năng lượng đó càng sớm càng tốt để dành không gian cho cảm xúc thứ 2 xuất hiện. Do đó, bạn chỉ cần thay đổi thái độ nghiêm lại hoặc dùng kí hiệu (để tay lên miệng ra hiệu im lặng) và nói với bé: "Mẹ đang nói chuyện với cô, lát mẹ sẽ dẫn con đi, được không".
2. Nếu bé có khóc thì bạn làm động thái "xin phép người bạn của bạn" và bế bé sang 1 ghế ngồi khác, cứ để bé sử dụng hết năng lượng của cảm xúc thứ 1, bạn vẫn ngồi đó và không cần nói. Khi hết năng lượng của cảm xúc 1, cảm xúc thứ 2 sẽ phát triển, bé sẽ tự điều chỉnh ít khóc hơn và chịu lắng nghe hơn. Nhiều bé có năng lượng dài và cảm xúc mãnh liệt sẽ tiếp diễn nhiều lần, nhưng cứ mỗi lần diễn ra như vậy và bạn cũng hành động cùng 1 cách như trên, năng lượng sẽ tự phân bố và bé sẽ biết cách ngoan hơn ở những lần sau. Số phút thời gian im lặng được khoa học chứng minh có hiệu quả là bằng số tuổi của bé.
3. Khi cảm xúc thứ 2 xuất hiện là lúc bạn cần phải nói cho bé hiểu. Lời giải thích là ngàn vàng hơn là lời trách mắng. Muốn thay đổi 1 hành vi không nằm ở bạn quát mắng hay trừng phạt bao nhiêu, mà nằm ở cách mà bé hiểu vấn đề nằm ở chỗ nào.
4. Sau cảm xúc thứ 2, tiếp đến là hàng loạt cảm xúc để điều chỉnh hành vi của bé xuất hiện để rồi trẻ sẽ biết chọn 1 cảm xúc thích hợp đối với mỗi tình huống.
Cha mẹ dùng vũ lực, la mắng và trừng phạt nghiêm khắc. Điều này chỉ làm trẻ hằn sâu hơn cảm xúc đầu tiên, mà không có cơ hội cho hàng loạt cảm xúc khác phát triển. Những vấn đề tâm lý trẻ nhỏ cũng có thể phát triển ở bé.
Thực tế, rất nhiều người dù rất giỏi học vấn, nhưng cách ứng xử với đồng nghiệp hoặc khách hàng luôn được đánh giá là không tốt. Tuy nhiên, nếu từ nhỏ, thay vì chỉ dừng lại việc nói "KHÔNG" và làm trẻ cố giữ cảm xúc thứ 1, bạn nên khuyến khích cho trẻ trải nghiệm nhiều cảm xúc hơn nữa thì sẽ tốt hơn cho trẻ.
Cách tương tác và tạo không gian cho một đứa trẻ nhận ra cảm xúc bản thân, dạy cách bé đối phó với nó vì thực tế cuộc sống chúng ta không luôn dễ dàng, và cuối cùng học cách làm hài hòa giữa bản thân bé và người khác xung quanh. Đây là một điều mà theo tôi mọi đứa trẻ phải được dạy khi còn bé.
Bác sĩ Anh Nguyễn hiện đang công tác tại ĐH Worcester-Anh, là thành viên của Hiệp Hội Dinh Dưỡng Lâm Sàng Anh (The British Association for Applied Nutrition and Nutritional Therapy). Bác sĩ có nhiều bài viết tư vấn về việc chăm sóc sức khỏe cho Mẹ&bé trên trang cá nhân, cũng là đồng tác giả của cuốn sách "Làm mẹ không áp lực".
* Bài viết có tham khảo từ nguồn: Pam Schiller (2005) The Complete Resource Book for Infants. Gryphon House, Inc. London
Chủ đề liên quan:
bỏ qua cha mẹ chỉ số chỉ số thông minh cuộc sống hạnh phúc dành thời gian dạy con nuôi dạy nuôi dạy con phát triển trí tuệ quan tâm quan trọng thần đồng toán học thông minh trẻ thông minh trí thông minh